Hôm nay, ngày 31-3, Thủ tướng ban
hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch
COVID-19. Theo Thủ tướng, dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát trên phạm vi
toàn cầu làm trên 72.000 người mắc, gần 3.500 người tử vong ở trên 200
quốc gia, vùng lãnh thổ và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ở
Việt Nam, số ca mắc đang tăng nhanh từng ngày và có nguy cơ cao lây
nhiễm trong cộng đồng. Dự báo dịch bệnh sẽ lây lan nhanh trên diện rộng,
đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã
hội của đất nước.
Thực
hiện lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, với
tinh thần coi trọng sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, để
tiếp tục chủ động ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ
yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương tập trung cao độ thực hiện các biện pháp
phòng chống dịch đã đề ra, nhất là Chỉ thị số 15, tuân thủ các chỉ đạo
của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, thực hiện có hiệu
quả các biện pháp cấp bách.
Thực
hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1-4-2020 trên
phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn
bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện,
tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng
cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy
định.
Yêu
cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần
thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại
nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu
không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực
hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập
trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại
nơi công cộng.
Thủ
tướng Chính phủ yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các yêu
cầu, các biện pháp phòng chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự
nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và
tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng chống dịch của các cơ
quan chức năng và cộng đồng; người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản
xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các
biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho
người lao động.
Bộ
Y tế, Bộ Công an, UBND TP Hà Nội, UBND TP.HCM phải thần tốc, cương
quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các "ổ
dịch" tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), quán bar Buddha (TP.HCM); tranh
thủ từng giờ, từng phút để truy vết, áp dụng các biện pháp phù hợp đối
với tất cả các trường hợp có nguy cơ, tiếp xúc với người bệnh, người qua
lại "ổ dịch".
Tiếp
tục kêu gọi người dân đã qua lại các "ổ dịch" này khai báo y tế và yêu
cầu liên hệ để được xét nghiệm. Yêu cầu Bộ Công an phối hợp ngành y tế
lập danh sách những người liên quan đến các hoạt động của Công ty Trường
Sinh có nguy cơ lây nhiễm để theo dõi y tế, giám sát, cách ly, xử lý
nhanh triệt để các nguồn lây dịch bệnh.
UBND
các tỉnh, thành phố có liên quan phối hợp chặt chẽ với các bộ và 2
thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ này. Thực hiện cách ly tại gia đình,
khai báo y tế để phân loại, xét nghiệm và cách ly tập trung nếu cần
thiết đối với người đã qua lại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12-3; giao
chính quyền cơ sở tổ chức giám sát chặt chẽ tại từng gia đình.
Bộ
Công an và UBND cấp tỉnh tiếp tục khẩn trương thực hiện rà soát, kiểm
tra y tế, cập nhật tình hình sức khỏe của những người đã nhập cảnh từ
ngày 8-3 nhưng chưa áp dụng cách ly; lập danh sách những người đã tiếp
xúc trực tiếp, tiếp xúc gần để phân loại sàng lọc, áp dụng biện pháp
cách ly phù hợp (cách ly tập trung, tại nhà, cơ sở lưu trú).
Các
cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử
dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự
cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ
thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu
cầu mới đến làm việc tại công sở; tăng cường tổ chức họp trực tuyến.
Người
đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh
do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.
Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng.
Hạn
chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực
khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ
trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương
thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên
gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.
Bộ
Y tế chỉ đạo các bệnh viện thực hiện các quy trình và quản lý chặt chẽ,
tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện; kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu kê
khai y tế bắt buộc đối với bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh
nhân; mỗi một bệnh nhân chỉ được một người chăm sóc; dừng việc thăm bệnh
nhân tại các cơ sở y tế.
Có quy định chặt chẽ về tiếp nhận bệnh nhân, không để một cá nhân lây nhiễm làm ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ bệnh viện.
Đề
xuất cụ thể cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất
trang thiết bị, dụng cụ y tế, đặc biệt là máy thở, máy theo dõi bệnh
nhân, máy truyền dịch, máy lọc máu, báo cáo Phó thủ tướng Chính phủ
Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ các phương án, kịch bản và khả năng ứng cứu đối với trường hợp khẩn cấp về dịch vào chiều 31-3.
Tổ
chức, sắp xếp việc tiếp tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà
Nội), bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế và nhân dân theo đề
nghị của Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế.
Xem xét, xử lý các kiến nghị của UBND Hà Nội, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Hà Nội kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.
Bộ Y tế tổng hợp và định kỳ công bố 2 lần/ngày kết quả xét nghiêm dương tính ở các địa phương, bảo đảm chính xác.
Tạm
thời đóng cửa các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ dành cho người qua lại
từ 0h ngày 1-4 trên tuyến biên giới với Lào và Campuchia. Kiểm soát chặt
chẽ việc nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế trên các tuyến biên giới
đường bộ; tất cả người nhập cảnh từ Lào, Campuchia đều phải cách ly tập
trung 14 ngày.
Bộ
Quốc phòng chỉ đạo tổ chức, sắp xếp, mở rộng các cơ sở cách ly tập
trung, tách bạch các trường hợp mới cách ly và đang cách ly, không để
lây chéo; tăng cường quản lý đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới.
Bộ Công an tăng cường chỉ đạo việc bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, nhất là đối với vùng nông thôn.
Bộ
Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan xử lý các vướng mắc trong xuất khẩu
khẩu trang vải; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới
thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh
COVID-19.
Các
bộ, ngành, địa phương và các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh thông
tin, tuyên truyền ủng hộ chủ trương bảo vệ sức khỏe của nhân dân, chấn
chỉnh một số báo rút tít gây hoang mang, hiểu nhầm. Người chịu trách
nhiệm phòng chống dịch không phát ngôn gây hoảng loạn trong nhân dân.
Bộ Công thương, UBND các địa phương chú ý bảo đảm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân.
(Tuổi Trẻ)
Không có nhận xét nào