Việc
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng 'tái
xuất' cùng với việc Bộ Chính trị của ĐCS nhóm họp về ứng phó đại dịch
Covid-19 được cho là một việc làm 'muộn còn hơn không' và phần nào giải
tỏa được thắc mắc, băn khoăn của công chúng và dư luận, theo một nhà
phân tích chính trị từ Hà Nội.
Virus corona: Việt Nam chuẩn bị cho môi trường quốc gia, quốc tế thay đổi |
Trả
lời phỏng vấn qua bút đàm với BBC News Tiếng Việt, Tiến sỹ Đinh Hoàng
Thắng, từ Viện các Vấn đề Phát triển, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan,
trước hết nói về việc tái xuất của ông Nguyễn Phú Trọng.
Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng: Cuộc họp Bộ Chính trị được đón đợi đã diễn ra hôm 20/3. Muộn còn hơn không.
Việc
suốt hơn hai tháng qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
không xuất hiện, không có một tuyên bố nào về chống dịch bệnh được nhiều
giới ở Việt Nam, kể cả thường dân lẫn xã hội dân sự cho là hiện tượng
không bình thường. Tuyên bố của ông Trọng, phần nào giải toả được bức
xúc này.
Thông
thường, sự nhậy cảm, thái độ và những quyết sách kịp thời của các nhà
lãnh đạo đối với những vấn đề lớn và phức tạp của quốc gia như đại dịch
Covid-19 là cực kỳ hệ trọng. Nó sẽ xác lập được niềm tin của quần chúng
vào vai trò lãnh đạo của đảng và nhà nước, điều hết sức cần thiết để đưa
đất nước vượt qua những tình thế phức tạp và hiểm nghèo như hiện nay”.
'Tuần lễ vàng' Covid-19?
Riêng
đối với lời kêu gọi đóng góp nguồn lực thì tuyên bố của ông Trọng về
chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất chống dịch, cũng như
phát biểu trước đó của Thủ tướng Phúc tại lễ phát động toàn dân chống
dịch khiến tôi nhớ lại ‘Tuần lễ vàng’ ngày xưa. Bối cảnh lịch sử có thể
khác nhau, nhưng truyền thống tương thân tương ái của người Việt thì
thời nào cũng có.
Tuy
nhiên, việc huy động dân đóng góp tài chính và hiện vật vào lúc này
đứng trước một số nan đề. Thứ nhất, người dân lẫn các doanh nghiệp vừa
và nhỏ đang bươn chải hết sức khó khăn do đại dịch.
Không
ai dám đòi hỏi chính quyền phải bỏ ra hàng trăm tỷ, ngàn tỷ usd như mấy
nước kia, nhưng giờ là lúc đang căng thẳng hơn cả chiến tranh, mà lòng
người thì lại bất an, không như thời ‘Tuần lễ vàng’ đâu.
Thứ
hai, quy luật chiến tranh và quy luật thời bình vốn khác nhau. Người
dân nay đã/đang bị chấn động bởi nhiều biến cố thời hậu chiến, vết
thương mới chồng lên vết sẹo cũ. Nhất là phong trào dân oan trong mấy
năm gần đây trải dài từ thành phố đến làng quê là thực tế không thể xem
thường, sẽ tác động không nhỏ tới sự hưởng ứng của người dân.
Thứ
ba, hiện nay, niềm tin của dân vào bộ máy chính quyền các cấp, vào các
cán bộ của đảng và nhà nước có nhiều biểu hiện giảm sút do nạn tham
nhũng và lạm dụng quyền lực của số không ít cán bộ đảng viên trong hệ
thống công quyền gây ra.
Thứ
tư, vận động dân quyên góp, phải được tiến hành song song với việc khắc
phục hậu quả lâu dài về mọi mặt đối với người dân khi kinh tế quốc nội
và quốc tế có thể đi vào chu kỳ khủng hoảng sâu. Lòng dân sẽ là thước đo
cuối cùng về kết quả của mọi cuộc vận động”.
'Thoát Trung, giãn Trung' có khả thi?
BBC: Cũng
có ý kiến cho rằng Covid-19 là cơ hội để Việt Nam có thể 'thoát Trung'
và 'giãn Trung', Tiến sỹ có đồng ý không? Nếu có điều này có khả thi
không?
TS.
Đinh Hoàng Thắng: Vấn đề ‘giãn Trung’ hay ‘thoát Trung’ không phải là
đòi hỏi mới. Nó là câu chuyện bức bách đã xuất hiện từ lâu trong đời
sống chính trị, kinh tế và xã hội ở Việt Nam thời hội nhập. Nhưng nó
cũng không chỉ là câu chuyện bức bách của riêng một mình Việt Nam.
Hãy
nhìn Italy “lún” quá sâu vào “con đường tơ lụa” của Bắc Kinh và đã
“dính chưởng” khủng khiếp như thế nào! Đó là bài học cho mọi quốc gia.
Italy từng cho phép 100.000 công nhân Trung Quốc từ Vũ Hán và Ôn Châu
đến Italy làm việc trong các nhà máy, những người này di chuyển giữa Vũ
Hán và Bắc Italy. Phải chăng chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên khi miền Bắc
Italy hiện là điểm nóng của Âu châu về bùng phát dịch?
Tuy
nhiên, nan đề ‘thoát Trung’ đáng tiếc cho đến nay vẫn chưa có đáp án
khả thi, đối với cả Việt Nam lẫn thế giới. Nó lưỡng nan ở tầm vĩ mô, cả
quốc nội lẫn quốc tế, trên cả lĩnh vực kinh tế lẫn địa-chính trị, nó bất
an như chính câu hỏi “to be or not to be”. Nó phản ánh trạng thái bế
tắc, dằn vặt trên nhiều phương diện trong toàn các xã hội.
Bản
thân một số nước châu Âu cũng bị Trung Quốc ràng buộc bằng các mối lợi
kinh tế. Riêng Việt Nam, vì nhiều lý do, vấn đề này càng cần phải được
đặt ra như một ưu tiên cao hơn các nước khác.
Covid-19
mở ra cơ hội mới và rất có thể là cơ hội cuối cùng cho cả nước, từ
người dân đến lãnh đạo Việt Nam bắt tay vào những hành động cụ thể. Chưa
đề cập đến việc thoát những cái lớn, mà trước mắt, nên ưu tiên dứt điểm
vấn đề buôn bán nhỏ lẻ qua biên giới, mà thực chất là một hình thức
“cống nạp” các tài sản quốc gia thời hiện đại”.
Thái độ hợp lý?
BBC: Vừa rồi có ý kiến nói Việt Nam đã đối đầu với Covid-19 đầy tự tin. Tiến sỹ có bình luận như thế nào?
TS.
Đinh Hoàng Thắng: Những kết quả bước đầu ở Việt Nam trong việc cô lập,
cách ly hay tuyên bố chế tạo được những “bộ kít” mới trong xét nghiệm là
đáng ghi nhận.
Trong
mấy năm gần đây, ngành Y tế Việt Nam đã có sự quan tâm đầu tư cho lĩnh
vực y tế cộng đồng, dịch tễ học và được sự giúp sức đáng kể của Hoa Kỳ
trong việc tổ chức hệ thống các Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch
bệnh (CDC). Các Trung tâm này cùng đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo
đã và đang phát huy tác dụng trong việc phòng chống dịch Covid-19 thời
gian qua.
Tuy
nhiên, cũng phải thấy rằng, đó là thời kỳ Việt Nam dồn lực cứu chữa chỉ
cho 16 người nhiễm bệnh. Nếu mai đây, Covid-19 lan rộng ra cả nước với
hàng trăm, hàng ngàn phơi nhiễm thì câu chuyện không giống như xử lý 16
người nữa.
Bản quyền hình ảnh Getty Images
Vì
vậy, nếu ai đó lạc quan thái quá lúc này để các bạn cho là “ngạo nghễ”
là điều không đáng có. Kinh Thánh dạy: “Kiêu ngạo đi trước sự hủy diệt…
Khôn ngoan đến với người khiêm nhường”.
Ngay
cả ý kiến của những người có trách nhiệm ở các nước khác nhau, cũng
thấy có những mâu thuẫn. Có những đánh giá khá tự tin, khá lạc quan,
trong khi lại có các nhận xét cho rằng, không biết chúng ta có vượt qua
được nạn dịch hay không. Riêng điều này đủ nói lên tính phức tạp của đại
dịch này.
Tái tư duy về nhận thức luận thế nào?
BBC: Cuộc
chiến đấu đối phó với Covid-19 trên toàn cầu và khu vực vẫn đang diễn
ra và chưa chấm dứt, tuy nhiên có điều gì mà các quốc gia và kể cả người
dân ngay lúc này cần tái tư duy về mặt nhận thức luận (chính trị, xã
hội, nhân văn, tâm lý, địa chính trị... ) hay không? Nếu có thì nhận
thức mới hàng đầu và quan trọng nhất ấy sẽ phải là gì?
TS.
Đinh Hoàng Thắng: Theo nhiều dự báo, thế giới sau Covid-19 sẽ là một
thế giới khác. Cuộc sống sau đại dịch chắc chắn sẽ thay đổi, khó quay
lại như trước đây.
“Trời
sập” vốn là một thành ngữ dân gian, nhưng thời Covid-19 có thể bổ túc
thêm vào thành ngữ này nhiều nội hàm mới. Bạn phải chấp nhận một số quy
định mà trước đây, bạn nghĩ chỉ khi “Trời sập” mới có thể xẩy ra.
Trước
đây, bạn khó hình dung, triển khai các công cụ giám sát hàng loạt sẽ
trở thành điều bình thường ở mọi quốc gia? Hơn thế nữa, nó còn là một
bước chuyển từ giám sát “trên bề mặt da” sang giám sát “dưới bề mặt da”
(Xem ta có bị sốt hay không). Nếu các chính phủ bắt đầu thu thập dữ liệu
sinh trắc học trên diện rộng, “người của nhà nước” sẽ hiểu chúng ta hơn
chính chúng ta hiểu bản thân mình.
Các lý thuyết gia rồi sẽ ra các đầu sách liên quan đến quá trình tái tư duy về mặt nhận thức luận.
Các
lý thuyết gia rồi sẽ ra các đầu sách liên quan đến quá trình tái tư duy
về mặt nhận thức luận. Từ “Virus Vũ Hán” đến “Covid-19” có lẽ là khủng
hoảng lớn nhất đối với thế hệ chúng ta. Những quyết định mà người dân và
các chính phủ đưa ra trong thời gian tới sẽ định hình diện mạo thế giới
tương lai. Không chỉ hệ thống y tế bị ảnh hưởng lớn mà còn cả kinh tế
và chính trị, tôn giáo và văn hóa...
Có
thể chia sẻ với Yuval Harari, trong khủng hoảng, chúng ta đối mặt với
hai lựa chọn đặc biệt quan trọng. Thứ nhất là chọn lựa giữa sự giám sát
độc tài hay trao quyền cho công dân. Thứ hai là chọn lựa giữa sự cô lập
mang tính dân tộc chủ nghĩa hay sự đoàn kết toàn cầu. Thay vì xây dựng
một chế độ giám sát công dân, hiện vẫn chưa quá muộn để gây dựng niềm
tin của người dân vào khoa học, chính quyền và báo chí.
Hẳn
nhiên, nên tận dụng sức mạnh của công nghệ, nhưng công nghệ phải nhằm
mục đích gia tăng sức mạnh cho người dân. Covid-19 đặt ra những vấn đề
vượt khỏi các chuẩn mức cũ trên mọi địa hạt, từ chính trị, kinh tế đến
đạo đức, tôn giáo”.
Nếu
bàn về nhận thức mới hàng đầu và quan trọng nhất đối với Việt Nam thì
có thể tóm tắt: i) Đại hội Đảng 13 tới đây sẽ là cột mốc lịch sử đáng
nhớ nếu vượt thoát được cách chuẩn bị và tiến hành như xưa nay; ii)
Chính phủ sẽ thiết lập phương án toàn diện cho giai đoạn “hậu Covid-19”
ngay trong thời gian tập trung chống dịch; iii) Cả nước bắt tay chuẩn bị
đối phó với một môi trường quốc gia và quốc tế thay đổi.
Khi
môi trường thay đổi thì các hệ thống nhỏ và hệ thống lớn trong môi
trường ấy chắc chắn sẽ không thể vận hành theo kiểu cũ. Đặc biệt, tính
vượt trội của hệ thống lúc ấy sẽ hoàn toàn khác trước. Từ quan niệm
truyền thống về địa-chính trị đến thể chế, từ tâm lý xã hội đến hành vi
của mỗi cá thể... Tất cả, nếu muốn tồn tại, chứ chưa nói đến phát triển,
đều phải thay đổi tận gốc rễ”.
*
TS. Đinh Hoàng Thắng, từng là Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên Vụ
trưởng Bộ Ngoai giao Việt Nam, ông hiện là Giám đốc ban Thông tin và Hợp
tác Quốc tế, Viện các vấn đề Phát triển, trực thuộc Liên hiệp các Hội
Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta).
(BBC)
Không có nhận xét nào