Kinh nghiệm sống trong khung cảnh
cách ly tại khu ký túc xá ĐH Quốc gia TP HCM theo lời kể của Lan Anh,
một người trở về Việt Nam hôm 22/3 sau hai tuần đến Úc thăm người thân.
Các bạn du học sinh được đưa về khu cách ly ký túc xá ĐH Quốc gia TP HCM |
Tiếp
xúc với BBC News Tiếng Việt, chị Lan Anh (tên đã được đổi) cho biết khi
dân mạng ‘ném đá’ chửi việc những người trong khu cách ly này nhận
nhiều tiếp tế của người thân, tâm lý của chị trở nên bất ổn hơn.
“Họ
nói chúng tôi là những cậu ấm cô chiêu, lá ngọc cành vàng từ trời Tây
trở về tránh dịch và mời chúng tôi lên hành tinh khác mà ngự. Nhưng chỉ
khi bạn ở đây, chịu cảnh cách ly với điều kiện kém vệ sinh mới hiểu được
vì sao mọi người cần tiếp tế”. Chị Lan Anh nói.
“Truyền
thông chỉ nhìn vào cái tủ lạnh và chỉ trích chúng tôi sống bề trên,
không tự dọn dẹp. Nhưng nhìn hình ảnh xem, bạn đếm được bao nhiêu cái tủ
lạnh so với cây lau nhà, xô chậu. Những người đang chịu cách ly cần sự
cảm thông hơn là gạch đá miệt thị”.
'Bay vào thời điểm này là ngu dốt'
Theo lịch bay, chị Lan Anh về đến Việt Nam vào ngày 22/3. Từ thời điểm này, chị đã đón nhận những lời chỉ trích của nhiều người.
Chị
kể: “Nhiều người nói rằng bay vào thời điểm này là thiếu ý thức, là ngu
dốt. Biết sẽ bị cách ly thì đi làm cái gì. Tôi thấy đây là quyết định
riêng tư của mỗi người, có những trường hợp bất khả kháng và thực sự tôi
cũng đã suy xét kỹ lưỡng”.
“Tôi
là một trong những người may mắn vì có sẵn vé khi chính sách gần như
thay đổi từng ngày. Người đi du lịch, công tác hay du học đều rơi vào
hoảng loạn vì phải chầu chực vé để về Việt Nam. Ngày 18/3, tôi đã có ý
định đổi vé để về sớm hơn nhưng tôi nghĩ, nếu cách ly tại nhà, lỡ mình
bị nhiễm thì nguyên chung cư tôi ở sẽ bị phong toả. Tiếp nữa, việc đổi
vé thời điểm này gây khó khăn cho nhiều người”, chị Lan Anh nhớ lại.
Chị giải thích rằng để chọn về Việt Nam, chị đã phải đối mặt với nhiều nỗi sợ đi qua các ổ dịch và nỗi sợ cách ly.
“Trước
hôm về là một ngày cân não. Báo chí đưa tin sân bay Việt Nam quá tải,
các khu cách ly cũng quá tải. Tôi lo sợ đến mức ám ảnh khi đọc tin các
khu cách ly đã có nhiều người dương tính với Covid-19. Tôi hiểu đây là
một ổ dịch tiềm ẩn”.
“Để
về Việt Nam, tôi phải băng qua 3 ổ dịch khác: sân bay Úc, chiếc máy bay
với những người xa lạ và sân bay Việt Nam. Và sau đó là tới ổ dịch tiềm
ẩn tại khu cách ly. Biết là vùng dịch nhưng vẫn lao vào vì không có lựa
chọn khác. Số người nhiễm của Úc gấp nhiều lần Việt Nam, cho dù tôi có
bảo hiểm thì họ cũng sẽ ưu tiên công dân họ. Chưa kể nhà tôi đang có
người nhà đang yếu, một người khác đang điều trị ung thư. Nếu họ có
chuyện bất trắc, tôi không có đường nào để về thì sẽ hối hận”.
“Sau
khi đi về Việt Nam, tôi nói với người thân mình bên Úc rằng tôi không
hối hận vì đã đi thăm họ. Dịch xảy ra, tôi càng thấy điều đó đúng vì tất
cả mọi nơi đều phong toả, nếu tôi không đi thăm thì không biết bao giờ
mới có thể gặp họ trong thời gian tới. Đó là cái giá tôi chấp nhận trả”.
Chị Lan Anh kể tiếp.
Ngỡ ngàng khi bước vào khu cách ly
Trên
mạng, nhiều người cập nhật hình ảnh khu cách ly rất đầy đủ tiện nghi:
mỗi giường có chăn, gối mền và được phát cho đồ dùng cá nhân. Điều này
khiến chị Lan Anh cùng nhiều người khi về đến khu cách ly tại ký túc xá
ĐH Quốc gia TP HCM ngỡ ngàng.
Chị
phân tích: “Nhiều người lên án việc chúng tôi đã được nhường cho chỗ để
ở còn chê than. Nhưng chúng tôi không chê là tại sao nhà nước lại cho ở
một nơi như vầy. Tâm lý chung khi bước vào đây là ngỡ ngàng, vì sao
những bạn đi học đại học, những người tương lai của đất nước, sống văn
minh nhưng lại có thể ở kém vệ sinh như vậy”.
“Khi
tôi bước vào, phòng ốc rất tệ, xung quanh mạng nhện tứ bề. Bồn cầu, bồn
rửa mặt đen thui, ao tù nước đọng. Cũng may không có mùi hôi nhưng thực
sự rất dơ. Giường rỉ sét, mọi thứ đều rất bụi bặm”, chị Lan Anh mô tả.
“Chúng
tôi đâu cần tiện nghi vì khi vào đây, ai sao mình vậy. Tiện nghi không
cần nhưng sạch sẽ là điều tiên quyết. Ở đây đã là một ổ dịch tiềm ẩn mà
điều kiện vệ sinh kém thì thêm một ổ bệnh. Bồn cầu, bồn rửa mặt, nhà tắm
dơ đã đủ ẩn chứa các bệnh khác, chưa nói đến là virus”.
“Hầu
hết mọi người đêm đầu tiên phải chấp nhận chỉ có một cái chiếu, không
gối, không mền. Trong phòng chỉ có một cái quạt trần. Vì quá nóng, có
bạn trong phòng tôi thân nhiệt tăng đến gần mức bị theo dõi. Hôm nay mọi
người được tiếp tế thêm quạt nên đã ổn hơn”, chị Lan Anh chia sẻ.
Chị
nói thêm, tâm lý bất ổn bắt đầu từ những thứ rất nhỏ như vậy: điều kiện
vệ sinh kém, nỗi sợ mình trở thành mầm bệnh, sợ mọi người xung quanh sẽ
dương tính với virus, sợ mình sẽ là F1 và tiếp tục bị cách ly thêm 14
ngày. Bên cạnh đó, vì quá mới nên công tác tổ chức chưa có quy trình hay
thông báo cụ thể để giúp người trong khu cách ly an tâm về việc được
theo dõi sức khoẻ, tránh việc lây nhiễm chéo.
“Trong
khu cách ly này, tôi chỉ được đo nhiệt độ. Trên 37,5 độ thì sẽ được
theo dõi đặc biệt. Nhưng tôi phải hỏi thì mới được giải đáp chứ không có
phổ biến chung. Chúng tôi không nhận được thông báo về quy trình, chưa
được làm rõ về lý do vì sao không được xét nghiệm. Vì bị hụt thông tin
nên tôi càng hoang mang. Tôi không phải là người ‘ngu si hưởng thái
bình’. Tôi cần sự yên tâm rằng mình đang ở trong ổ dịch nhưng vẫn trong
sự kiểm soát”, chị Lan Anh nhấn mạnh.
‘Giàu là cái tội. Bay về là cái tội’
Khi
những cuộc ‘ném đá’ trên mạng nhắm vào người trong khu cách ly này về
chuyện tiếp tế và chính phủ đã quyết định ngưng lại việc này, chị Lan
Anh tự hỏi mình: "Chúng tôi đang là những người đang bị thiếu sự cảm
thông trầm trọng. Không ai hiểu mà chỉ nhìn và phán xét. Thương người
thì thương cho trót, ai cũng nên thương trong hoạn nạn này”.
Nỗi
lo lắng của chị càng căng thẳng khi mỗi ngày thức dậy, tự hỏi không
biết có ai bị nhiễm không, mình có là mầm bệnh không vì môi trường sống
quá gần nhau: dùng chung nhà vệ sinh, ăn chung. Gánh lo chưa vơi thì
ngoài kia, chị đã hứng chịu những lời chửi rủa, miệt thị và sự hung hãn
của cộng đồng mạng về câu chuyện tiếp tế.
Chị
kể, ngày đầu, muốn hỏi các nhân viên phục vụ chổi hay cây lau nhà để
dọn vệ sinh cũng vô vọng vì chính họ cũng quá tải nên cả phòng phải chờ
người nhà tiếp tế vào: “Phòng chúng tôi mang vào là những dụng cụ thiết
yếu đó. Việc tiếp tế, có người đặt những đồ linh tinh và nó làm ảnh
hưởng những người cần tiếp tế các nhu yếu phẩm căn bản. Tôi không yêu
cầu cuộc sống tốt nhưng vì điều kiện quá kém nên cần tiếp tế để ở mức
chịu được”.
“Chúng
tôi bị chửi vì là du học sinh, thứ có tiền đi du lịch, bị lên án bay về
nước là gánh nặng. Giàu là cái tội. Bay về là cái tội. Ở ngoài ném đá
vô rất nhiều, người bên trong ít cãi cự lại. Vì bây giờ, chúng tôi là
người yếu thế, yếu ớt về mặt tinh thần. Ở trong đây, giàu hay nghèo cũng
như nhau”, chị Lan Anh tâm sự.
Trước
những ‘gạch đá’ đó, chị chọn lựa cách im lặng: “Tôi cố gắng không cãi
nhau với bên ngoài vì không muốn mang năng lượng tiêu cực, để tinh thần
thoải mái. Có như vậy, sức đề kháng mới tốt, tránh nguy cơ nhiễm virus”.
Chị
chia sẻ, cả phòng phải học cách truyền năng lượng tích cực cho nhau:
“Họ nói chúng tôi phải tự thấy may mắn vì có người đang cực khổ lo cho
mình, hay ngoài kia có những phận đời nghèo khổ không cơm ăn áo mặc
trong khi đang được nhà nước nuôi thì hãy biết ơn. Nhưng tích cực chỉ
đến từ bên trong bản thân mỗi người, khi nỗi sợ quá nhiều thì việc so
sánh ai may mắn hơn ai là điều vô nghĩa”.
Nên
đối với chị, điều tích cực trong cơn đại dịch này chính là biết được
sức chịu đựng của mình, hiểu thấu con người mình: “Ai đi ra khỏi khu
cách ly chắc sẽ sống hiền lành hơn, lạc quan hơn. Ai sống sót qua những
ngày tháng này sẽ đủ bản lĩnh để yêu thương người khác và độ lượng với
chính mình”.
“Cũng
là Sài Gòn, cũng là về nhà nhưng cách nhau một cánh cổng cách ly khiến
người ta xa cách cả tấm lòng. Tôi chỉ mong sau cơn hoạn nạn, sau quá
nhiều chấn động và sau khi cách ly, người ta không cách lòng, không nghi
kị nhau và làm đau nhau”, chị Lan Anh bộc bạch.
Bùi Thư
*
Trên đây là kinh nghiệm riêng của chị Lan Anh. Kinh nghiệm trở về Việt
Nam vào những thời điểm khác, và bị cách ly tại những trung tâm cách ly
khác, không nhất thiết giống những gì chị Lan Anh đã trải qua. BBC News
Tiếng Việt đón nghekinh nghiệm của mọi độc giả.
(BBC)
Không có nhận xét nào