Đêm 06/03/2020, chính quyền Hà Nội
họp khẩn. Bệnh nhân nhiễm virus corona thứ 17 làm rung chuyển bầu không
khí lạc quan tại Hà Nội, vốn được coi là một ốc đảo bình an, miễn nhiễm
với virus, nhờ nỗ lực của chính quyền kể từ đầu mùa dịch. Nhưng ca bệnh
''số 17'' cũng làm lộ ra hàng loạt lỗ hổng của hệ thống phòng dịch Việt
Nam.
Tẩy trùng trên một chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines, Hà Nội, ngày 21/02/2020. |
Bệnh
nhân N.H.N., 26 tuổi, cư trú tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà
Nội, làm nghề quản lý khách sạn, sau chuyến đi châu Âu trở về nước ngày
02/03, đã bị ho, sốt…, nhập viện ngày 05/03. Tại châu Âu, bệnh nhân đã
từng có mặt tại vùng Lombardi (Ý), Luân Đôn và Paris. Theo báo chí Nhà
nước, đầu giờ tối ngày 06/03, Bệnh Viện Nhiệt Đới Trung Ương thông báo
với Ban chỉ đạo chống Covid-19 của Hà Nội về kết quả xét nghiệm dương
tính với virus của nữ bệnh nhân. Nhà ở của cô N.H.N. tại phố Trúc Bạch
và một số nhà xung quanh bị phong tỏa. 22 giờ 30 phút, chính quyền Hà
Nội họp phiên bất thường về bệnh nhân nhiễm virus corona thứ 17.
Việt
Nam vốn được coi là điểm đến ''an toàn'', trong bối cảnh dịch Covid-19
xuất phát từ Trung Quốc, đã lan rộng khắp thế giới, với khoảng 90 quốc
gia, khoảng 100.000 người chính thức được công nhận nhiễm virus, gần
3.500 người thiệt mạng. Riêng tại Việt Nam, từ ba tuần qua, không có
thêm ca nhiễm mới nào. Người cuối cùng rời bệnh viện cách nay hơn một
tuần. Về mặt chính thức, đã không có ai chết vì Covid-19. Nằm ngay sát
tâm dịch Trung Quốc, sự bình an của Việt Nam trở thành một bất ngờ đối
với thế giới, nhưng cũng đặt ra nhiều dấu hỏi.
Hàng trăm trang Facebook giả mạo
Đối
với một bộ phận dân chúng, bệnh nhân thứ 17 thực sự là một tai họa.
Theo mạng zing.vn, ngay sau khi có tin chính quyền Hà Nội ghi nhận
trường hợp người Hà Nội đầu tiên mắc Covid-19, ''hàng trăm trang
Facebook giả mạo cô gái nhiễm virus corona'' đã được lập ra, để thu hút
những phẫn uất của dân mạng. Một số tài khoản còn giả danh cô gái lên
tiếng xin tha lỗi, vì đã không tự ý thức phải cách ly, khi từ vùng dịch
trở về. Nhiều người tưởng rằng đây là các tài khoản thật và đưa ra hàng
loạt bình luận, chửi rủa, kêu gọi trả thù (theo zing.vn, mục đích chủ
yếu của việc tạo ra nhiều trang giả mạo trong số đó thực ra là để câu
like và tăng tương tác để bán lại tài khoản). Tuy nhiên, các thông điệp
nổi giận không chỉ xuất hiện trên những trang Facebook giả mạo. Trên các
trang Facebook thật, người ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy những lời lẽ
đầy oán giận, lên án ''Kẻ chơi bời giữa mùa dịch bệnh - Kẻ phá hoại
công sức phòng chống dịch của cả dân tộc Việt Nam - Kẻ gieo rắc nỗi
hoang mang cho dân tộc Việt Nam''…
Tuy nhiên, không khí bình an, trước tai họa, mà nhiều người dân mường tượng không hẳn đã là cảm nhận từ phía bộ máy chính quyền.
Giới cầm quyền như ngồi trên lửa
Trên
thực tế, từ khoảng một tuần nay, hệ thống chính trị Việt Nam dường như
đã cảm thấy rất lo âu trước nguy cơ dịch Covid-19 một lần nữa đến gần.
Một phần do tình hình dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng hơn ở nhiều
nơi trên thế giới, một phần khác có thể nhiều người trong bộ máy chính
quyền hiểu rằng bản thân dịch bệnh trong nước cũng không hẳn đã bình ổn,
như các số liệu chính thức mà chính quyền đưa ra để chứng minh. Ngày
04/03, Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 quốc gia phối hợp với bộ Quốc
Phòng tổ chức diễn tập đối phó, với kịch bản cao nhất có đến ''30 000
người nhiễm virus'' (thông tin đã được cải chính sau đó).
Ngay
từ cuối tháng 2/2020, chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhiều lần
cảnh báo đây là thời điểm ''có nguy cơ lây nhiễm cao nhất'' và yêu cầu
nâng mức cảnh báo.
''Kịch bản hoàn hảo'' bị vỡ
Đối
với khá nhiều người thì bệnh nhân thứ 17 đã phá vỡ một kịch bản hoàn
hảo về một hệ thống y tế tuyệt vời, mà chính quyền Việt Nam cố gắng tạo
dựng, khi chứng minh là chính quyền đã làm tất cả để phòng ngừa, khống
chế dịch, và điều trị tốt nhất cho người không may mắc bệnh.
Nhưng
ngược lại, nhiều nhà quan sát cũng cho rằng chính bệnh nhân số 17 đã
cho thấy rõ nhiều kẽ hở và khuyết tật của hệ thống phòng dịch Việt Nam,
ít nhất xét về mặt chính thức, hay nói một cách hình tượng là về ''phần
nổi của tảng băng'', bởi phần chìm cần có những điều tra.
- Lỗ hổng thứ nhất: Lọt lưới hàng rào kiểm soát y tế cửa khẩu sân bay. Kể từ ngày 29/02/2020, toàn bộ khách đã từng đi qua Iran và Ý phải khai báo y tế. Bệnh nhân số 17 trở về Việt Nam sáng sớm ngày 02/03, với triệu chứng ho, đau mỏi người từ trước đó.
- Lỗ hổng thứ hai: Chính quyền đã không yêu cầu công dân Việt Nam trở về từ châu Âu, nơi có một số vùng dịch, từ nhiều tuần qua, khai báo với cơ quan y tế. Trong cuộc họp chiều ngày 06/03, chủ tịch Hà Nội đã chính thức yêu cầu các ''quận, huyện, phường, xã tuyên truyền tới từng tổ dân phố… tới từng hộ dân, chủ động kê khai thông tin về học sinh, sinh viên, người thân đi các nước châu Âu đang có dịch, về từ ngày 20/2 đến nay'' (báo Tuổi Trẻ).
- Lỗ hổng thứ ba: Nhân viên y tế không thực hiện đúng quy trình bảo hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân trong mùa dịch. Theo chủ tịch Hà Nội, tổng cộng đã có 18 nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân số 17, mà không áp dụng biện pháp bảo hộ nào (việc không thực hiện đúng quy trình bảo hộ rất có thể diễn ra trong bầu không khí lạc quan chung, trong bối cảnh nhiều người coi dịch bệnh Covid-19 đang trên đà được dập tắt hoàn toàn).
Lộ trình ở Hà Nội: Một số nghi vấn
Về
mặt chính thức, có ít nhất 25 người tiếp xúc với bệnh nhân số 17, theo
báo cáo nhanh của sở Y Tế (bao gồm 18 nhân viên y tế, 2 người thân, 5
người giúp việc và lái xe). Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn khá nhiều bí ẩn
xung quanh các di chuyển của cô gái nhiễm virus tại Hà Nội.
Theo
một báo cáo của sở Y Tế (ngày 06/03), ''từ khi về nước, bệnh nhân đã tự
cách ly tại phòng riêng, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người
trong gia đình, và không ra khỏi nhà''. Trong cuộc họp đặc biệt đêm
06/03, bí thư thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ bảo đảm là bệnh nhân N.H.N.
''tự biết có khả năng lây bệnh nên chủ động không tiếp xúc với mọi
người, đặc biệt là người nhà của mình, nhưng lại không chủ động khai báo
với nhà chức trách''.
Tuy
nhiên, trên một số mạng xã hội, có thông tin cho rằng bệnh nhân đã xuất
hiện ở khu nhà Time City, tầng thứ 18, và khu vực này hiện đang được
tẩy trùng. Cũng có một số thông tin khác chưa được kiểm chứng cho thấy
người bệnh còn đến một số nơi khác trong thành phố. Nhiều người lên án
cô gái reo rắc thảm họa.
Bệnh nhân Covid-19 đầu tiên theo dự đoán ?
Đối
với nhiều người, ca bệnh ''số 17'' là một tai họa hoàn toàn không đáng
có, do hành động vô trách nhiệm của một cá nhân. Nhưng với nhiều người
khác, thì điều gì đến ắt sẽ phải đến. Dù có là bệnh nhân N.H.N. hay ai
khác, Việt Nam chắc chắn sớm muộn cũng sẽ phải đối diện với những ca
nhiễm virus mới, do nhiều lỗ hổng trong hệ thống phòng dịch. Vẫn theo
cách nhìn này, thì cho đến nay, sở dĩ mọi sự đều có vẻ diễn ra suôn sẻ,
có lẽ là do chính quyền đã nắm hoàn toàn bộ máy xét nghiệm, chẩn đoán,
truyền thông… Việc công nhận một trường hợp nhiễm Covid-19 hay không do
giới chính trị quyết định.
Một
số người đặt giả thiết, nếu N.H.N không phải là con nhà gia thế, hay có
nhân thân đặc biệt, thì dù có nhiễm virus corona cũng rất có thể sẽ bị
coi như là không. Đổi trắng thay đen vốn là chuyện dễ dàng đối với những
người nắm trọn quyền lực trong tay.
Tuy
nhiên, cũng có thể có một lô-gic hoàn toàn khác. Con số 17 có lẽ là
điều không thể tránh khỏi, khi Việt Nam ''đang phải chuyển sang trạng
thái phòng chống ở mức độ cao hơn, quyết liệt hơn, toàn diện hơn", theo
nhận định của thứ trưởng bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long, bên lề lễ ra mắt
Trung tâm Quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán điều trị
Covid-19, sáng ngày 05/03. Tân thứ trưởng Y Tế dự đoán sẽ có ''ca
Covid-19 mới''.
Cũng
đúng ngày 05/03, bệnh nhân N.H.N. nhập viện. Kết quả dương tính với
Covid-19. Theo chính quyền, Việt Nam đã sở hữu bộ xét nghiệm cho phép
xác định virus ''chỉ sau hơn một giờ'', với ''kết quả chính xác 100%''.
Bệnh nhân số 17 chính là ca Covid-19 đầu tiên, theo dự đoán của ông thứ
trưởng.
(RFI)
Không có nhận xét nào