Chống dịch bằng Chủ
nghĩa Liên bang là cách tôi thấy Đức đang làm hiện nay. Nước Đức có
chậm chạp trong khi người Việt ở đây lại hoang mang?
Với bảy người chết, hơn 3.000 người bị nhiễm virus corona tính tới thời điểm 13 giờ thứ Sáu, 13/03/2020, tại Đức kẻ hối hả đi mua đồ ăn dự trữ, người lại sửa soạn đi xem ca nhạc, bóng đá.
Nước Đức đầy mâu thuẫn trước và trong đại dịch virus corona?
Nếu thoáng nhìn thì như vậy, nhưng điều rõ ràng là chính quyền lấy khoa học làm định hướng.
Tuyên bố không cần 'quyết liệt'?
"Tiêu chuẩn cho hành động của chúng ta là kết quả rút ra từ những gì các nhà khoa học và chuyên gia tuyên bố," Thủ tướng Angela Merkel nói trong buổi họp báo cùng Bộ trưởng Y tế Jens Spahn hôm thứ Tư, 11/03/2020 tại Berlin.
Sự xuất hiện của bà Merkel bị không ít người Đức phê phán là quá muộn màng so với nguyên thủ quốc gia của một số nước khác. Bà Merkel quá thận trọng?
Quả thật những gì bà nói không có gì lạ so với các phát biểu, trả lời phỏng vấn của các nhân vật quan trọng trước đó từng nói nhiều lần. Đó là Bộ trưởng Spahn, GS. Viện trưởng Virus học Christian Drosten, GS. Chủ tịch Lothar Wieler của Robert - Koch Institut.
Chiến lược chống virus corona dường như được lãnh đạo Đức xác định rõ. Đó là..."câu giờ".
"Virus corona càng lan chậm bao nhiêu, càng dễ cho hệ thống y tế của chúng ta xử lý bấy nhiêu." "Càng ít người cùng lúc bị lây nhiễm, càng dễ cho việc cứu chữa các bệnh nhân nặng của các bác sĩ."
Thế thôi ư?
Chúng tôi chờ đợi một tuyên bố mạnh mẽ, một hành động quyết liệt từ bà Thủ tướng như hồi 2015, nhiều người Đức lên tiếng.
Đâu rồi câu nói tự tin can đảm của bà Merkel "Wir schaffen das" tựa "we can", trước làn sóng hàng triệu người từ vùng Trung Đông muốn xông vào Đức xin tị nạn ngày nào? Bà ấy sợ rồi chăng?
Tại sao mở cửa cho người tị nạn vào thì nhanh thế mà đóng cửa biên giới ngăn người Trung Quốc mang virus vào Đức, vào châu Âu lại khó thế?
Các cuộc tranh luận giữa các đồng nghiệp Đức của tôi, các cư dân Đức thuộc nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp, xuất xứ khác nhau nóng dần trên mạng xã hội, trên đường phố, nơi tôi là việc.
Sự kiên nhẫn tỏ ra mất dần ở không ít người Đức khi người ta chứng kiến những biện pháp cứng rắn, được đưa ra khá chớp nhoáng và có vẻ khá hiệu quả như các vị lãnh đạo ở Bắc Triều Tiên, Nga, Mỹ và cả Việt Nam.
Có cựu công dân của Đông Đức, Đông Âu bắt đầu nhớ tới những mệnh lệnh, những cái chỉ tay dứt khoát của các nhà lãnh đạo độc tài ngày xưa khiến cả đất nước răm rắp làm theo.
"Chúng tôi cần sự đánh giá tình hình nghiêm trọng của chính phủ. Chúng tôi muốn có những quyết định mạnh mẽ, nhanh chóng và sáng suốt..."
Nhiều tiếng nói nóng nảy đã phát ra. Sao chậm trễ, chủ quan như vậy?
Cũng rất dễ nhận ra số đông người Đức khác tỏ ra bình thản, thậm chí có phần hài hước.
Ông bác sĩ gia đình chìa tay ra chào tôi. Tôi bảo tốt hơn chỉ chạm khuỷu tay nhau cái thôi. Ông bảo hàng ngày gặp mấy chục bệnh nhân, có người ho khùng khục, nhưng ông không hề đeo khẩu trang và cho rằng dịch virus corona chỉ tệ hơn dịch cúm thông thường chút ít thôi. Berlin không vội được đâu.
Cuộc họp lãnh đạo tất cả các tiểu bang của Cộng hòa liên bang Đức vào chiều thứ Năm 12/03/2020 đã không đạt được kết quả thống nhất cho cả nước về một loạt các biện pháp khẩn cấp. Ví dụ: có nên cho đóng cửa đồng loạt các trường học, nhà trẻ không?
Trời! không làm thế thì nguy cơ lây lan khủng khiếp.
Không ạ! Đóng cửa trường học, nhà trẻ thì biết bao trẻ con sẽ cần bố mẹ phải ở nhà trông chúng, họ lại chính là các bác sĩ, y tá, cảnh sát, lính cứu hỏa, người giao hàng, chủ lò nướng bánh mỳ... và ai sẽ thay họ phục vụ cả xã hội?
Vả lại một trường học ở trung tâm Berlin, đa số học sinh chen chúc tới trường bằng tàu điện ngầm sẽ không giống như một trường học ở tiểu bang Thüringen trên miền núi, nơi dân cư thưa thớt và học sinh đến trường bằng xe đạp, đi bộ, đi xe buýt.
Vậy hà cớ gì đi đóng cửa các trường đó?
Và thế là chỉ cách nhau một hai chục cây số, diễn ra hai trận đấu trong khuôn khổ giải bóng đá Bundesliga ở hai tiểu bang, một trận "đá ma" không được phép có khán giả, còn trận kia với hơn 50 ngàn người tới xem, ngồi san sát, thả sức hò hét, phun nước miếng vào mặt nhau. Vì đâu có sự phi lý này?
Một cô sinh viên từ Việt Nam mới sang tròn mắt hỏi tôi.
Đang ngẫm nghĩ cách giải thích cho thật ngắn gọn, tôi bỗng buột miệng câu nói quen thuộc... "Tại cơ chế nó thế đấy".
Đúng rồi, tại cơ chế. Cơ chế Liên bang hay Chủ nghĩa Liên bang (Föderalismus) là nguyên tắc vận hành của nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức, vốn phát huy thế mạnh của nó, giúp Tây Đức xưa kia và nước Đức thống nhất sau này gặt hái nhiều thành công cho đến nay, trong đó quyền tự chủ, tự quyết của các tiểu bang được phát huy hết mức trong một quy định nào đó.
Ví dụ các tiểu bang tự quyết định chương trình giáo dục, nội dung sách giáo khoa cho riêng mình chẳng hạn. Điều đó cũng có nghĩa là các tiểu bang căn cứ vào tình hình thực tế của nơi mình mà quyết định có đóng cửa trường học, nhà trẻ, các sân vận động hay không.
Liên bang chỉ có thể kêu gọi, đưa ra lời khuyên, không quyết định thay các tiểu bang.
Cho tới đêm thứ Năm, 12/03, bà Merkel họp báo vẫn chưa đưa ra được sự thống nhất hoàn toàn với lãnh đạo các tiểu bang.
Chủ nghĩa Liên bang "Föderalismus" của Đức đang bị thử lửa trong vụ đại dịch virus corona này.
Liệu nó có phải là trở ngại cho cuộc chiến chống đại dịch hay không? Khá nhiều người Đức, trong đó có cả cựu Thủ tướng Gerhard Schröder băn khoăn.
Trả lời những câu hỏi móc máy của một số nhà báo về đề tài này, bà Merkel giải thích: "Chủ nghĩa Liên bang không phải là để người ta đẩy trách nhiệm xuống các địa phương cho nhẹ gánh mà là cho các địa phương được quyền thực hiện tại chỗ trách nhiệm của mình. Chúng tôi đang làm việc theo đúng luật".
Một quan chức ngành tư pháp của Đức đã nổi cáu trả lời các nhà báo rằng, bây giờ là lúc lo chống dịch, không phải lúc để bàn cãi về "Föderalismus".
Người Việt nghĩ khác người Đức?
Không ít người Việt bắt đầu làu bàu, bảo Đức, Anh, Pháp hãy qua Việt Nam mà học cách chống dịch.
Tôi chợt nhớ lần đầu tiên cưỡi máy bay sang châu Âu vào những năm 80 thế kỷ trước.
Tôi đã ngỡ ngàng như thế nào trước hướng dẫn của nhân viên hàng không, trong tình huống khẩn cấp hãy chụp ống thở ô xy cho người lớn trước rồi tới trẻ con, rất mâu thuẫn với thói quen luôn ưu tiên người già, trẻ em mà tôi từng được dạy. Nếu không làm vậy, bị ngạt thở thì người lớn đâu còn cứu được những đứa trẻ, đó là lý do.
Bữa ăn ngày xưa của gia đình Đức thường dành phần ngon, bổ cho ông bố để ông ấy có sức đi cày nuôi sống cả gia đình.
Trong ý kiến của các nhân vật cầm lái quốc gia, tôi luôn thấy có sự cân nhắc rất thận trọng giữa việc hạn chế các hoạt động của xã hội để tránh dịch lây lan nhưng làm sao để kinh tế, đặc biệt các lĩnh vực then chốt không bị ảnh hưởng nặng nề.
Kinh tế suy sụp, lấy gì để chi phí, cung cấp thiết bị hàng hóa cho chống dịch trong một thời gian dài, chưa nói đến các mục tiêu chiến lược dài hạn của một quốc gia đang là đầu tầu kinh tế cho cả khối EU?
Chủ tịch câu lạc bộ bóng đá FC Union Berlin mong muốn trận đấu giữa đội của ông với đội FC Bayern München nổi tiếng vào thứ Bảy, 14/03 tại Berlin vẫn diễn ra với khoảng 22 ngàn vé đã bán hết, tuyên bố thách thức và mỉa mai rằng, "nếu Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức không khuyên dây chuyền sản xuất xe hơi BMW dừng lại thì cũng đừng khuyên chúng tôi ngừng tiến hành trận đấu bóng đá".
Bao người Việt quanh tôi lắc đầu ngao ngán, Berlin phen này "toang" mất thôi.
May sao dư luận xã hội và những cái đầu tỉnh táo cuối cùng đã quyết định cho phép... "đá ma", tức thi đấu không khán giả.
Mặc cho Bộ trưởng Y tế khẳng định hệ thống cung ứng thuốc men của Đức không bị phụ thuộc hoàn toàn vào một quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ, hàng loạt cơ sở sản xuất vừa và nhỏ của Đức đã nhanh chóng tái khởi động để bù đắp nhanh chóng sự thiếu hụt thuốc men, trang bị y tế cho Đức.
Tuy nhiên, một phụ nữ có có trọng trách trong ngành phân phối dược liệu Đức đã phẫn nộ trước các phóng viên truyền hình: không thể như thế này mãi được. Để chiến thắng châu Âu, Trung Quốc đâu cần đến vũ khí nguyên tử, họ chỉ cần ngưng cung cấp dược liệu, thuốc men cho chúng ta là xong.
Mua vét, tích trữ hàng hóa quá mức cần thiết, phòng tình huống bị cô lập cách ly như Vũ Hán là phản xạ của số đông những người có nguồn gốc nhập cư, trong đó có nhiều người Việt Nam.
Kinh nghiệm của những năm tháng gian khó xưa kia đã thôi thúc họ điều này?
Thái độ tưng tửng, dửng dưng, cái nhìn mỉa mai của nhiều người Đức đã phần nào hãm bớt sự lo lắng, mua sắm hung hãn của không ít người Việt.
Một phụ nữ Đức nhếch mép: sao người ta chỉ chăm chú mua mỳ, gạo, giấy vệ sinh mà không mua thêm bình xịt lau cửa kính? Nếu bị hãm lâu ngày trong nhà mà không lau cửa kính lấy ánh sáng, đồng thời vận động hít chút khí trời thì thật tệ.
Một phụ nữ trẻ gốc Việt đặt câu hỏi, có nên mua tích trữ bao cao su không, kẻo trong mùa dịch ở nhà cách ly, khối cặp đôi sẽ "vỡ kế hoạch".
Một thanh niên thuộc thế hệ thứ hai người Việt bức xúc, mới có thế này thôi mà người ta đã sẵn sàng đạp lên nhau để giành lợi thế, chỉ biết thoát thân một mình thôi sao?
Ý thức vì cuộc sống chung ở đâu? Những người không muốn, không có khả năng mua tích trữ đồ ăn chắc sẽ chỉ còn đường chết đói?
Hiện tượng lợi dụng mùa dịch để kiếm chác đương nhiên xuất hiện. Lời chào bán lại khẩu trang, bình xịt sát trùng được rao bán đó đây trên mạng trong giới người Việt.
Hàng "chiến lược" này cũng được mua gom đánh về Việt Nam bán thu lời.
Đột nhiên lệnh cấm xuất khẩu trang bị bảo hộ y tế của Đức đưa ra, ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng.
Làm gì với số hàng đã tích lũy? Bán rẻ, cho, tặng, "làm từ thiện", nhưng không khéo bị phát hiện là rất phiền đấy.
Nếu như xử sự với truyền thông ra sao là vấn đề không nhỏ của người Đức thì nó đặc biệt lớn đối với người Việt.
Một khối người Đức lo lắng thái quá liền bị chế nhạo là "nạn nhân của truyền thông", truyền thông bị cho là hay thổi phồng tình hình, gây sợ hãi để làm lợi cho một ai đó.
Ngược lại khối người tưng tửng, dửng dưng với đại dịch cũng lại bị cho là nạn nhân của truyền thông, họ bị phản ứng ngược, chẳng tin những cảnh báo của truyền thông, những khuyến cáo của các chuyên gia, quan chức vì họ cũng cho rằng đó chỉ là để phục vụ, làm lợi cho một ai đó.
Đây là dịp hiếm có tôi được chứng kiến những trao đổi hết sức nghiêm túc của giới làm báo chuyên nghiệp Đức xoay quanh câu hỏi: đưa tin như thế nào là đúng đắn, thích hợp trong thời điểm nhạy cảm hiện nay?
Cũng dễ hiểu thôi, virus corona không phân biệt người giàu người nghèo, cộng sản hay tư bản, châu Á hay châu Âu. Mối đe dọa đối với người làm báo, gia đình họ cũng y chang như đối với những người mà họ muốn truyền thông tin.
Cộng đồng người Việt ở Đức thực sự gặp khó về thông tin.
Truyền thông tiếng Việt ở Đức có thể nói là yếu, không có đài truyền hình, đài phát thanh riêng. Báo chí tư nhân chỉ gồm một số trang tư nhân một mình một ngựa, "tổng biên tập" kiêm đánh máy, xào nấu lại những gì nhặt nhạnh được trên mạng.
Một "Nhóm người có uy tín trong cộng đồng", "Câu lạc bộ nhà báo" đầu tiên ở hải ngoại mới thành lập với sự ủng hộ của Đại sứ quán Việt Nam ở Đức, được tập hợp bởi hầu hết những người còn đang đầu tắt mặt tối với việc sinh nhai, khả năng tiếng Đức rất hạn chế, một số đi công sở có khi còn phải cần có phiên dịch đi kèm thì mong muốn thông tin cho bà con là việc làm quá sức của họ.
Nguồn thông tin từ trong nước qua các trang mạng từng là cứu cánh trong thời gian đầu đã dần dần mất đi vai trò đối với rất nhiều người Việt nơi đây. Tin tức về bệnh nhân Covid-19, mang số 17, 21 gì đó ở Việt Nam, chuyện riêng tư của ông T. cô N. đâu có giúp gì cho người Việt ở Đức?
Thiếu thông tin thực tế nơi mình đang sống, không đủ tiếng Đức để hiểu truyền thông Đức đang nói gì, không ít người Việt bắt đầu quay sang trách móc các tổ chức hội đoàn người Việt, "giới tinh hoa" người Việt.
Đâu rồi các vị giáo sư, bác sĩ, tiến sĩ, kỹ sư, phiên dịch viên, các cây viết có tên tuổi từng học hành ở Đức? Vì sao họ lại im lặng như vậy?
Đây đáng ra phải là dịp để họ chứng minh cái sự được học hành của họ, vai trò có ích của họ trong xã hội dân sự, trong cộng đồng người gốc Việt ở Đức chứ.
Nhiều người bức xúc.
Vậy là các "nhà báo quần chúng tự phát" xuất hiện như nấm với đủ các loại tin tức không hiểu lấy từ đâu ra. Họ truyền nhau đủ các loại tin tức kỳ quặc, các mẹo chống virus vũ Hán bằng tỏi, xì dầu, uống nước, phơi nắng (giữa mùa đông) hoặc họ dịch vội vàng mấy cái tin từ báo lá cải Đức bằng công cụ dịch "gu gồ", câu chữ sai bét nhè rồi chuyển cho nhau xem. Bằng mọi cách để tồn tại mà.
Bàn luận mạnh nhưng không hoảng loạn
Trở lại vấn đề chung của cả nước Đức. "Loạn thông tin" tồi tệ, nguy hiểm không kém virus corona đối với không ít người Việt ở Đức.
Thật may là số đông người Đức và người Việt vẫn giữ được bình tĩnh. "Cảnh giác nhưng không hoảng hốt" là lời kêu gọi chung cho cả nước.
Thời gian đã gấp gáp nhưng Đức cũng cần thời gian để cầm cự cho virus yếu dần, cho ngành y tế chuẩn bị đủ sức để chống chọi với dịch bệnh, cho mọi hoạt động kinh tế, xã hội không bị tê liệt, không "toang".
"Whatever It Takes" đã xuất hiện trên cửa miệng của nhiều người có trách nhiệm.
Thủ tướng Merkel đã đánh giá, đại dịch virus corona nghiêm trọng hơn khủng hoảng tài chính năm 2008 nhiều và là vấn đề được ưu tiên giải quyết hàng đầu của chính phủ Đức hiện nay.
Liên hệ rộng ra, có ý kiến phê phán rằng các nước thành viên của EU cũng không có sự phối hợp tốt với nhau trong cuộc chiến chống đại dịch Coronavirus. Mỗi nước một kiểu khác nhau. Liên minh EU cũng giống như nước Đức phóng to ra?
Cư dân mạng ở Đức đang bàn luận sôi nổi.
Đại dịch virus corona chắc chắn sẽ để lại tổn thương không nhỏ cho nước Đức và người dân nước này, nhưng đây sẽ là dịp không chỉ có Chủ nghĩa Liên bang "Föderalismus", ngành y tế Đức, kinh tế Đức, chính quyền của bà Merkel mà cả xã hội Đức có cơ hội được trắc nghiệm lại mô hình hoạt động của đất nước mà họ đã có từ nhiều năm nay.
Bài thể hiện cách nhìn riêng của nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng, sống tại Berlin.
BBC News
Nước Đức điềm tĩnh, người Việt vẫn hoang mang |
Với bảy người chết, hơn 3.000 người bị nhiễm virus corona tính tới thời điểm 13 giờ thứ Sáu, 13/03/2020, tại Đức kẻ hối hả đi mua đồ ăn dự trữ, người lại sửa soạn đi xem ca nhạc, bóng đá.
Nước Đức đầy mâu thuẫn trước và trong đại dịch virus corona?
Nếu thoáng nhìn thì như vậy, nhưng điều rõ ràng là chính quyền lấy khoa học làm định hướng.
Tuyên bố không cần 'quyết liệt'?
"Tiêu chuẩn cho hành động của chúng ta là kết quả rút ra từ những gì các nhà khoa học và chuyên gia tuyên bố," Thủ tướng Angela Merkel nói trong buổi họp báo cùng Bộ trưởng Y tế Jens Spahn hôm thứ Tư, 11/03/2020 tại Berlin.
Sự xuất hiện của bà Merkel bị không ít người Đức phê phán là quá muộn màng so với nguyên thủ quốc gia của một số nước khác. Bà Merkel quá thận trọng?
Quả thật những gì bà nói không có gì lạ so với các phát biểu, trả lời phỏng vấn của các nhân vật quan trọng trước đó từng nói nhiều lần. Đó là Bộ trưởng Spahn, GS. Viện trưởng Virus học Christian Drosten, GS. Chủ tịch Lothar Wieler của Robert - Koch Institut.
Chiến lược chống virus corona dường như được lãnh đạo Đức xác định rõ. Đó là..."câu giờ".
"Virus corona càng lan chậm bao nhiêu, càng dễ cho hệ thống y tế của chúng ta xử lý bấy nhiêu." "Càng ít người cùng lúc bị lây nhiễm, càng dễ cho việc cứu chữa các bệnh nhân nặng của các bác sĩ."
Thế thôi ư?
Chúng tôi chờ đợi một tuyên bố mạnh mẽ, một hành động quyết liệt từ bà Thủ tướng như hồi 2015, nhiều người Đức lên tiếng.
Đâu rồi câu nói tự tin can đảm của bà Merkel "Wir schaffen das" tựa "we can", trước làn sóng hàng triệu người từ vùng Trung Đông muốn xông vào Đức xin tị nạn ngày nào? Bà ấy sợ rồi chăng?
Tại sao mở cửa cho người tị nạn vào thì nhanh thế mà đóng cửa biên giới ngăn người Trung Quốc mang virus vào Đức, vào châu Âu lại khó thế?
Các cuộc tranh luận giữa các đồng nghiệp Đức của tôi, các cư dân Đức thuộc nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp, xuất xứ khác nhau nóng dần trên mạng xã hội, trên đường phố, nơi tôi là việc.
Sự kiên nhẫn tỏ ra mất dần ở không ít người Đức khi người ta chứng kiến những biện pháp cứng rắn, được đưa ra khá chớp nhoáng và có vẻ khá hiệu quả như các vị lãnh đạo ở Bắc Triều Tiên, Nga, Mỹ và cả Việt Nam.
Có cựu công dân của Đông Đức, Đông Âu bắt đầu nhớ tới những mệnh lệnh, những cái chỉ tay dứt khoát của các nhà lãnh đạo độc tài ngày xưa khiến cả đất nước răm rắp làm theo.
"Chúng tôi cần sự đánh giá tình hình nghiêm trọng của chính phủ. Chúng tôi muốn có những quyết định mạnh mẽ, nhanh chóng và sáng suốt..."
Nhiều tiếng nói nóng nảy đã phát ra. Sao chậm trễ, chủ quan như vậy?
Cũng rất dễ nhận ra số đông người Đức khác tỏ ra bình thản, thậm chí có phần hài hước.
Ông bác sĩ gia đình chìa tay ra chào tôi. Tôi bảo tốt hơn chỉ chạm khuỷu tay nhau cái thôi. Ông bảo hàng ngày gặp mấy chục bệnh nhân, có người ho khùng khục, nhưng ông không hề đeo khẩu trang và cho rằng dịch virus corona chỉ tệ hơn dịch cúm thông thường chút ít thôi. Berlin không vội được đâu.
Cuộc họp lãnh đạo tất cả các tiểu bang của Cộng hòa liên bang Đức vào chiều thứ Năm 12/03/2020 đã không đạt được kết quả thống nhất cho cả nước về một loạt các biện pháp khẩn cấp. Ví dụ: có nên cho đóng cửa đồng loạt các trường học, nhà trẻ không?
Trời! không làm thế thì nguy cơ lây lan khủng khiếp.
Không ạ! Đóng cửa trường học, nhà trẻ thì biết bao trẻ con sẽ cần bố mẹ phải ở nhà trông chúng, họ lại chính là các bác sĩ, y tá, cảnh sát, lính cứu hỏa, người giao hàng, chủ lò nướng bánh mỳ... và ai sẽ thay họ phục vụ cả xã hội?
Vả lại một trường học ở trung tâm Berlin, đa số học sinh chen chúc tới trường bằng tàu điện ngầm sẽ không giống như một trường học ở tiểu bang Thüringen trên miền núi, nơi dân cư thưa thớt và học sinh đến trường bằng xe đạp, đi bộ, đi xe buýt.
Vậy hà cớ gì đi đóng cửa các trường đó?
Và thế là chỉ cách nhau một hai chục cây số, diễn ra hai trận đấu trong khuôn khổ giải bóng đá Bundesliga ở hai tiểu bang, một trận "đá ma" không được phép có khán giả, còn trận kia với hơn 50 ngàn người tới xem, ngồi san sát, thả sức hò hét, phun nước miếng vào mặt nhau. Vì đâu có sự phi lý này?
Một cô sinh viên từ Việt Nam mới sang tròn mắt hỏi tôi.
Đang ngẫm nghĩ cách giải thích cho thật ngắn gọn, tôi bỗng buột miệng câu nói quen thuộc... "Tại cơ chế nó thế đấy".
Đúng rồi, tại cơ chế. Cơ chế Liên bang hay Chủ nghĩa Liên bang (Föderalismus) là nguyên tắc vận hành của nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức, vốn phát huy thế mạnh của nó, giúp Tây Đức xưa kia và nước Đức thống nhất sau này gặt hái nhiều thành công cho đến nay, trong đó quyền tự chủ, tự quyết của các tiểu bang được phát huy hết mức trong một quy định nào đó.
Ví dụ các tiểu bang tự quyết định chương trình giáo dục, nội dung sách giáo khoa cho riêng mình chẳng hạn. Điều đó cũng có nghĩa là các tiểu bang căn cứ vào tình hình thực tế của nơi mình mà quyết định có đóng cửa trường học, nhà trẻ, các sân vận động hay không.
Liên bang chỉ có thể kêu gọi, đưa ra lời khuyên, không quyết định thay các tiểu bang.
Cho tới đêm thứ Năm, 12/03, bà Merkel họp báo vẫn chưa đưa ra được sự thống nhất hoàn toàn với lãnh đạo các tiểu bang.
Chủ nghĩa Liên bang "Föderalismus" của Đức đang bị thử lửa trong vụ đại dịch virus corona này.
Liệu nó có phải là trở ngại cho cuộc chiến chống đại dịch hay không? Khá nhiều người Đức, trong đó có cả cựu Thủ tướng Gerhard Schröder băn khoăn.
Trả lời những câu hỏi móc máy của một số nhà báo về đề tài này, bà Merkel giải thích: "Chủ nghĩa Liên bang không phải là để người ta đẩy trách nhiệm xuống các địa phương cho nhẹ gánh mà là cho các địa phương được quyền thực hiện tại chỗ trách nhiệm của mình. Chúng tôi đang làm việc theo đúng luật".
Một quan chức ngành tư pháp của Đức đã nổi cáu trả lời các nhà báo rằng, bây giờ là lúc lo chống dịch, không phải lúc để bàn cãi về "Föderalismus".
Người Việt nghĩ khác người Đức?
Không ít người Việt bắt đầu làu bàu, bảo Đức, Anh, Pháp hãy qua Việt Nam mà học cách chống dịch.
Tôi chợt nhớ lần đầu tiên cưỡi máy bay sang châu Âu vào những năm 80 thế kỷ trước.
Tôi đã ngỡ ngàng như thế nào trước hướng dẫn của nhân viên hàng không, trong tình huống khẩn cấp hãy chụp ống thở ô xy cho người lớn trước rồi tới trẻ con, rất mâu thuẫn với thói quen luôn ưu tiên người già, trẻ em mà tôi từng được dạy. Nếu không làm vậy, bị ngạt thở thì người lớn đâu còn cứu được những đứa trẻ, đó là lý do.
Bữa ăn ngày xưa của gia đình Đức thường dành phần ngon, bổ cho ông bố để ông ấy có sức đi cày nuôi sống cả gia đình.
Trong ý kiến của các nhân vật cầm lái quốc gia, tôi luôn thấy có sự cân nhắc rất thận trọng giữa việc hạn chế các hoạt động của xã hội để tránh dịch lây lan nhưng làm sao để kinh tế, đặc biệt các lĩnh vực then chốt không bị ảnh hưởng nặng nề.
Kinh tế suy sụp, lấy gì để chi phí, cung cấp thiết bị hàng hóa cho chống dịch trong một thời gian dài, chưa nói đến các mục tiêu chiến lược dài hạn của một quốc gia đang là đầu tầu kinh tế cho cả khối EU?
Chủ tịch câu lạc bộ bóng đá FC Union Berlin mong muốn trận đấu giữa đội của ông với đội FC Bayern München nổi tiếng vào thứ Bảy, 14/03 tại Berlin vẫn diễn ra với khoảng 22 ngàn vé đã bán hết, tuyên bố thách thức và mỉa mai rằng, "nếu Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức không khuyên dây chuyền sản xuất xe hơi BMW dừng lại thì cũng đừng khuyên chúng tôi ngừng tiến hành trận đấu bóng đá".
Bao người Việt quanh tôi lắc đầu ngao ngán, Berlin phen này "toang" mất thôi.
May sao dư luận xã hội và những cái đầu tỉnh táo cuối cùng đã quyết định cho phép... "đá ma", tức thi đấu không khán giả.
Mặc cho Bộ trưởng Y tế khẳng định hệ thống cung ứng thuốc men của Đức không bị phụ thuộc hoàn toàn vào một quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ, hàng loạt cơ sở sản xuất vừa và nhỏ của Đức đã nhanh chóng tái khởi động để bù đắp nhanh chóng sự thiếu hụt thuốc men, trang bị y tế cho Đức.
Tuy nhiên, một phụ nữ có có trọng trách trong ngành phân phối dược liệu Đức đã phẫn nộ trước các phóng viên truyền hình: không thể như thế này mãi được. Để chiến thắng châu Âu, Trung Quốc đâu cần đến vũ khí nguyên tử, họ chỉ cần ngưng cung cấp dược liệu, thuốc men cho chúng ta là xong.
Mua vét, tích trữ hàng hóa quá mức cần thiết, phòng tình huống bị cô lập cách ly như Vũ Hán là phản xạ của số đông những người có nguồn gốc nhập cư, trong đó có nhiều người Việt Nam.
Kinh nghiệm của những năm tháng gian khó xưa kia đã thôi thúc họ điều này?
Thái độ tưng tửng, dửng dưng, cái nhìn mỉa mai của nhiều người Đức đã phần nào hãm bớt sự lo lắng, mua sắm hung hãn của không ít người Việt.
Một phụ nữ Đức nhếch mép: sao người ta chỉ chăm chú mua mỳ, gạo, giấy vệ sinh mà không mua thêm bình xịt lau cửa kính? Nếu bị hãm lâu ngày trong nhà mà không lau cửa kính lấy ánh sáng, đồng thời vận động hít chút khí trời thì thật tệ.
Một phụ nữ trẻ gốc Việt đặt câu hỏi, có nên mua tích trữ bao cao su không, kẻo trong mùa dịch ở nhà cách ly, khối cặp đôi sẽ "vỡ kế hoạch".
Một thanh niên thuộc thế hệ thứ hai người Việt bức xúc, mới có thế này thôi mà người ta đã sẵn sàng đạp lên nhau để giành lợi thế, chỉ biết thoát thân một mình thôi sao?
Ý thức vì cuộc sống chung ở đâu? Những người không muốn, không có khả năng mua tích trữ đồ ăn chắc sẽ chỉ còn đường chết đói?
Hiện tượng lợi dụng mùa dịch để kiếm chác đương nhiên xuất hiện. Lời chào bán lại khẩu trang, bình xịt sát trùng được rao bán đó đây trên mạng trong giới người Việt.
Hàng "chiến lược" này cũng được mua gom đánh về Việt Nam bán thu lời.
Đột nhiên lệnh cấm xuất khẩu trang bị bảo hộ y tế của Đức đưa ra, ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng.
Làm gì với số hàng đã tích lũy? Bán rẻ, cho, tặng, "làm từ thiện", nhưng không khéo bị phát hiện là rất phiền đấy.
Nếu như xử sự với truyền thông ra sao là vấn đề không nhỏ của người Đức thì nó đặc biệt lớn đối với người Việt.
Một khối người Đức lo lắng thái quá liền bị chế nhạo là "nạn nhân của truyền thông", truyền thông bị cho là hay thổi phồng tình hình, gây sợ hãi để làm lợi cho một ai đó.
Ngược lại khối người tưng tửng, dửng dưng với đại dịch cũng lại bị cho là nạn nhân của truyền thông, họ bị phản ứng ngược, chẳng tin những cảnh báo của truyền thông, những khuyến cáo của các chuyên gia, quan chức vì họ cũng cho rằng đó chỉ là để phục vụ, làm lợi cho một ai đó.
Đây là dịp hiếm có tôi được chứng kiến những trao đổi hết sức nghiêm túc của giới làm báo chuyên nghiệp Đức xoay quanh câu hỏi: đưa tin như thế nào là đúng đắn, thích hợp trong thời điểm nhạy cảm hiện nay?
Cũng dễ hiểu thôi, virus corona không phân biệt người giàu người nghèo, cộng sản hay tư bản, châu Á hay châu Âu. Mối đe dọa đối với người làm báo, gia đình họ cũng y chang như đối với những người mà họ muốn truyền thông tin.
Cộng đồng người Việt ở Đức thực sự gặp khó về thông tin.
Truyền thông tiếng Việt ở Đức có thể nói là yếu, không có đài truyền hình, đài phát thanh riêng. Báo chí tư nhân chỉ gồm một số trang tư nhân một mình một ngựa, "tổng biên tập" kiêm đánh máy, xào nấu lại những gì nhặt nhạnh được trên mạng.
Một "Nhóm người có uy tín trong cộng đồng", "Câu lạc bộ nhà báo" đầu tiên ở hải ngoại mới thành lập với sự ủng hộ của Đại sứ quán Việt Nam ở Đức, được tập hợp bởi hầu hết những người còn đang đầu tắt mặt tối với việc sinh nhai, khả năng tiếng Đức rất hạn chế, một số đi công sở có khi còn phải cần có phiên dịch đi kèm thì mong muốn thông tin cho bà con là việc làm quá sức của họ.
Nguồn thông tin từ trong nước qua các trang mạng từng là cứu cánh trong thời gian đầu đã dần dần mất đi vai trò đối với rất nhiều người Việt nơi đây. Tin tức về bệnh nhân Covid-19, mang số 17, 21 gì đó ở Việt Nam, chuyện riêng tư của ông T. cô N. đâu có giúp gì cho người Việt ở Đức?
Thiếu thông tin thực tế nơi mình đang sống, không đủ tiếng Đức để hiểu truyền thông Đức đang nói gì, không ít người Việt bắt đầu quay sang trách móc các tổ chức hội đoàn người Việt, "giới tinh hoa" người Việt.
Đâu rồi các vị giáo sư, bác sĩ, tiến sĩ, kỹ sư, phiên dịch viên, các cây viết có tên tuổi từng học hành ở Đức? Vì sao họ lại im lặng như vậy?
Đây đáng ra phải là dịp để họ chứng minh cái sự được học hành của họ, vai trò có ích của họ trong xã hội dân sự, trong cộng đồng người gốc Việt ở Đức chứ.
Nhiều người bức xúc.
Vậy là các "nhà báo quần chúng tự phát" xuất hiện như nấm với đủ các loại tin tức không hiểu lấy từ đâu ra. Họ truyền nhau đủ các loại tin tức kỳ quặc, các mẹo chống virus vũ Hán bằng tỏi, xì dầu, uống nước, phơi nắng (giữa mùa đông) hoặc họ dịch vội vàng mấy cái tin từ báo lá cải Đức bằng công cụ dịch "gu gồ", câu chữ sai bét nhè rồi chuyển cho nhau xem. Bằng mọi cách để tồn tại mà.
Bàn luận mạnh nhưng không hoảng loạn
Trở lại vấn đề chung của cả nước Đức. "Loạn thông tin" tồi tệ, nguy hiểm không kém virus corona đối với không ít người Việt ở Đức.
Thật may là số đông người Đức và người Việt vẫn giữ được bình tĩnh. "Cảnh giác nhưng không hoảng hốt" là lời kêu gọi chung cho cả nước.
Thời gian đã gấp gáp nhưng Đức cũng cần thời gian để cầm cự cho virus yếu dần, cho ngành y tế chuẩn bị đủ sức để chống chọi với dịch bệnh, cho mọi hoạt động kinh tế, xã hội không bị tê liệt, không "toang".
"Whatever It Takes" đã xuất hiện trên cửa miệng của nhiều người có trách nhiệm.
Thủ tướng Merkel đã đánh giá, đại dịch virus corona nghiêm trọng hơn khủng hoảng tài chính năm 2008 nhiều và là vấn đề được ưu tiên giải quyết hàng đầu của chính phủ Đức hiện nay.
Liên hệ rộng ra, có ý kiến phê phán rằng các nước thành viên của EU cũng không có sự phối hợp tốt với nhau trong cuộc chiến chống đại dịch Coronavirus. Mỗi nước một kiểu khác nhau. Liên minh EU cũng giống như nước Đức phóng to ra?
Cư dân mạng ở Đức đang bàn luận sôi nổi.
Đại dịch virus corona chắc chắn sẽ để lại tổn thương không nhỏ cho nước Đức và người dân nước này, nhưng đây sẽ là dịp không chỉ có Chủ nghĩa Liên bang "Föderalismus", ngành y tế Đức, kinh tế Đức, chính quyền của bà Merkel mà cả xã hội Đức có cơ hội được trắc nghiệm lại mô hình hoạt động của đất nước mà họ đã có từ nhiều năm nay.
Bài thể hiện cách nhìn riêng của nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng, sống tại Berlin.
BBC News
Không có nhận xét nào