Vấn đề Biển Đông và Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc hiện nay |
(I)
Năm 2020, tròn 70 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ trong 70 năm ấy giữa hai nước có vui, có buồn, có hữu nghị, có xung đột, thậm chí chiến tranh.
Trên thực tế mối quan hệ này đã không suôn sẻ từ hơn bốn chục năm, mặc dù có vẻ hai nước vẫn ôm lấy cái mà Trung Quốc gọi là “đại cục”: cùng lý tưởng chính trị, cùng xây dựng xã hội chủ nghĩa. Cái “đại cục” này được gọi là “đại cục” để che lấp, che khuất hết những bất đồng, xung đột khác chăng? Có thể!
Trung Quốc là quốc gia có dân số lớn nhất thế giới và đã phát triển vũ bão trong mấy chục năm qua nhờ công cuộc cải cách mở cửa. Bình quân đầu người khi bắt đầu công cuộc này chỉ với 156 USD (thấp hơn cả khu vực được coi là nghèo nhất thế giới lúc đó là Hạ Sahara, 390 USD) thì nay, theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc đã ở mức trên 10.000USD (2019), trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Tính theo sức mua tương đương, quy mô nền kinh tế Trung Quốc đã vượt Mỹ từ năm 2014. Với mục tiêu “100 năm thứ hai” tính đến 2049, Trung Quốc sẽ thực sự trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Và cũng sẽ đến danh xưng siêu cường, sánh ngang Mỹ.
Để trở thành siêu cường – điều mà Trung Quốc vẫn còn đang ủ mưu – Trung Quốc đã có những phát triển và cải tổ mạnh mẽ về mặt quốc phòng và quân sự. Các hệ vũ khí mới được phát triển, đặc biệt các vũ khí có tầm chiến lược, vươn cao vươn xa, có sức công phá lớn như: tên lửa, máy bay, tàu chiến, vũ khí – khí tài vũ trụ. Trung Quốc liên tiếp cho đóng tàu sân bay, tàu đổ bộ trực thăng tấn công khổng lồ, tàu tự hành. Ngày 27/5/2019 họ đưa máy bay ném bom hạng nặng ra Hoàng Sa và lần đầu tổ chức tuần tra liên hợp tại khu vực này. Trên tất cả, Trung Quốc tổ chức lại bộ máy quân sự, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản với người chỉ huy cao nhất là Tập Cận Bình, Tổng bí thư – Chủ tịch nước.
Trung Quốc cũng không giấu diếm việc tìm kiếm vai trò quản trị quốc tế trên mọi lĩnh vực, thậm chí đưa mô hình quản trị của họ như một hình mẫu khả thi mà thế giới có thể cần và noi theo.
Trái với việc ủ mưu siêu cường, Trung Quốc không giấu diếm việc cạnh tranh chiến lược với Mỹ trên mọi mặt trận có thể. Rõ ràng nhất là để đối trọng với việc Tổng thống Obama tái cân bằng Chiến lược châu Á – Thái Bình Dương, Chủ tịch Tập Cận Bình có ngay sáng kiến “Vành đai và Con đường” đáp lại (“Vành đai con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển”, đã trở nên quen thuộc với tên chữ cái tiếng Anh: BRI – Belt and Road Initiative). Phải nói ngay đó là một sáng kiến khôn ngoan, nó không chỉ tranh thủ được các đối tác về cả ngoại giao, kinh tế, kết nối địa chiến lược mà còn giúp Trung Quốc “”tiêu thụ” sự thặng dư nguồn lực của mình. Nghĩa là với BRI, Trung Quốc muốn “được” mọi phương diện.
BRI đã khiến Tổng thống mới của Mỹ, Donald Trump lại phải thêm một lần điều chỉnh: chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” ra đời. Cuộc cạnh tranh giữa hai thế lực lớn nhất thế giới, ngấm ngầm hoặc bộc phát trở thành cuộc chiến địa chính trị toàn cầu. Với phiên bản “Vành đai – Con đường” đối chọi phiên bản “Ấn – Thái” Trung Quốc cho thấy mình muốn gì, đang làm gì và ở đâu.
Từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, giống như một cái thùng không đáy hứng sự đầu tư của thế giới tư bản, bước sang thế kỷ XXI Trung Quốc gần như đột ngột xuất hiện trong tư cách nhà cung ứng tài chính không chỉ cho thế giới thứ ba mà cho cả địa cầu. Với ngân khoản khổng lồ có được từ sự phát triển kinh tế của mình, Trung Quốc ồ ạt đầu tư ra nước ngoài, không kịp gây ngạc nhiên cho người quan sát. Chỉ riêng giai đoạn 2013-2017, Trung Quốc đã chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư nước ngoài. Sáng kiến Vành đai – Con đường lại là một ví dụ khác.
***
Sự lớn mạnh của Trung Quốc chắp cánh cho những toan tính sẵn có. Toan tính ấy là toan tính toàn cầu nhưng trước hết nhằm phục vụ lợi ích và quyền lực của Trung Quốc trong khu vực chiến lược sát sườn Đông Nam Á /ASEAN. Trung Quốc luôn lớn tiếng ASEAN là hạt nhân, là trung tâm giữ vai trò quyết định trong hợp tác và an ninh khu vực (các nước lớn Mỹ, Nhật Bản cũng nói vậy) nhưng vai trò ấy phải trong vòng kiềm tỏa. Năm 2010, trong một cuộc làm việc ở Hà Nội, có sự tham gia của cả Ngoại trưởng Mỹ và các Ngoại trưởng ASEAN, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc – một cách rất nước lớn – đã chỉ vào đại diện của Singapore và Việt Nam mà bảo rằng các anh chỉ là những nước nhỏ, rồi giận dữ bỏ ra ngoài.
Các nước Đông Nam Á lục địa cùng chung hệ thống sông Mekong. Dòng sông này bắt nguồn từ Tây Tạng với Lan Thương (Trung Quốc) ở thượng nguồn. Năm 1995, Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia lập ra Ủy hội sông Mekong (MRC) để cùng quản lý dòng sông này. Một trong những việc đầu tiên của MRC là thúc đẩy việc cấm xây dựng các đập thủy điện lớn. Mọi thứ đang còn ngổn ngang thì tháng 3/2016 một cơ chế hợp tác khác, Hợp tác Lan Thương – Mekong, LMC, do Trung Quốc khởi xướng, bao gồm Trung Quốc và các nước trên cộng thêm Myanmar ra đời.[1]
Trung Quốc đề nghị lập một cơ cấu quản lý và cơ cấu này nên nằm ở Vân Nam. Khỏi cần một cơ cấu quản lý, ai cũng biết chính các con đập quản lý nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa của dòng sông. Riêng Trung Quốc đã xây tới 11 con đập, chứa lượng nước khổng lồ 47 tỉ m3. Một lượng nước như vậy bị trữ lại đã gây thiệt hại rất nhiều cho vùng hạ lưu, đặc biệt đồng bằng sông Cửu Long nằm ở cuối nguồn. Đã có dự báo từ sớm, xâm nhập mặn ở vùng này sẽ khốc liệt chưa từng vào quý I năm nay 2020. Và thực tế đã diễn ra như vậy. Hạ nguồn (Thái Lan, Campuchia, Việt Nam) đang đói, đói nước, đói cá, đói phù sa.
Lượng thủy sản của hệ thống sông này được coi là một trong những nguồn thủy sản nội địa lớn nhất thế giới, chiếm gần 1/4 lượng đánh bắt cá nước ngọt toàn cầu. Ngư dân Thái Lan cho biết mực nước và lượng cá đã đang giảm hẳn từ khi Trung Quốc xây dựng các con đập. Muốn vận chuyển lớn, họ xả nước, còn không thì giữ lại. Mực nước không ổn định khiến cá không đẻ trứng. Nổ mìn, phá đá mở rộng lòng sông và nạo vét cát sỏi ở thượng nguồn đã phá hệ sinh thái và đe dọa an ninh lương thực của hàng triệu người phụ thuộc vào nó. (Theo thông tin vừa cập nhật, Nội các Thái Lan đã tuyên hủy Dự án khơi thông luồng lạch, ghềnh đá trên sông Mekong vào ngày 11/02/2020 và đây được coi là thắng lợi chưa từng có).
Một vấn đề khác: Trung Quốc cũng là đối tác hàng đầu của các nước Đông Nam Á về kinh tế – thương mại, đặc biệt với Việt Nam, được coi là nước xuất nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực. Do quan hệ truyền thống lâu đời và một đường biên hơn 1400km đã khó quản lý, buôn bán tiểu ngạch và buôn lậu phát triển mạnh lúc nóng lúc lạnh lại càng khó quản lý. Chưa nói trong quan hệ thương mại, phía Việt Nam hầu như bị động hoàn toàn vào nhập khẩu từ Trung Quốc.
***
Nhưng có lẽ Biển Đông mới là vấn đề lớn nhất trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước ASEAN nằm ven bờ: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei. Trong những nước này thì Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố sở hữu hai quần đảo Hoàng Sa/Tây Sa và Trường Sa/Nam Sa, còn các nước Philippines và Brunei tuyên bố sở hữu một phần (một số hòn đảo của quần đảo Trường Sa/Nam Sa). Indonesia tuyên bố sở hữu quần đảo Natuna nhưng vùng nước phía Bắc của quần đảo này nằm trong phạm vi đường 9 đoạn mà Trung Quốc nêu ra (Indonesia thường cho thấy họ không có tranh chấp với Trung Quốc, nhưng ngay đầu năm 2020, ngày 1/1 Indonesia đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại nước này để phản đối việc các tàu cá và hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng nước Natuna).
Sự quan tâm của Trung Quốc đến Biển Đông, những tuyên bố và hành động gần như đột ngột của nước này đến vùng biển chung của các nước Đông Nam Á mà họ muốn một mình sở hữu đã gây nên sự hoang mang lẫn phẫn nộ trong vùng. Đặc biệt với Việt Nam, nước gắn bó nhiều lợi ích nhất với Biển Đông (hơn hẳn Trung Quốc) và cũng là nước có nhiều duyên nợ với Trung Quốc về lịch sử, địa lý, văn hóa,… Biển Đông có gì? Biển Đông có tất cả. Một nguồn lợi cá và hải sản khổng lồ, một nguồn lợi về tài nguyên dầu khí lên tới hàng ngàn tỉ đô la Mỹ và nhất là một tuyến hàng hải, một tuyến thương mại quốc tế không thể thay thế. Khống chế được tuyến này là có thể bắt nạt các quốc gia cần đến nó, bắt nạt các nước lớn, bắt nạt cả thế giới.
Gắn với tranh chấp Biển Đông, gắn với sự tham lam của Trung Quốc là “đường 9 đoạn”. Con đường này không hiểu vì lý do gì mươi năm gần đây lúc thì Trung Quốc gọi 9 đoạn, lúc thì 11 đoạn, lúc thì 10 đoạn một cách tùy tiện và chỉ được gọi theo hình thức cắt đoạn như vậy, không một lần có tên gọi theo nội dung, nhưng Trung Quốc ngầm cho hiểu nó là đường biên giới quốc gia trên biển của họ (không dính bất cứ một quy định hay thông lệ quốc tế nào, kể cả điều mà Trung Quốc viện dẫn là “vùng nước lịch sử”).
Lập trường về “đường 9 đoạn” được Trung Quốc chính thức đề cập đến lần đầu là văn bản được trình lên Liên hợp quốc ngày 7/5/2009- Họ từng tuyên bố không đòi hỏi quyền lợi vùng biển trong “đường chín đoạn” theo UNCLOS mà theo tập quán quốc tế, là quyền lợi lịch sử như tiền lệ tư pháp quốc tế nhưng lại không chứng minh được đường này qua các bản đồ lịch sử mà chỉ dựa vào chứng cứ mơ hồ thông qua các tuyên bố “hàng ngàn năm lịch sử” “hai ngàn năm lịch sử”, “từ thời nhà Hán”.v.v… Nếu nói về đời nhà Hán có thể đưa thêm một dẫn chứng ngược. Thư tịch Trung Quốc thời đó mô tả tàu thuyền đi qua vùng biển này – Hoàng Sa/Tây Sa – nhất là tàu thuyền có chốt sắt, thường bị bẻ ra hoặc bị giữ lại làm đắm thuyền vì các hòn đảo ấy toàn đá nam châm(?) Bây giờ ta có thể hiểu đó là những bãi đá nước lên xuống theo thủy triều, không có đá nam châm nào cả, gặp lúc nước rút tàu không thoát kịp sẽ trơ trọi nằm lại với đá. Một khu vực nguy hiểm “toàn đá nam châm”, không có dân cư, không có điều kiện sống lại cách xa Trung Quốc như vậy thì “tổ tiên” đòi hỏi chủ quyền làm gì? Chưa nói văn kiện nào tuyên bố chủ quyền mấy ngàn năm trước từ thời Hán để đến bây giờ các giới trách nhiệm Trung Quốc tranh nhau nói về vùng nước lịch sử và việc phải bảo vệ “đất đai tiên tổ”(?)
Có lẽ người đầu tiên vẽ con đường này (năm 1933) muốn chỉ ra khu vực đánh cá mà các ngư thuyền Trung Quốc từng lui tới chăng? Phía Trung Quốc cũng không bao giờ cung cấp công khai văn bản ấy. Nếu có chút ít pháp lý (dù mơ hồ) thì họ đã trưng ra Tòa trọng tài khi Tòa này xét xử theo đơn kiện của Philippines (dù không tham gia phiên tòa hoặc không chấp nhận phán quyết của Tòa).
Một việc cũng thú vị là năm 2012, trước sự mù mờ của dư luận Trung Quốc và quốc tế và của cả những người sáng tạo ra nó, ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải tuyên bố là hai năm sau đó sẽ xác định được vững chắc cơ sở pháp lý của đường 9 đoạn. Bây giờ đã 2020, nghĩa là gần 8 năm sau rồi, chưa biết ông này đang ở đâu cùng với thề thốt của mình(?).
Trung Quốc bám víu vào đường 9 đoạn như là cơ sở chủ yếu cho tham vọng chiếm quyền ở Biển Đông. Nhưng ngoài đường chín đoạn, họ còn đánh chiếm các đảo đá (quần đảo Hoàng Sa 1974, một số đảo đá của Trường Sa 1987, 1988 và Scarborough, Mischief….. vào những dịp khác). Và họ vừa nghe ngóng vừa mở rộng, xây cất trên các đảo đá đánh chiếm được theo chiến thuật tằm ăn rỗi mà phương Tây gọi là cắt lát salami.
***
Một vấn đề liên quan đến Biển Đông bắt buộc có sự tham gia của Trung Quốc và có ý nghĩa thực tế hơn: Xác lập bộ Quy tắc ứng xử cho các bên (COC).
COC là chủ đề các nước ASEAN, đặc biệt các nước ven Biển Đông rất quan tâm. Nhưng Trung Quốc thì tùy. Cuộc đàm phán về COC bắt đầu được các bên tiến hành vào năm 2013 – mười một năm sau khi có DOC (Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông). Nghĩa là rất chậm, vì Trung Quốc không muốn COC, họ coi DOC là đủ rồi. Tổng thư ký của tổ chức ASEAN lúc đó than phiền rằng tổ chức này không thể lôi kéo Trung Quốc vào các cuộc thảo luận thực chất. Bắt đầu rồi mà như chưa bắt đầu, cứ như sên bò vậy. Bằng cách đó Trung Quốc muốn cho mọi người thấy rằng họ cơi nới chưa xong, họ còn phải mang vũ khí đặt lên đấy đã,… Không thể lộ liễu hơn, Trung Quốc chơi trò câu giờ. Trong 7 bãi đá (Chữ Thập, Gạc Ma, Châu Viên, Tư Nghĩa, Gaven, Vành Khăn, Xubi) mà Trung Quốc cơi nới thì đá Chữ Thập đã được mở rộng tăng kích thước lên gấp 11 lần, lớn hơn cả đảo Ba Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa/Nam Sa mà Đài Loan đang chiếm giữ. Cho đến trước khi mở rộng, Trung Quốc là bên duy nhất không có đường băng ở Trường Sa (Đài Loan có ở Ba Bình, Philippines có ở Thị Tứ, Malaysia có ở đá Hoa Lau, Việt Nam có ở đảo Trường Sa Lớn) thì bây giờ đường băng đã xuất hiện ở Chữ Thập, Vành Khăn, Xubi. Câu giờ đủ rồi, Trung Quốc mới quay sang COC. Trong hai năm 2017, 2018 họ công bố rằng “văn bản duy nhất” của COC đã được các bên cùng đọc. Thế nào là văn bản duy nhất? Theo các nguồn tin, đây là 11 văn bản do 11 quốc gia đưa ra và nó còn quá xa cách nhau về nội dung, nhất là những vấn đề cơ bản như: phạm vi các thực thể địa lý được đề cập, các yếu tố chế tài trên cơ sở pháp luật quốc tế… Theo ông I. Storey từ Viện ISEAS (Singapore) “Hà Nội và một số nước đưa ra một danh sách dài những điều mà họ muốn COC cấm nhưng thật ra lại là những điều Trung Quốc đã làm trong những năm qua”. Nhà phân tích M.J. Valencia thì nói với South China Morning Post: “Rất ít khả năng có được một COC có hiệu lực pháp lý như mong muốn”. Tờ Nikkei (Nhật) thì cho rằng, mặc dù bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc không muốn bị coi như kẻ ngoài vòng pháp luật do vậy quan tâm đến COC có thể giúp họ hóa giải tình trạng này?
Các nước ASEAN có lẽ muốn có sự chế tài trên cơ sở luật pháp quốc tế thông qua Bộ quy tắc ứng xử. I. Storey cho rằng, COC muốn có giá trị pháp lý thì phải trình lên Liên Hiệp Quốc, nhưng Bắc Kinh lại không chấp nhận. Còn Ngoại trưởng Philippines Locsin thì bảo “Chấp nhận những yêu sách của Trung Quốc là gián tiếp công nhận bá quyền của Trung Quốc, như cho con voi vào phòng khách”
Có một điều chắc chắn là COC không phải để giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Trung Quốc luôn cho chủ quyền các đảo, đá là vấn đề song phương mà COC chỉ có thể kiểm soát ổn thỏa những bất đồng phát sinh từ Biển Đông, bản nâng cấp chút đỉnh của DOC mà thôi.Thực tế cũng có thể không hẳn như vậy, vì thế nào là “bất đồng” và phạm vi những bất đồng ấy là gì và kiểm soát thì như thế nào. Chưa nói, Trung Quốc muốn COC không có sự can thiệp của bên ngoài trong tiến trình thảo luận (cũng vì vậy mà tiến trình này được bảo mật) nhưng các nước “bên ngoài” lại rất muốn tham gia vì vấn đề tự do hàng hải. Mà vấn đề này lại liên quan đến thế nào là phi quân sự hóa đang được các bên tranh cãi. Trung Quốc cho rằng phi quân sự hóa là tàu quân sự đi qua khu vực 12 hải lý quanh các đảo “của họ” phải có sự xin phép, còn Mỹ và các nước nói chung thì coi việc Trung Quốc xây dựng sân bay, đưa vũ khí khí tài ra các đảo đá được xây đắp, mở rộng đã là quân sự hóa rồi.
Việc tìm được sự đồng thuận giữa các bên về các vấn đề chủ chốt không hề đơn giản. Có hai luồng dư luận: một, COC chưa chắc đã cải thiện tình hình hiện nay; hai, có COC vẫn hơn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố tại Hội nghị về các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á năm 2014: “Việc điều hành công việc, giải quyết các vấn đề châu Á, bảo vệ an ninh châu Á là giành cho người châu Á”. Và Trung Quốc yêu cầu trong văn kiện COC thì việc thăm dò và phát triển dầu khí và tài nguyên biển nói chung ở các vùng tranh chấp sẽ do các nước trong khu vực tiến hành, không hợp tác với các quốc gia bên ngoài. Cũng như sẽ không có các cuộc tập trận chung với các quốc gia ngoài khu vực. Yêu cầu này cho thấy, COC sẽ có thể tạo ra một dàn xếp mang tính độc quyền, trái với công ước Liên hiệp quốc về luật biển. Bà Dewi Fortuna Anwar, nhà quan sát người Indonesia đặt câu hỏi: “Làm thế nào để đảm bảo rằng COC sẽ không thể chế hóa mối quan hệ rất bất đối xứng gây bất lợi không chỉ cho các nước ASEAN mà còn cho các bên liên quan rộng lớn hơn ở Biển Đông, bao gồm cả việc không chú ý đến tất cả các điều khoản của UNCLOS? Các nước Việt Nam, Malaysia, Philippines đã khẳng định COC sẽ không bao gồm bất kỳ điều gì gây ảnh hưởng tới các quyền và nghĩa vụ của các bên theo luật pháp quốc tế…” Trung Quốc đã từng viện dẫn đoạn 4 của DOC quy định về giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán giữa các bên liên quan để phủ nhận thẩm quyền của Tòa Trọng tài và chỉ trích Philippines đã vi phạm DOC. Nhưng DOC chỉ là một tuyên bố ứng xử lỏng lẻo, thế nào mới được gọi là đàm phán, mà Trung Quốc lại chỉ muốn song phương mà thôi.
Trong khi làm ra vẻ thúc đẩy COC Trung Quốc luôn luôn nói rằng tình hình Biển Đông vẫn yên ổn thì thực tế đã xảy ra nhiều chuyện bất ổn. Một tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào tháng 6/2019 và hơn hai chục ngư dân lênh đênh giữa biển khiến dư luận nước này sôi sục, ba tháng sau họ mới có lời xin lỗi. Và suốt từ tháng 7 đến cuối tháng 10/2019 tàu thăm dò và hải cảnh Trung Quốc liên tục cản trở, quấy phá Việt Nam hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế của mình, bãi Tư Chính, dù Việt Nam nhiều lần lên án và dư luận quốc tế phản đối. Trước đó, các tàu này cũng đã thường xuyên cản trở hoạt động của Malaysia ở bãi Luconia. Và sau đó, cho đến tận đầu tháng 1/2020, hải cảnh và tàu cá Trung Quốc liên tục thâm nhập hải phận Bắc Natuna của Indonesia.
Philippines từng là nền kinh tế có trình độ phát triến thứ hai ở châu Á sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Trong Chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã dựa vào Philippines cũng như dựa vào Hàn Quốc, Nhật Bản như là nơi cung cấp hậu cần cho cuộc chiến tranh, một lợi ích mà biết khai thác có lẽ Philippines cũng sẽ có một nền kinh tế không cách xa lắm với Hàn Quốc, Nhật Bản, nghĩa là một nền kinh tế phát triển. Hay sự tham nhũng của tổng thống độc tài Marcos và gia đình ông ta đã nuốt hết mọi cơ hội của Philippines mà khi trở thành người lãnh đạo của đất nước này, ông Duterte đã thất vọng đổ cho đồng minh lâu đời là Mỹ để làm một cuộc thoát Mỹ nhập Trung. Ông Duterte cũng bày tỏ thất vọng vì tổng thống tiền nhiệm đã để mất bãi cạn chiến lược Scarborough ở ngay cửa ngõ trung tâm quyền lực chính trị, kinh tế, quân sự Manila, nhưng ông đã làm gì? Trong 3 năm làm tổng thống, ông gặp ông Tập Cận Bình 8 lần và thăm Trung Quốc 5 lần. Sau lần gặp gỡ mới đây, ông thừa nhận là hoàn toàn bế tắc vì đối tác quyết không thay đổi lập trường. Dù vậy, ông vẫn muốn cùng khai thác với Trung Quốc vì cho rằng Philippines đã cạn kiệt nguồn cung. Theo các hãng tin nước ngoài, nếu Bắc Kinh thực sự giành được quyền khai thác chung với Philippines ở bãi Cỏ Rong thì sẽ là một bước lùi tai hại cho các bên cùng có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Nó như một chỉ dấu về cách thức “cùng khai thác” mà Trung Quốc muốn.
Những người Philippines ủng hộ Tổng thống Duterte thì nói rằng, trong khi làm chủ tịch ASEAN, Campuchia cũng đã hai lần bỏ phiếu chống lại việc ASEAN thông qua những tuyên bố chỉ trích hoạt động xây dựng và mở rộng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông, còn hơn ông Tổng thống của họ bây giờ? Người ta quên một điều là Campuchia có thể chẳng có lợi ích trực tiếp gì từ Biển Đông nhưng Philippines thì sao?
Giám đốc Viện các vấn đề biển và luật biển của Đại học Philippines, Jay Batongbacan cho rằng: “Philippines đã phung phí những đòn bẩy có thể có đối với Trung Quốc thông qua việc gạt bản phán quyết của Tòa Trọng tài trong thời gian làm Chủ tịch ASEAN sang bên lề. Nếu Philippines không quan tâm đến việc đưa phán quyết vào nghị trình của ASEAN, không quốc gia nào khác trong hoặc ngoài khu vực có thẩm quyền đạo đức để đề cập đến phán quyết”
***
Ngày 13/7/2019, cơ quan CSIS (Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ) đã có bài viết nhận định Trung Quốc đã hoàn toàn bất chấp ít nhất 9 phán quyết chủ yếu của Tòa Trọng tài, sau 3 năm Tòa này ra phán quyết.
Thứ nhất, không tuân thủ phán quyết bãi Cỏ Mây và vùng biển xung quanh là thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines. Các tàu Trung Quốc tiếp tục thường xuyên tuần tra qua lại và có lần, trực thăng của họ còn quấy rối nguy hiểm một tàu tiếp tế của Philippines.
Thứ hai, chiếm đóng trái phép đá Vành Khăn, phản đối tàu Mỹ đi qua vô hại trong phạm vi 12 hải lý của đá này.
Thứ ba, ngăn chặn Philippines khai thác tài nguyên trong thềm lục địa của họ và ở bãi Cỏ Rong.
Thứ tư, Trung Quốc tiếp tục đơn phương đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá từ tháng 5 đến tháng 8 trong một khu vực phần lớn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (và Việt Nam).
Thứ năm, Trung Quốc đã không ngăn chặn ngư dân của họ hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, tại bãi Vành Khăn và trên khắp Trường Sa. Tháng 6/2019, một trong số các tàu này đã đâm chìm một tàu cá Philippines
Thứ sáu, không tuân thủ phán quyết không cho phép ngư dân Trung Quốc khai thác trái phép loại sò tai tượng có nguy cơ tuyệt chủng bằng các biện pháp tàn phá môi trường, phá hủy nghiêm trọng một diện tích lớn san hô, dưới sự chứng kiến của lực lượng tuần duyên Trung Quốc như một sự phá hoại lấy được.
Thứ bảy, Trung Quốc đã phá hủy trái phép môi trường thông qua việc xây đắp đảo. Trung Quốc đã hoàn thành công việc nạo vét và chôn lấp tại quần đảo Trường Sa vào cuối năm 2016. Cũng bao gồm cả việc Trung Quốc lắp đặt các trạm giám sát trên các rạn san hô ở Hoàng Sa, hủy hoại môi trường sống dưới biển.
Thứ tám, không tuân thủ phán quyết, các tàu chấp pháp của Trung Quốc tiếp tục vi phạm các quy định về chống va chạm bằng cách tạo ra nguy cơ va chạm, gây nguy hiểm cho các tàu của Philippines. Vụ quấy rối tàu tiếp tế của Philippines gần bãi Cỏ Mây tháng 5/2018 là một ví dụ.
Điều cuối cùng, thứ chín. Đặt thứ tự thứ chín là dụng ý của người viết bài này, còn CSIS đặt nó ở vị trí thứ nhất vì đây chính là vấn đề đường 9 đoạn. Phán quyết của Tòa trọng tài là Trung Quốc không thể yêu sách chủ quyền hoặc các quyền khác trong phạm vi đường 9 đoạn vốn vượt khỏi lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà Trung Quốc được UNCLOS cho phép. Và ở đây, điều CSIS phê phán là dù đã ít đề cập hơn (trước đây) về đường chín đoạn nhưng việc nước này tiếp tục tuyên bố có chủ quyền lịch sử đối với hầu hết các vùng biển và đáy biển ở khu vực này (Biển Đông) tiếp tục phản đối tất các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong đường 9 đoạn bất kể chúng nằm cách các thực thể mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền bao xa, tiếp tục để ngư dân của mình đánh cá trong các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Indonesia là vô pháp, không thể chấp nhận. Đặt điều này vào vị trí cuối cùng chúng tôi muốn khẳng định đây là sự bất tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài then chốt nhất, nghiêm trọng nhất dẫn đến tất cả các hoạt động bất tuân khác của Trung Quốc.
***
Coi Biển Đông là của mình, cùng với việc xâm chiếm và xây cất, mở rộng các đảo đá, Trung Quốc đã từng bước thiết lập sự kiểm soát các tầng không gian của Biển Đông.
Ngày 8/6/2016 Trung Quốc xây dựng Đài quan sát đáy biển, giúp tìm kiếm khoáng sản và phục vụ cho mục đích quân sự. Đây là đài quan sát ngầm đầu tiên của một quốc gia tại Biển Đông. Đài quan sát này, theo India Times, sẽ được quan sát liên tục theo thời gian thực, đảm bảo độ chính xác cao. Tiến thêm một bước, tháng 9/2019 Trung Quốc thiết lập hệ thống thiết bị bay không người lái (UAV) kiểm soát tầng không. Với hệ thống này, Biển Đông được Trung Quốc đặt dưới sự kiểm soát đa tầng, nghĩa là mọi hoạt động dưới mặt đất, trên mặt đất và trong khoảng không trên mặt nước biển đều không thóat khỏi “tầm nhìn” của họ. Thiết bị này còn giúp họ tìm kiếm dầu khí trong lòng biển và nhanh chóng biết được các quốc gia lân cận đang làm gì với tài nguyên ấy. Mới đây nước này còn thí nghiệm thành công thiết bị lặn tự hành có thể khảo sát ở phạm vi 2000km và sâu 2000m. Cùng với những tiền đồn, căn cứ quân sự mà Trung Quốc đã xây dựng ở Biển Đông (cho đến nay Trung Quốc có ít nhất 27 tiền đồn từ Hoàng Sa đến Trường Sa), thêm một lần Trung Quốc bắt nạt các nước trong khu vực.
Tại Biển Đông, các căn cứ quân sự (bao gồm các sân bay) đã được Trung Quốc thiết lập trên đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa), đá Subi, đá Vành Khăn, đá Chữ Thập. Radar, tên lửa còn được hiện diện ở những cơ sở nhỏ hơn. Vụ Tư Chính đã cho thấy những căn cứ này phát huy tác dụng như thế nào. Tàu Hải Dương Địa chất 8 sau một thời gian quấy rối việc thăm dò, khai thác của Việt Nam ở Bãi Tư Chính lại trở về đây tiếp nhiên liệu, phụ liệu, không phải trở về tận Hải Nam hay các cảng đất liền. Điều này đã không thể xảy ra trước khi Trung Quốc hoàn thành việc xây cất các đảo đá.
Nhưng, nếu một cuộc chiến tranh nổ ra lại khác. Theo những gì có thể thấy, các đảo nhân tạo không đủ lớn để dự trữ pháo, đạn hoặc trang thiết bị thay thế. Các căn cứ ấy cũng là các mục tiêu cố định, không có tầng bao phủ tự nhiên, càng không có khả năng cơ động chuyển vị trí. Nói tóm lại, nếu là một cuộc tấn công/phản kích mạnh, có ý đồ thì những căn cứ này dễ bị tiêu diệt. Hơn nữa, “vì tên lửa không yêu cầu dữ liệu mục tiêu theo thời gian sống nên tàu chiến và máy bay Mỹ sẽ dễ dàng trong chiến dịch tấn công các căn cứ trên các đảo nhân tạo”, tờ National Interest viết ngày 17/9/2019. Tuy nhiên, trang tin này cũng cho rằng, các đảo nhân tạo là công cụ để Trung Quốc khẳng định các yêu sách chính trị về hàng hải và tài nguyên ở Biển Đông và các căn cứ quân sự đi kèm là công cụ để hù dọa các nước nhỏ yếu ven Biển Đông.
***
“Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” cho đến nay là một khái niệm đã được thừa nhận nhưng chưa đồng nhất về một định nghĩa. Nhật, Mỹ, những nước đầu tiên đề cập đến khái niệm này đã cùng đồng ý về một “khu vực tự do và mở rộng”. Và họ cũng muốn có một bộ tứ gồm Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ làm hạt nhân. Tuy nhiên, Ấn Độ muốn tránh nói đến bộ tứ, cũng không đưa ra một quan điểm có ý nghĩa chính trị về khu vực này. Ngoại trưởng Jaishanka của Ấn Độ nói: “Khi khái niệm này xuất hiện, mỗi nước có cách nhìn và cách tiếp cận riêng. Họ có thể trao đổi để tìm ra những điểm trùng hợp. Với Ấn Độ, đó là một khu vực mở, bao trùm và cân bằng. Cũng không thể chia tách Ấn Độ Dương khỏi Thái Bình Dương”.
ASEAN thì ban đầu có vẻ dị ứng với nó. Trước hết vì nó không xác định vai trò của ASEAN vốn vẫn coi (và được coi) mình là trung tâm. Hơn nữa nó mang ý nghĩa địa chiến lược của một tập hợp có vẻ chống lại Trung Quốc. Do đó các nước ASEAN đều dè dặt và hầu như không muốn nhắc đến. Song vì sự việc vẫn tồn tại, ngay bên cạnh ASEAN, va chạm với ASEAN vì các nước lớn đều nói đến nó nên cuối cùng, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 họp tại Bangkok, 6/2019, khối này cũng phải thông qua một văn kiện mang tên “Quan điểm ASEAN về “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (AOIP).
Đây thực chất là quan điểm của Indonesia, nước lớn nhất trong khu vực. Indonesia vốn đã muốn xây dựng một trục hàng hải vắt qua Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và muốn được định vị như một cường quốc biển ở khu vực này. Đó hẳn là lý do quan trọng khi khái niệm địa chiến lược này được đưa ra. Nhưng trong khi khái niệm này có vẻ tạo ra một tập hợp chống lại Trung Quốc thì vị thế của Indonesia như đã nói trên lại không được đề cập. Đó là lý do tại sao Indonesia muốn khởi sự một định nghĩa khác về Ấn – Thái riêng cho ASEAN.
***
ASEAN đã tuyên bố trở thành một cộng đồng nhưng những gì cho thấy là một cộng đồng không thống nhất, một cộng đồng mà mỗi nước theo đuổi những tính toán, lợi ích riêng cho mình. Họ chỉ cùng thống nhất quan điểm về những vẫn đề ở xa tít tắp, không ảnh hưởng đến họ. Những vấn đề gần, thiết thực thì họ phải xem được gì, mất gì nếu phải đeo mang quan điểm với cả hội, nhất là vấn đề biển đảo.
Cũng không thể trách được gì vì ASEAN là tập hợp xã hội với những điều kiện xã hội khác nhau (Các nước Đông Dương cũng vậy. Một nhà nhân chủng học Pháp thời thuộc địa, những năm 30 của thế kỷ trước đã có một nhận xét khái quát: Người Lào chỉ thích vui chơi, nhảy múa, họ có nhiều lễ hội, một năm chỉ cần mấy tháng xuống nương ra đồng là được. Người Việt thì chỉ nhìn thấy những gì hiện ra tức thì, họ không thể nhìn xa hơn nếu có bức tường trước mặt. Còn người Khmer, bắt tay họ quay đi thì phải quay lại ngay, coi chừng… Những năm 70 có không ít bộ đội, cán bộ Việt Nam bị mất tích ở vùng Đông Bắc Campuchia trong khi thỉnh thoảng lại bắt gặp những lính Khmer đỏ vác dao trên đường). Vấn đề biển đảo ở Biển Đông đã bao giờ có được một ý chí chung giữa các nước này? Chưa. Sự rạn nứt bắt đầu từ năm 2010, vào cái thời điểm mà chúng tôi đã đề cập ở trên, đến năm 2012 việc này trở nên rõ ràng. Campuchia khi đó là Chủ tịch ASEAN đã công kích Việt Nam và Philippines vì phê phán quan điểm của họ. Khi Philippines kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế và giành được phán quyết thuận lợi của Tòa, tháng 7/2016, chỉ có Việt Nam bày tỏ sự hoan nghênh. Các nước ASEAN khác, tùy từng thời điểm cho đến nay đã cho thấy quan điểm của mình đối với phán quyết này nói chung là dè dặt.
Tuy nhiên, các nước ASEAN cũng tăng cường hợp tác cùng khai thác tài nguyên biển trong các khu vực chồng lấn, thể hiện một tinh thần hiểu biết. Đã có thỏa thuận chung giữa Thái Lan và Malaysia về việc mỗi bên có thể khai thác 50% sản lượng khí đốt trong khu vực này. Campuchia và Thái Lan cũng tích cực thúc đẩy việc khai thác năng lượng trong khu vực chồng lấn giữa hai nước. Trong khi đó, Việt Nam đang thảo luận với Indonesia và Malaysia về việc xác định vùng đánh cá chung trong khu vực tiếp giáp giữa ba nước, tránh tình trạng bắt giữ tàu cá của nhau hoặc gây ra các sự hiểu lầm khác.
Trung Quốc là bên tranh chấp lớn trong vấn đề Biển Đông. Họ giống như là một mình một phía với tiềm lực kinh tế, quốc phòng, chính trị vượt trội. ASEAN, trong vấn đề Biển Đông, muốn là đối tác đa phương của Trung Quốc nhưng nước này kiên quyết giữ song phương, có đàm phán thương lượng thì riêng với từng nước liên quan, không làm với “một tập hợp”. Nhưng Trung Quốc đã tốn công, tốn sức không ít và có sự bối rối lớn khi tìm kiếm sự ủng hộ của thế giới vào thời kỳ mà Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 và khi Philippines – Aquino kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài. Những gì họ đã làm và đạt được trong vấn đề này là không đáng bỏ công. Trong danh sách các nước ủng hộ mà họ công bố lúc đó, hầu hết là các nước châu Phi và các quốc đảo tí xíu ở Thái Bình Dương. Không một nước lớn, không một nước phương Tây, thậm chí cũng không một nước ASEAN trong tổng cộng 70 nước mà Trung Quốc nói rằng ủng hộ họ. Nhưng điều đáng nói là trong cuộc tấn công “làm việc” vào các nước tí hon Vanuatu, Samoa, Tonga, Papua New Guinea, các nhà ngoại giao Trung Quốc cho các nước này biết họ là “nạn nhân” trong vụ tranh chấp và “Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên và phát triển các đảo ở Biển Đông, còn Việt Nam và các nước khác mới chỉ tuyên bố chủ quyền trong năm 1970 (?) sau khi ở đây phát hiện các mỏ dầu và khí đốt”. Lúng túng, tất cả xuất phát từ cách làm không chính nghĩa.
***
Dù muốn hay không, Biển Đông đã là vấn đề quốc tế bởi sự tranh chấp giữa nhiều quốc gia trong khu vực. Nó càng trở thành vấn đề quốc tế khi là một trong những đường hàng hải quan trọng nhất của thế giới.
Nước lớn gần cận với quan điểm của Việt Nam nhất có lẽ là Nhật Bản. Nhật Bản từng ủng hộ Trung Quốc khi Đặng Tiểu Bình đến Nhật, ngay trước khi Trung Quốc đánh Việt Nam 1979. Lập trường này đã có nhiều thay đổi, đặc biệt dưới thời cầm quyền của thủ tướng Abe. Quan hệ giữa hai nước ổn định, gần như là đồng minh cho đến lúc này. Nhật Bản là quốc gia cấp nhiều vốn ODA cho Việt Nam nhất và cũng đặc biệt giúp Việt Nam xây dựng các cơ sở hạ tầng. Không có dấu hiệu gì, không có lý do gì để thấy rằng quan hệ thân thiết giữa hai nước có thể bị phá vỡ.
Xét từ chiều sâu 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Liên Xô/Nga là đồng minh của Việt Nam. Mối quan hệ này chưa từng đổi khác, cho dù vật đổi sao rời. Ngày nay đây là mối quan hệ có thể tin cậy của Việt Nam dù trong khi đó quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã vượt lên, trở thành mối quan hệ mà cả hai nước này đều thề rằng tốt nhất trong lịch sử (đây không phải là quan hệ đồng minh, cũng không phải liên minh nhưng dựa vào nhau để tìm sự thống nhất trong đối chọi với Mỹ).
Trong vấn đề Biển Đông, Nga có lúc cũng nói là không quốc tế hóa sự tranh chấp trong khu vực. Nhưng nói chung, có thể thấy chính giới Nga, dư luận Nga ủng hộ Việt Nam, thông qua cách đưa tin trên các phương tiện truyền thông, hoặc các cuộc hội thảo ở Viện Hàn lâm hay trường đại học được đặc biệt tổ chức về vấn đề này. Chẳng hạn tiêu đề một bản tin của hãng TASS trong dịp xảy ra vụ Tư Chính: “Việt Nam kiên quyết đấu tranh trước bất cứ một hành vi nào xâm phạm chủ quyền” hoặc hãng này trích dẫn lời phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ: “Trung Quốc cần kiềm chế các hành động khiêu khích tại Biển Đông”. Hãng Interfax của nước này còn trích dẫn cả lời phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana chỉ trích Trung Quốc vì những hăm dọa. Đặc biệt trong “bối cảnh Tư Chính”, ngày 17/7/2019 Nga công bố thư khen ngợi của Tổng thống Putin đối với giám đốc Rosneft Việt Nam BV (Công ty con của tập đoàn Rosneft) một động thái không chỉ được coi là khéo léo ủng hộ Việt Nam mà còn khẳng định quyền của Nga trong thăm dò, khai thác ở đây.
Tại cuộc hội đàm với tổng thống Putin (Sochi, ngày 6/9/2018) trong khi Tổng thống Nga nói rằng Moscow muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ an ninh và quốc phòng với Hà Nội thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Việt Nam xem Nga là một trong những đối tác quan trọng và đáng tin cậy nhất.
Chính sách “ba không” của Việt Nam trong quan hệ quốc tế (Sách trắng quốc phòng 2019 mới xuất bản nêu “bốn không”), đặc biệt với các nước lớn, thế giới đã rõ. Nhưng trong bối cảnh ngày càng phức tạp, cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, chính sách này cần được điều chỉnh. Một liên minh liên kết với một nước mạnh, có thể làm chỗ dựa cho Việt Nam, tại sao không?
Một liên minh có điều kiện, không nhất thiết phải là đồng minh. Trong điều kiện hiện nay, Việt Nam có thể sẵn sàng với quốc gia nào và quốc gia nào có thể sẵn sàng cùng Việt Nam? Vấn đề không đơn giản bởi tính tự giác phải đến từ hai phía.
Có thể thấy một điều Mỹ là một nước lớn và là quốc gia duy nhất đã phản đối đích danh Trung Quốc trong các sự kiện ở bãi Tư Chính. Mỹ cũng có lợi ích to lớn ở Biển Đông. Nhưng chỉ những điều ấy thôi chưa đủ, sự liên minh liên kết phải được dựa trên sự tin cậy. Và nếu được như thế, chắc chắn đó là sự hợp tác chiến lược. Trên tờ Bloombeng 17/11/2019, tác giả J. Starviridis đã viết: “Mặc dù không phải là đồng minh như Thái Lan, Philippines, Mỹ và Việt Nam cần có một khuôn khổ hợp tác chính thức về an ninh”.
Mỹ từng là kẻ thù của Việt Nam và giữa hai nước là một cuộc chiến tranh khốc liệt nhất. Không có kẻ thù nào là vĩnh viễn, cũng như không có bạn bè nào vĩnh viễn, người Trung Quốc đã nói vậy và họ có thể là tấm gương về việc này. Trung Quốc từng ủng hộ Pôn Pốt – Ieng Sary, ủng hộ chế độ diệt chủng quyết liệt chống lại Heng Samrin – HunXen và gọi chế độ ở Phnom Penh hiện nay là tay sai của Việt Nam. Bây giờ thế nào? Trung Quốc không hề xấu hổ khi tuyên bố Hun Sen là người bạn thân thiết nhất của họ. Cả hai đều biết vì sao lại như vậy, vì sao lại cần phải như vậy.
Việt Nam cũng không bao giờ muốn là kẻ thù của Trung Quốc. Hơn nữa dòng chính trong lịch sử cận đại giữa hai nước là ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, tình thế quy định và đặt tên sự việc.
***
Trở lại vấn đề Tư Chính.
Đầu tháng 7/2019 Trung Quốc đưa tàu Hải Dương Địa chất 8 tới phía đông bắc bãi Tư Chính, làm cái việc mà họ gọi là khảo sát đáy biển khu vực này. Theo như họ cho biết, họ đã “khảo sát” 10 lô dầu khí trong một vùng biển rộng 35.000 km2 hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Đã có lúc Hải Dương 8 chỉ cách Phan Thiết 185km, hoặc Ninh Thuận 155km, xâm nhập sâu vào EEZ của Việt Nam.
Đi theo tàu này, có nhiều tàu hải cảnh hộ tống, thậm chí cao điểm có lúc có tới tám chục tàu hải cảnh và tàu dân quân Trung Quốc bao quanh và cản trở, xua đuổi tàu Cảnh sát biển Việt Nam. Những tàu này còn dấn thêm một bước là quấy rối gần lô 06-01, nơi Rosneft Việt Nam đã hoạt động khai thác trong nhiều năm qua. Đây cũng là nơi mà hai tập đoàn BP và Conoco Philips từ đầu những năm 2000 đã triển khai dẫn khí đốt vào đất liền Việt Nam, đáp ứng một phần năng lượng cho nhà máy điện. Hiện tại khí từ mỏ Lan Đỏ chiếm tới 1/10 tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam và đang do Rosneft Việt Nam khai thác. Cần nói rằng xa bờ hơn một chút là các lô 07-03 và 136-03 cũng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, là nơi vào các năm 2017 và 2018, Trung Quốc đã gây sức ép buộc công ty Repsol của Tây Ban Nha phải rời đi.
Hoạt động của các tàu hải cảnh này không đơn thuần là bao bọc, che chắn cho Hải Dương 8 mà còn nhuốm màu bạo lực. Chẳng hạn ngay từ đầu, ngày 2/7, các tàu hải cảnh đã di chuyển với tốc độ cao trong một cự ly gần giữa hai tàu Việt Nam hay giữa tàu Việt Nam với giàn khoan. Sau đó, trong thời gian căng thẳng nhất, họ lại tiến hành đâm va và phun nước vào các tàu Việt Nam bảo vệ giàn khoan, giống như các hoạt động của họ trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014.
Ngoài mục đích tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, hoạt động của Hải Dương Địa chất 8 còn mục đích gây sức ép với Nga (có lẽ đây là mục đích chính?), nước đang có công ty Rosneft hoạt động trong khu vực theo thỏa thuận giữa hai chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga trước đó, theo cách mà Trung Quốc từng gây sức ép với Repsol của Tây Ban Nha. Như đã đề cập, ngay trong dịp này, Nga đã công khai thư khen ngợi của Tổng thống Putin đối với Giám đốc Rosneft Việt Nam BV, công ty đang hoạt động thăm dò ở đây, một phản ứng rõ ràng đối với Trung Quốc. Về phía mình, ngay từ đầu, phản ứng của Việt Nam là mạnh mẽ. Ngày 12/7 Thủ tướng Việt Nam đã đến trụ sở cảnh sát biển và trực tiếp đàm thoại, động viên lực lượng này đang làm nhiệm vụ ở bãi Tư Chính. Suốt trong quá trình tàu Hải Dương Địa chất 8 và các tàu hải cảnh gây rối, Cảnh sát biển Việt Nam đã kiên quyết không rời vị trí, đáp trả ngoan cường các hành động có tính chất vũ lực của họ.
Chính phủ Việt Nam thông qua giao thiệp của Bộ Ngoại giao đã kiên quyết, liên tục phản đối việc xâm phạm chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc.
Điều quan trọng là mặc dù mọi cản trở từ phía Trung Quốc, Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của mình ở khu vực này.
Một điều đáng lưu tâm khác là việc Trung Quốc đã thách thức gần như cùng lúc đối với chủ quyền các nước ASEAN (trước đó là đối với Malaysia và Philippines) thêm một lần cho thấy các nước này cần phải có sự đoàn kết, cần phải có một tiếng nói chung hơn bao giờ hết. Chính trong dịp này, cuối tháng 8/2019 thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã có cuộc thăm viếng Việt Nam. Trong tuyên bố chung, hai bên đã nhấn mạnh vấn đề Biển Đông phải được giải quyết bằng hòa bình, thông qua các tiến trình pháp lý, không đe dọa sử dụng vũ lực, và phải tuân thủ Công ước luật biển của Liên hợp quốc 1982. Trong cuộc đi thăm một nước ASEAN khác ngay sau đó, từ kinh nghiệm xử lý các khoản vay nợ của nước mình sau khi trở lại làm Thủ tướng, ông Mahathir đã nói: “Hãy trân trọng giá trị của độc lập tự chủ, một khi vay nợ (và khó trả) thì sẽ không còn độc lập tự chủ nữa”. Ông Thủ tướng cũng nói rằng, nếu để nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ cũng có nghĩa là để mất chủ quyền, “nhưng những can thiệp khẩn thiết như trường hợp Khmer Đỏ trước đây lại khác”. Có lẽ ông muốn nhắc đến hành động hy sinh giúp đỡ Campuchia của Việt Nam mà đến nay cũng vẫn còn những ý kiến khác trong khu vực? “Để ngăn các cường quốc can thiệp, các nước ASEAN phải đoàn kết thành một khối vững chắc”, ông kết luận.
***
Tính đến 2016, Việt Nam đã ký kết 13 thỏa thuận đối tác chiến lược và 11 đối tác toàn diện với các nước. Có ba nước là đối tác chiến lược toàn diện là Trung Quốc (2008), Nga (2012) và Ấn Độ (2016). Nhưng thực tế đã không như vậy trong quan hệ với Trung Quốc.
Đối tác chiến lược toàn diện trước hết là sự hợp tác, tin cậy trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng, quan hệ hai nước Việt Nam – Trung Quốc có sự hợp tác tin cậy đó không? Cần nhìn vào sự thật qua bốn chục năm nay: Không. Tháng giêng năm 2017, hai Bộ trưởng Quốc phòng hai nước, trước sự chứng kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã ký tại Bắc Kinh “Tuyên bố tầm nhìn chung về sự hợp tác quốc phòng đến năm 2025”, một văn bản mà dư luận tin rằng “chỉ có giá trị về mặt chính trị”, tuyên truyền.
Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trước hết là quan hệ láng giềng gần gũi, nhiều tương đồng về lịch sử, văn hóa. Nhưng quan hệ gần gũi, láng giềng ấy là quan hệ giữa một nước lớn và một nước nhỏ và bởi vậy, Việt Nam đã phải hứng chịu một ngàn năm thuộc Bắc. Cuối cùng trong thế kỷ XX Việt Nam cũng trở thành một nước hoàn toàn tự do và độc lập. Nhưng những di sản bất lợi của một ngàn năm ấy phải giải quyết đã không hề dễ dàng. Sau một thập kỷ chiến tranh và xung đột giữa hai nước – thập kỷ 80 của thế kỷ XX – phải mất thêm một thập kỷ nữa hai nước mới có thể đàm phán về vấn đề biên giới trên bộ. Phải mất 6 vòng đàm phán cấp chính phủ, 16 cuộc hội đàm của nhóm làm việc chung và nhiều cuộc gặp cấp chuyên gia khác, đến sát ngày cuối cùng của thập kỷ 90, hai nước Việt Nam và Trung Quốc mới ký được Hiệp ước Biên giới trên bộ và đến ngày 25/12/2000, cũng sau 10 vòng đàm phán cấp chính phủ, 18 cuộc hội đàm của Nhóm làm việc chung hai nước mới ký được Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ. Nhưng như ta đã biết, tất cả những điều đó chưa phải là kết thúc.
***
Người Trung Quốc hiện nay đang có cái nhìn như thế nào về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc?
Nhiều tác giả, bao gồm cả những học giả và không học giả Trung Quốc đã có những bài viết về Việt Nam hoặc về quan hệ Việt – Trung. Không ít những bài như “Cơ hội của Việt Nam trong chuỗi ngành nghề toàn cầu” (www.dunjiaodu.com, ngày 27/6/2019), nói về sự phát triển kinh tế của Việt Nam với những số liệu và phân tích khá xác đáng, những dự báo có cơ sở, những thiếu hụt cần phải vượt qua và những kết quả có thể hy vọng. Hay, mặc dù chịu sự kiểm duyệt nặng nề, một số học giả Trung Quốc vẫn đưa ra những ý kiến khách quan về “Nam Sa” (Trường Sa) về “đường chín đoạn” như Trần Khắc Kỷ, Lý Lệnh Hoa. Nhưng nói chung các bài viết thường thiên về phê phán, dạy dỗ, thậm chí xuyên tạc và thậm chí nữa, nói lấy được. Một nữ nghiên cứu viên của Viện khoa học xã hội Quảng Tây bảo rằng, Trung Quốc đất rộng, người đông, vì thế (?) không thể chấp nhận một vùng biển nhỏ hẹp. Một học giả ở Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới (Bắc Kinh) mà tôi tôn trọng, cũng bảo rằng từ Việt Nam đi đến Philippines phải vượt qua “đường biên” với Trung Quốc (ý nói đường 9 đoạn) (?) Đặc biệt vừa qua, ông Trương Minh Lượng, nghiên cứu viên Đại học Ký Nam (Quảng Đông) có bài: “Ngoại giao Việt Nam làm phức tạp hóa vấn đề Biển Đông” – đăng trên tạp chí Đông Nam Á (Trung Quốc). Bài viết khá dài và loanh quanh chữ nghĩa không có sức để bình luận, chỉ xin hỏi lại ông Trương hai điều. Một, ông bảo nhà cầm quyền Việt Nam phải dung túng chủ nghĩa dân tộc (ý muốn nói là chống Trung Quốc) để bù đắp sự thiếu hụt tính hợp pháp của họ. Thiếu hụt tính hợp pháp ở chỗ nào thưa ông? Thứ hai, điều này mới quan trọng, mới là bản chất của điều ông muốn nói. Ông bảo cuộc chiến Việt Nam – Campuchia cuối những năm 70 thế kỷ XX thực tế là cuộc chiến ba bên với bên thứ ba là Trung Quốc (hay thật!). Và bây giờ theo ông, tình huống ba bên ấy lại xuất hiện y chang, quan hệ Trung Quốc – Campuchia ngày càng ấm lên và quan hệ của Việt Nam với hai nước này ngày càng lạnh nhạt, thậm chí quan hệ Việt Nam – Campuchia đã đạt đến mức căng thẳng với hai nguyên nhân là Trung Quốc đã viện trợ ào ào cho Campuchia và người Campuchia thì “căm ghét” Việt Nam chẳng khác gì trước đây? Ông Trương khẳng định: điều này là chắc chắn. Và ám chỉ: Cơ hội bùng phát cuộc chiến tranh tương tự cuối những năm 1970 đã sẵn sàng, và Việt Nam đang lo ngại.
Xin hỏi ông: Trung Quốc trước đây ủng hộ Khmer Đỏ (Lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc từng nói Khmer Đỏ là chế độ giết người, nhưng Trung Quốc ủng hộ vì Khmer Đỏ đánh Việt Nam); và từng tuyên bố chế độ Hun Sen – Heng Samrin là tay sai của Việt Nam nhưng Trung Quốc hiện nay lại ra sức viện trợ cho họ như ông nói, coi họ là những người bạn lý tưởng nhất. Vậy là sao? Còn về việc Việt Nam giúp đỡ Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pot và nhân dân Camphuchia đánh giá điều đó như thế nào ông có thể tìm đọc bài phát biểu của ông Hun Sen ngày 4/10/2019, trong lần thăm Việt Nam mới đây.
***
Như đã đề cập, Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc về kinh tế và công nghệ. Từng nói đến “thoát Trung” nhưng bây giờ càng dính chặt hơn. Người Việt Nam là như vậy, không có cái gì kiên quyết cả (trừ việc cả nước ra đường phải đội mũ bảo hiểm, một sự thành công đáng ngạc nhiên). Báo chí đưa tin trong 7 tháng đầu năm 2019 Việt Nam nhập khẩu 42,5 tỷ đô la hàng hóa từ Trung Quốc, tăng gần 20%, cả máy móc, thiết bị lẫn nguyên liệu, phụ liệu. Không có một nước nào mà nền kinh tế phụ thuộc nhập khẩu từ nước láng giềng cao như Việt Nam (và xuất khẩu cũng vậy, dù rằng thâm hụt. 70% nông sản xuất khẩu là sang Trung Quốc). Số liệu thống kê về xuất nhập khẩu hàng năm của phía Trung Quốc thực tế cao hơn Việt Nam nhiều (trung bình khoảng 15% vì họ nắm chắc hoạt động của đường tiểu ngạch). Thấy nguy cơ nhưng nói xong để đấy, như chỉ nhìn thấy bức tường trước mặt. Không ai quan tâm tại sao, hoặc lờ đi vì không giải quyết nổi. Vấn đề là chính Trung Quốc cố tình tạo ra một thị trường buôn lậu và tiểu ngạch nhộn nhịp qua nhiều ngách biên giới khó kiểm soát. Khó kiểm soát nhưng không phải không biết (hoặc chỉ nhìn thấy “bức tường”). Cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Lê Minh Triết, gần đây đã phải nói “Nhà nước Việt Nam đã không làm tròn trách nhiệm”. Tôi không muốn dùng đến khái niệm “thoát Trung”. Nói vậy giống như đang chịu đựng một sự kìm kẹp. Mà nguyên nhân của chuyện này chủ yếu và trước hết là do chúng ta. Việt Nam là nước nhỏ so với Trung Quốc nhưng với dân số gần trăm triệu người thì lại là nước lớn trong ASEAN, là tấm gương (phản chiếu chứ chưa phải để soi) mà các nước nhìn vào.
Vấn đề thứ nhất, buôn lậu và tiểu ngạch. Trung Quốc dung túng thì hoàn toàn có thể “bóp” vào, bằng thuế, bằng khối lượng, bằng chất lượng do họ quy định và vân vân. Người hứng chịu sẽ là nông dân và những người buôn bán tiểu ngạch, cũng có nghĩa là chính phủ, chưa nói vô vàn rủi ro trong làm ăn tiểu ngạch qua biên giới. Việt Nam phải chủ động và kiểm soát nó, khó khăn nhưng có thể kiểm soát.
Vấn đề thứ hai: Tiềm tàng nguy cơ lớn Trung Quốc trả đũa. Nước này có thói quen không quân tử là dùng biện pháp kinh tế – thương mại để trả đũa những vấn đề không liên quan, như đã từng làm với Philippines, Na Uy, Hàn Quốc… Cách ứng phó của Việt Nam là không để chỉ khi thấy nguy cấp thì mới đề cập đến như một vấn đề chiến lược, qua rồi thì “cho qua”. Việt Nam cũng không được để những nguyên liệu thiết yếu cho sản xuất chỉ đến từ một hướng, chỉ đến từ Trung Quốc. Ở đây chính là vai trò của nhà nước, của chính phủ. Phải có kế hoạch ngay từ khi nguy cơ ấy tiềm tàng. Kế hoạch này phải có lộ trình, kiểm điểm theo lộ trình. Có đắng cay, có sút giảm (thậm chí nặng nề) nhất thời cũng phải chấp nhận. Coi như một cuộc chiến, mà cuộc chiến thì không thể thất bại.
(II)
Dư luận trong nước cho rằng trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, nhất là qua vụ việc ở bãi Tư Chính, cách ứng xử của Nhà nước Việt Nam như vậy là chưa đủ , chưa được, còn quá dè dặt. Người ta nhìn vào kết quả: Trung Quốc vẫn thế, vẫn ra vào ngang nhiên. Tôi đồng ý phần nào quan điểm này. Người dân cần ủng hộ Chính phủ, nhưng không có nghĩa vụ ủng hộ vô điều kiện. Người dân cũng có quyền thảo luận với Chính phủ một cách lý trí nhưng không để tình cảm lấn át, thiếu hiểu biết, càng không thể đại ngôn, lớn lời, bài bác vô lối.
Trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có quan hệ sâu rộng nhất với Trung Quốc, trên mọi lĩnh vực. Cùng với Myanmar và Lào, Việt Nam có đường biên giới trên bộ khá dài với Trung Quốc. Việt Nam cùng có biên giới trên biển quan trọng với nước này, không nói về đường 9 đoạn. Việt Nam cũng sở hữu hệ thống Mekong-Lan Thương với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á lục địa. Việt Nam cũng là nước có quan hệ kinh tế – thương mại lớn nhất với Trung Quốc.
Để thấy rằng những tính chất bất khả kháng của Việt Nam trong mối quan hệ này và cũng để thấy rằng Việt Nam phải ở hàng đầu trong cách ứng xử với Trung Quốc. Theo cách mà Jay Batongbacan nói về vai trò của Philippines trong phán quyết của Tòa Trọng tài (đã nêu ở trên), ta cũng có thể bảo: Nếu Việt Nam không quan tâm đến vai trò hàng đầu của mình thì không một nước nào trong hoặc ngoài khu vực có thẩm quyền (cả về mặt đạo đức lẫn pháp lý) nắm giữ vai trò ấy.
Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần có sự hợp tác cao hơn với Mỹ, một liên minh liên kết hoặc đối tác chiến lược chẳng hạn. Người viết cũng đã nêu ra khả năng này là có thể, với điều kiện cả hai phía đều tự giác nhìn thấy và vì cộng đồng lợi ích. Bài phát biểu của Phó tổng thống Mỹ M.Pence ngày 24/10/2019 có phần quan trọng nói về Biển Đông đã được dư luận Mỹ đánh giá cao. Trong khi Giáo sư A. Erickson thuộc Trường Hải chiến Mỹ cho rằng Phó Tổng thống Pence “xứng đáng trong vai trò quan chức Mỹ cao cấp nhất công khai vạch trần ý đồ của lực lượng dân quân biển Trung Quốc” và ông D.J. Grossman, một chuyên gia từ Trung tâm Rand Corporation phát biểu: “Chưa một nước nào đứng lên bảo vệ Việt Nam như vậy” thì vẫn cần phải hỏi: Còn Tổng thống Mỹ thì sao? Ông D. Trump chưa một lần lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề này, chưa nói đến hành động. “Nước Mỹ trước hết”, và ông đã bỏ rơi đồng minh người Kurd cho Thổ Nhĩ Kỳ? Có thể đặt cược vào một Tổng thống vừa dân túy vừa bất nhất như vậy?
Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là một quan hệ láng giềng vĩnh viễn. Trong mối quan hệ đó có lịch sử, văn hóa, có tình hữu nghị không thể một sớm một chiều bỏ qua. Chưa nói đến những ràng buộc như đã đề cập. Nhưng cũng không thể xem nhẹ chủ quyền dân tộc nếu bị xâm phạm. Đấy là thế khó của nhà nước mà cũng là nơi quyền lực và sự sáng suốt phải được chứng tỏ. Dư luận nhân dân có quyền đòi hỏi chính phủ phải làm nhiều hơn, làm tốt hơn việc bảo vệ chủ quyền đất nước.
Trong ba mối quan hệ/ràng buộc đang có với Trung Quốc thì Biển Đông nằm ở trung tâm còn kinh tế và hệ thống sông Mekong-Lan Thương rất có thể trở thành công cụ của một bên như đã nói. Không khó để nhìn ra sự “khôn ngoan” của đối phương nhưng chưa thấy Việt Nam có một đối sách thật sự ở tầm chiến lược. Nói “thoát Trung” để bây giờ càng “dính” chặt hơn?. Về hệ thống Mekong – Lan Thương cũng vậy. Trung Quốc trữ một lượng nước lớn ở thượng nguồn bằng một loạt con đập nhưng nhiều con đập không để làm thủy điện. Để làm gì? Người ta có quyền đặt câu hỏi về vấn đề này, nhất là từ lâu Trung Quốc đã có ý định tìm cách cung cấp nước cho vùng khô hạn phía đông và phí bắc của mình. Cơ chế hợp tác Lan Thương – Mekong (LMC) không cho thấy mục đích rõ ràng, dù nó nằm dưới ngọn cờ “cộng đồng chung vận mệnh” với rất nhiều tiêu ngữ bóng bẩy. Hầu như Bắc Kinh chưa đưa ra cam kết nào đối với yêu cầu quản lý và ổn định dòng chảy, đảm bảo cung cấp nước và phù sa cho hạ lưu, giữ vững hệ sinh thái. Tóm lại, vấn đề quản lý tài nguyên nước đã hoàn toàn bị bỏ qua; trong khi ở thượng lưu, chỉ với 11 con đập, Trung Quốc trữ tới 50% lượng nước của Mekong – Lan Thương vào mùa khô hạn!
Biển Đông là nơi tập trung những vấn đề chủ yếu liên quan đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đáng tiếc đó lại là những vấn đề tiêu cực, trái với điều Trung Quốc thường rêu rao là tình hình khu vực này ổn định (ngay cả khi xảy ra sự việc ở bãi Tư Chính nửa cuối năm 2019). Không thể hy vọng giải quyết cơ bản hoặc một lần khi các mâu thuẫn diễn ra đã mấy chục năm mà vẫn đang ngày thêm trầm trọng. Nhưng đã đến lúc yêu cầu các bên nhìn thẳng vào vấn đề với tinh thần hợp tác, không lảng tránh.
Thứ nhất, vấn đề COC-Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông. Tại cuộc họp thượng định giữa ASEAN và Trung Quốc ở Bangkok mới đây, “đã nổ ra tranh cãi gay gắt giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông” (AP, ngày 2/11/2019), theo đó Trung Quốc trở mặt yêu cầu khối các nước ASEAN không được để Việt Nam phá hoại (?) tiến trình đàm phán COC. Việt Nam phá hoại COC? Thật không đấy? Quá ngang ngược và hài hước khi biến mình từ tội đồ trì hoãn COC vụt trở thành ông chủ sáng giá, lúc nào cũng muốn làm ông kẹ! Tuy nhiên Việt Nam cần nắm lấy cơ hội, buộc nước lớn này phải đàm phán thực chất trên cơ sở kiến nghị của tất cả 11 bên, đặc biệt với các nước có dự phần Biển Đông.
Thứ hai, vấn đề “đường 9 đoạn”. Gần đây phía Trung Quốc đã giảm thiểu phát ngôn chính thức từ phía nhà nước về đường 9 đoạn. Giáo sư Robert Beckman từ Đại học Quốc gia Singapore ngày 6/1/2020 cho rằng Trung Quốc đang từ bỏ yêu sách đường 9 đoạn và thay thế nó bằng yêu sách chủ quyền đối với 4 cụm đảo (Hoàng Sa, Trường Sa, Pratas/Đông Sa và Macclesfield/Tây Sa) mà họ cho rằng có cơ sở pháp lý vững hơn (Nội sự đổi thay này càng cho thấy thế yếu cùng lòng tham khó bỏ của Trung Quốc). Tôi tin là Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm được cơ sở pháp lý cho đường 9 đoạn để giải thích cho chính người Trung Quốc (chưa nói quốc tế) như tuyên bố hùng hồn (rồi bỏ mặc đấy) của ông Ngô Sĩ Tồn nhiều năm về trước.
Bác bỏ đường 9 đoạn không chỉ căn cứ vào tính pháp lý mà luật biển UNCLOS 1982 của Liên hợp quốc đã xác nhận mà còn căn cứ vào tính mơ hồ mà Trung Quốc tuyên bố sau khi công dân của họ vẽ ra con đường này. Tuyệt đối không thể vồ lấy mà nói đấy là biên giới biển, biên giới quốc gia.
Thứ ba, vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc chẳng những nói đây là đất của tổ tiên từ đời nhà Hán mà có lúc còn bảo, Trịnh Hòa thời Minh trong các lần xuất dương đã tuyên chiếm các đảo này. Nhà báo Bertil Lintner trên trang Asia Times ngày 15/11/2019 vạch rõ, Trịnh Hòa thậm chí chưa đi qua Biển Đông. Trong danh mục 700 điểm ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương mà ông này ghi lại, bao gồm cả những nơi rất xa xôi như Adaman, Nicobar và Maldives, chẳng có một địa điểm nào thuộc về Biển Đông. Phải có những người lãnh đạo biết rằng cấp dưới đã báo cáo sai sự thật và phải có những cấp dưới có lương tâm chứ? Mà dù chủ quyền thuộc về ai – thuộc về Việt Nam cũng vậy thì như phán quyết của Tòa trọng tài, “không một cấu trúc nào ở Trường Sa có thể tạo ra các vùng biển mở rộng”
Thứ tư, phải thừa nhận rằng, mặc dù Trung Quốc là nước lớn có tiềm lực quân sự hùng mạnh, hầu như không có công ty, tập đoàn khai thác dầu khí quốc tế nào vì lợi ích kinh tế chấp nhận lời mời chào của họ vào thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng mà Trung Quốc gọi là Vạn An (bãi Tư Chính) cũng như trong phạm vi đường 9 đoạn, ngoại trừ tập đoàn năng lượng Crestone (Mỹ) năm 1992. Nhưng trước sự phản đối của Việt Nam, tập đoàn này sau đó đã rút lui và Việt Nam đã xây dựng thêm 3 nhà giàn ở đây để khẳng định chủ quyền. Cho đến nay, không một công ty nước ngoài nào còn có mặt theo lời kêu gọi của Trung Quốc. Thất bại đó có thể là lý do chủ yếu khiến Trung Quốc đã luôn yêu cầu COC phải có điều khoản ràng buộc “không hợp tác khai thác tài nguyên với các nước ngoài khu vực”.
Thứ năm, sự ủng hộ của quốc tế. Sự ủng hộ này gần như tuyệt đối khi các nước khẳng định mọi cách làm của Việt Nam đều dựa trên trật tự và quy tắc quốc tế, trong đó bao gồm Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), cũng như quyền bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình. Trong vụ việc liên quan đến bãi Tư Chính vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhiều lần lên tiếng phê phán Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam. Nhiều nước trong khu vực như Nhật, Ấn, Úc,… cũng đã lên tiếng với những cách khác nhau. Dư luận truyền thông, báo chí ủng hộ Việt Nam khá mạnh mẽ. Không một quốc gia nào lên tiếng bênh vực Trung Quốc.
Tuy nhiên, phản ứng nói chung là tiêu cực từ các quốc gia trong ASEAN/Đông Nam Á là điều đáng chú ý. Vì nguyên tắc đồng thuận, ASEAN đã không ra được tuyên bố chung dù rằng các nước ven Biển Đông, cách này hay cách khác đều từng bị Trung Quốc xâm phạm, gây hấn. Theo thiển ý của tôi, có thể sắp xếp các quốc gia này theo trật tự gần với quan điểm của Việt Nam là: Lào, Malaysia (dưới thời Thủ tướng vừa từ nhiệm Mahathir Mohamad), Philippines, Indonesia, Brunei…và Campuchia! Vâng, trật tự này có thể gây ngạc nhiên với nhiều người nhưng là một sự thật. Tại cuộc gặp thượng định ASEAN đầu tháng 11/2019, khi Việt Nam yêu cầu đưa vào tuyên bố chung một cụm từ đề cập đến hành vi xâm lấn của Trung Quốc thì Campuchia phản đối. Nên coi việc này như thế nào? Có lẽ “lợi ích quốc gia” trên hết là điều mà người Việt Nam cũng cần thích ứng, hơn nữa việc tương tự đã có tiền lệ (2012).
Thứ sáu, thế giới đánh giá ra sao trước những phản ứng của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông? Với cả dư luận chính giới và truyền thông, Việt Nam được đánh giá cao khi phản ứng tích cực trước những lợi ích hợp pháp bị xâm phạm nhiều nhất và liên tục. Tờ Straits Times (Singapore) viết: Hà Nội phản ứng mạnh nhất trong số các quốc gia tuyên bố chủ quyền. Hãng RFI dẫn Asia Times nhận định Việt Nam hầu như là quốc gia duy nhất trong cuộc chiến chống lại nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiểm soát Biển Đông, với ba mặt liên kết: ngoại giao; thăm dò, khai thác; giảm phụ thuộc kinh tế. Trên cơ sở “sự nhạy bén chiến lược” và “tính kiên trì đặc trưng”. Trang The Diplomat (Nhật) đánh giá phản ứng của Việt Nam là “rất bình tĩnh và kiềm chế”. Quan sát một cách tinh tế, trang này cũng tổng kết phản ứng của Việt Nam bao gồm năm thành phần: một, triển khai lực lượng để khẳng định chủ quyền và giám sát hòa bình; hai, tiếp cận qua đường ngoại giao và các cách thức có thể bày tỏ sự phản đối, yêu cầu đối phương rút lực lượng phi pháp; ba, khẳng định sự tuân thủ triệt để luật pháp và trật tự quốc tế; bốn, kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế; năm, kiểm soát chặt chẽ việc đưa tin, ngăn chặn mọi hành vi bạo lực.
Việt Nam đã trở thành Ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và chính thức tiếp nhận cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức, nhất là trong cương vị Chủ tịch ASEAN. Tiếp quản và xây dựng khối các quốc gia này như thế nào, chúng tôi cho rằng tiêu ngữ và cũng là chủ đề mà thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên: “Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” là đúng đắn và hợp lý.
Có thể hiểu “gắn kết” cũng là đoàn kết nhưng khái niệm này vừa chặt chẽ lại vừa mở hơn, thiết thực hơn, là cái có thể đạt được và hợp lý trong tình hình bên trong, bên ngoài ASEAN hiện nay. Còn “chủ động thích ứng” lại càng mở, không ai có thể bắt bẻ.
Sáu vấn đề mà chúng tôi vừa nêu trên hy vọng là những dữ kiện, những cơ sở để đề ra đối sách.
Dù thế nào Việt Nam phải làm tốt cương vị mới được trao. Chúng ta đã có kinh nghiệm của mười năm trước và cả kinh nghiệm của các quốc gia khác khi giữ cương vị này, và….không có cơ hội thứ hai tương tự.
Chúng tôi đã đề cập đến thực tế về sự thiếu đoàn kết của ASEAN, chỉ có thể tìm được sự đồng thuận không đồng lòng. Hơn bất kỳ khối quốc gia nào khác, điều đó đến không phải từ sự khác biệt thể chế chính trị mà khi mở rộng khối thập kỷ 90 những nước sáng lập ASEAN đã băn khoăn, mà là từ lợi ích của mỗi quốc gia trong mỗi hoàn cảnh cụ thể. Một tờ báo có đông đảo bạn đọc khu vực với tiêu đề: “Biển Đông: Thử thách lớn nhất của Việt Nam trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020” trong khi nêu lên sự quan ngại ấy đã biểu dương “gắn kết và chủ động thích ứng” là đặc biệt phù hợp trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. “Hà Nội được kỳ vọng tạo nên lực đòn bẩy cho chương trình nghị sự hòa bình của khu vực”.
Vấn đề đầu tiên và xuyên suốt trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam là tạo nên sự gắn kết khu vực. Việt Nam đánh giá cao khối ASEAN. Đầu những năm 90 thế kỷ trước, khi Việt Nam đặt vấn đề tham gia ASEAN, một Thứ trưởng Ngoại giao trong nước đã nhận định: “Điều bất lợi đối với một nước có quy mô trung bình như Việt Nam là sống bên cạnh một nước lớn mà không có bạn bè. Nhưng điều có lợi đối với chúng ta là có một ASEAN”. Tại Hội nghị ADMM vừa tổ chức ở Bangkok, tân Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã phát biểu: “ASEAN không được chia rẽ và phân cực”.Tờ The Straits Times cũng viết trong số đã dẫn: “Thách thức mà Trung Quốc đặt ra đối với chủ quyền và quyền tài phán trên biển của Philippines và Malaysia ở Biển Đông về thực chất tương tự như những gì mà Việt Nam đã trải qua”. Thật vậy, cương vị Chủ tịch sẽ giúp Việt Nam có quan hệ chặt chẽ hơn, “gắn kết” hơn với ASEAN để tìm ra những cách thức “chủ động thích ứng”. Không ồn ào nhưng kiên quyết, Việt Nam phải bắt tay vào trả lời các câu hỏi, các thách thức ngay từ đầu nhiệm kỳ Chủ tịch. Nếu chỉ xử lý mỗi khi có sự cố (như cách làm hiện nay) là bất an, mạo hiểm. Chúng ta giữ quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, một quan hệ được dệt nên từ lịch sử nhưng không để cục to, cục lớn (đại cục) ghè chân mình.
Bị bắt nạt, chèn lấn quá lâu đã đến lúc Việt Nam cần chứng tỏ bản lĩnh. Đã đến lúc Việt Nam cần xem việc đưa sự xâm phạm thô bạo của Trung Quốc ra Tòa trọng tài. Tại Hội thảo mới nhất về Biển Đông tổ chức tại Hà Nội ngày 6/11/2019 – được cho là cuộc Hội thảo lớn nhất về vấn đề này, với gần một phần ba là đại biểu quốc tế và có mặt hai trong số năm thẩm phán của Tòa trọng tài trong vụ kiện của Philippines, vấn đề khởi kiện đã nhận được sự tán đồng cao của dư luận. Cũng phải để Trung Quốc hiểu rằng đây là một việc phải làm, vì sự lành mạnh hóa quan hệ quốc tế. Không quan trọng việc Trung Quốc có tham gia hay không. Hiệu ứng chắc chắn sẽ mạnh hơn rất nhiều nếu thêm một lần phán quyết của Tòa Trọng tài được tuyên bố theo luật pháp quốc tế.
Gần đây, trên các tạp chí “Nghiên cứu Đông Nam Á” (11/2019), “Nghiên cứu an ninh biển châu Á – Thái Bình Dương” (11 – 12/2019) của Trung Quốc có một số bài viết đề cập đến Biển Đông, kêu gọi Việt Nam, Philippines và Asean nói chung, hợp tác cùng khai thác các nguồn lợi ở khu vực này,trước hết là dầu khí. Không có gì mới. Vẫn là những luận điểm xung quanh việc các nước đang gần cạn nguồn cung trong khi Trung Quốc có tiềm lực kỹ thuật, công nghệ, tiềm lực tài chính mạnh. Có bài vẫn lên giọng đe dọa “Nếu Việt Nam mạo hiểm tiến vào đường 9 đoạn thì chắc chắn sẽ có sự đối đầu ở Biển Đông”. Cần phải khẳng định thêm một lần: Con đường được nước lớn Trung Quốc vẽ vào bất chấp luật pháp quốc tế ấy là căn nguyên cho tất cả, làm sao có thể “khai thác chung” trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam? Tôi nghĩ rằng, bất cứ quốc gia nào đủ năng lực – láng giềng càng tốt – thừa nhận chủ quyền của Việt Nam theo luật pháp quốc tế và đảm bảo được vấn đề an ninh thì đều có thể được mời vào thăm dò, khai thác. Xét cho cùng, chủ quyền và tài nguyên là một.
Việt Nam là nước nhỏ so với Trung Quốc. Cả về diện tích, dân số cũng như tiềm lực kinh tế, quốc phòng, Việt Nam ở một vị trí cách xa so với láng giềng phương Bắc. Câu chuyện nước nhỏ Việt Nam bắt nạt nước lớn Trung Quốc là một câu chuyện hoang đường. Việt Nam cũng không đòi hỏi nước lớn Trung Quốc phải nhường nhịn nước nhỏ Việt Nam. Việt Nam chỉ muốn Trung Quốc hành xử như một nước lớn đáng kính trọng. Tất nhiên Việt Nam muốn duy trì tình hữu nghị với Trung Quốc, nhưng để duy trì tình hữu nghị ấy mà phải đánh đổi lợi ích của dân tộc là điều không thể. Cũng không thể nói như một nhà ngoại giao Trung Quốc rằng, để xảy ra tình trạng như vừa qua là vì Trung Quốc coi Biển Đông là câu chuyện nhỏ còn Việt Nam lại coi là chuyện lớn. Để giải quyết vấn đề Biển Đông, hãy chân thành làm việc dựa trên chuẩn luật pháp quốc tế và một sự hiểu biết lẫn nhau.
Chúng tôi xin đề xuất một bước tiến nhỏ: Trong khi bảo lưu quan điểm của mình, hai nước Việt Nam và Trung Quốc cần đàm phán về vấn đề quần đảo Hoàng Sa/Tây Sa. Và trước hết là một sự thỏa thuận để ngư dân Việt Nam được tiếp tục truyền thống đánh cá như hàng ngàn năm nay trong quần đảo này./.
Năm 2020, tròn 70 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ trong 70 năm ấy giữa hai nước có vui, có buồn, có hữu nghị, có xung đột, thậm chí chiến tranh.
Trên thực tế mối quan hệ này đã không suôn sẻ từ hơn bốn chục năm, mặc dù có vẻ hai nước vẫn ôm lấy cái mà Trung Quốc gọi là “đại cục”: cùng lý tưởng chính trị, cùng xây dựng xã hội chủ nghĩa. Cái “đại cục” này được gọi là “đại cục” để che lấp, che khuất hết những bất đồng, xung đột khác chăng? Có thể!
Trung Quốc là quốc gia có dân số lớn nhất thế giới và đã phát triển vũ bão trong mấy chục năm qua nhờ công cuộc cải cách mở cửa. Bình quân đầu người khi bắt đầu công cuộc này chỉ với 156 USD (thấp hơn cả khu vực được coi là nghèo nhất thế giới lúc đó là Hạ Sahara, 390 USD) thì nay, theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc đã ở mức trên 10.000USD (2019), trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Tính theo sức mua tương đương, quy mô nền kinh tế Trung Quốc đã vượt Mỹ từ năm 2014. Với mục tiêu “100 năm thứ hai” tính đến 2049, Trung Quốc sẽ thực sự trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Và cũng sẽ đến danh xưng siêu cường, sánh ngang Mỹ.
Để trở thành siêu cường – điều mà Trung Quốc vẫn còn đang ủ mưu – Trung Quốc đã có những phát triển và cải tổ mạnh mẽ về mặt quốc phòng và quân sự. Các hệ vũ khí mới được phát triển, đặc biệt các vũ khí có tầm chiến lược, vươn cao vươn xa, có sức công phá lớn như: tên lửa, máy bay, tàu chiến, vũ khí – khí tài vũ trụ. Trung Quốc liên tiếp cho đóng tàu sân bay, tàu đổ bộ trực thăng tấn công khổng lồ, tàu tự hành. Ngày 27/5/2019 họ đưa máy bay ném bom hạng nặng ra Hoàng Sa và lần đầu tổ chức tuần tra liên hợp tại khu vực này. Trên tất cả, Trung Quốc tổ chức lại bộ máy quân sự, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản với người chỉ huy cao nhất là Tập Cận Bình, Tổng bí thư – Chủ tịch nước.
Trung Quốc cũng không giấu diếm việc tìm kiếm vai trò quản trị quốc tế trên mọi lĩnh vực, thậm chí đưa mô hình quản trị của họ như một hình mẫu khả thi mà thế giới có thể cần và noi theo.
Trái với việc ủ mưu siêu cường, Trung Quốc không giấu diếm việc cạnh tranh chiến lược với Mỹ trên mọi mặt trận có thể. Rõ ràng nhất là để đối trọng với việc Tổng thống Obama tái cân bằng Chiến lược châu Á – Thái Bình Dương, Chủ tịch Tập Cận Bình có ngay sáng kiến “Vành đai và Con đường” đáp lại (“Vành đai con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển”, đã trở nên quen thuộc với tên chữ cái tiếng Anh: BRI – Belt and Road Initiative). Phải nói ngay đó là một sáng kiến khôn ngoan, nó không chỉ tranh thủ được các đối tác về cả ngoại giao, kinh tế, kết nối địa chiến lược mà còn giúp Trung Quốc “”tiêu thụ” sự thặng dư nguồn lực của mình. Nghĩa là với BRI, Trung Quốc muốn “được” mọi phương diện.
BRI đã khiến Tổng thống mới của Mỹ, Donald Trump lại phải thêm một lần điều chỉnh: chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” ra đời. Cuộc cạnh tranh giữa hai thế lực lớn nhất thế giới, ngấm ngầm hoặc bộc phát trở thành cuộc chiến địa chính trị toàn cầu. Với phiên bản “Vành đai – Con đường” đối chọi phiên bản “Ấn – Thái” Trung Quốc cho thấy mình muốn gì, đang làm gì và ở đâu.
Từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, giống như một cái thùng không đáy hứng sự đầu tư của thế giới tư bản, bước sang thế kỷ XXI Trung Quốc gần như đột ngột xuất hiện trong tư cách nhà cung ứng tài chính không chỉ cho thế giới thứ ba mà cho cả địa cầu. Với ngân khoản khổng lồ có được từ sự phát triển kinh tế của mình, Trung Quốc ồ ạt đầu tư ra nước ngoài, không kịp gây ngạc nhiên cho người quan sát. Chỉ riêng giai đoạn 2013-2017, Trung Quốc đã chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư nước ngoài. Sáng kiến Vành đai – Con đường lại là một ví dụ khác.
***
Sự lớn mạnh của Trung Quốc chắp cánh cho những toan tính sẵn có. Toan tính ấy là toan tính toàn cầu nhưng trước hết nhằm phục vụ lợi ích và quyền lực của Trung Quốc trong khu vực chiến lược sát sườn Đông Nam Á /ASEAN. Trung Quốc luôn lớn tiếng ASEAN là hạt nhân, là trung tâm giữ vai trò quyết định trong hợp tác và an ninh khu vực (các nước lớn Mỹ, Nhật Bản cũng nói vậy) nhưng vai trò ấy phải trong vòng kiềm tỏa. Năm 2010, trong một cuộc làm việc ở Hà Nội, có sự tham gia của cả Ngoại trưởng Mỹ và các Ngoại trưởng ASEAN, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc – một cách rất nước lớn – đã chỉ vào đại diện của Singapore và Việt Nam mà bảo rằng các anh chỉ là những nước nhỏ, rồi giận dữ bỏ ra ngoài.
Các nước Đông Nam Á lục địa cùng chung hệ thống sông Mekong. Dòng sông này bắt nguồn từ Tây Tạng với Lan Thương (Trung Quốc) ở thượng nguồn. Năm 1995, Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia lập ra Ủy hội sông Mekong (MRC) để cùng quản lý dòng sông này. Một trong những việc đầu tiên của MRC là thúc đẩy việc cấm xây dựng các đập thủy điện lớn. Mọi thứ đang còn ngổn ngang thì tháng 3/2016 một cơ chế hợp tác khác, Hợp tác Lan Thương – Mekong, LMC, do Trung Quốc khởi xướng, bao gồm Trung Quốc và các nước trên cộng thêm Myanmar ra đời.[1]
Trung Quốc đề nghị lập một cơ cấu quản lý và cơ cấu này nên nằm ở Vân Nam. Khỏi cần một cơ cấu quản lý, ai cũng biết chính các con đập quản lý nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa của dòng sông. Riêng Trung Quốc đã xây tới 11 con đập, chứa lượng nước khổng lồ 47 tỉ m3. Một lượng nước như vậy bị trữ lại đã gây thiệt hại rất nhiều cho vùng hạ lưu, đặc biệt đồng bằng sông Cửu Long nằm ở cuối nguồn. Đã có dự báo từ sớm, xâm nhập mặn ở vùng này sẽ khốc liệt chưa từng vào quý I năm nay 2020. Và thực tế đã diễn ra như vậy. Hạ nguồn (Thái Lan, Campuchia, Việt Nam) đang đói, đói nước, đói cá, đói phù sa.
Lượng thủy sản của hệ thống sông này được coi là một trong những nguồn thủy sản nội địa lớn nhất thế giới, chiếm gần 1/4 lượng đánh bắt cá nước ngọt toàn cầu. Ngư dân Thái Lan cho biết mực nước và lượng cá đã đang giảm hẳn từ khi Trung Quốc xây dựng các con đập. Muốn vận chuyển lớn, họ xả nước, còn không thì giữ lại. Mực nước không ổn định khiến cá không đẻ trứng. Nổ mìn, phá đá mở rộng lòng sông và nạo vét cát sỏi ở thượng nguồn đã phá hệ sinh thái và đe dọa an ninh lương thực của hàng triệu người phụ thuộc vào nó. (Theo thông tin vừa cập nhật, Nội các Thái Lan đã tuyên hủy Dự án khơi thông luồng lạch, ghềnh đá trên sông Mekong vào ngày 11/02/2020 và đây được coi là thắng lợi chưa từng có).
Một vấn đề khác: Trung Quốc cũng là đối tác hàng đầu của các nước Đông Nam Á về kinh tế – thương mại, đặc biệt với Việt Nam, được coi là nước xuất nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực. Do quan hệ truyền thống lâu đời và một đường biên hơn 1400km đã khó quản lý, buôn bán tiểu ngạch và buôn lậu phát triển mạnh lúc nóng lúc lạnh lại càng khó quản lý. Chưa nói trong quan hệ thương mại, phía Việt Nam hầu như bị động hoàn toàn vào nhập khẩu từ Trung Quốc.
***
Nhưng có lẽ Biển Đông mới là vấn đề lớn nhất trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước ASEAN nằm ven bờ: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei. Trong những nước này thì Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố sở hữu hai quần đảo Hoàng Sa/Tây Sa và Trường Sa/Nam Sa, còn các nước Philippines và Brunei tuyên bố sở hữu một phần (một số hòn đảo của quần đảo Trường Sa/Nam Sa). Indonesia tuyên bố sở hữu quần đảo Natuna nhưng vùng nước phía Bắc của quần đảo này nằm trong phạm vi đường 9 đoạn mà Trung Quốc nêu ra (Indonesia thường cho thấy họ không có tranh chấp với Trung Quốc, nhưng ngay đầu năm 2020, ngày 1/1 Indonesia đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại nước này để phản đối việc các tàu cá và hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng nước Natuna).
Sự quan tâm của Trung Quốc đến Biển Đông, những tuyên bố và hành động gần như đột ngột của nước này đến vùng biển chung của các nước Đông Nam Á mà họ muốn một mình sở hữu đã gây nên sự hoang mang lẫn phẫn nộ trong vùng. Đặc biệt với Việt Nam, nước gắn bó nhiều lợi ích nhất với Biển Đông (hơn hẳn Trung Quốc) và cũng là nước có nhiều duyên nợ với Trung Quốc về lịch sử, địa lý, văn hóa,… Biển Đông có gì? Biển Đông có tất cả. Một nguồn lợi cá và hải sản khổng lồ, một nguồn lợi về tài nguyên dầu khí lên tới hàng ngàn tỉ đô la Mỹ và nhất là một tuyến hàng hải, một tuyến thương mại quốc tế không thể thay thế. Khống chế được tuyến này là có thể bắt nạt các quốc gia cần đến nó, bắt nạt các nước lớn, bắt nạt cả thế giới.
Gắn với tranh chấp Biển Đông, gắn với sự tham lam của Trung Quốc là “đường 9 đoạn”. Con đường này không hiểu vì lý do gì mươi năm gần đây lúc thì Trung Quốc gọi 9 đoạn, lúc thì 11 đoạn, lúc thì 10 đoạn một cách tùy tiện và chỉ được gọi theo hình thức cắt đoạn như vậy, không một lần có tên gọi theo nội dung, nhưng Trung Quốc ngầm cho hiểu nó là đường biên giới quốc gia trên biển của họ (không dính bất cứ một quy định hay thông lệ quốc tế nào, kể cả điều mà Trung Quốc viện dẫn là “vùng nước lịch sử”).
Lập trường về “đường 9 đoạn” được Trung Quốc chính thức đề cập đến lần đầu là văn bản được trình lên Liên hợp quốc ngày 7/5/2009- Họ từng tuyên bố không đòi hỏi quyền lợi vùng biển trong “đường chín đoạn” theo UNCLOS mà theo tập quán quốc tế, là quyền lợi lịch sử như tiền lệ tư pháp quốc tế nhưng lại không chứng minh được đường này qua các bản đồ lịch sử mà chỉ dựa vào chứng cứ mơ hồ thông qua các tuyên bố “hàng ngàn năm lịch sử” “hai ngàn năm lịch sử”, “từ thời nhà Hán”.v.v… Nếu nói về đời nhà Hán có thể đưa thêm một dẫn chứng ngược. Thư tịch Trung Quốc thời đó mô tả tàu thuyền đi qua vùng biển này – Hoàng Sa/Tây Sa – nhất là tàu thuyền có chốt sắt, thường bị bẻ ra hoặc bị giữ lại làm đắm thuyền vì các hòn đảo ấy toàn đá nam châm(?) Bây giờ ta có thể hiểu đó là những bãi đá nước lên xuống theo thủy triều, không có đá nam châm nào cả, gặp lúc nước rút tàu không thoát kịp sẽ trơ trọi nằm lại với đá. Một khu vực nguy hiểm “toàn đá nam châm”, không có dân cư, không có điều kiện sống lại cách xa Trung Quốc như vậy thì “tổ tiên” đòi hỏi chủ quyền làm gì? Chưa nói văn kiện nào tuyên bố chủ quyền mấy ngàn năm trước từ thời Hán để đến bây giờ các giới trách nhiệm Trung Quốc tranh nhau nói về vùng nước lịch sử và việc phải bảo vệ “đất đai tiên tổ”(?)
Có lẽ người đầu tiên vẽ con đường này (năm 1933) muốn chỉ ra khu vực đánh cá mà các ngư thuyền Trung Quốc từng lui tới chăng? Phía Trung Quốc cũng không bao giờ cung cấp công khai văn bản ấy. Nếu có chút ít pháp lý (dù mơ hồ) thì họ đã trưng ra Tòa trọng tài khi Tòa này xét xử theo đơn kiện của Philippines (dù không tham gia phiên tòa hoặc không chấp nhận phán quyết của Tòa).
Một việc cũng thú vị là năm 2012, trước sự mù mờ của dư luận Trung Quốc và quốc tế và của cả những người sáng tạo ra nó, ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải tuyên bố là hai năm sau đó sẽ xác định được vững chắc cơ sở pháp lý của đường 9 đoạn. Bây giờ đã 2020, nghĩa là gần 8 năm sau rồi, chưa biết ông này đang ở đâu cùng với thề thốt của mình(?).
Trung Quốc bám víu vào đường 9 đoạn như là cơ sở chủ yếu cho tham vọng chiếm quyền ở Biển Đông. Nhưng ngoài đường chín đoạn, họ còn đánh chiếm các đảo đá (quần đảo Hoàng Sa 1974, một số đảo đá của Trường Sa 1987, 1988 và Scarborough, Mischief….. vào những dịp khác). Và họ vừa nghe ngóng vừa mở rộng, xây cất trên các đảo đá đánh chiếm được theo chiến thuật tằm ăn rỗi mà phương Tây gọi là cắt lát salami.
***
Một vấn đề liên quan đến Biển Đông bắt buộc có sự tham gia của Trung Quốc và có ý nghĩa thực tế hơn: Xác lập bộ Quy tắc ứng xử cho các bên (COC).
COC là chủ đề các nước ASEAN, đặc biệt các nước ven Biển Đông rất quan tâm. Nhưng Trung Quốc thì tùy. Cuộc đàm phán về COC bắt đầu được các bên tiến hành vào năm 2013 – mười một năm sau khi có DOC (Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông). Nghĩa là rất chậm, vì Trung Quốc không muốn COC, họ coi DOC là đủ rồi. Tổng thư ký của tổ chức ASEAN lúc đó than phiền rằng tổ chức này không thể lôi kéo Trung Quốc vào các cuộc thảo luận thực chất. Bắt đầu rồi mà như chưa bắt đầu, cứ như sên bò vậy. Bằng cách đó Trung Quốc muốn cho mọi người thấy rằng họ cơi nới chưa xong, họ còn phải mang vũ khí đặt lên đấy đã,… Không thể lộ liễu hơn, Trung Quốc chơi trò câu giờ. Trong 7 bãi đá (Chữ Thập, Gạc Ma, Châu Viên, Tư Nghĩa, Gaven, Vành Khăn, Xubi) mà Trung Quốc cơi nới thì đá Chữ Thập đã được mở rộng tăng kích thước lên gấp 11 lần, lớn hơn cả đảo Ba Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa/Nam Sa mà Đài Loan đang chiếm giữ. Cho đến trước khi mở rộng, Trung Quốc là bên duy nhất không có đường băng ở Trường Sa (Đài Loan có ở Ba Bình, Philippines có ở Thị Tứ, Malaysia có ở đá Hoa Lau, Việt Nam có ở đảo Trường Sa Lớn) thì bây giờ đường băng đã xuất hiện ở Chữ Thập, Vành Khăn, Xubi. Câu giờ đủ rồi, Trung Quốc mới quay sang COC. Trong hai năm 2017, 2018 họ công bố rằng “văn bản duy nhất” của COC đã được các bên cùng đọc. Thế nào là văn bản duy nhất? Theo các nguồn tin, đây là 11 văn bản do 11 quốc gia đưa ra và nó còn quá xa cách nhau về nội dung, nhất là những vấn đề cơ bản như: phạm vi các thực thể địa lý được đề cập, các yếu tố chế tài trên cơ sở pháp luật quốc tế… Theo ông I. Storey từ Viện ISEAS (Singapore) “Hà Nội và một số nước đưa ra một danh sách dài những điều mà họ muốn COC cấm nhưng thật ra lại là những điều Trung Quốc đã làm trong những năm qua”. Nhà phân tích M.J. Valencia thì nói với South China Morning Post: “Rất ít khả năng có được một COC có hiệu lực pháp lý như mong muốn”. Tờ Nikkei (Nhật) thì cho rằng, mặc dù bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc không muốn bị coi như kẻ ngoài vòng pháp luật do vậy quan tâm đến COC có thể giúp họ hóa giải tình trạng này?
Các nước ASEAN có lẽ muốn có sự chế tài trên cơ sở luật pháp quốc tế thông qua Bộ quy tắc ứng xử. I. Storey cho rằng, COC muốn có giá trị pháp lý thì phải trình lên Liên Hiệp Quốc, nhưng Bắc Kinh lại không chấp nhận. Còn Ngoại trưởng Philippines Locsin thì bảo “Chấp nhận những yêu sách của Trung Quốc là gián tiếp công nhận bá quyền của Trung Quốc, như cho con voi vào phòng khách”
Có một điều chắc chắn là COC không phải để giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Trung Quốc luôn cho chủ quyền các đảo, đá là vấn đề song phương mà COC chỉ có thể kiểm soát ổn thỏa những bất đồng phát sinh từ Biển Đông, bản nâng cấp chút đỉnh của DOC mà thôi.Thực tế cũng có thể không hẳn như vậy, vì thế nào là “bất đồng” và phạm vi những bất đồng ấy là gì và kiểm soát thì như thế nào. Chưa nói, Trung Quốc muốn COC không có sự can thiệp của bên ngoài trong tiến trình thảo luận (cũng vì vậy mà tiến trình này được bảo mật) nhưng các nước “bên ngoài” lại rất muốn tham gia vì vấn đề tự do hàng hải. Mà vấn đề này lại liên quan đến thế nào là phi quân sự hóa đang được các bên tranh cãi. Trung Quốc cho rằng phi quân sự hóa là tàu quân sự đi qua khu vực 12 hải lý quanh các đảo “của họ” phải có sự xin phép, còn Mỹ và các nước nói chung thì coi việc Trung Quốc xây dựng sân bay, đưa vũ khí khí tài ra các đảo đá được xây đắp, mở rộng đã là quân sự hóa rồi.
Việc tìm được sự đồng thuận giữa các bên về các vấn đề chủ chốt không hề đơn giản. Có hai luồng dư luận: một, COC chưa chắc đã cải thiện tình hình hiện nay; hai, có COC vẫn hơn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố tại Hội nghị về các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á năm 2014: “Việc điều hành công việc, giải quyết các vấn đề châu Á, bảo vệ an ninh châu Á là giành cho người châu Á”. Và Trung Quốc yêu cầu trong văn kiện COC thì việc thăm dò và phát triển dầu khí và tài nguyên biển nói chung ở các vùng tranh chấp sẽ do các nước trong khu vực tiến hành, không hợp tác với các quốc gia bên ngoài. Cũng như sẽ không có các cuộc tập trận chung với các quốc gia ngoài khu vực. Yêu cầu này cho thấy, COC sẽ có thể tạo ra một dàn xếp mang tính độc quyền, trái với công ước Liên hiệp quốc về luật biển. Bà Dewi Fortuna Anwar, nhà quan sát người Indonesia đặt câu hỏi: “Làm thế nào để đảm bảo rằng COC sẽ không thể chế hóa mối quan hệ rất bất đối xứng gây bất lợi không chỉ cho các nước ASEAN mà còn cho các bên liên quan rộng lớn hơn ở Biển Đông, bao gồm cả việc không chú ý đến tất cả các điều khoản của UNCLOS? Các nước Việt Nam, Malaysia, Philippines đã khẳng định COC sẽ không bao gồm bất kỳ điều gì gây ảnh hưởng tới các quyền và nghĩa vụ của các bên theo luật pháp quốc tế…” Trung Quốc đã từng viện dẫn đoạn 4 của DOC quy định về giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán giữa các bên liên quan để phủ nhận thẩm quyền của Tòa Trọng tài và chỉ trích Philippines đã vi phạm DOC. Nhưng DOC chỉ là một tuyên bố ứng xử lỏng lẻo, thế nào mới được gọi là đàm phán, mà Trung Quốc lại chỉ muốn song phương mà thôi.
Trong khi làm ra vẻ thúc đẩy COC Trung Quốc luôn luôn nói rằng tình hình Biển Đông vẫn yên ổn thì thực tế đã xảy ra nhiều chuyện bất ổn. Một tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào tháng 6/2019 và hơn hai chục ngư dân lênh đênh giữa biển khiến dư luận nước này sôi sục, ba tháng sau họ mới có lời xin lỗi. Và suốt từ tháng 7 đến cuối tháng 10/2019 tàu thăm dò và hải cảnh Trung Quốc liên tục cản trở, quấy phá Việt Nam hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế của mình, bãi Tư Chính, dù Việt Nam nhiều lần lên án và dư luận quốc tế phản đối. Trước đó, các tàu này cũng đã thường xuyên cản trở hoạt động của Malaysia ở bãi Luconia. Và sau đó, cho đến tận đầu tháng 1/2020, hải cảnh và tàu cá Trung Quốc liên tục thâm nhập hải phận Bắc Natuna của Indonesia.
Philippines từng là nền kinh tế có trình độ phát triến thứ hai ở châu Á sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Trong Chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã dựa vào Philippines cũng như dựa vào Hàn Quốc, Nhật Bản như là nơi cung cấp hậu cần cho cuộc chiến tranh, một lợi ích mà biết khai thác có lẽ Philippines cũng sẽ có một nền kinh tế không cách xa lắm với Hàn Quốc, Nhật Bản, nghĩa là một nền kinh tế phát triển. Hay sự tham nhũng của tổng thống độc tài Marcos và gia đình ông ta đã nuốt hết mọi cơ hội của Philippines mà khi trở thành người lãnh đạo của đất nước này, ông Duterte đã thất vọng đổ cho đồng minh lâu đời là Mỹ để làm một cuộc thoát Mỹ nhập Trung. Ông Duterte cũng bày tỏ thất vọng vì tổng thống tiền nhiệm đã để mất bãi cạn chiến lược Scarborough ở ngay cửa ngõ trung tâm quyền lực chính trị, kinh tế, quân sự Manila, nhưng ông đã làm gì? Trong 3 năm làm tổng thống, ông gặp ông Tập Cận Bình 8 lần và thăm Trung Quốc 5 lần. Sau lần gặp gỡ mới đây, ông thừa nhận là hoàn toàn bế tắc vì đối tác quyết không thay đổi lập trường. Dù vậy, ông vẫn muốn cùng khai thác với Trung Quốc vì cho rằng Philippines đã cạn kiệt nguồn cung. Theo các hãng tin nước ngoài, nếu Bắc Kinh thực sự giành được quyền khai thác chung với Philippines ở bãi Cỏ Rong thì sẽ là một bước lùi tai hại cho các bên cùng có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Nó như một chỉ dấu về cách thức “cùng khai thác” mà Trung Quốc muốn.
Những người Philippines ủng hộ Tổng thống Duterte thì nói rằng, trong khi làm chủ tịch ASEAN, Campuchia cũng đã hai lần bỏ phiếu chống lại việc ASEAN thông qua những tuyên bố chỉ trích hoạt động xây dựng và mở rộng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông, còn hơn ông Tổng thống của họ bây giờ? Người ta quên một điều là Campuchia có thể chẳng có lợi ích trực tiếp gì từ Biển Đông nhưng Philippines thì sao?
Giám đốc Viện các vấn đề biển và luật biển của Đại học Philippines, Jay Batongbacan cho rằng: “Philippines đã phung phí những đòn bẩy có thể có đối với Trung Quốc thông qua việc gạt bản phán quyết của Tòa Trọng tài trong thời gian làm Chủ tịch ASEAN sang bên lề. Nếu Philippines không quan tâm đến việc đưa phán quyết vào nghị trình của ASEAN, không quốc gia nào khác trong hoặc ngoài khu vực có thẩm quyền đạo đức để đề cập đến phán quyết”
***
Ngày 13/7/2019, cơ quan CSIS (Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ) đã có bài viết nhận định Trung Quốc đã hoàn toàn bất chấp ít nhất 9 phán quyết chủ yếu của Tòa Trọng tài, sau 3 năm Tòa này ra phán quyết.
Thứ nhất, không tuân thủ phán quyết bãi Cỏ Mây và vùng biển xung quanh là thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines. Các tàu Trung Quốc tiếp tục thường xuyên tuần tra qua lại và có lần, trực thăng của họ còn quấy rối nguy hiểm một tàu tiếp tế của Philippines.
Thứ hai, chiếm đóng trái phép đá Vành Khăn, phản đối tàu Mỹ đi qua vô hại trong phạm vi 12 hải lý của đá này.
Thứ ba, ngăn chặn Philippines khai thác tài nguyên trong thềm lục địa của họ và ở bãi Cỏ Rong.
Thứ tư, Trung Quốc tiếp tục đơn phương đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá từ tháng 5 đến tháng 8 trong một khu vực phần lớn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (và Việt Nam).
Thứ năm, Trung Quốc đã không ngăn chặn ngư dân của họ hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, tại bãi Vành Khăn và trên khắp Trường Sa. Tháng 6/2019, một trong số các tàu này đã đâm chìm một tàu cá Philippines
Thứ sáu, không tuân thủ phán quyết không cho phép ngư dân Trung Quốc khai thác trái phép loại sò tai tượng có nguy cơ tuyệt chủng bằng các biện pháp tàn phá môi trường, phá hủy nghiêm trọng một diện tích lớn san hô, dưới sự chứng kiến của lực lượng tuần duyên Trung Quốc như một sự phá hoại lấy được.
Thứ bảy, Trung Quốc đã phá hủy trái phép môi trường thông qua việc xây đắp đảo. Trung Quốc đã hoàn thành công việc nạo vét và chôn lấp tại quần đảo Trường Sa vào cuối năm 2016. Cũng bao gồm cả việc Trung Quốc lắp đặt các trạm giám sát trên các rạn san hô ở Hoàng Sa, hủy hoại môi trường sống dưới biển.
Thứ tám, không tuân thủ phán quyết, các tàu chấp pháp của Trung Quốc tiếp tục vi phạm các quy định về chống va chạm bằng cách tạo ra nguy cơ va chạm, gây nguy hiểm cho các tàu của Philippines. Vụ quấy rối tàu tiếp tế của Philippines gần bãi Cỏ Mây tháng 5/2018 là một ví dụ.
Điều cuối cùng, thứ chín. Đặt thứ tự thứ chín là dụng ý của người viết bài này, còn CSIS đặt nó ở vị trí thứ nhất vì đây chính là vấn đề đường 9 đoạn. Phán quyết của Tòa trọng tài là Trung Quốc không thể yêu sách chủ quyền hoặc các quyền khác trong phạm vi đường 9 đoạn vốn vượt khỏi lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà Trung Quốc được UNCLOS cho phép. Và ở đây, điều CSIS phê phán là dù đã ít đề cập hơn (trước đây) về đường chín đoạn nhưng việc nước này tiếp tục tuyên bố có chủ quyền lịch sử đối với hầu hết các vùng biển và đáy biển ở khu vực này (Biển Đông) tiếp tục phản đối tất các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong đường 9 đoạn bất kể chúng nằm cách các thực thể mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền bao xa, tiếp tục để ngư dân của mình đánh cá trong các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Indonesia là vô pháp, không thể chấp nhận. Đặt điều này vào vị trí cuối cùng chúng tôi muốn khẳng định đây là sự bất tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài then chốt nhất, nghiêm trọng nhất dẫn đến tất cả các hoạt động bất tuân khác của Trung Quốc.
***
Coi Biển Đông là của mình, cùng với việc xâm chiếm và xây cất, mở rộng các đảo đá, Trung Quốc đã từng bước thiết lập sự kiểm soát các tầng không gian của Biển Đông.
Ngày 8/6/2016 Trung Quốc xây dựng Đài quan sát đáy biển, giúp tìm kiếm khoáng sản và phục vụ cho mục đích quân sự. Đây là đài quan sát ngầm đầu tiên của một quốc gia tại Biển Đông. Đài quan sát này, theo India Times, sẽ được quan sát liên tục theo thời gian thực, đảm bảo độ chính xác cao. Tiến thêm một bước, tháng 9/2019 Trung Quốc thiết lập hệ thống thiết bị bay không người lái (UAV) kiểm soát tầng không. Với hệ thống này, Biển Đông được Trung Quốc đặt dưới sự kiểm soát đa tầng, nghĩa là mọi hoạt động dưới mặt đất, trên mặt đất và trong khoảng không trên mặt nước biển đều không thóat khỏi “tầm nhìn” của họ. Thiết bị này còn giúp họ tìm kiếm dầu khí trong lòng biển và nhanh chóng biết được các quốc gia lân cận đang làm gì với tài nguyên ấy. Mới đây nước này còn thí nghiệm thành công thiết bị lặn tự hành có thể khảo sát ở phạm vi 2000km và sâu 2000m. Cùng với những tiền đồn, căn cứ quân sự mà Trung Quốc đã xây dựng ở Biển Đông (cho đến nay Trung Quốc có ít nhất 27 tiền đồn từ Hoàng Sa đến Trường Sa), thêm một lần Trung Quốc bắt nạt các nước trong khu vực.
Tại Biển Đông, các căn cứ quân sự (bao gồm các sân bay) đã được Trung Quốc thiết lập trên đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa), đá Subi, đá Vành Khăn, đá Chữ Thập. Radar, tên lửa còn được hiện diện ở những cơ sở nhỏ hơn. Vụ Tư Chính đã cho thấy những căn cứ này phát huy tác dụng như thế nào. Tàu Hải Dương Địa chất 8 sau một thời gian quấy rối việc thăm dò, khai thác của Việt Nam ở Bãi Tư Chính lại trở về đây tiếp nhiên liệu, phụ liệu, không phải trở về tận Hải Nam hay các cảng đất liền. Điều này đã không thể xảy ra trước khi Trung Quốc hoàn thành việc xây cất các đảo đá.
Nhưng, nếu một cuộc chiến tranh nổ ra lại khác. Theo những gì có thể thấy, các đảo nhân tạo không đủ lớn để dự trữ pháo, đạn hoặc trang thiết bị thay thế. Các căn cứ ấy cũng là các mục tiêu cố định, không có tầng bao phủ tự nhiên, càng không có khả năng cơ động chuyển vị trí. Nói tóm lại, nếu là một cuộc tấn công/phản kích mạnh, có ý đồ thì những căn cứ này dễ bị tiêu diệt. Hơn nữa, “vì tên lửa không yêu cầu dữ liệu mục tiêu theo thời gian sống nên tàu chiến và máy bay Mỹ sẽ dễ dàng trong chiến dịch tấn công các căn cứ trên các đảo nhân tạo”, tờ National Interest viết ngày 17/9/2019. Tuy nhiên, trang tin này cũng cho rằng, các đảo nhân tạo là công cụ để Trung Quốc khẳng định các yêu sách chính trị về hàng hải và tài nguyên ở Biển Đông và các căn cứ quân sự đi kèm là công cụ để hù dọa các nước nhỏ yếu ven Biển Đông.
***
“Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” cho đến nay là một khái niệm đã được thừa nhận nhưng chưa đồng nhất về một định nghĩa. Nhật, Mỹ, những nước đầu tiên đề cập đến khái niệm này đã cùng đồng ý về một “khu vực tự do và mở rộng”. Và họ cũng muốn có một bộ tứ gồm Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ làm hạt nhân. Tuy nhiên, Ấn Độ muốn tránh nói đến bộ tứ, cũng không đưa ra một quan điểm có ý nghĩa chính trị về khu vực này. Ngoại trưởng Jaishanka của Ấn Độ nói: “Khi khái niệm này xuất hiện, mỗi nước có cách nhìn và cách tiếp cận riêng. Họ có thể trao đổi để tìm ra những điểm trùng hợp. Với Ấn Độ, đó là một khu vực mở, bao trùm và cân bằng. Cũng không thể chia tách Ấn Độ Dương khỏi Thái Bình Dương”.
ASEAN thì ban đầu có vẻ dị ứng với nó. Trước hết vì nó không xác định vai trò của ASEAN vốn vẫn coi (và được coi) mình là trung tâm. Hơn nữa nó mang ý nghĩa địa chiến lược của một tập hợp có vẻ chống lại Trung Quốc. Do đó các nước ASEAN đều dè dặt và hầu như không muốn nhắc đến. Song vì sự việc vẫn tồn tại, ngay bên cạnh ASEAN, va chạm với ASEAN vì các nước lớn đều nói đến nó nên cuối cùng, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 họp tại Bangkok, 6/2019, khối này cũng phải thông qua một văn kiện mang tên “Quan điểm ASEAN về “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (AOIP).
Đây thực chất là quan điểm của Indonesia, nước lớn nhất trong khu vực. Indonesia vốn đã muốn xây dựng một trục hàng hải vắt qua Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và muốn được định vị như một cường quốc biển ở khu vực này. Đó hẳn là lý do quan trọng khi khái niệm địa chiến lược này được đưa ra. Nhưng trong khi khái niệm này có vẻ tạo ra một tập hợp chống lại Trung Quốc thì vị thế của Indonesia như đã nói trên lại không được đề cập. Đó là lý do tại sao Indonesia muốn khởi sự một định nghĩa khác về Ấn – Thái riêng cho ASEAN.
***
ASEAN đã tuyên bố trở thành một cộng đồng nhưng những gì cho thấy là một cộng đồng không thống nhất, một cộng đồng mà mỗi nước theo đuổi những tính toán, lợi ích riêng cho mình. Họ chỉ cùng thống nhất quan điểm về những vẫn đề ở xa tít tắp, không ảnh hưởng đến họ. Những vấn đề gần, thiết thực thì họ phải xem được gì, mất gì nếu phải đeo mang quan điểm với cả hội, nhất là vấn đề biển đảo.
Cũng không thể trách được gì vì ASEAN là tập hợp xã hội với những điều kiện xã hội khác nhau (Các nước Đông Dương cũng vậy. Một nhà nhân chủng học Pháp thời thuộc địa, những năm 30 của thế kỷ trước đã có một nhận xét khái quát: Người Lào chỉ thích vui chơi, nhảy múa, họ có nhiều lễ hội, một năm chỉ cần mấy tháng xuống nương ra đồng là được. Người Việt thì chỉ nhìn thấy những gì hiện ra tức thì, họ không thể nhìn xa hơn nếu có bức tường trước mặt. Còn người Khmer, bắt tay họ quay đi thì phải quay lại ngay, coi chừng… Những năm 70 có không ít bộ đội, cán bộ Việt Nam bị mất tích ở vùng Đông Bắc Campuchia trong khi thỉnh thoảng lại bắt gặp những lính Khmer đỏ vác dao trên đường). Vấn đề biển đảo ở Biển Đông đã bao giờ có được một ý chí chung giữa các nước này? Chưa. Sự rạn nứt bắt đầu từ năm 2010, vào cái thời điểm mà chúng tôi đã đề cập ở trên, đến năm 2012 việc này trở nên rõ ràng. Campuchia khi đó là Chủ tịch ASEAN đã công kích Việt Nam và Philippines vì phê phán quan điểm của họ. Khi Philippines kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế và giành được phán quyết thuận lợi của Tòa, tháng 7/2016, chỉ có Việt Nam bày tỏ sự hoan nghênh. Các nước ASEAN khác, tùy từng thời điểm cho đến nay đã cho thấy quan điểm của mình đối với phán quyết này nói chung là dè dặt.
Tuy nhiên, các nước ASEAN cũng tăng cường hợp tác cùng khai thác tài nguyên biển trong các khu vực chồng lấn, thể hiện một tinh thần hiểu biết. Đã có thỏa thuận chung giữa Thái Lan và Malaysia về việc mỗi bên có thể khai thác 50% sản lượng khí đốt trong khu vực này. Campuchia và Thái Lan cũng tích cực thúc đẩy việc khai thác năng lượng trong khu vực chồng lấn giữa hai nước. Trong khi đó, Việt Nam đang thảo luận với Indonesia và Malaysia về việc xác định vùng đánh cá chung trong khu vực tiếp giáp giữa ba nước, tránh tình trạng bắt giữ tàu cá của nhau hoặc gây ra các sự hiểu lầm khác.
Trung Quốc là bên tranh chấp lớn trong vấn đề Biển Đông. Họ giống như là một mình một phía với tiềm lực kinh tế, quốc phòng, chính trị vượt trội. ASEAN, trong vấn đề Biển Đông, muốn là đối tác đa phương của Trung Quốc nhưng nước này kiên quyết giữ song phương, có đàm phán thương lượng thì riêng với từng nước liên quan, không làm với “một tập hợp”. Nhưng Trung Quốc đã tốn công, tốn sức không ít và có sự bối rối lớn khi tìm kiếm sự ủng hộ của thế giới vào thời kỳ mà Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 và khi Philippines – Aquino kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài. Những gì họ đã làm và đạt được trong vấn đề này là không đáng bỏ công. Trong danh sách các nước ủng hộ mà họ công bố lúc đó, hầu hết là các nước châu Phi và các quốc đảo tí xíu ở Thái Bình Dương. Không một nước lớn, không một nước phương Tây, thậm chí cũng không một nước ASEAN trong tổng cộng 70 nước mà Trung Quốc nói rằng ủng hộ họ. Nhưng điều đáng nói là trong cuộc tấn công “làm việc” vào các nước tí hon Vanuatu, Samoa, Tonga, Papua New Guinea, các nhà ngoại giao Trung Quốc cho các nước này biết họ là “nạn nhân” trong vụ tranh chấp và “Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên và phát triển các đảo ở Biển Đông, còn Việt Nam và các nước khác mới chỉ tuyên bố chủ quyền trong năm 1970 (?) sau khi ở đây phát hiện các mỏ dầu và khí đốt”. Lúng túng, tất cả xuất phát từ cách làm không chính nghĩa.
***
Dù muốn hay không, Biển Đông đã là vấn đề quốc tế bởi sự tranh chấp giữa nhiều quốc gia trong khu vực. Nó càng trở thành vấn đề quốc tế khi là một trong những đường hàng hải quan trọng nhất của thế giới.
Nước lớn gần cận với quan điểm của Việt Nam nhất có lẽ là Nhật Bản. Nhật Bản từng ủng hộ Trung Quốc khi Đặng Tiểu Bình đến Nhật, ngay trước khi Trung Quốc đánh Việt Nam 1979. Lập trường này đã có nhiều thay đổi, đặc biệt dưới thời cầm quyền của thủ tướng Abe. Quan hệ giữa hai nước ổn định, gần như là đồng minh cho đến lúc này. Nhật Bản là quốc gia cấp nhiều vốn ODA cho Việt Nam nhất và cũng đặc biệt giúp Việt Nam xây dựng các cơ sở hạ tầng. Không có dấu hiệu gì, không có lý do gì để thấy rằng quan hệ thân thiết giữa hai nước có thể bị phá vỡ.
Xét từ chiều sâu 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Liên Xô/Nga là đồng minh của Việt Nam. Mối quan hệ này chưa từng đổi khác, cho dù vật đổi sao rời. Ngày nay đây là mối quan hệ có thể tin cậy của Việt Nam dù trong khi đó quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã vượt lên, trở thành mối quan hệ mà cả hai nước này đều thề rằng tốt nhất trong lịch sử (đây không phải là quan hệ đồng minh, cũng không phải liên minh nhưng dựa vào nhau để tìm sự thống nhất trong đối chọi với Mỹ).
Trong vấn đề Biển Đông, Nga có lúc cũng nói là không quốc tế hóa sự tranh chấp trong khu vực. Nhưng nói chung, có thể thấy chính giới Nga, dư luận Nga ủng hộ Việt Nam, thông qua cách đưa tin trên các phương tiện truyền thông, hoặc các cuộc hội thảo ở Viện Hàn lâm hay trường đại học được đặc biệt tổ chức về vấn đề này. Chẳng hạn tiêu đề một bản tin của hãng TASS trong dịp xảy ra vụ Tư Chính: “Việt Nam kiên quyết đấu tranh trước bất cứ một hành vi nào xâm phạm chủ quyền” hoặc hãng này trích dẫn lời phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ: “Trung Quốc cần kiềm chế các hành động khiêu khích tại Biển Đông”. Hãng Interfax của nước này còn trích dẫn cả lời phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana chỉ trích Trung Quốc vì những hăm dọa. Đặc biệt trong “bối cảnh Tư Chính”, ngày 17/7/2019 Nga công bố thư khen ngợi của Tổng thống Putin đối với giám đốc Rosneft Việt Nam BV (Công ty con của tập đoàn Rosneft) một động thái không chỉ được coi là khéo léo ủng hộ Việt Nam mà còn khẳng định quyền của Nga trong thăm dò, khai thác ở đây.
Tại cuộc hội đàm với tổng thống Putin (Sochi, ngày 6/9/2018) trong khi Tổng thống Nga nói rằng Moscow muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ an ninh và quốc phòng với Hà Nội thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Việt Nam xem Nga là một trong những đối tác quan trọng và đáng tin cậy nhất.
Chính sách “ba không” của Việt Nam trong quan hệ quốc tế (Sách trắng quốc phòng 2019 mới xuất bản nêu “bốn không”), đặc biệt với các nước lớn, thế giới đã rõ. Nhưng trong bối cảnh ngày càng phức tạp, cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, chính sách này cần được điều chỉnh. Một liên minh liên kết với một nước mạnh, có thể làm chỗ dựa cho Việt Nam, tại sao không?
Một liên minh có điều kiện, không nhất thiết phải là đồng minh. Trong điều kiện hiện nay, Việt Nam có thể sẵn sàng với quốc gia nào và quốc gia nào có thể sẵn sàng cùng Việt Nam? Vấn đề không đơn giản bởi tính tự giác phải đến từ hai phía.
Có thể thấy một điều Mỹ là một nước lớn và là quốc gia duy nhất đã phản đối đích danh Trung Quốc trong các sự kiện ở bãi Tư Chính. Mỹ cũng có lợi ích to lớn ở Biển Đông. Nhưng chỉ những điều ấy thôi chưa đủ, sự liên minh liên kết phải được dựa trên sự tin cậy. Và nếu được như thế, chắc chắn đó là sự hợp tác chiến lược. Trên tờ Bloombeng 17/11/2019, tác giả J. Starviridis đã viết: “Mặc dù không phải là đồng minh như Thái Lan, Philippines, Mỹ và Việt Nam cần có một khuôn khổ hợp tác chính thức về an ninh”.
Mỹ từng là kẻ thù của Việt Nam và giữa hai nước là một cuộc chiến tranh khốc liệt nhất. Không có kẻ thù nào là vĩnh viễn, cũng như không có bạn bè nào vĩnh viễn, người Trung Quốc đã nói vậy và họ có thể là tấm gương về việc này. Trung Quốc từng ủng hộ Pôn Pốt – Ieng Sary, ủng hộ chế độ diệt chủng quyết liệt chống lại Heng Samrin – HunXen và gọi chế độ ở Phnom Penh hiện nay là tay sai của Việt Nam. Bây giờ thế nào? Trung Quốc không hề xấu hổ khi tuyên bố Hun Sen là người bạn thân thiết nhất của họ. Cả hai đều biết vì sao lại như vậy, vì sao lại cần phải như vậy.
Việt Nam cũng không bao giờ muốn là kẻ thù của Trung Quốc. Hơn nữa dòng chính trong lịch sử cận đại giữa hai nước là ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, tình thế quy định và đặt tên sự việc.
***
Trở lại vấn đề Tư Chính.
Đầu tháng 7/2019 Trung Quốc đưa tàu Hải Dương Địa chất 8 tới phía đông bắc bãi Tư Chính, làm cái việc mà họ gọi là khảo sát đáy biển khu vực này. Theo như họ cho biết, họ đã “khảo sát” 10 lô dầu khí trong một vùng biển rộng 35.000 km2 hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Đã có lúc Hải Dương 8 chỉ cách Phan Thiết 185km, hoặc Ninh Thuận 155km, xâm nhập sâu vào EEZ của Việt Nam.
Đi theo tàu này, có nhiều tàu hải cảnh hộ tống, thậm chí cao điểm có lúc có tới tám chục tàu hải cảnh và tàu dân quân Trung Quốc bao quanh và cản trở, xua đuổi tàu Cảnh sát biển Việt Nam. Những tàu này còn dấn thêm một bước là quấy rối gần lô 06-01, nơi Rosneft Việt Nam đã hoạt động khai thác trong nhiều năm qua. Đây cũng là nơi mà hai tập đoàn BP và Conoco Philips từ đầu những năm 2000 đã triển khai dẫn khí đốt vào đất liền Việt Nam, đáp ứng một phần năng lượng cho nhà máy điện. Hiện tại khí từ mỏ Lan Đỏ chiếm tới 1/10 tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam và đang do Rosneft Việt Nam khai thác. Cần nói rằng xa bờ hơn một chút là các lô 07-03 và 136-03 cũng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, là nơi vào các năm 2017 và 2018, Trung Quốc đã gây sức ép buộc công ty Repsol của Tây Ban Nha phải rời đi.
Hoạt động của các tàu hải cảnh này không đơn thuần là bao bọc, che chắn cho Hải Dương 8 mà còn nhuốm màu bạo lực. Chẳng hạn ngay từ đầu, ngày 2/7, các tàu hải cảnh đã di chuyển với tốc độ cao trong một cự ly gần giữa hai tàu Việt Nam hay giữa tàu Việt Nam với giàn khoan. Sau đó, trong thời gian căng thẳng nhất, họ lại tiến hành đâm va và phun nước vào các tàu Việt Nam bảo vệ giàn khoan, giống như các hoạt động của họ trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014.
Ngoài mục đích tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, hoạt động của Hải Dương Địa chất 8 còn mục đích gây sức ép với Nga (có lẽ đây là mục đích chính?), nước đang có công ty Rosneft hoạt động trong khu vực theo thỏa thuận giữa hai chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga trước đó, theo cách mà Trung Quốc từng gây sức ép với Repsol của Tây Ban Nha. Như đã đề cập, ngay trong dịp này, Nga đã công khai thư khen ngợi của Tổng thống Putin đối với Giám đốc Rosneft Việt Nam BV, công ty đang hoạt động thăm dò ở đây, một phản ứng rõ ràng đối với Trung Quốc. Về phía mình, ngay từ đầu, phản ứng của Việt Nam là mạnh mẽ. Ngày 12/7 Thủ tướng Việt Nam đã đến trụ sở cảnh sát biển và trực tiếp đàm thoại, động viên lực lượng này đang làm nhiệm vụ ở bãi Tư Chính. Suốt trong quá trình tàu Hải Dương Địa chất 8 và các tàu hải cảnh gây rối, Cảnh sát biển Việt Nam đã kiên quyết không rời vị trí, đáp trả ngoan cường các hành động có tính chất vũ lực của họ.
Chính phủ Việt Nam thông qua giao thiệp của Bộ Ngoại giao đã kiên quyết, liên tục phản đối việc xâm phạm chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc.
Điều quan trọng là mặc dù mọi cản trở từ phía Trung Quốc, Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của mình ở khu vực này.
Một điều đáng lưu tâm khác là việc Trung Quốc đã thách thức gần như cùng lúc đối với chủ quyền các nước ASEAN (trước đó là đối với Malaysia và Philippines) thêm một lần cho thấy các nước này cần phải có sự đoàn kết, cần phải có một tiếng nói chung hơn bao giờ hết. Chính trong dịp này, cuối tháng 8/2019 thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã có cuộc thăm viếng Việt Nam. Trong tuyên bố chung, hai bên đã nhấn mạnh vấn đề Biển Đông phải được giải quyết bằng hòa bình, thông qua các tiến trình pháp lý, không đe dọa sử dụng vũ lực, và phải tuân thủ Công ước luật biển của Liên hợp quốc 1982. Trong cuộc đi thăm một nước ASEAN khác ngay sau đó, từ kinh nghiệm xử lý các khoản vay nợ của nước mình sau khi trở lại làm Thủ tướng, ông Mahathir đã nói: “Hãy trân trọng giá trị của độc lập tự chủ, một khi vay nợ (và khó trả) thì sẽ không còn độc lập tự chủ nữa”. Ông Thủ tướng cũng nói rằng, nếu để nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ cũng có nghĩa là để mất chủ quyền, “nhưng những can thiệp khẩn thiết như trường hợp Khmer Đỏ trước đây lại khác”. Có lẽ ông muốn nhắc đến hành động hy sinh giúp đỡ Campuchia của Việt Nam mà đến nay cũng vẫn còn những ý kiến khác trong khu vực? “Để ngăn các cường quốc can thiệp, các nước ASEAN phải đoàn kết thành một khối vững chắc”, ông kết luận.
***
Tính đến 2016, Việt Nam đã ký kết 13 thỏa thuận đối tác chiến lược và 11 đối tác toàn diện với các nước. Có ba nước là đối tác chiến lược toàn diện là Trung Quốc (2008), Nga (2012) và Ấn Độ (2016). Nhưng thực tế đã không như vậy trong quan hệ với Trung Quốc.
Đối tác chiến lược toàn diện trước hết là sự hợp tác, tin cậy trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng, quan hệ hai nước Việt Nam – Trung Quốc có sự hợp tác tin cậy đó không? Cần nhìn vào sự thật qua bốn chục năm nay: Không. Tháng giêng năm 2017, hai Bộ trưởng Quốc phòng hai nước, trước sự chứng kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã ký tại Bắc Kinh “Tuyên bố tầm nhìn chung về sự hợp tác quốc phòng đến năm 2025”, một văn bản mà dư luận tin rằng “chỉ có giá trị về mặt chính trị”, tuyên truyền.
Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trước hết là quan hệ láng giềng gần gũi, nhiều tương đồng về lịch sử, văn hóa. Nhưng quan hệ gần gũi, láng giềng ấy là quan hệ giữa một nước lớn và một nước nhỏ và bởi vậy, Việt Nam đã phải hứng chịu một ngàn năm thuộc Bắc. Cuối cùng trong thế kỷ XX Việt Nam cũng trở thành một nước hoàn toàn tự do và độc lập. Nhưng những di sản bất lợi của một ngàn năm ấy phải giải quyết đã không hề dễ dàng. Sau một thập kỷ chiến tranh và xung đột giữa hai nước – thập kỷ 80 của thế kỷ XX – phải mất thêm một thập kỷ nữa hai nước mới có thể đàm phán về vấn đề biên giới trên bộ. Phải mất 6 vòng đàm phán cấp chính phủ, 16 cuộc hội đàm của nhóm làm việc chung và nhiều cuộc gặp cấp chuyên gia khác, đến sát ngày cuối cùng của thập kỷ 90, hai nước Việt Nam và Trung Quốc mới ký được Hiệp ước Biên giới trên bộ và đến ngày 25/12/2000, cũng sau 10 vòng đàm phán cấp chính phủ, 18 cuộc hội đàm của Nhóm làm việc chung hai nước mới ký được Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ. Nhưng như ta đã biết, tất cả những điều đó chưa phải là kết thúc.
***
Người Trung Quốc hiện nay đang có cái nhìn như thế nào về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc?
Nhiều tác giả, bao gồm cả những học giả và không học giả Trung Quốc đã có những bài viết về Việt Nam hoặc về quan hệ Việt – Trung. Không ít những bài như “Cơ hội của Việt Nam trong chuỗi ngành nghề toàn cầu” (www.dunjiaodu.com, ngày 27/6/2019), nói về sự phát triển kinh tế của Việt Nam với những số liệu và phân tích khá xác đáng, những dự báo có cơ sở, những thiếu hụt cần phải vượt qua và những kết quả có thể hy vọng. Hay, mặc dù chịu sự kiểm duyệt nặng nề, một số học giả Trung Quốc vẫn đưa ra những ý kiến khách quan về “Nam Sa” (Trường Sa) về “đường chín đoạn” như Trần Khắc Kỷ, Lý Lệnh Hoa. Nhưng nói chung các bài viết thường thiên về phê phán, dạy dỗ, thậm chí xuyên tạc và thậm chí nữa, nói lấy được. Một nữ nghiên cứu viên của Viện khoa học xã hội Quảng Tây bảo rằng, Trung Quốc đất rộng, người đông, vì thế (?) không thể chấp nhận một vùng biển nhỏ hẹp. Một học giả ở Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới (Bắc Kinh) mà tôi tôn trọng, cũng bảo rằng từ Việt Nam đi đến Philippines phải vượt qua “đường biên” với Trung Quốc (ý nói đường 9 đoạn) (?) Đặc biệt vừa qua, ông Trương Minh Lượng, nghiên cứu viên Đại học Ký Nam (Quảng Đông) có bài: “Ngoại giao Việt Nam làm phức tạp hóa vấn đề Biển Đông” – đăng trên tạp chí Đông Nam Á (Trung Quốc). Bài viết khá dài và loanh quanh chữ nghĩa không có sức để bình luận, chỉ xin hỏi lại ông Trương hai điều. Một, ông bảo nhà cầm quyền Việt Nam phải dung túng chủ nghĩa dân tộc (ý muốn nói là chống Trung Quốc) để bù đắp sự thiếu hụt tính hợp pháp của họ. Thiếu hụt tính hợp pháp ở chỗ nào thưa ông? Thứ hai, điều này mới quan trọng, mới là bản chất của điều ông muốn nói. Ông bảo cuộc chiến Việt Nam – Campuchia cuối những năm 70 thế kỷ XX thực tế là cuộc chiến ba bên với bên thứ ba là Trung Quốc (hay thật!). Và bây giờ theo ông, tình huống ba bên ấy lại xuất hiện y chang, quan hệ Trung Quốc – Campuchia ngày càng ấm lên và quan hệ của Việt Nam với hai nước này ngày càng lạnh nhạt, thậm chí quan hệ Việt Nam – Campuchia đã đạt đến mức căng thẳng với hai nguyên nhân là Trung Quốc đã viện trợ ào ào cho Campuchia và người Campuchia thì “căm ghét” Việt Nam chẳng khác gì trước đây? Ông Trương khẳng định: điều này là chắc chắn. Và ám chỉ: Cơ hội bùng phát cuộc chiến tranh tương tự cuối những năm 1970 đã sẵn sàng, và Việt Nam đang lo ngại.
Xin hỏi ông: Trung Quốc trước đây ủng hộ Khmer Đỏ (Lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc từng nói Khmer Đỏ là chế độ giết người, nhưng Trung Quốc ủng hộ vì Khmer Đỏ đánh Việt Nam); và từng tuyên bố chế độ Hun Sen – Heng Samrin là tay sai của Việt Nam nhưng Trung Quốc hiện nay lại ra sức viện trợ cho họ như ông nói, coi họ là những người bạn lý tưởng nhất. Vậy là sao? Còn về việc Việt Nam giúp đỡ Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pot và nhân dân Camphuchia đánh giá điều đó như thế nào ông có thể tìm đọc bài phát biểu của ông Hun Sen ngày 4/10/2019, trong lần thăm Việt Nam mới đây.
***
Như đã đề cập, Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc về kinh tế và công nghệ. Từng nói đến “thoát Trung” nhưng bây giờ càng dính chặt hơn. Người Việt Nam là như vậy, không có cái gì kiên quyết cả (trừ việc cả nước ra đường phải đội mũ bảo hiểm, một sự thành công đáng ngạc nhiên). Báo chí đưa tin trong 7 tháng đầu năm 2019 Việt Nam nhập khẩu 42,5 tỷ đô la hàng hóa từ Trung Quốc, tăng gần 20%, cả máy móc, thiết bị lẫn nguyên liệu, phụ liệu. Không có một nước nào mà nền kinh tế phụ thuộc nhập khẩu từ nước láng giềng cao như Việt Nam (và xuất khẩu cũng vậy, dù rằng thâm hụt. 70% nông sản xuất khẩu là sang Trung Quốc). Số liệu thống kê về xuất nhập khẩu hàng năm của phía Trung Quốc thực tế cao hơn Việt Nam nhiều (trung bình khoảng 15% vì họ nắm chắc hoạt động của đường tiểu ngạch). Thấy nguy cơ nhưng nói xong để đấy, như chỉ nhìn thấy bức tường trước mặt. Không ai quan tâm tại sao, hoặc lờ đi vì không giải quyết nổi. Vấn đề là chính Trung Quốc cố tình tạo ra một thị trường buôn lậu và tiểu ngạch nhộn nhịp qua nhiều ngách biên giới khó kiểm soát. Khó kiểm soát nhưng không phải không biết (hoặc chỉ nhìn thấy “bức tường”). Cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Lê Minh Triết, gần đây đã phải nói “Nhà nước Việt Nam đã không làm tròn trách nhiệm”. Tôi không muốn dùng đến khái niệm “thoát Trung”. Nói vậy giống như đang chịu đựng một sự kìm kẹp. Mà nguyên nhân của chuyện này chủ yếu và trước hết là do chúng ta. Việt Nam là nước nhỏ so với Trung Quốc nhưng với dân số gần trăm triệu người thì lại là nước lớn trong ASEAN, là tấm gương (phản chiếu chứ chưa phải để soi) mà các nước nhìn vào.
Vấn đề thứ nhất, buôn lậu và tiểu ngạch. Trung Quốc dung túng thì hoàn toàn có thể “bóp” vào, bằng thuế, bằng khối lượng, bằng chất lượng do họ quy định và vân vân. Người hứng chịu sẽ là nông dân và những người buôn bán tiểu ngạch, cũng có nghĩa là chính phủ, chưa nói vô vàn rủi ro trong làm ăn tiểu ngạch qua biên giới. Việt Nam phải chủ động và kiểm soát nó, khó khăn nhưng có thể kiểm soát.
Vấn đề thứ hai: Tiềm tàng nguy cơ lớn Trung Quốc trả đũa. Nước này có thói quen không quân tử là dùng biện pháp kinh tế – thương mại để trả đũa những vấn đề không liên quan, như đã từng làm với Philippines, Na Uy, Hàn Quốc… Cách ứng phó của Việt Nam là không để chỉ khi thấy nguy cấp thì mới đề cập đến như một vấn đề chiến lược, qua rồi thì “cho qua”. Việt Nam cũng không được để những nguyên liệu thiết yếu cho sản xuất chỉ đến từ một hướng, chỉ đến từ Trung Quốc. Ở đây chính là vai trò của nhà nước, của chính phủ. Phải có kế hoạch ngay từ khi nguy cơ ấy tiềm tàng. Kế hoạch này phải có lộ trình, kiểm điểm theo lộ trình. Có đắng cay, có sút giảm (thậm chí nặng nề) nhất thời cũng phải chấp nhận. Coi như một cuộc chiến, mà cuộc chiến thì không thể thất bại.
(II)
Dư luận trong nước cho rằng trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, nhất là qua vụ việc ở bãi Tư Chính, cách ứng xử của Nhà nước Việt Nam như vậy là chưa đủ , chưa được, còn quá dè dặt. Người ta nhìn vào kết quả: Trung Quốc vẫn thế, vẫn ra vào ngang nhiên. Tôi đồng ý phần nào quan điểm này. Người dân cần ủng hộ Chính phủ, nhưng không có nghĩa vụ ủng hộ vô điều kiện. Người dân cũng có quyền thảo luận với Chính phủ một cách lý trí nhưng không để tình cảm lấn át, thiếu hiểu biết, càng không thể đại ngôn, lớn lời, bài bác vô lối.
Trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có quan hệ sâu rộng nhất với Trung Quốc, trên mọi lĩnh vực. Cùng với Myanmar và Lào, Việt Nam có đường biên giới trên bộ khá dài với Trung Quốc. Việt Nam cùng có biên giới trên biển quan trọng với nước này, không nói về đường 9 đoạn. Việt Nam cũng sở hữu hệ thống Mekong-Lan Thương với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á lục địa. Việt Nam cũng là nước có quan hệ kinh tế – thương mại lớn nhất với Trung Quốc.
Để thấy rằng những tính chất bất khả kháng của Việt Nam trong mối quan hệ này và cũng để thấy rằng Việt Nam phải ở hàng đầu trong cách ứng xử với Trung Quốc. Theo cách mà Jay Batongbacan nói về vai trò của Philippines trong phán quyết của Tòa Trọng tài (đã nêu ở trên), ta cũng có thể bảo: Nếu Việt Nam không quan tâm đến vai trò hàng đầu của mình thì không một nước nào trong hoặc ngoài khu vực có thẩm quyền (cả về mặt đạo đức lẫn pháp lý) nắm giữ vai trò ấy.
Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần có sự hợp tác cao hơn với Mỹ, một liên minh liên kết hoặc đối tác chiến lược chẳng hạn. Người viết cũng đã nêu ra khả năng này là có thể, với điều kiện cả hai phía đều tự giác nhìn thấy và vì cộng đồng lợi ích. Bài phát biểu của Phó tổng thống Mỹ M.Pence ngày 24/10/2019 có phần quan trọng nói về Biển Đông đã được dư luận Mỹ đánh giá cao. Trong khi Giáo sư A. Erickson thuộc Trường Hải chiến Mỹ cho rằng Phó Tổng thống Pence “xứng đáng trong vai trò quan chức Mỹ cao cấp nhất công khai vạch trần ý đồ của lực lượng dân quân biển Trung Quốc” và ông D.J. Grossman, một chuyên gia từ Trung tâm Rand Corporation phát biểu: “Chưa một nước nào đứng lên bảo vệ Việt Nam như vậy” thì vẫn cần phải hỏi: Còn Tổng thống Mỹ thì sao? Ông D. Trump chưa một lần lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề này, chưa nói đến hành động. “Nước Mỹ trước hết”, và ông đã bỏ rơi đồng minh người Kurd cho Thổ Nhĩ Kỳ? Có thể đặt cược vào một Tổng thống vừa dân túy vừa bất nhất như vậy?
Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là một quan hệ láng giềng vĩnh viễn. Trong mối quan hệ đó có lịch sử, văn hóa, có tình hữu nghị không thể một sớm một chiều bỏ qua. Chưa nói đến những ràng buộc như đã đề cập. Nhưng cũng không thể xem nhẹ chủ quyền dân tộc nếu bị xâm phạm. Đấy là thế khó của nhà nước mà cũng là nơi quyền lực và sự sáng suốt phải được chứng tỏ. Dư luận nhân dân có quyền đòi hỏi chính phủ phải làm nhiều hơn, làm tốt hơn việc bảo vệ chủ quyền đất nước.
Trong ba mối quan hệ/ràng buộc đang có với Trung Quốc thì Biển Đông nằm ở trung tâm còn kinh tế và hệ thống sông Mekong-Lan Thương rất có thể trở thành công cụ của một bên như đã nói. Không khó để nhìn ra sự “khôn ngoan” của đối phương nhưng chưa thấy Việt Nam có một đối sách thật sự ở tầm chiến lược. Nói “thoát Trung” để bây giờ càng “dính” chặt hơn?. Về hệ thống Mekong – Lan Thương cũng vậy. Trung Quốc trữ một lượng nước lớn ở thượng nguồn bằng một loạt con đập nhưng nhiều con đập không để làm thủy điện. Để làm gì? Người ta có quyền đặt câu hỏi về vấn đề này, nhất là từ lâu Trung Quốc đã có ý định tìm cách cung cấp nước cho vùng khô hạn phía đông và phí bắc của mình. Cơ chế hợp tác Lan Thương – Mekong (LMC) không cho thấy mục đích rõ ràng, dù nó nằm dưới ngọn cờ “cộng đồng chung vận mệnh” với rất nhiều tiêu ngữ bóng bẩy. Hầu như Bắc Kinh chưa đưa ra cam kết nào đối với yêu cầu quản lý và ổn định dòng chảy, đảm bảo cung cấp nước và phù sa cho hạ lưu, giữ vững hệ sinh thái. Tóm lại, vấn đề quản lý tài nguyên nước đã hoàn toàn bị bỏ qua; trong khi ở thượng lưu, chỉ với 11 con đập, Trung Quốc trữ tới 50% lượng nước của Mekong – Lan Thương vào mùa khô hạn!
Biển Đông là nơi tập trung những vấn đề chủ yếu liên quan đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đáng tiếc đó lại là những vấn đề tiêu cực, trái với điều Trung Quốc thường rêu rao là tình hình khu vực này ổn định (ngay cả khi xảy ra sự việc ở bãi Tư Chính nửa cuối năm 2019). Không thể hy vọng giải quyết cơ bản hoặc một lần khi các mâu thuẫn diễn ra đã mấy chục năm mà vẫn đang ngày thêm trầm trọng. Nhưng đã đến lúc yêu cầu các bên nhìn thẳng vào vấn đề với tinh thần hợp tác, không lảng tránh.
Thứ nhất, vấn đề COC-Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông. Tại cuộc họp thượng định giữa ASEAN và Trung Quốc ở Bangkok mới đây, “đã nổ ra tranh cãi gay gắt giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông” (AP, ngày 2/11/2019), theo đó Trung Quốc trở mặt yêu cầu khối các nước ASEAN không được để Việt Nam phá hoại (?) tiến trình đàm phán COC. Việt Nam phá hoại COC? Thật không đấy? Quá ngang ngược và hài hước khi biến mình từ tội đồ trì hoãn COC vụt trở thành ông chủ sáng giá, lúc nào cũng muốn làm ông kẹ! Tuy nhiên Việt Nam cần nắm lấy cơ hội, buộc nước lớn này phải đàm phán thực chất trên cơ sở kiến nghị của tất cả 11 bên, đặc biệt với các nước có dự phần Biển Đông.
Thứ hai, vấn đề “đường 9 đoạn”. Gần đây phía Trung Quốc đã giảm thiểu phát ngôn chính thức từ phía nhà nước về đường 9 đoạn. Giáo sư Robert Beckman từ Đại học Quốc gia Singapore ngày 6/1/2020 cho rằng Trung Quốc đang từ bỏ yêu sách đường 9 đoạn và thay thế nó bằng yêu sách chủ quyền đối với 4 cụm đảo (Hoàng Sa, Trường Sa, Pratas/Đông Sa và Macclesfield/Tây Sa) mà họ cho rằng có cơ sở pháp lý vững hơn (Nội sự đổi thay này càng cho thấy thế yếu cùng lòng tham khó bỏ của Trung Quốc). Tôi tin là Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm được cơ sở pháp lý cho đường 9 đoạn để giải thích cho chính người Trung Quốc (chưa nói quốc tế) như tuyên bố hùng hồn (rồi bỏ mặc đấy) của ông Ngô Sĩ Tồn nhiều năm về trước.
Bác bỏ đường 9 đoạn không chỉ căn cứ vào tính pháp lý mà luật biển UNCLOS 1982 của Liên hợp quốc đã xác nhận mà còn căn cứ vào tính mơ hồ mà Trung Quốc tuyên bố sau khi công dân của họ vẽ ra con đường này. Tuyệt đối không thể vồ lấy mà nói đấy là biên giới biển, biên giới quốc gia.
Thứ ba, vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc chẳng những nói đây là đất của tổ tiên từ đời nhà Hán mà có lúc còn bảo, Trịnh Hòa thời Minh trong các lần xuất dương đã tuyên chiếm các đảo này. Nhà báo Bertil Lintner trên trang Asia Times ngày 15/11/2019 vạch rõ, Trịnh Hòa thậm chí chưa đi qua Biển Đông. Trong danh mục 700 điểm ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương mà ông này ghi lại, bao gồm cả những nơi rất xa xôi như Adaman, Nicobar và Maldives, chẳng có một địa điểm nào thuộc về Biển Đông. Phải có những người lãnh đạo biết rằng cấp dưới đã báo cáo sai sự thật và phải có những cấp dưới có lương tâm chứ? Mà dù chủ quyền thuộc về ai – thuộc về Việt Nam cũng vậy thì như phán quyết của Tòa trọng tài, “không một cấu trúc nào ở Trường Sa có thể tạo ra các vùng biển mở rộng”
Thứ tư, phải thừa nhận rằng, mặc dù Trung Quốc là nước lớn có tiềm lực quân sự hùng mạnh, hầu như không có công ty, tập đoàn khai thác dầu khí quốc tế nào vì lợi ích kinh tế chấp nhận lời mời chào của họ vào thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng mà Trung Quốc gọi là Vạn An (bãi Tư Chính) cũng như trong phạm vi đường 9 đoạn, ngoại trừ tập đoàn năng lượng Crestone (Mỹ) năm 1992. Nhưng trước sự phản đối của Việt Nam, tập đoàn này sau đó đã rút lui và Việt Nam đã xây dựng thêm 3 nhà giàn ở đây để khẳng định chủ quyền. Cho đến nay, không một công ty nước ngoài nào còn có mặt theo lời kêu gọi của Trung Quốc. Thất bại đó có thể là lý do chủ yếu khiến Trung Quốc đã luôn yêu cầu COC phải có điều khoản ràng buộc “không hợp tác khai thác tài nguyên với các nước ngoài khu vực”.
Thứ năm, sự ủng hộ của quốc tế. Sự ủng hộ này gần như tuyệt đối khi các nước khẳng định mọi cách làm của Việt Nam đều dựa trên trật tự và quy tắc quốc tế, trong đó bao gồm Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), cũng như quyền bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình. Trong vụ việc liên quan đến bãi Tư Chính vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhiều lần lên tiếng phê phán Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam. Nhiều nước trong khu vực như Nhật, Ấn, Úc,… cũng đã lên tiếng với những cách khác nhau. Dư luận truyền thông, báo chí ủng hộ Việt Nam khá mạnh mẽ. Không một quốc gia nào lên tiếng bênh vực Trung Quốc.
Tuy nhiên, phản ứng nói chung là tiêu cực từ các quốc gia trong ASEAN/Đông Nam Á là điều đáng chú ý. Vì nguyên tắc đồng thuận, ASEAN đã không ra được tuyên bố chung dù rằng các nước ven Biển Đông, cách này hay cách khác đều từng bị Trung Quốc xâm phạm, gây hấn. Theo thiển ý của tôi, có thể sắp xếp các quốc gia này theo trật tự gần với quan điểm của Việt Nam là: Lào, Malaysia (dưới thời Thủ tướng vừa từ nhiệm Mahathir Mohamad), Philippines, Indonesia, Brunei…và Campuchia! Vâng, trật tự này có thể gây ngạc nhiên với nhiều người nhưng là một sự thật. Tại cuộc gặp thượng định ASEAN đầu tháng 11/2019, khi Việt Nam yêu cầu đưa vào tuyên bố chung một cụm từ đề cập đến hành vi xâm lấn của Trung Quốc thì Campuchia phản đối. Nên coi việc này như thế nào? Có lẽ “lợi ích quốc gia” trên hết là điều mà người Việt Nam cũng cần thích ứng, hơn nữa việc tương tự đã có tiền lệ (2012).
Thứ sáu, thế giới đánh giá ra sao trước những phản ứng của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông? Với cả dư luận chính giới và truyền thông, Việt Nam được đánh giá cao khi phản ứng tích cực trước những lợi ích hợp pháp bị xâm phạm nhiều nhất và liên tục. Tờ Straits Times (Singapore) viết: Hà Nội phản ứng mạnh nhất trong số các quốc gia tuyên bố chủ quyền. Hãng RFI dẫn Asia Times nhận định Việt Nam hầu như là quốc gia duy nhất trong cuộc chiến chống lại nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiểm soát Biển Đông, với ba mặt liên kết: ngoại giao; thăm dò, khai thác; giảm phụ thuộc kinh tế. Trên cơ sở “sự nhạy bén chiến lược” và “tính kiên trì đặc trưng”. Trang The Diplomat (Nhật) đánh giá phản ứng của Việt Nam là “rất bình tĩnh và kiềm chế”. Quan sát một cách tinh tế, trang này cũng tổng kết phản ứng của Việt Nam bao gồm năm thành phần: một, triển khai lực lượng để khẳng định chủ quyền và giám sát hòa bình; hai, tiếp cận qua đường ngoại giao và các cách thức có thể bày tỏ sự phản đối, yêu cầu đối phương rút lực lượng phi pháp; ba, khẳng định sự tuân thủ triệt để luật pháp và trật tự quốc tế; bốn, kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế; năm, kiểm soát chặt chẽ việc đưa tin, ngăn chặn mọi hành vi bạo lực.
Việt Nam đã trở thành Ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và chính thức tiếp nhận cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức, nhất là trong cương vị Chủ tịch ASEAN. Tiếp quản và xây dựng khối các quốc gia này như thế nào, chúng tôi cho rằng tiêu ngữ và cũng là chủ đề mà thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên: “Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” là đúng đắn và hợp lý.
Có thể hiểu “gắn kết” cũng là đoàn kết nhưng khái niệm này vừa chặt chẽ lại vừa mở hơn, thiết thực hơn, là cái có thể đạt được và hợp lý trong tình hình bên trong, bên ngoài ASEAN hiện nay. Còn “chủ động thích ứng” lại càng mở, không ai có thể bắt bẻ.
Sáu vấn đề mà chúng tôi vừa nêu trên hy vọng là những dữ kiện, những cơ sở để đề ra đối sách.
Dù thế nào Việt Nam phải làm tốt cương vị mới được trao. Chúng ta đã có kinh nghiệm của mười năm trước và cả kinh nghiệm của các quốc gia khác khi giữ cương vị này, và….không có cơ hội thứ hai tương tự.
Chúng tôi đã đề cập đến thực tế về sự thiếu đoàn kết của ASEAN, chỉ có thể tìm được sự đồng thuận không đồng lòng. Hơn bất kỳ khối quốc gia nào khác, điều đó đến không phải từ sự khác biệt thể chế chính trị mà khi mở rộng khối thập kỷ 90 những nước sáng lập ASEAN đã băn khoăn, mà là từ lợi ích của mỗi quốc gia trong mỗi hoàn cảnh cụ thể. Một tờ báo có đông đảo bạn đọc khu vực với tiêu đề: “Biển Đông: Thử thách lớn nhất của Việt Nam trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020” trong khi nêu lên sự quan ngại ấy đã biểu dương “gắn kết và chủ động thích ứng” là đặc biệt phù hợp trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. “Hà Nội được kỳ vọng tạo nên lực đòn bẩy cho chương trình nghị sự hòa bình của khu vực”.
Vấn đề đầu tiên và xuyên suốt trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam là tạo nên sự gắn kết khu vực. Việt Nam đánh giá cao khối ASEAN. Đầu những năm 90 thế kỷ trước, khi Việt Nam đặt vấn đề tham gia ASEAN, một Thứ trưởng Ngoại giao trong nước đã nhận định: “Điều bất lợi đối với một nước có quy mô trung bình như Việt Nam là sống bên cạnh một nước lớn mà không có bạn bè. Nhưng điều có lợi đối với chúng ta là có một ASEAN”. Tại Hội nghị ADMM vừa tổ chức ở Bangkok, tân Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã phát biểu: “ASEAN không được chia rẽ và phân cực”.Tờ The Straits Times cũng viết trong số đã dẫn: “Thách thức mà Trung Quốc đặt ra đối với chủ quyền và quyền tài phán trên biển của Philippines và Malaysia ở Biển Đông về thực chất tương tự như những gì mà Việt Nam đã trải qua”. Thật vậy, cương vị Chủ tịch sẽ giúp Việt Nam có quan hệ chặt chẽ hơn, “gắn kết” hơn với ASEAN để tìm ra những cách thức “chủ động thích ứng”. Không ồn ào nhưng kiên quyết, Việt Nam phải bắt tay vào trả lời các câu hỏi, các thách thức ngay từ đầu nhiệm kỳ Chủ tịch. Nếu chỉ xử lý mỗi khi có sự cố (như cách làm hiện nay) là bất an, mạo hiểm. Chúng ta giữ quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, một quan hệ được dệt nên từ lịch sử nhưng không để cục to, cục lớn (đại cục) ghè chân mình.
Bị bắt nạt, chèn lấn quá lâu đã đến lúc Việt Nam cần chứng tỏ bản lĩnh. Đã đến lúc Việt Nam cần xem việc đưa sự xâm phạm thô bạo của Trung Quốc ra Tòa trọng tài. Tại Hội thảo mới nhất về Biển Đông tổ chức tại Hà Nội ngày 6/11/2019 – được cho là cuộc Hội thảo lớn nhất về vấn đề này, với gần một phần ba là đại biểu quốc tế và có mặt hai trong số năm thẩm phán của Tòa trọng tài trong vụ kiện của Philippines, vấn đề khởi kiện đã nhận được sự tán đồng cao của dư luận. Cũng phải để Trung Quốc hiểu rằng đây là một việc phải làm, vì sự lành mạnh hóa quan hệ quốc tế. Không quan trọng việc Trung Quốc có tham gia hay không. Hiệu ứng chắc chắn sẽ mạnh hơn rất nhiều nếu thêm một lần phán quyết của Tòa Trọng tài được tuyên bố theo luật pháp quốc tế.
Gần đây, trên các tạp chí “Nghiên cứu Đông Nam Á” (11/2019), “Nghiên cứu an ninh biển châu Á – Thái Bình Dương” (11 – 12/2019) của Trung Quốc có một số bài viết đề cập đến Biển Đông, kêu gọi Việt Nam, Philippines và Asean nói chung, hợp tác cùng khai thác các nguồn lợi ở khu vực này,trước hết là dầu khí. Không có gì mới. Vẫn là những luận điểm xung quanh việc các nước đang gần cạn nguồn cung trong khi Trung Quốc có tiềm lực kỹ thuật, công nghệ, tiềm lực tài chính mạnh. Có bài vẫn lên giọng đe dọa “Nếu Việt Nam mạo hiểm tiến vào đường 9 đoạn thì chắc chắn sẽ có sự đối đầu ở Biển Đông”. Cần phải khẳng định thêm một lần: Con đường được nước lớn Trung Quốc vẽ vào bất chấp luật pháp quốc tế ấy là căn nguyên cho tất cả, làm sao có thể “khai thác chung” trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam? Tôi nghĩ rằng, bất cứ quốc gia nào đủ năng lực – láng giềng càng tốt – thừa nhận chủ quyền của Việt Nam theo luật pháp quốc tế và đảm bảo được vấn đề an ninh thì đều có thể được mời vào thăm dò, khai thác. Xét cho cùng, chủ quyền và tài nguyên là một.
Việt Nam là nước nhỏ so với Trung Quốc. Cả về diện tích, dân số cũng như tiềm lực kinh tế, quốc phòng, Việt Nam ở một vị trí cách xa so với láng giềng phương Bắc. Câu chuyện nước nhỏ Việt Nam bắt nạt nước lớn Trung Quốc là một câu chuyện hoang đường. Việt Nam cũng không đòi hỏi nước lớn Trung Quốc phải nhường nhịn nước nhỏ Việt Nam. Việt Nam chỉ muốn Trung Quốc hành xử như một nước lớn đáng kính trọng. Tất nhiên Việt Nam muốn duy trì tình hữu nghị với Trung Quốc, nhưng để duy trì tình hữu nghị ấy mà phải đánh đổi lợi ích của dân tộc là điều không thể. Cũng không thể nói như một nhà ngoại giao Trung Quốc rằng, để xảy ra tình trạng như vừa qua là vì Trung Quốc coi Biển Đông là câu chuyện nhỏ còn Việt Nam lại coi là chuyện lớn. Để giải quyết vấn đề Biển Đông, hãy chân thành làm việc dựa trên chuẩn luật pháp quốc tế và một sự hiểu biết lẫn nhau.
Chúng tôi xin đề xuất một bước tiến nhỏ: Trong khi bảo lưu quan điểm của mình, hai nước Việt Nam và Trung Quốc cần đàm phán về vấn đề quần đảo Hoàng Sa/Tây Sa. Và trước hết là một sự thỏa thuận để ngư dân Việt Nam được tiếp tục truyền thống đánh cá như hàng ngàn năm nay trong quần đảo này./.
Vũ Cao Phan
TS Vũ Cao Phan là Viện trưởng Viện Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Đại học Bình Dương, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc.
————-
[1] Cho đến nay, đã có nhiều cơ chế hợp tác được thiết lập như Ủy ban sông Mekong, Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chaophraya – Mekong (ACMECS), Sáng kiến tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) của Ngân hàng Phát triển Châu Á, Sáng kiến hạ lưu sông Mekong của Mỹ, Hợp tác Mekong – Nhật Bản, Hợp tác Mekong – Ganga (Ấn Độ), Đối tác Mekong – Hàn Quốc và Hợp tác phát triển lưu vực Mekong của ASEAN…
(Nghiên cứu Quốc tế)
Không có nhận xét nào