Hãy bắt đầu nghĩ về những điều không
tưởng để chuẩn bị cho tương lai xa hơn. Đó là việc mà chúng ta đã không
làm trước khi Liên Xô tan rã.
Tập Cận Bình là một biến số quan trọng trong khả năng chính trị Trung Quốc thay đổi. Ảnh: Aly Song. |
Sau
nhiều thập kỉ thành công ấn tượng về mọi mặt, Trung Quốc đang đứng
trước những dấu hiệu suy thoái. Kinh tế đình trệ, tham nhũng tràn lan,
chia rẽ trong nội bộ giới cầm quyền – tất cả dẫn đến nhiều dự đoán về
một tương lai chính trị khác cho quốc gia này. Một trong những dự đoán
đó là “người anh lớn” của chế độ cộng sản sẽ dân chủ hoá trong thời gian
sắp tới.
Minxin
Pei (Bùi Mẫn Hân), một học giả hàng đầu về chính trị Trung Quốc, đưa ra
quan điểm này trong một nghiên cứu đăng trên Journal of Democracy (Tạp
chí Dân chủ) năm 2016. Bài nghiên cứu có tên: “Transition in China? More
likely than you think” (Chuyển đổi ở Trung Quốc? Khả năng cao hơn bạn
tưởng). Luật Khoa tóm lược nghiên cứu quan trọng này và mời bạn cùng làm
quen với một khái niệm cải cách mới: refolution.
Trung Quốc sẽ dân chủ hóa?
Khẳng
định này trước hết dựa trên việc Trung Quốc đã nằm trong “khu vực
chuyển đổi” (transition zone). Đó là khái niệm mà học giả Samuel
Huntington đưa ra trong tác phẩm Đợt sóng Thứ ba (The Third Wave), để
chỉ một mức phát triển kinh tế mà ở đó quá trình dân chủ hóa thường sẽ
xảy ra:
“Sự
tương quan giữa mức độ giàu có và dân chủ hàm ý rằng chuyển đổi dân chủ
sẽ xảy ra chủ yếu ở các nước với thu nhập trung bình. Ở các nước nghèo,
dân chủ hóa ít khi xảy ra; còn các nước giàu thì hầu hết đã dân chủ
hóa. Khoảng giữa là khu vực mà chuyển đổi chính trị thường xảy ra. Các
nước với mức độ phát triển đó nhiều khả năng sẽ chuyển đổi sang dân chủ
và hầu hết các nước chuyển đổi sang dân chủ sẽ nằm ở khoảng đó.”
Trung
Quốc đã giàu có ở mức khá cao trong khu vực chuyển đổi. Theo World
Bank, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc vào năm 2014 là
12.472$ (tính theo ngang bằng sức mua PPP). Như bảng bên dưới cho thấy,
vào năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đã cao hơn 30%
so với mức trung bình của nhóm quốc gia thuộc khu vực chuyển đổi.
Vậy
liệu Trung Quốc (CCP) có thể phá bỏ quy luật này, tức vượt lên khu vực
chuyển đổi này, trong khi duy trì sự cai trị độc đảng? Câu trả lời là
rất khó. Lịch sử cho thấy chỉ có một vài chế độ độc tài, không phụ thuộc
dầu mỏ và giàu hơn Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì (lưu ý là Trung
Quốc không dựa vào dầu mỏ). Cụ thể, trong số 14 chế độ độc tài và bốn
chế độ bán độc tài có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn Trung
Quốc vào năm 2014, chỉ có ba nước không dựa vào dầu mỏ là Singapore,
Belarus và Thái Lan.
Điều
này là vì hai nguyên nhân. Thứ nhất, hầu hết các chế độ độc tài (không
dựa vào dầu mỏ) đã chuyển đổi qua dân chủ khi còn ở giai đoạn thu nhập
trung bình, như lý thuyết khu vực chuyển đổi chỉ ra. Thứ hai, những nước
không dựa vào dầu mỏ như Thái Lan đã bị rơi vào “bẫy thu nhập trung
bình”, hiện tượng phát triển kinh tế bị đình trệ do yếu kém về thể chế,
bất bình đẳng, mất thuận lợi về cạnh tranh sau khi trở thành nước có thu
nhập trung bình. Do bản chất độc tài cướp bóc, khiến cho các nước này
khó thoát ra khỏi bẫy này.
Và
cũng theo báo cáo của World Bank, từ năm 1960 đến năm 2008, chỉ có 13
nước đi từ mức thu nhập trung bình lên mức giàu có. Trong số này, bốn
nước là các nền dân chủ tự do (Ireland, Japan, Israel, và Mauritius); ba
nước (và vùng lãnh thổ) có nền tảng pháp quyền gồm Hong Kong – cựu
thuộc địa Anh, Puerto Rico – lãnh thổ thuộc chủ quyền Mỹ nhưng chưa hợp
nhất vào Mỹ, Singapore – chế độ bán độc tài; năm nước còn lại thì đã
chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ trước khi đạt được thu nhập cao (tức
chuyển đổi khi thu nhập ở mức trung bình) là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hi
Lạp, Hàn Quốc, và Đài Loan. Chế độ độc tài duy nhất thoát ra khỏi bẫy
thu nhập trung bình là Equatorial Guinea, tuy nhiên lại là một đất nước
dựa vào dầu mỏ.
Những
con số và sự chuyển đổi tương ứng ở trên có nghĩa rằng Trung Quốc, với
mức thu nhập trung bình cao hiện tại, nhiều khả năng sẽ chuyển đổi chế
độ trong thời gian tới hoặc nếu không như vậy, sẽ bị rơi vào bẫy thu
nhập trung bình.
Vậy nếu Trung Quốc chuyển đổi chế độ, thì nó sẽ diễn ra như thế nào?
Trong
hầu hết trường hợp, sự chuyển đổi của các chế độ độc tài xảy ra theo
hai giai đoạn – một giai đoạn suy thoái kéo dài và một giai đoạn sụp đổ
nhanh chóng sau đó.
Bốn
dấu hiệu chính cho thấy sự suy thoái của chế độ độc tài là: (1) sự phai
nhạt ý thức hệ, (2) suy giảm về thành tích (đặc biệt là về phát triển
kinh tế), (3) tham nhũng tràn lan, và (4) tranh giành quyền lực ngày
càng tăng trong giới chóp bu. Những dấu hiệu này không nhất thiết xuất
hiện đồng thời. Tuy nhiên, thời điểm mà tất cả cùng rõ ràng, thì sự suy
thoái bước vào giai đoạn cao.
Trung
Quốc hiện nay mang hầu hết các dấu hiệu này: sự phai mờ của ý thức hệ
cộng sản, kinh tế tăng trưởng chậm, suy giảm tính chính danh dựa trên
thành tích, tham nhũng tràn lan, và giới tinh hoa không đoàn kết.
Trong
khi sự suy thoái do các yếu tố thể chế và cấu trúc thúc đẩy, thì sự sụp
đổ chế độ lại xảy đến bởi những cú sốc không biết trước như khủng hoảng
kinh tế, lãnh đạo qua đời, gian lận bầu cử v.v… Dù sự chuyển đổi chế độ
rất khó dự đoán, song điều này dễ xảy ra trong các chế độ đang ở giai
đoạn suy thoái cao. Thực vậy, tất cả các chế độ độc tài sụp đổ trong vài
thập kỷ qua đều xảy ra khi chế độ ở giai đoạn suy thoái cuối cùng.
Ba dạng chuyển đổi
Trong
tác phẩm Đợt sóng Thứ ba, Huntington xác định ba dạng chuyển đổi dân
chủ: cải cách, cách mạng, và kết hợp của cả hai dạng trên, còn gọi là
‘refolution’. Dạng chuyển đổi nào xảy ra trong thực tế sẽ phụ thuộc vào
tương quan sức mạnh giữa chính quyền (do những người theo đường lối cải
cách nắm quyền) và phe đối lập.
Khi
chính quyền mạnh hơn phe đối lập thì chuyển đổi theo dạng cải cách. Khi
chính quyền yếu và phe đối lập mạnh thì sẽ chuyển đổi theo dạng cách
mạng. Và khi chính quyền lúc đầu mạnh hơn phe đối lập, nhưng sau đó trở
nên yếu hơn trong quá trình cải cách, thì sẽ chuyển đổi theo dạng
“refolution”.
Cải cách (Reform)
Đây
là dạng chuyển đổi đáng mong muốn nhất, bởi nó thường diễn ra trong hòa
bình và ổn định. Tuy nhiên, dạng này thường ít xảy ra, bởi vì khi nhà
lãnh đạo độc tài đủ mạnh để tiến hành chuyển đổi theo cải cách, thì họ
cũng cảm thấy đủ mạnh để tiếp tục duy trì quyền lực, do đó có ít động cơ
khiến họ cải cách. Hệ quả là, họ thường bỏ lỡ cơ hội “hạ cánh mềm”, và
theo thời gian, khi hoàn cảnh trở nên bất lợi hơn, họ không còn có khả
năng hay sự tín nhiệm để thực hiện cải cách.
Trong
đợt sóng dân chủ hóa thứ ba, từ năm 1974-1990, có 16 nước chuyển đổi
theo dạng này, trong đó những trường hợp điển hình như Tây Ban Nha
(1975), Brazil (1985), Đài Loan (1986) và Mexico (1994). Mỗi trường hợp
cho ta những bài học có giá trị.
Đầu
tiên và quan trọng nhất là, một cuộc cải cách thành công phải được tiến
hành trước khi chế độ bước vào giai đoạn suy thoái cuối cùng. Trong các
trường hợp trên, khi những người cải cách lên nắm quyền và bắt đầu cải
cách chế độ, thì chế độ vẫn chưa suy tàn tới mức mà giới tinh hoa chính
trị mất hoàn toàn sự tín nhiệm, hoặc chưa có một bộ phận đối lập và
người dân trở nên quá cấp tiến. Ngoài ra, các nhà cải cách đã cho thấy
cam kết thay đổi của mình khi thực hiện các cải cách quan trọng ngay sau
khi nắm quyền, do đó giữ được uy tín cũng như khiến người dân hi vọng
vào một tương lai tươi sáng hơn.
Tiếp
theo, bản chất của các chế độ độc tài cũng rất quan trọng. Cả bốn chế
độ trên đều nằm dưới sự cai trị của các chế độ độc đoán hơn là các chế
độ toàn trị hoặc hậu toàn trị. Trong cả bốn chế độ trên, trước khi giai
đoạn chuyển đổi bắt đầu, các cuộc bầu cử bán cạnh tranh được cho phép,
và trong trường hợp của Brazil và Mexico thì các đảng đối lập đã giành
được một số vị trí quan trọng ở cấp địa phương.
Sự
tồn tại cạnh tranh chính trị, dù giới hạn, là rất quan trọng. Bởi nếu
có sẵn cơ chế này thì cải cách về cơ bản chỉ là quá trình gia tăng mức
độ cạnh tranh cũng như nghiêm túc thực thi các quy tắc của trò chơi
chính trị giữa phe đối lập và chính quyền. Trong khi đó, trong các chế
độ toàn trị, việc tiến hành bầu cử dân chủ đồng nghĩa với việc thay đổi
các quy luật của trò chơi chính trị một cách đột ngột và toàn diện, và
điều này khiến cho các tác nhân vốn không có kinh nghiệm trước đó không
thích ứng được. Do đó, cải cách có khả năng thành công trong chế độ độc
đoán (authoritarianism) hơn là trong các chế độ toàn trị
(totalitarianism), hậu toàn trị.
Một
yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến thành công của chuyển đổi thông
qua cải cách là sự phân biệt giữa nhà nước và chế độ (hay đảng cầm
quyền). Các chế độ độc đoán cho phép các thiết chế chính như tư pháp, bộ
máy hành chính, và quân đội có một sự độc lập nhất định và không kiểm
soát nhiều đối với nền kinh tế. Do đó, việc các chế độ này rút lui không
đe dọa ngay lập tức tới sự sống còn và cách vận hành của nhà nước. Trái
lại, trong các chế độ toàn trị, đảng kiểm soát mọi thiết chế quan
trọng, từ bộ máy hành chính cho đến quân đội, tư pháp, các doanh nghiệp
nhà nước, nên sự rút lui của nó khó thực hiện hơn và có thể dẫn đến sự
sụp đổ hệ thống như từng xảy ra ở Đông Âu.
Và
yếu tố cuối cùng, đó là sự độc lập và mạnh mẽ của các thiết chế xã hội
như giáo hội, các tổ chức nghề nghiệp, liên đoàn lao động… Các tác nhân
này cũng ảnh hưởng lớn đến sự thành công của chuyển đổi thông qua cải
cách. Trong các chế độ toàn trị và hậu toàn trị (như Trung Quốc), chế độ
phá hủy và đàn áp một cách có hệ thống các thiết chế xã hội này; trong
khi đó, trong các chế độ độc đoán thì không có khả năng cũng như không
sẵn sàng làm như vậy. Sự tồn tại của các thiết chế xã hội này thúc đẩy
quá trình chuyển đổi chế độ ở một vài khía cạnh sau: gây áp lực khiến
chính quyền cải cách; lãnh đạo của họ là các nhân vật công chúng, có
nhiều uy tín, nên có thể đối thoại với chế độ trong quá trình chuyển
đổi; và trong quá trình chuyển đối, giúp duy trì trật tự cũng như đảm
bảo sự sống còn của các nền dân chủ mới.
Nếu
đánh giá dựa trên những điều kiện này thì chúng ta thấy khả năng chuyển
đổi thông qua cải cách của Trung Quốc là rất thấp, vì không có điều
kiện nào như vậy tồn tại.
Thứ
nhất, người đang nắm quyền lực tối cao là ông Tập Cận Bình, một người
theo đường lối cứng rắn, quyết tâm bảo vệ hiện trạng bằng mọi giá. Thay
vì cho thấy cam kết cải cách dân chủ, ông Tập tuyên bố sẽ tìm cách duy
trì sự cai trị của Đảng Cộng sản và tiến hành chiến dịch đàn áp quy mô
lớn đối với những người bất đồng chính kiến và các quyền tự do dân sự.
Do đó, triển vọng cải cách (hoặc nhà lãnh đạo cải cách lên nắm quyền)
không khả thi ít nhất đến năm 2020 (lúc ông Tập hết nhiệm kì hai, và giả
định rằng ông không tiếp tục nắm quyền; dù điều này ít có khả năng xảy
ra vì cải cách hiến pháp cho phép ông Tập có thể nắm quyền trọn đời). Và
nếu sau thời điểm đó sự suy tàn chế độ đã đến giai đoạn cuối cùng, thì
nỗ lực cải cách lúc này đồng nghĩa với cách mạng.
Thứ
hai, với bản chất của chế độ độc đảng hậu toàn trị, Trung Quốc hiện
không có sự cạnh tranh bầu cử tối thiểu, không có các tổ chức đối lập.
Quan trọng hơn là không có sự phân biệt giữa nhà nước và chế độ (hay
đảng cầm quyền), khi đảng thâm nhập vào mọi nơi, mọi vị trí. Kết quả là,
ngay cả những cải cách từng phần cũng có thể nhanh chóng làm sụp đổ chế
độ, khi đảng thấy nó đánh mất đi sự kiểm soát đối với nhà nước, điều mà
tự động và nhanh chóng tước đi thẩm quyền và quyền lực của nó.
Thứ
ba, việc không có các thiết chế xã hội độc lập và mạnh mẽ cũng khiến
cho Đảng Cộng sản không có đối tác để đối thoại. Trong hoàn cảnh đó,
giống như ở Liên Xô vào thập niên 1980, sự giảm bớt đè nén về chính trị
sẽ dẫn đến sự đi lên của các khuynh hướng dân túy và cấp tiến. Tóm lại,
chuyển đổi thông qua cải cách ít có khả năng xảy ra với Trung Quốc, và
khẳng định này được lịch sử ủng hộ. Cho tới giờ, chưa có chế độ toàn trị
hay hậu toàn trị nào thành công trong việc dân chủ hóa thông qua cải
cách.
Cách mạng (Revolution)
Nếu triển vọng cải cách thấp, vậy còn cách mạng thì sao?
Chuyển
đổi thông qua cách mạng bắt đầu với việc lật đổ chế độ độc tài, một
cách hòa bình hoặc bằng bạo lực, và thay thế nó với một chế độ mới, mà
có thể là chế độ dân chủ. Trong Đợt sóng Dân chủ hóa thứ ba, từ năm 1974
đến năm 1990, có sáu nước chuyển đổi theo dạng này, và nếu tính thêm từ
năm 1990 đến nay, thì có thêm chín nước: như Indonesia năm 1998, Serbia
năm 2000, Georgia năm 2003, Ukraine năm 2004 và 2014, Kyrgyzstan năm
2005, Tunisia, Libya, và Ai Cập năm 2011.
Hình ảnh của cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Suharto ở Indonesia năm 1998. Ảnh: ABC, Time.
Chúng ta có thể rút ra một vài kết luận từ những cuộc chuyển đổi này.
Thứ
nhất, cách mạng xảy ra do kích thích của các sự kiện khủng hoảng đột
ngột như thất bại quân sự, gian lận bầu cử, khủng hoảng kinh tế.
Thứ hai, cách mạng xảy ra với các chế độ độc tài cá nhân hơn là các chế độ độc tài khác (11/15 trường hợp).
Thứ
ba, tiến trình suy tàn hai giai đoạn của chế độ độc tài cho thấy các
chế độ này đã trải qua suy thoái kinh tế kéo dài, với sự mục rỗng của
chế độ (tham nhũng tràn lan)…Và cuối cùng, đó là quân đội từ chối tiếp
tục bảo vệ nhà độc tài, như trường hợp của Marcos ở Philippines.
Để
xét xem liệu Trung Quốc hiện nay có chuyển đổi thông qua cách mạng hay
không, chúng ta nhìn vào ba yếu tố chính: các kích thích gây ra cách
mạng; bản chất của chế độ; và vai trò của quân đội trong thời điểm khủng
hoảng.
Như
15 trường hợp trên cho thấy, ba kích thích thường xuyên nhân nhất tạo
ra cách mạng là thất bại quân sự, gian lận bầu cử, và tác động gây sốc
từ bên ngoài. Trong số này, thì Trung Quốc dễ tổn thương nhất với yếu tố
đầu tiên, bởi Trung Quốc gần như không có bầu cử cạnh tranh, cũng như
với vai trò siêu cường hiện nay, thì các cú sốc từ bên ngoài ít ảnh
hưởng tới nó. Nếu tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc với Đài Loan,
Biển Đông dẫn tới xung đột quân sự với Mỹ, và Trung Quốc thua trong cuộc
xung đột này, thì chế độ Trung Quốc sẽ sụp đổ. Tuy nhiên, khả năng này
rất thấp, rất khó để hai cường quốc hạt nhân xung đột với nhau, do mức
độ nguy hiểm mà cả hai cùng ý thức. Chiến tranh Lạnh là phương án khả dĩ
hơn, và chi phí cho cuộc chiến như vậy, bao gồm việc cắt giảm thương
mại hai chiều, khiến cho Đảng Cộng sản Trung Quốc thêm suy tàn.
Sự
sụp đổ kinh tế của Trung Quốc sẽ khó xảy ra, bởi điều này phải đến từ
sự sụp đổ của hệ thống tài chính, mà chính quyền Trung Quốc thì kiểm
soát chặt đối với hệ thống tài chính cũng như sở hữu hệ thống ngân hàng.
Do đó, ít có khả năng hệ thống tài chính của Trung Quốc sụp đổ, ngay cả
khi họ đang đối mặt với một núi nợ xấu cũng như tăng trưởng kinh tế trì
trệ.
Đồng
thời, khả năng các cuộc biểu tình đại chúng dẫn đến biểu tình toàn quốc
làm sụp đổ chế độ cũng khó xảy ra. Từ sau sự kiện Thiên An Môn, Trung
Quốc đầu tư rất lớn cho lực lượng an ninh, khiến cho nó có thể nhanh
chóng dập tắt các cuộc biểu tình, giảm thiểu nguy cơ một sự kiện như vậy
lan rộng, gây sụp đổ chế độ.
Và
yếu tố cuối cùng cần lưu ý là bản chất của chế độ. Như nhiều học giả
chỉ ra, cách mạng thường xảy ra trong các chế độ độc tài cá nhân (hoặc
các chế độ thân tộc) do nền tảng ủng hộ hẹp (lượng người hưởng lợi từ
chế độ ít); trái lại, chúng ta chưa thấy một chế độ độc đảng nào bị lật
đổ trong cuộc nổi dậy như vậy; bởi các chế độ cộng sản ở Đông Âu do Liên
Xô áp đặt (hơn là tự thân). Sự thiếu vắng các cuộc cách mạng thành công
trong các chế độ độc đảng cho thấy rằng các chế độ này có nhiều khả
năng hơn trong việc ngăn chặn, kiềm chế, và đè bẹp các cuộc biểu tình
đại chúng so với các chế độ độc tài khác.
Kết hợp giữa cải cách và cách mạng (Refolution)
Quá
trình này bắt đầu với những cải cách giới hạn, nhưng kết thúc với sự
rời bỏ quyền lực trong miễn cưỡng của người cai trị. Trong Đợt sóng Dân
chủ hóa thứ ba, từ năm 1974 đến năm 1990, có 11 nước chuyển đổi theo
dạng này, và có thể kể thêm Myanmar gần đây. Điều quan trọng nhất trong
dạng chuyển đổi này là sự chuyển đổi cán cân quyền lực giữa chế độ độc
tài và phe đối lập.
Sự
suy yếu của chế độ bắt đầu từ sự suy giảm năng lực và thành tích của
nó. Tiến trình này dẫn đến hai kết quả. Một kết quả gần như chắc chắn đó
là chế độ cầm quyền ngày càng bị phản đối. Một kết quả khác, ít chắc
chắn hơn, là việc người cải cách lên nắm quyền. Sự suy thoái của chế độ
làm giảm uy tín của những người theo đường lối cứng rắn, khiến cho những
người cải cách xuất hiện và nắm các vị trí chủ chốt. Những người theo
đường lối cải cách này sẽ tiến hành các cải cách hạn chế với hy vọng
ngăn chặn đà suy thoái của chế độ. Điều này bao gồm nới lỏng hệ thống,
và dẫn đến tạo ra cơ hội cho phe đối lập huy động quần chúng. Dĩ nhiên,
nếu những người cứng rắn tiếp tục nắm quyền khi tình trạng của chế độ
ngày càng xấu đi, thì cải cách sẽ không xảy ra và sự suy tàn chế độ tiếp
tục gia tăng.
Tuy
nhiên, nếu những người ôn hòa thành công trong việc giành được quyền
lực và tiến hành các cải cách giới hạn như nói ở trên, thì sẽ dẫn đến ba
hệ quả. Thứ nhất, chế độ sẽ chia rẽ thành ba nhóm: nhóm cải cách ôn
hòa, nhóm những người cứng rắn phản đối cải cách, và những người cấp
tiến đòi cải cách lớn. Sự chia rẽ bộ ba này tạo ra tình trạng bế tắc,
thuận lợi cho việc loại bỏ chế độ (vì khiến cho bộ máy đàn áp bị tê
liệt). Thứ hai, trong tiến trình cải cách như vậy, các lực lượng xã hội
có sự tự do chưa từng có trước đó, cũng như nỗi sợ đàn áp giảm bớt. Cơ
hội này cho phép phe đối lập huy động và có thêm các khả năng mới, do đó
chuyển cán cân quyền lực theo hướng có lợi cho mình. Thứ ba, sự xói mòn
tính chính danh của chế độ sẽ tiếp tục diễn ra ở mức độ lớn hơn.
Các
chế độ hậu toàn trị khi tiến hành cải cách phải mang một gánh nặng lịch
sử về tội ác chống lại người dân trong quá khứ. Vì vậy, các cải cách
giới hạn cũng sẽ mang đến tự do báo chí lớn hơn, từ đó phơi bày những
tội ác và phá hủy hệ thống tuyên truyền vốn chống đỡ cho tính chính danh
của chế độ trước nay. Một chế độ bị suy giảm tính chính danh nghiêm
trọng như vậy nhiều khả năng sẽ bị cách mạng lật đổ. Về cơ bản, đây
chính là quá trình vận động refolution dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô.
Trong
trường hợp của Trung Quốc, khả năng sụp đổ thông qua kết hợp cải cách
và cách mạng (refolution) gia tăng trong những năm gần đây. Trung Quốc
đã và đang chứng kiến sự suy thoái của chế độ, như suy giảm kinh tế,
thất vọng xã hội trước những thành tích kém ngày càng rõ rệt. Nếu ông
Tập thôi nắm quyền vào cuối nhiệm kì thứ hai thì người kế nhiệm ông sẽ
phải chịu áp lực rất lớn trong việc ngăn chặn đà suy thoái này. Dĩ
nhiên, khẳng định này dựa trên giả định về sự thất bại của ông Tập trong
việc khôi phục lại Đảng Cộng sản thông qua các biện pháp như tăng cường
kỉ luật trong đảng, tăng cường đàn áp, sử dụng chủ nghĩa dân tộc, và
cải cách kinh tế từng phần. Thêm nữa, trong những năm tới, các chiến
lược giúp Đảng Cộng sản tồn tại – chủ nghĩa tư bản thân hữu và sự cai
trị của người lãnh đạo mạnh – sẽ không còn hiệu quả. Do đó, người kế
nhiệm Tập sẽ phải tìm một cách khác để giành lại tính chính danh cho
đảng.
Sẽ
thật trớ trêu nếu Đảng Cộng sản bị thay thế theo kịch bản này. Từ sau
sự kiện Thiên An Môn, không điều gì ám ảnh giới lãnh đạo Trung Quốc hơn
là sự sụp đổ của Liên Xô, và không người lãnh đạo chính trị nào bị đảng
chỉ trích nhiều hơn là Gorbachev.
Có
thể là số phận của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không giống trường hợp
Liên Xô, vì họ chủ động ngăn cản những người như Gorbachev lên nắm
quyền. Tuy nhiên, chính nỗi sợ này sẽ khiến chế độ độc tài đang cai trị
Trung Quốc phải tiến hành cải cách, và họ thực sự có rất ít lựa chọn
trong thời điểm tuyệt vọng. Trong lịch sử, điều này thể hiện ở việc
những người kế nhiệm Mao Trạch Đông chấp nhận chủ nghĩa tư bản vào cuối
thập niên 1970. Không loại trừ khả năng logic này sẽ buộc giới lãnh đạo
Trung Quốc tương lai phải tiến hành một cuộc cải cách mang tính đánh
cược tương tự.
Kết luận
Khi phân tích về triển vọng của chế độ độc đảng của Trung Quốc, nên nhớ hai châm ngôn nổi tiếng của Phố Wall.
Thứ
nhất, “thành công trong quá khứ không đảm bảo cho thành công trong
tương lai”. Trong khi chúng ta ấn tượng với thành tích của Đảng Cộng sản
Trung Quốc, chúng ta cũng phải nhớ rằng những điều kiện thuận lợi cho
phép thành công của họ không còn nữa. Khả năng sống sót của Đảng Cộng
sản Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn không đảm bảo cho thành công
trong tương lai khi nó phải đương đầu với những thử thách mới trong hoàn
cảnh ít thuận lợi hơn nhiều.
Thứ
hai, “thay đổi trên thị trường đòi hỏi nhiều thời gian hơn bạn nghĩ;
nhưng khi nó đã thay đổi, thì nó xảy ra nhanh hơn bạn tưởng”. Tương tự
như thị trường có thể bị bóp méo lâu hơn mọi người nghĩ, các chế độ độc
tài cũng có thể tồn tại lâu hơn. Tuy nhiên, cả thị trường bị bóp méo lẫn
chế độ độc tài đang suy tàn cuối cùng cũng đều phải đối mặt với các quy
luật chính trị và kinh tế: thị trường phải tự điều chỉnh, và chế độ độc
tài phải sụp đổ.
Các
bằng chứng từ Trung Quốc hiện nay cũng như các cứ liệu lịch sử cho thấy
khả năng chế độ độc tài Trung Quốc chuyển đổi không thấp như chúng ta
vẫn nghĩ (có thể trong thập kỉ tới). Tiến trình chuyển đổi này chắc chắn
sẽ phức tạp, với sự suy thoái kéo dài mà cuối cùng sẽ dẫn đến
refolution. Thật không may, động lực chính của tiến trình này phải đến
từ bên trong. Tác nhân bên ngoài chỉ đóng vai trò thứ hai vì phương Tây
không có nhiều đòn bẩy chính trị thực sự với Trung Quốc.
Sự
chuẩn bị tốt nhất của chúng ta lúc này là chuẩn bị về tư tưởng. Hãy bắt
đầu nghĩ về những điều không tưởng để chuẩn bị cho tương lai xa hơn. Đó
là việc mà chúng ta đã không làm trước khi Liên Xô tan rã.
Minh Tâm
(Luật Khoa)
Không có nhận xét nào