Header Ads

  • Breaking News

    Virus corona: Việt Nam đã nhận định “được và đúng” về tính nguy cấp

    Việt Nam đã nhận định "được và đúng đắn" về tính nguy cấp của đại dịch do virus corona gây ra, một chuyên gia về dịch tễ học và nhà phản biện chính sách y tế cộng đồng và xã hội nói với BBC hôm 27/3/2020.
     Virus corona: Việt Nam đã nhận định “được và đúng” về tính nguy cấp

    "Tại Việt Nam, với thông tin mới nhất, tức là thông điệp mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa đưa ra, tôi cho rằng đã có một sự nhận định được và đúng về tính nguy cấp của dịch hiện nay, khi mà số ca ít, dưới 100 ca, cụ thể là chỉ có 46 ngày, chúng ta từ giai đoạn từ 75 ca lên 100-500 ca, tức là như giai đoạn vừa rồi," Tiến sỹ, bác sỹ Trần Tuấn nói với BBC News Tiếng Việt từ nơi ông đang thăm viếng là Austin, Texas, Hoa Kỳ.

    "Và tiếp tới sau khi thiết lập ở mốc khoảng 500 ca, thì theo đánh giá của Phó Thủ tướng sẽ có khoảng 8-12 ngày để lên đến mức 1.000-5.000 ca.

    "Như vậy, về phía chính phủ đã xác định được thời gian từ tuần tới đây sẽ là một tuần cực kỳ quan trọng, bởi vì sẽ có sự bùng nổ về các ca bệnh phát hiện được và có nghĩa là cũng sẽ có tình huống một tỷ lệ nặng ở đó sẽ phải đi vào viện."

    Bác sỹ Trần Tuấn nhận định thời gian tới sẽ là một thử thách rất lớn đối với hệ thống y tế Việt Nam.

    "Nếu như không có biện pháp của toàn dân trong vấn đề thực hiện triệt để cách ly tại nhà, thì có thể sẽ xảy ra những biến chuyển khá mạnh đối với tình hình phòng, chống dịch trong thời gian tới."

    Cách ly tập trung và cách ly tại nhà thế nào?

    Về mô hình cách ly tập trung chống dịch Covid-19 ở Việt Nam, bác sỹ Trần Tuấn bình luận:

    "Về phương án cách ly của chúng ta (Việt Nam), khi dịch bắt đầu du nhập vào, việc phát hiện được ca bệnh, ca nhiễm, để rồi cách ly ngay là một chiến lược đúng.

    "Còn vấn đề tổ chức cách ly để làm sao chúng ta đảm bảo được đúng theo yêu cầu của dịch tễ học, tránh những tiếp xúc bên ngoài và trong một thời gian đủ dài 14 ngày, thì tôi cho rằng nó phụ thuộc vào từng điểm, từng vị trí, từng chỗ tổ chức.

    "Và như thế nó phụ thuộc vào tính gọi là hệ thống mà chúng ta tổ chức giám sát ra sao, khi thực hiện.

    "Như vậy về chiến lược đầu tiên là phải phát hiện và cách ly trong giai đoạn đầu, đấy là một điều cần thiết.

    "Còn chất lượng thì phải có một sự giám sát, và trên mạng truyền thông xã hội, thấy rằng có những điểm làm tốt và có những điểm chưa làm tốt.

    Bác sỹ Trần Tuấn cho rằng muốn giám sát được tốt, cần để cho người dân trực tiếp tham gia giám sát các điểm cách ly.

    Trước câu hỏi Việt Nam có nên áp dụng biện pháp cách ly, tự cách ly tại nhà hay không, ông nói:

    "Tôi nghĩ biện pháp chủ đạo trong thời gian này là hoàn toàn chủ yếu phụ thuộc vào có hay không cách ly tại nhà, tức là người dân ý thức được và đồng thời có sự giám sát được cần thiết của hệ thống rằng các đối tượng thực sự cách ly tại nhà, đảm bảo ý thức mà phòng chống bệnh đang đề nghị.

    "Tôi cho rằng phải thực hiện điều đó, bởi vì nếu như chúng ta thực hiện tiếp tục theo phương án cách ly tập trung ở những chỗ hệ thống quản lý như thế kia, tôi cho rằng trong thời gian dịch bắt đầu bùng nổ ra, lan trong cộng đồng, số lượng tăng lên như vậy, chúng ta không đủ sức để mà làm."

    Chiến lược và chất lượng xét nghiệm ra sao?

    Về việc Việt Nam có nên học hỏi hay rút kinh nghiệm gì từ các chiến lược và biện pháp xét nghiệm từ các nước như Hàn Quốc hay CHLB Đức, bác sỹ Trần Tuấn bình luận:

    "Về vấn đề xét nghiệm, chúng ta đều biết rằng có hai loại, một là xét nghiệm đã nhiễm virus chưa, hiện có virus trong người chưa để lây lan, và thứ hai là loại xét nghiệm gọi là xét nghiệm kháng thể, tức là tìm xem đã tiếp xúc với virus rồi và đã có kháng thể chống lại rồi.

    "Hiện nay chúng ta đã có trong tay xét nghiệm để phát hiện là có virus và có thể là lây lan.

    "Về chiến lược phát hiện người đang có mang mầm bệnh như thế này, nó sẽ phụ thuộc vào chất lượng của xét nghiệm và khả năng có thể làm xét nghiệm nhiều được đến đâu.

    "Chúng ta nhận thấy rằng nếu như trong giai đoạn đầu, tức là giai đoạn dịch xâm nhập vào và chưa lan truyền trong cộng đồng, thì số lượng ít, chúng ta có thể phát hiện những trường hợp gọi là đi từ vùng dịch trở về hoặc là có nguy cơ cao để phát hiện, rồi là cách ly, thì điều ấy làm là được.

    "Nhưng khi dịch đã lan rộng trong cộng đồng rồi, thì khả năng phát hiện để mà làm xét nghiệm hàng loạt như thế này, quả là khó nhất là với điều kiện trong nước, đấy là điểm thứ nhất.

    "Thứ hai nữa là chất lượng của xét nghiệm là quan trọng, bởi vì một xét nghiệm có tỷ lệ dương tính giả, tỷ lệ âm tính giả, có nghĩa là có thể có mang virus, nhưng không phát hiện được, thế thì nó phụ thuộc vào chất lượng của sinh phẩm mà chúng ta sử dụng.

    "Tôi nghĩ rằng vấn đề sinh phẩm và chất lượng này là một vấn đề của nhà nước và hệ thống phải đảm bảo làm sao sao cho chất lượng sinh phẩm chúng ta làm đảm bảo.

    "Tôi thấy vừa rồi Việt Nam có sản xuất ra bộ xét nghiệm và tôi có đọc về vấn đề này, tôi nhận thấy nếu như nhập từ bên ngoài về thì nguồn nhập phải được thật rõ ràng và điểm thứ hai, nếu chúng ta sản xuất được, thì phải qua đầy đủ bước để đánh giá.

    "Và tôi cho rằng với số lượng người nhiễm ở Việt Nam hiện nay đang nhiều như vậy, thì hoàn toàn có thể thực hiện được đánh giá, chúng tôi gọi là đánh giá giá trị của test (xét nghiệm) đúng.

    "Vừa rồi tôi đọc, thì tôi thấy chưa đảm bảo được tiêu chuẩn này, do đó vấn đề chất lượng của xét nghiệm cần phải được đặt ra.

    "Việc xét nghiệm chúng ta áp dụng chiến lược nào, rộng rãi để phát hiện rộng rãi, hay là chúng ta thực hiện với những trường hợp mà chúng ta nghi ngờ, thì ở đây phụ thuộc vào khả năng thực sự của hệ thống hiện nay."

    Những điều đáng lo ngại và hướng giải quyết

    Công cuộc đối phó với dịch bệnh Covid-19 do virus gây ra tại Việt Nam cũng thu được một số thành quả bước đầu mà truyền thông nhà nước coi là khích lệ, trong đó 'chưa có ca tử vong nào' và số lượng lây nhiễm so với các tâm dịch và nhiều nơi khác là 'còn thấp'.

    Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện một số quan ngại, đặc biệt là với chính hệ thống y tế đang đối diện dập dịch và sức khỏe của cán bộ y tế.

    Từ Hà Nội, một chuyên gia y tế từng làm việc tại Bệnh viện K Trung ương , Bác sỹ Phạm Hoàng Anh, phân tích khía cạnh này, thông qua trường hợp bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội:

    "Chúng ta biết bệnh viện Bạch Mai là một trung tâm y tế rất lớn, điều trị không phải chỉ những bệnh truyền nhiễm. Ở trong bệnh viện Bạch Mai thì Viện Y học Nhiệt đới Trung ương nằm trong khuôn viên của bệnh viện này.

    "Nhưng bệnh viện Bạch Mai là một bệnh viện đa khoa nội vào diện lớn nhất Việt Nam, mà có những chuyên khoa rất quan trọng như là tim mạch, lao khoa, hay là xương khớp chẳng hạn, những chuyên khoa đầu ngành của Việt Nam về nội khoa.

    "Tất nhiều bệnh nhân và bác sỹ làm việc ở đấy, nếu mà bị lây nhiễm, chúng ta không chặn được sự lây nhiễm trong bệnh viện Bạch Mai thì nó đe dọa đến vấn đề an ninh và sức khỏe của cán bộ y tế, cũng như là những người bệnh nằm ở các chuyên khoa khác và đấy là một điều rất đáng lo ngại tại thời điểm này.

    "Bộ Y tế đã lập một tổ chuyên trách để giải quyết vấn đề này và chúng tôi cũng được biết là bộ đội hóa học đã được huy động để làm vệ sinh toàn khuôn viên bệnh viện, và tôi cũng nghĩ là sẽ có rất nhiều biện pháp quyết liệt được để nhanh chóng lập lại sự an toàn ở môi trường làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai.

    "Và ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã ban hành một hướng dẫn về chẩn đoán và điều trị, phiên bản thứ ba, tôi nghĩ cái này rất quan trọng và cái này chứng tỏ là chỉ trong một thời gian rất là ngắn, Bộ Y tế đã liên tục nghiên cứu những phác đồ điều trị tốt nhất, cũng như cập nhật những thông tin về vấn đề chẩn đoán.

    "Vì chúng ta biết chẩn đoán về hướng điều trị là rất quan trọng, cho đến nay những tin tức về vắc-xin chư có, nhưng những biện pháp bằng những thứ thuốc điều trị mà có thể giảm triệu chứng và giảm được mức độ nguy hiểm của những triệu chứng đó đối với tính mạng của người bệnh, thì cũng đã là rất tốt rồi."

    'Mừng lo lẫn lộn, chớ dừng ở khuyến cáo'

    Theo Bác sỹ Phạm Hoàng Anh, đã có những mừng lo lẫn lộn, xong Việt Nam đã có những động thái quyết đoán, tuy nhiên, theo bà, mọi thứ mới chỉ dần ở khuyến cáo, bà bình luận thêm với BBC:

    "Diễn biến trong một tuần vừa rồi cho thấy một số trường hợp bị dương tính, nhưng chúng ta đã không phát hiện được ngay ở sân bay và họ đi về cộng đồng và sau đó bệnh mới xuất hiện, sau đó họ mới được chẩn đoán, và họ đã kịp lây nhiễm, tạo ra những ổ dịch cộng đồng.

    "Đặc biết, thí dụ như vụ lây nhiễm ở quán bar Buddha ở TP Hồ Chí Minh (Sài Gòn) là một trường hợp rất là đáng ngại, hay là những bệnh nhân của ngày hôm nay, 26/3, xuất hiện, khi đọc thấy thông tin, tôi thấy rằng tất cả những bệnh nhân này đi lại rất là nhiều…, thì điều ấy rất là nguy hiểm.

    "Thế nhưng trong những tin tức, tôi thấy rằng chính quyền trong những thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dường như đều đưa ra những biện pháp rất là quyết liệt, ví dụ khuyến cáo mọi người dân ở trong nhà.

    "Tuy nhiên tôi thấy rằng là tất cả mới chỉ dừng ở khuyến cáo, yêu cầu và đề nghị, tất cả nếu so sánh với nhiều nước trên thế giới thì người ta quyết liệt hơn nhiều, người ta có những xử phạt rất là nặng, ví dụ như ở Nga chẳng hạn, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng người dân hoặc là ngồi cách ly 15 ngày, hoặc là bị phạt tù.

    "Thế thì đấy là những biện pháp rất là quyết liệt, có thể chúng ta không cần thiết phải làm đến mức căng như thế, nhưng nếu chỉ dừng ở kêu gọi sự tự giác của mọi người, thì tôi thấy đó là một điều rất đáng ngại," cựu bác sỹ từng làm việc ở Bệnh viện K trung ương của Việt Nam nói với BBC.


    Quốc Phương
     
    (BBC News Tiếng Việt)


    Không có nhận xét nào