Header Ads

  • Breaking News

    Vũ Đức Liêm - Khi Việt Nam bị 'ốm': Số phận một dân tộc giữa những trận dịch


    Chúng ta nói nhiều về một Việt Nam cường tráng. Đó là Việt Nam anh dũng, tài hoa, nhân văn, với địa linh nhân kiệt… Nhưng thực tế, bên cạnh những ngày khỏe mạnh, Việt Nam cũng có lúc ốm đau.
    Một kịch bản vận chuyển người cách ly tại Khu cách ly tập trung thành phố ở huyện Củ Chi, TPHCM



    LTS: Sau COVID-19, dịch bệnh nào sẽ được gọi tên? Liệu lịch sử thế kỷ XXI có chứng kiến sự trở lại của những “cái chết Đen” trong quá khứ? Hay lại là một biến chủng khác trong bối cảnh toàn cầu hóa, khiến chúng ta phấp phỏng âu lo, đợi chờ? Đằng sau ống kính lịch sử dịch bệnh, những con số, những sử liệu “biết nói” nhiều hơn những điều chúng ta nghĩ. Và thứ quá khứ phức tạp và nhiều ẩn số ấy, luôn vẫy gọi, để ta truy cầu chính ta; cho ta một kiến giải thú vị về hôm nay. Hơn cả một cảm giác lịch sử, là một cảm giác rất đương đại.

    Trí nhớ xã hội (cũng như của tất cả chúng ta) cố quên đi lúc đau ốm, yếu ớt, mà chỉ nhớ về những ngày khỏe mạnh vui tươi. Nhưng dù có muốn nhớ về nó hay không, thì bệnh tật luôn là một phần của quá khứ. Việc chúng ta học được gì từ những ngày ốm là cực kỳ hữu ích, vì nó giúp nhận thức sự mẫn cảm sinh học của Việt Nam để có cách thức phòng tránh trong tương lai.

    Khi Việt Nam nhiễm bệnh

    Nhìn lại quá khứ, Việt Nam dễ bị nhiễm bệnh hơn chúng ta vẫn nghĩ. Dù may mắn không có những đại dịch như “cái chết Đen” (dịch hạch) ở châu Âu, tuy nhiên khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và khả năng tương tác quốc tế bằng đường biển dọc theo 3260km duyên hải tạo ra môi trường cho các bệnh dịch bùng phát hay lây nhiễm từ nơi khác đến. Các đợt dịch trên gia súc cùng với đậu mùa và tả là những đe dọa chủ yếu trong lịch sử, mặc dù ghi chép của sử gia thời trung đại dùng từ dịch để chỉ tất cả các đợt bùng phát khác nhau.

    Toàn cầu hóa đẩy mạnh kết nối bằng đường biển của người Việt từ thế kỷ XVI là cánh cửa mở ra đối với dịch bệnh. Cập cảng khi đó không chỉ các con tàu thương mại, thương nhân, hàng hóa, mà còn chuột, gián và các loại vi trùng, vi-rút… Nửa đầu thế kỷ XIX là ví dụ, giai đoạn Việt Nam cực kỳ dễ tổn thương với các đại dịch. Cả hai đợt dịch tả toàn cầu (lần 1: 1816-1826; lần 2: 1829-1851) đều gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới Việt Nam.

    Tỷ lệ này tương đương với khoảng 2-4% dân số thời đó bị chết. Với người Việt trong quá khứ, dịch bệnh là câu chuyện của trời [thiên] và con trai ông, thiên tử [nhà vua]. Với người dân sống ở kinh thành Huế năm 1825, dịch không đơn thuần là vấn đề sức khỏe hay y tế. Thời tiết, thiên tai và bệnh dịch là trách nhiệm của vị thiên tử đang trị vì - Minh Mệnh. Khi thần dân bị chết chính là cảnh báo của “thiên” dành cho con của mình.

    Năm 1825, Minh Mệnh đã tự hỏi: “Hai ba năm nay đại hạn luôn, trẫm nghĩ chưa rõ vì cớ gì. Hay vì con gái bị giam hãm trong cung nhiều, nên khí âm uất tắc mà đến thế chăng? Nay đàn bà con gái trong cung cũng không nhiều lắm, song tạm lựa cho ra 100 người, may ra tai biến bớt chăng?” (Thực lục). Gần bốn thế kỷ trước đó, vua thứ hai nhà Lê là Thái Tông (năm 1437) từng hạ chiếu tuyên bố: “Mấy năm nay hạn hán sâu bọ xảy ra liên tiếp, tai dịch có luôn, phải bớt hình phạt, giảm thuế khóa, để yên lòng dân”.

    Bệnh dịch, thiên tai vì thế là một phần quan trọng của câu chuyện tính chính danh, chính thống, và thiên mệnh của người cầm quyền. Hãy xem cách sử quan nhà Nguyễn chép về dịch bệnh và thiên tai từ năm 1682 đến 1685. Số phận của nhà vua và người cầm quyền phụ thuộc vào các chỉ dấu thiên tai, dịch bệnh và ngược lại.

    Từ thời Hán tới Đường, dịch bệnh, lam chướng vùng châu thổ sông Hồng là nỗi ám ảnh đối với các quan chức “Thiên triều” phương Bắc. Khi Đường Thái Tông sai quan chức là Tổ Thượng đi cai trị phương Nam (năm 628), viên quan này dù đã lạy tạ nhận lời trước mặt vua nhưng cố sống cố chết không đi, thậm chí chấp nhận bị chém. Khi được hỏi thì ông ta thưa: “Đất Lĩnh Nam lam chướng, dịch lệ, đó là cái lẽ đã ra đi thì không trở về” (Toàn thư).

    Sức đề kháng của Việt Nam

    Ghi chép đầu tiên về ảnh hưởng lịch sử của dịch bệnh có từ thời Triệu Đà. Đại Việt sử ký toàn thư chép việc năm 181 trước công nguyên, nhà Hán cử quân tiến đánh Nam Việt, nhưng do khí hậu ẩm thấp, bệnh dịch bùng phát mà phải bãi quân. Vì thế, từ đó Triệu Đà mới hưng thịnh, và chiếm lấy đất đai của người Việt ở vùng châu thổ sông Hồng.

    Có lẽ nỗi ám ảnh dịch bệnh vùng nhiệt đới đã nhiều phen “giúp” người Việt giảm được xung đột bạo lực với phương Bắc. Nhà Tống đã xâm lược nước ta hai lần (981; 1075-1077). Khi “nhu cầu” tổ chức viễn chinh lên cao vào năm 1006, các quan chức dâng vua Tống Chân Tông bản đồ đường thủy, đường bộ từ Ung Châu đến Giao Châu, tuy nhiên ông này giao cho cận thần xem và nói rằng: “Giao Châu nhiều lam chướng dịch lệ, nếu đem quân sang đánh thì chết tất nhiều, nên cẩn thận giữ gìn cõi đất của tổ tông mà thôi” (Toàn thư).

    Dịch bệnh, thiên tai và loạn lạc thường đi cùng nhau. Chúng là những bạn đồng hành thân thiết, tác nhân thường trực gây ra hỗn loạn, dân ly tán, bạo lực xã hội, và sau cùng là hưng vong, thịnh suy của các triều đại. Một nửa các trận dịch từ năm 1100 đến 1670 tập trung vào thời điểm khi quân Minh chiếm Việt Nam và giữa các cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều, Đàng Trong - Đàng Ngoài. Trận dịch năm 1472 làm nửa dân số Nghệ An bị chết đến sau chiến dịch quân sự quy mô lớn của vua Lê Thánh Tông vào vương quốc Champa (năm 1471).

    Dịch bệnh cũng đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong tiến trình phát triển chính trị, lãnh thổ, hưng vong triều đại và thịnh suy dòng họ. Một trong những sự kiện ít được biết tới chính là cuộc viễn chinh lớn nhất của người Việt sang đất Thái Lan cuối thế kỷ XVIII. Nhằm chống lại sự bành trướng của người Thái, Mạc Thiên Tứ cử con rể là Trần Đại Định cùng 5 vạn quân thủy bộ tiến công sang phía tây. Đạo binh thuyền nối đuôi nhau kéo dài 12 dặm đã tới đóng tại Chanthaburi (đông Thái Lan ngày nay). Không may là trong vòng hai tháng sau đó, đạo quân này bị dịch tả tấn công. “Có ngày chết cả trăm người”. Vì thế năm vạn quân ra đi, chỉ còn một vạn trở về.

    Rộng lớn hơn, dịch bệnh không chỉ góp phần thay đổi số phận của nhiều cá nhân, gia đình mà cả triều đại, vương quốc và cuối cùng là số phận của dân tộc Việt Nam. Một ví dụ khác chính là câu chuyện của vương triều Nguyễn.

    Bảng dưới đây là một thống kê khác ở thế kỷ XIX: Thiên tai, dịch bệnh và nạn đói ở châu thổ sông Hồng năm 1820-1841

    Đậu mùa đã giết chết hoàng tử Cảnh (năm 1801), con trai cả của Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long) và đảo lộn trật tự kế ngôi trong triều đình, dẫn tới đường đến ngai vàng của nhà vua tài năng nhưng có cái nhìn khắt khe đối với phương Tây là Minh Mệnh. Đậu mùa cũng làm cháu Minh Mệnh là Tự Đức thể trạng suy yếu, không có con nối dõi. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới bản thân ông vua và gia đình mà còn tác động trực tiếp tới vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Năm 1883, sau cái chết của vua Tự Đức, đình thần phân chia bè phái, tranh đoạt quyền kế vị thì cũng là lúc tàu chiến Pháp tiến vào cửa sông Hương, nã pháo vào kinh thành. Số phận của Việt Nam đã được định đoạt như thế, từ bi kịch bệnh tật của một cá nhân tới hành trình gian nan của một dân tộc.

    Bệnh dịch làm thay đổi chính sách, làm gián đoạn nền chính trị vào giữa thế kỷ XIX. Thống kê năm 1850 cho thấy, trận dịch làm hơn nửa triệu người chết và vua Tự Đức yêu cầu đình chỉ tất cả công văn, giấy tờ, thuế khóa… ở những nơi có dịch. Bệnh dịch cũng tạo ra thách thức đối với chính sách an sinh xã hội của nhà nước, vua Thiệu Trị áp dụng một loạt biện pháp từ phát thuốc cho dân tới cấp tiền tuất cho người chết.

    Năm 1849, giữa lúc các trận dịch này, các quan chức ở Huế đã có cơ hội để gây sức ép lên Tự Đức thi hành 5 đề xuất, trong đó có những vấn đề được cho là bất khả xâm phạm từ thời Minh Mệnh, như khôi phục cho con cháu của Mỹ Đường (con hoàng tử Cảnh, cháu đích tôn vua Gia Long) vào phả hệ tôn thất. Thứ hai là miễn tội cho Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt và Lê Chất. Thứ ba là cho con cháu nhà Lê bị bắt phải phân tán được trở về Thanh Hóa. Nhờ điều này, thế kỷ XX chúng ta mới gặp Kỳ Ngoại hầu Cường Để (thuộc dòng Mỹ Đường), người cùng Phan Bội Châu dẫn dắt cuộc vận động Đông Du. Cũng nhờ đó mà lăng mộ Lê Văn Duyệt được khôi phục trở lại để trở thành một di sản là Lăng Ông hiện nay.

    Cuối cùng, sẽ là ngây thơ nếu nói rằng lịch sử thuộc địa của Việt Nam bắt đầu bằng việc một vị hoàng tử bị đậu mùa. Quá khứ phức tạp và nhiều ẩn số hơn thế. Tuy nhiên, điều rõ ràng là trong vòng quay lịch sử của dân tộc này, dịch bệnh đã trở thành một phần của câu chuyện quá khứ. Điều đáng chú ý là tuy thỉnh thoảng Việt Nam bị nhiễm bệnh, cấu trúc làng xã trong quá khứ, hạn chế của giao thương, cũng như chính sách kịp thời của nhà nước đã góp phần ngăn chặn các đợt bùng phát. Xã hội hiện đại chính là các đô thị, dân cư chuyển động liên tục và nền kinh tế gắn chặt với toàn cầu. Đây sẽ là một thách thức cho những người cầm quyền mới, điều mà Lê Thánh Tông, Minh Mệnh hay Tự Đức chưa phải đối mặt.
    (phunuonline.com.vn)

    Không có nhận xét nào