Lê Thanh Hải sinh năm 1950, xuất thân
từ ấp Điều Hoà, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền
Giang). Năm 13 tuổi, một chữ bẻ đôi không có, cậu bé gốc Hoa tên Lê
Thanh Hải lang thang, lần mò lên Sài Gòn kiếm sống. Một lão hàn gò người
Tàu ở quận 5 thương tình, cho phụ việc và dạy cho Lê Thanh Hải nghề thợ
hàn.
“Vô sản lưu manh” Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy thành Hồ. Ảnh: Zing |
Khi
quân lực Hoa Kỳ đổ bộ vào miền Nam để kìm chân Trung Cộng và ngăn chặn
Cộng sản Bắc Việt nam tiến, những thằng bé vô học, du thủ du thực, như
Lê Thanh Hải được lực lượng cộng sản nằm vùng lôi kéo vào đội quân có
tên “Biệt Động thành”. Nhiệm vụ chính được giao là ném lựu đạn giết lính
Mỹ và binh sĩ VNCH, ám sát các thành phần trí thức viên, chức phục vụ
nền Đệ Nhị Cộng hoà.
Cứ
giết được nhiều người thì sẽ được phong là “dũng sĩ”. Tàn sát càng
nhiều người, gây kinh hoàng, ghê sợ, vang dội khắp miền Nam, những người
lập được “chiến công” đó sẽ được phong “anh hùng”. Máu của dân miền Nam
và lính Sài Gòn đã được những kẻ như Lê Thanh Hải đổi thành những tấm
huy chương đỏ rực, gắn trên ngực áo sau này.
Khái
niệm “vô sản lưu manh” do Karl Marx và Friedrich Engels đặt ra đầu tiên
trong quyển “Ý thức hệ Đức”, xuất bản năm 1845. Hai ông Mác và Ăng-ghen
dùng nguyên văn là “Lumpenproletariat”, trong đó “Lumpen” có nghĩa là
“giẻ lau; giẻ rách” còn “Proletariat” là “[giai cấp] vô sản”.
“Lumpenproletariat” có nghĩa là “vô sản khố rách áo ôm”, gọi tắt là “vô
sản khố rách”, mà Trung Quốc cũng dịch “Lumpenproletariat” thành 流氓无产阶级
(lưu manh vô sản giai cấp). Và Lê Thanh Hải đã sớm ghi tên mình vào danh
sách “vô sản lưu manh” như thế.
Là
một con người cơ hội, năm 1980, Lê Thanh Hải cậy người mai mối, tiếp
cận, tán tỉnh Trương Thị Hiền, em gái của Trương Mỹ Lệ, khi đó là Bí thư
Thành đoàn. Hiền là con gái của bà Sáu Hòa, là một trùm biệt động
thành. Trương Thị Hiền đươc cả Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt nhận làm
con nuôi, vì thế từ khi cưới được Trương Thị Hiền, Lê Thanh Hải lên như
diều gặp gió.
Tháng
5/2001, dựa vào thế lực của chị vợ Trương Mỹ Hoa, Ủy viên Trung ương
đảng, Phó Chủ tịch nước, Lê Thanh Hải ép được Võ Viết Thanh về hưu sớm
và giành chiếc ghế Chủ tịch UBND TP HCM. Từ đây, Lê Thanh Hải, tức Hai
Nhựt, đã từ từ leo lên đỉnh cao quyền lực.
Ngồi
ghế chủ tịch thành phố, Lê Thanh Hải ép các cấp phó như Nguyễn Thiện
Nhân, Mai Quốc Bình phải chuyển đi, đưa vây cánh của mình như Nguyễn
Thành Tài, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua về bên mình.
Cướp
đất, công khai mua chức, bán chức, trù dập đối thủ, hình thành phe nhóm
chính trị, đưa bà con họ hàng vào nắm hết những vị trí chủ chốt, hái ra
tiền… Lê Thanh Hải trở thành “lãnh chúa thành Hồ”, một “trùm mafia” du
côn và máu lạnh số 1 miền Nam.
Dưới
thời Lê Thanh Hải, ai đối đầu với ông ta, sẽ phải trả giá vô cùng đắt.
Quan chức, công thần của chế độ, gia đình thương binh, liệt sĩ…, một khi
bị chính quyền Lê Thanh Hải cướp đất, chèn ép, chỉ có chấp nhận cúi
đầu, nếu không muốn tán gia bại sản, thân bại danh liệt. Còn đối với dân
đen, khỏi phải nói, tù tội, tra khảo, bức tử, chết “đúng quy trình”
trong nhà tù.
Dư
luận xã hội chỉ biết các con của Hai Nhựt là Lê Trương Hải Hiếu và Lê
Trương Hiền Hoà ăn chơi phóng đãng, bắt phụ nữ đẻ con mà không cần cưới,
cướp vợ người ta, phá nát hạnh phúc gia đình họ… chứ không biết rằng,
cha chúng cũng là tay háo sắc bậc thầy.
Lê
Thanh Hải từng cặp bồ với Đào Thị Hương Lan, sinh ngày 20/10/1960, quê
xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành (nay là phường 8, TP Mỹ Tho). Sắc đẹp đã
đưa Lan lọt vào mắt xanh và khi đã là chủ tịch UBND TP HCM, Lê Thanh Hải
đã đưa Lan về làm chuyên viên Văn phòng UBND TPHCM từ năm 2002 đến
2004.
Tháng
8/2004, Hai Nhựt cho Lan về lại Sở Tài chính TPHCM và nhanh chóng nắm
giữ các chức vụ: Trưởng phòng ngân sách, Phó Giám đốc. Chưa hết, Hai
Nhựt cơ cấu Lan vào Thành uỷ viên, đại biểu HĐND, rồi Giám đốc Sở Tài
chính TP.HCM đến hai nhiệm kỳ.
Năm
2007, khi đã là Bí thư Thành ủy thành Hồ, Lê Thanh Hải chỉ đạo thành
lập Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trên
địa bàn TPHCM (gọi tắt là Ban chỉ đạo 09. Ban Chỉ đạo 09 gồm do ông Lê
Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo 09 gồm 2 tiểu
ban: 10 thành viên, Tiểu ban xử lý, sắp xếp nhà, đất các cơ quan, đơn vị
Trung ương và Tiểu ban xử lý, sắp xếp nhà, đất các cơ quan, đơn vị
thành phố, quận – huyện, phường – xã. Tất nhiên, người tình Đào Thị
Hương Lan ngồi ghế Phó ban 09.
Suốt
những năm Lan làm Giám đốc Sở Tài chính TPHCM kiêm Phó ban Chỉ đạo 09,
nhiều công sản đã bốc hơi một cách ngoạn mục. Trong vụ án Vũ “nhôm” phù
phép chiếm hữu khu đất vàng 15 Thi Sách mà cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM
Nguyễn Hữu Tín bị khởi tố, Lan cũng là đối tượng có liên quan. Với chức
trách được giao, Lan đã tiếp tay để khu đất vàng 15 Thi Sách lọt vào túi
Vũ “nhôm” một cách dễ dàng. Lan cũng dính líu trực tiếp đến vụ khu đất
vàng 185 Hai Bà Trưng, do Dương Thị Bạch Diệp thu tóm.
Nắm
tài chính toàn bộ thành phố, Đào Thị Hương Lan là “tay hòm chìa khoá”
giúp Lê Thanh Hải yên tâm hút máu nhân dân và rút ruột hết ngân sách.
Hàng trăm công sản, dự án lọt vào tay các “nhóm lợi ích” trong nước,
dòng họ Lê Thanh Hải và cả đại gia nước ngoài như Tập đoàn Vạn Thịnh
Phát của Trương Mỹ Lan, tỷ phú Trung Quốc.
Hai
Nhựt “bật đèn xanh” cho Lan góp vốn với Lê Thị Thanh Thuý, tức Hà ‘Sen’
(Chủ đầu tư khu đất 8 -12 Lê Duẩn, Quận 1, TP HCM) để thu tóm khu đất
số 8 – 12 Lê Duẩn, Quận 1. Cứ vậy, hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm
ngàn tỷ tiền công sản đã “cuốn theo chiều gió” cùng đôi tình nhân Hai
Nhựt – Hương Lan.
Năm
2018, Vũ “nhôm”, Út “trọc” bị bắt giam, Nguyễn Thành Tài bị khởi tố.
Thấy động, Lê Thanh Hải “vẽ” cho Đào Thị Hương Lan sang Mỹ… chữa bệnh,
nhưng thật ra là cao chạy, xa bay. Từ Mỹ, Lan đào thoát sang Canada.
Ngày
18/1/2019, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố Lan về tội “vi phạm
quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”
theo quy định tại Khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên,
đến khi cơ quan điều tra ra quyết định bắt tạm giam 4 tháng, thì Lan đã
không có mặt tại nhà riêng ở số 601I, đường 15, phường An Phú, quận 2,
TP HCM, từ lâu rồi.
Đào Thị Hương Lan và Vũ Nhôm. Photo Courtesy |
Riêng
bản thân Hải, dấu ấn lớn nhất, cũng là tội ác “trời không dung, đất
không tha” đó là ông ta tùy tiện hô biến 160 hecta đất tái định cư,
không thực hiện đúng chỉ đạo “tái định cư phải sát hoặc liền kề khu
trung tâm” của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 367, năm 1996. Điều
này đã gây phẫn nộ cho người dân bị giải tỏa, bởi họ phải hy sinh nhà và
đất để làm dự án, trong khi không được hưởng bất kỳ lợi ích nào mà dự
án mang lại như chủ trương nhân văn ban đầu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt
qua quyết định 367.
Nghiêm
trọng hơn, chỉ đạo của Lê Thanh Hải còn dẫn đến việc thu hồi đất tràn
lan của người dân ở các nơi khác như khu Nam Rạch Chiếc, khu Thạnh Mỹ
Lợi, để phục vụ tái định cư cho dự án khu Đô Thị Mới (ĐTM) Thủ Thiêm dù
chẳng có quy định nào từ Chính phủ cho phép TP HCM làm việc này.
Máu
dân đã đổ, oan khiên ngút trời xanh, nỗi đau thương chất chồng ở Thủ
Thiêm là bản cáo trạng đanh thép dành cho tay “vô sản lưu manh” Lê Thanh
Hải. Từ một khu tái định cư 160 hecta tập trung ở cạnh khu trung tâm
ĐTM Thủ Thiêm mà Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt, UBND TPHCM đã “hô
biến” thành 6 địa điểm, đẩy người dân bị giải tỏa đi xa, trong đó có
những nơi cách trung tâm Khu ĐTM Thủ Thiêm gần 15 km như phường Thạnh Mỹ
Lợi, phường Cát Lái. Tại ba phường Bình Khánh, An Phú, An Khánh gần
trung tâm ĐTM Thủ Thiêm, UBND TPHCM không giải quyết tái định cư bằng
nền đất mà cho xây hàng loạt chung cư cao tầng với quy mô 12.500 căn hộ.
Như
vậy, 160 hecta đất tiếp giáp khu trung tâm ĐTM Thủ Thiêm, lẽ ra bố trí
tái định cư cho người dân, băng nhóm Lê Thanh Hải đã “xẻ thịt” phân lô,
giao cho con em mình kinh doanh bất động sản trục lợi, giao cho các đại
gia làm dự án thương mại, đổi đất lấy hạ tầng kiểu “cho không biếu
không” dành cho các đệ tử của Trần Đại Quang như, Khoa “khàn” Trần Đăng
Khoa, Vũ “nhôm”, Trần Bá Dương…
2
Có
người đặt câu hỏi, nguồn gốc Hoa của Lê Thanh Hải. Nếu như cụ nội của
Hoàng Trung Hải, cựu Bí thư thành ủy Hà Nội, tên là Hoàng Mậu, dân tộc
Hán, quê gốc huyện Long Khê, phủ Chương Thâu, tỉnh Phúc Kiến, Trung
Quốc, chạy sang Việt Nam năm 1907, lúc đầu ở Hải Phòng, sau di cư về
làng Đồng Sơn, xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, thì tổ
tiên của Lê Thanh Hải đến Việt Nam sớm hơn.
Tháng 2 năm Kỷ Mùi (1679), do chống đối nhà Thanh (Trung Quốc), các viên tướng nhà Minh ở Quảng Đông đã tới Việt Nam, gồm:
– Tổng binh trấn thủ Long Môn Dương Ngạn Địch, có phó tướng Huỳnh Tấn phù tá.
– Tổng binh Trần Thượng Xuyên (tự Thắng Tài) có phó tướng Trần An Bình giúp sức.
Họ
mang 3.000 binh sĩ cùng thân nhân và 50 chiến thuyền đổ bộ vào cửa biển
Đà Nẵng, xin tị nạn chính trị. Chúa Nguyễn Phúc Tần, tức chúa Hiền
(1648 – 1687) rất khó xử, vì ngại triều đình nhà Thanh. Cuối cùng, Chúa
quyết định cho họ xuôi về phương Nam định cư.
Trong sách “Gia Định thành thông chí” chép cụ thể:
Đối
với nhóm người Hoa do Trần Thượng Xuyên chỉ huy, chúa Nguyễn cho họ
“tiến vào cửa biển Cần Giờ rồi lên định cư ở Bàn Lân, xứ Đồng Nai” và
lập ra Nông Nại đại phố.
Còn
nhóm của Dương Ngạn Địch thì “tiến vào cửa Lôi Lạp (Xoài Rạp), theo cửa
Đại, cửa Tiểu đến định cư ở Mỹ Tho”. Trong đoàn quân của Dương Ngạn
Địch có một cận thần họ Lã quê Quảng Đông. Lê Thanh Hải là dòng máu trực
hệ của họ Lã, sau gọi chệch đi vì nhiều mục đích, thành họ Lê.
Trong
lịch sử đảng CSVN, sau Lê Thanh Hải, Hoàng Trung Hải là nhân vật gốc
Hoa thứ hai, đặt chân vào Bộ Chính trị, cơ quan tối cao quyền lực.
Nói
dông dài như thế, để hiểu vì sao Lê Thanh Hải lại ưu ái trong sử dụng
cán bộ và làm ăn với người gốc Hoa. Các đồ đệ thân tín của Lê Thanh Hải,
như Tất Thành Cang, Tề Trí Dũng, Trần Phú Lữ… đều gốc Hoa.
Tất
Thành Cang, sinh 1971, được Lê Thanh Hải, tức Hai Nhựt, tin cẩn, đưa
vào thành ủy, làm Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND Quận 2 (Thủ Thiêm). Sau
Cang được rút về làm Phó chủ tịch TP, nhưng trước khi nghỉ hưu, Hai Nhựt
“cơ cấu” Tất Thành Cang vào Ủy viên Trung ương, phó Bí thư Thành ủy TP
HCM.
Cang cũng chính là “cỗ máy” hái ra tiền cho gia tộc Lê Thanh Hải.
Trần
Phú Lữ, gốc Hoa, sinh 1977, gọi Hai Nhựt bằng cậu. Tháng 12/2004, ở
tuổi 27, Lữ làm Phó Giám đốc Cty Đầu tư xây dựng TNXP (Cinco), phụ trách
chỉ đạo trực tiếp mảng kế hoạch, mảng đầu tư (dự án đầu tư kinh doanh
bất động sản, dự án phát triển sản xuất kinh doanh).
Trần
Phú Lữ chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý phòng Đầu tư, phòng Kế hoạch,
Ban QLDA Cinco, BQLDA Thạnh Mỹ Lợi (174 hecta quận 2); Trung tâm Thương
mại và căn hộ Cinco; quản lý dự án Trung tâm giao dịch thương mại, siêu
thị ngành vải sợi, dệt may và căn hộ – 0,6 hecta ở quận 5, TP. HCM.
Rồi 4 năm sau, tháng 4/2014 – ở tuổi 37, Lữ trở thành Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP Tp. HCM, thay cho người cậu Lê Tấn Hùng.
Trần
Phú Lữ cũng là cổ đông và thành viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Khu đô
thị mới Sài Gòn (Saigon NIC), hiện là cổ đông lớn nhất và duy nhất của
Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank), với tỷ lệ sở hữu 13,6%.
Đầu
năm 2017, ở tuổi 40, Trần Phú Lữ được phê chuẩn giữ chức vụ Chủ tịch
UBND huyện Bình Chánh – là một trong những chủ tịch quận/ huyện trẻ của
TP. HCM.
***
Tề
Trí Dũng, sinh 1981, con ông Tề Văn Thắng và bà Yên Thị Ngọc Quế – cặp
vợ chồng gốc Hoa tư sản, là bạn thâm giao của Hai Nhựt từ khi ông còn là
bí thư quận ủy Quận 5.
Năm
22 tuổi, Dũng đã là sếp Cty Dầu khí TP HCM. Khi tuổi 25, Dũng được bác
Hai Nhựt cho đi học tiến sĩ ở Úc, theo đề án đào tạo bằng ngân sách của
TP. Rồi 26 tuổi, Dũng ngồi vào ghế Trưởng phòng Tài chính, Tổng Cty Bến
Thành. Đến năm 30 tuổi, Dũng lên làm Tổng giám đốc Cty.
Ở
tuổi 34, Tề Trí Dũng làm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công
nghiệp Tân Thuận (IPC), trực thuộc UBND thành Hồ, được quản lý vốn lên
đến 30 ngàn tỷ.
Chỉ đơn cử đôi chút về con đường hoạn lộ thênh thang của Dũng, do nhờ quen thân với Hai Nhựt, chứ chẳng có tài cán gì.
Vượt lên tất cả các cận thần, Võ Văn Thưởng mới chính là “quân bài” số 1 của Lê Thanh Hải.
“Bè lũ 4 tên” Hải-Quân-Đua-Tài |
Tháng
3/2014, khi Nguyễn Văn Đua, phó Bí thư thường trực sắp nghỉ hưu, Bộ
Chính trị ra quyết định luân chuyển Nguyễn Khắc Định, phó chủ nhiệm Văn
phòng Chính phủ, về làm phó bí thư Thành ủy TP.HCM.
Vấp
phải phản ứng dữ dội từ phe nhóm Lê Thanh Hải, để dung hoà, Trung ương
đành phải để Nguyễn Khắc Định ở nguyên vị trí. Nhờ đó, Võ Văn Thưởng mới
từ Bí thư Quảng Ngãi, quay về làm Phó bí thư thường trực, thay thế ông
Đua.
Chiều
5/2/2016, Bộ Chính trị công bố quyết định phân công ông Đinh La Thăng
làm Bí thư Thành ủy, Võ Văn Thưởng thôi tham gia BCH Đảng Bộ TP.HCM, giữ
chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Lê Thanh Hải nước mắt lã chã vì
hụt hẫng.
Võ
Văn Thưởng sinh 1970 tại Hải Dương. Khác với mọi đồn đoán, Thưởng thật
ra không có huyết thống gì với ông Võ Văn Kiệt. Bố Thưởng chỉ là bạn của
ông Kiệt, vì vậy ông Kiệt nhận làm bố đỡ đầu cho Võ Văn Thưởng.
Khi
Hai Nhựt vào Bộ Chính trị khoá X và XI, ngồi chắc hai nhiệm kỳ Bí thư
thành ủy thành Hồ, thì Võ Văn Thưởng cũng lần lượt vào Ủy viên dự
khuyết, rồi Ủy viên trung ương, với chức vụ Bí thư thứ nhất trung ương
Đoàn. Trục Ba Dũng- Hai Nhựt – Võ Văn Thưởng, chúng tôi sẽ đề cập sau,
khi có dịp.
Lê
Thanh Hải đặt “quân bài” Võ Văn Thưởng trong canh bạc trành giành quyền
lực ở thành Hồ. Hải kỳ vọng, Thưởng sẽ giành chức Bí thư Thành ủy, nhằm
bảo đảm hoạn lộ cho “thế hệ F1”, cũng như an toàn cho gia tộc “lãnh
chúa thành Hồ”.
Võ
Văn Thưởng chính là người đề xuất Ban bí thư ra quyết định trong tháng
5/2016, chỉ định “thái tử” Lê Trương Hải Hiếu tham gia BCH Thành ủy. Dù
trước đó, Hiếu đã bị “out” trong bầu chọn tại Đại hội đảng bộ TP khoá X,
nhiệm kỳ 2015-2020, trước đó không lâu, hồi tháng 12/2015.
Chân
ướt chân ráo về thành Hồ làm Phó Bí thư thường trực, Võ Văn Thưởng đã
chỉ định giao “đất vàng” số 130 Hàm Nghi, Quận 1, có diện tích lên đến
1338 m2, cho Vũ “nhôm”, như trong Kết luận số 318-KL/TU ngày 14/7/2015
của Ban Thường vụ Thành ủy.
Thưởng
cũng chính là người gắn kết “như môi với răng” với Tất Thành Cang, giúp
đỡ Cang tiến thân. Sai phạm tày đình, nhưng Tất Thành Cang chỉ bị Bộ
Chính trị lột ghế “Ủy viên Trung ương”, không phế bỏ Thành ủy viên,
không xử lý hình sự, cũng nhờ Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương
đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng.
Trong
thông cáo phát đi hôm 5/3/2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ
Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy
TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015, cá nhân ông Lê Thanh Hải, ông Lê Hoàng Quân,
bà Nguyễn Thị Hồng, mà không thấy có tên Võ Văn Thưởng.
Theo
văn bản “Hướng dẫn thực hiện Quy định số 07-QĐi/TW ngày 28-8-2018 của
Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm”, có nêu:
–
Nếu Tổ chức đảng bị xử lý kỷ luật, những đảng viên trong tổ chức đảng
đó không bị kỷ luật về cá nhân thì vẫn được xem xét, thực hiện công tác
cán bộ theo quy định.
Như vậy, đường công danh thăng tiến của Thưởng trong kỳ đại hội 13, khai mạc vào đầu năm 2021, sẽ còn rộng mở.
***
Em
trai của Hải là Lê Tấn Hùng bị khởi tố tống giam. Lần lượt các đàn em
cũng vướng vòng lao lý. Tất Thành Cang bị kỷ luật. Nguyễn Hữu Tín lãnh
án 7 năm tù. Nguyễn Thành Tài bị bắt giam. Tề Trí Dũng, Tổng giám đốc
Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) cũng bị khởi tố,
bắt tạm giam, với tội danh “tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản
lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Bản
thân “lãnh chúa” hô mưa gọi gió suốt 20 năm ở thành Hồ cũng bị đề nghị
xem xét kỷ luật. Vòng vây đang siết lại dần với Lê Thanh Hải. Liệu ông
ta sẽ xoay xở ra sao?
3
Lê
Thanh Hải có hai mươi năm cai trị người dân thành Hồ với “bàn tay sắt”.
Hai nhiệm kỳ Chủ tịch UBND TP, hai nhiệm kỳ Bí thư Thành uỷ, dòng máu
Trung Hoa cường quyền và lạnh lùng như băng giá luôn chảy trong người
Hai Nhựt.
Ông
ta mặc xác sự kêu gào đớn đau của dân chúng khi bị cướp đất, cướp nhà,
gánh chịu hà hiếp, bất công. Ông chỉ biết gia tộc mình và gia tộc bên vợ
“vinh thân phì gia” là đủ. Vơ vét, giàu nứt đố, đổ vách, nhưng Hai Nhựt
sống rất “dơ”.
Nhà
thơ Đỗ Trung Quân kể lại trên Facebook cá nhân của anh như sau: Năm
2004, một thi sĩ trong phong trào Thanh niên xung phong (TNXP) qua đời,
Lê Thanh Hải lúc này là Ủy viên Trung ương, chủ tịch UBND TP đến viếng
(đánh bóng tên tuổi thôi). Gặp một phụ nữ TNXP nghèo, quen biết từ thuở
ông ta còn làm Chỉ huy trưởng lực lượng này, cũng đến viếng. Hai Nhựt
ghé tai nói nhỏ: “Anh Hai không có tiền mặt, cô bỏ bì thư cho anh mượn”.
Lưu manh đến thế là cùng!
Nếu
như năm xưa Trương Mỹ Hoa, trên cương vị phó Chủ tịch nước, luôn miệng
mị dân “sống gương mẫu”, “vì nhân dân”; thì hôm nay, em rể Lê Thanh Hải
cũng trơ trẽn, bịp bợm khi rao giảng đạo đức và hô hào “học tập tấm
gương cụ Hồ”.
Sáng
29/6/2019, Hai Nhựt được mời đọc tham luận khai mạc, tại hội thảo khoa
học về 50 năm Đảng bộ TP thực hiện di chúc ông Hồ, do Thành ủy tổ chức.
Lê Thanh Hải cho rằng “một bộ phận cán bộ, đảng viên dao động về phẩm
chất chính trị, sa sút về phẩm chất đạo đức, nhận thức sâu sắc nhưng
tham nhũng, suy thoái vẫn còn…”
Điều
nhục nhã là, chỉ một tuần sau ngày phát biểu ấy, hôm 6/7/2019, cơ quan
Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Lê Tấn Hùng, Tổng
giám đốc Sagri, em trai Lê Thanh Hải, về tội danh “tham ô” và “vi phạm
về quản lý, sử dùng tài sản nhà nước”, sau đó công an di lý Hùng thẳng
về Hà Nội.
Tuy
vậy, “thế hệ F1” của Hai Nhựt vẫn ổn. Trưởng nam Lê Trương Hải Hiếu,
tay phóng đãng có hạng ở thành Hồ, vẫn giữ được ghế Thành uỷ viên, đại
biểu HĐND TP, chủ tịch quận 12. Thứ nam Lê Trương Hiền Hoà, dù cướp vợ
người, chuyên “xơi” các cô có danh hiệu sắc đẹp và phụ nữ đã có chồng,
vẫn “đảng viên xuất sắc” ngồi ghế Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch
TP.
Phu
nhân Trương Thị Hiền, bị điều tra liên quan Dự án xây dựng Học viện cán
bộ TP, được khai thác trên diện tích hơn 7,1 hécta tại đường Chu Văn
An, quận Bình Thạnh) với tổng mức đầu tư hơn 850 tỷ đồng (hơn 36 triệu
đô la), giờ cũng đã… an toàn.
Ngoài Võ Văn Thưởng và Tất Thành Cang ra, các “đại đồ đệ” phải kể đến:
1. Cận thần số 1 của Hai Nhựt, là Lê Hoàng Quân, tức Hai Quân.
Hai
Quân sinh 1953 tại Bình Dương, nhưng quê gốc ở Quảng Bình, họ Nguyễn,
di cư vào Nam. Họ Lê là do Hai Quân lấy theo họ mẹ. Hơn mười năm làm chủ
tịch UBND TP, Hai Quân cùng Hai Nhựt trở thành những tên du côn khét
tiếng trong việc cướp bóc của dân và bòn rút ngân sách quốc gia.
“Thế
hệ F1” của Hai Quân, được bố cho vào ngành công an. Lê Hoàng Ngân, con
trai Hai Quân, sinh 1982, đeo lon trung tá. Năm 2015, Lê Hoàng Ngân từ
Trưởng phòng Tổ chức cán bộ trường Đại học An ninh, được bổ nhiệm làm
Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, nơi có chú ruột Lê Hồng Phương, làm
phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ.
Tháng 2/2020, Lê Hoàng Ngân lại được điều động, bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường đại học An ninh.
2.
Cận thần số 2 là Nguyễn Văn Đua, một “lưu manh vô sản” đích thực. Đua
cả gan, dám “vô hiệu hoá” Quyết định của thủ tướng Võ Văn Kiệt trong phê
duyệt dự án Thủ Thiêm, giả vờ đánh mất bản đồ 1/5000, cùng Hai Nhựt “hô
biến” diện tích, ranh giới đất đai, nhằm bỏ túi vàng và đô la, sống phè
phỡn trên xương máu và nước mắt đồng bào Thủ Thiêm.
“F1”
của Đua là Nguyễn Việt Quế Sơn, sinh năm 1984. Bố Đua sắm cho con trai
không thiếu bằng cấp gì: Thạc sĩ Kinh tế và Thương mại; Cử nhân Địa
chất; Cử nhân Chính trị chuyên ngành Công tác tổ chức; Cao cấp Lý luận
Chính trị.
Bố
ban cho con trai giữ các chức vụ: Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn;
Phó Bí thư Thành đoàn; Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP HCM; Trưởng
Ban Tổ chức Thành đoàn. Tháng 10/2019, Nguyễn Việt Quế Sơn được bổ nhiệm
làm Phó Bí thư Quận ủy quận Bình Tân.
3.
Cận thần số 3 là cựu Phó chủ tịch TP Nguyễn Thành Tài, tức Tư Huy. Tư
Huy nổi tiếng trong giới quan trường về khoản “gái gú. Khi mới nhậm chức
phó chủ tịch TP, đã “xơi” một nữ phó văn phòng uỷ ban, ngay trong phòng
làm việc. Vợ phục kích, tung cửa đánh ghen rầm trời.
Năm
2012, Tư Huy dính bê bối, khi cặp bồ với một MC xinh đẹp của đài truyền
hình thành phố. Cô ấy dính thai, ông ta sắp xếp cho cô ra nước ngoài
sinh con.
Mấy
năm sau, Tư Huy lại mặn nồng với Lê Thị Thanh Thuý, tức Hà ‘sen’, giám
đốc công ty Hoa Tháng Năm. Tiền cướp được của dân, chàng đầu tư, hùn vốn
cho nàng làm dự án. Chưa hết, chàng ngạo mạn đem hàng loạt công sản,
dâng vô điều kiện cho nàng, để rồi hôm nay, cả hai đều bị tống giam.
Thêm
một cận thận khác là cựu Phó chủ tịch UBND Nguyễn Hữu Tín, hiện đang
ngồi gỡ từng ngày cho xong bảy cuốn lịch, vì lỡ làm đệ tử tin cậy của
Trần Đại Quang, dính tội giao hàng loạt “đất vàng” cho Vũ “nhôm”. Nguyễn
Hữu Tín bị bắt chiều 19/11/2018, thì 10h00 sáng 21/11/2018, ông Trần
Đại Quang vỡ mạch máu não, rồi đi “thăm Mác và Lê Nin” luôn.
Ngày
27/12/2018, báo Người Tiêu Dùng đăng bài có tựa đề “Nhiều cấp dưới bị
bắt giam và kỷ luật nặng, bao giờ ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân ‘vào
lò’?” của hai tác giả Thiện Hiếu và Minh Nguyễn. Bài chỉ xuất hiện chưa
đầy 24 tiếng đồng hồ, nhưng đã bị gỡ bỏ khỏi trang mạng.
Nội
dung bài báo cho rằng: Ít nhất đến lúc này, ông Lê Hoàng Quân và nhất
là ông Lê Thanh Hải đã có dấu hiệu của việc “thiếu trách nhiệm gây hậu
quả nghiêm trọng” và “cố ý làm trái gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng“.
Tất nhiên, với quyền lực Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Võ Văn Thưởng đã ra tay với những ai dám xúc phạm anh Hai Nhựt.
Báo
Người Tiêu Dùng bị rút giấy phép, đình bản 3 tháng, bị phạt 62 triệu
đồng và phải đăng công khai cải chính, xin lỗi Lê Thanh Hải, Lê Hoàng
Quân.
Chưa
dừng lại ở đó, tại các Hội nghị tổng kết báo chí, Thưởng răn đe các
phóng viên, toà soạn, không tuỳ tiện quy kết xúc phạm cá nhân và tham
gia “dùng báo chí đấu đá nội bộ”, cho đó là “những phóng viên IS, phóng
viên đếm tầng”.
Sau
này, Thưởng còn chỉ đạo báo chí, hạn chế đưa thông tin về Thủ Thiêm,
cấm khoét sâu, khai thác sai phạm của Lê Tấn Hùng và gia tộc Lê Thanh
Hải.
Những
ngày “nóng bỏng” ở thành Hồ, khi Thanh tra chính phủ, Uỷ ban kiểm tra
trung ương vào cuộc, hàng loạt đồ đệ của Hai Nhựt bị tra tay vào còng.
Lúc này Hai Nhựt lại đổ lỗi cho ông Nguyễn Thiện Nhân và “bộ sậu” khoá
mới của thành uỷ.
Nguyễn
Thiện Nhân sinh 1953, con trai của bác sĩ quân y Nguyễn Thiện Thành
(1919-2013). Ông Nhân được ông Tư Sang rút về UBND TP từ đại học Bách
khoa TP vào năm 2001. Năm 2006, tại đại hội X, ông vào Uỷ viên trung
ương, nắm phó Chủ tịch thường trực UBND. Chịu không nổi sự ganh ghét, đố
kị của Hai Nhựt, lúc này đã là Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư thành uỷ,
ông Nhân lại phải xin ra đi, chuyển về trung ương.
Trải qua nhiều chức vụ, ngày 10/5/2017, ông Nhân được phân công “trở về mái nhà xưa” làm Bí thư Thành ủy TP, thay Đinh La Thăng.
Hai
Nhựt cho rằng, “bộ sậu” của ông Nhân khoá này đã lục lọi, phanh phui
những sai phạm của Ban thường vụ khoá trước, rồi kiến nghị xử lý, dẫn
đến cán bộ khoá trước bị kỷ luật, khởi tố.
Trong
phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 32 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa
X, diễn ra chiều 2/10/2019, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phải phân bua,
rằng “Không có chuyện khoá mới xới ra, cho khoá cũ bị kỷ luật“, “Mọi
việc thanh tra, điều tra, khởi tố… là do Trung ương tiến hành làm, họ
không báo cho thành uỷ”
Thông
cáo của kỳ họp 43, phát đi hôm 5/3/2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã
đề nghị kỷ luật tổ chức và cá nhân liên quan, trong thực hiện dự án đầu
tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Sai phạm được cho là gây hậu quả rất nghiêm
trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu
đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân TP,
gây bức xúc trong xã hội.
Dù
Bộ Chính trị chưa họp và công bố mức kỷ luật, nhưng giới am hiểu chính
trị bàn luận, mức kỷ luật cao nhất dành cho Ban Thường vụ Thành ủy
TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015, sẽ chỉ là “cảnh cáo”.
Để
xoa dịu dân chúng Thủ Thiêm và cũng để làm vừa lòng các nguyên lão;
đảng viên, lão thành cách mạng ở thành Hồ…, có khả năng Bộ Chính trị sẽ
quyết định cách chức cựu Bí thư Thành uỷ TP, cách chức cựu Chủ tịch UBND
TP nhiệm kỳ 2010-2015 của hai ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân.
Nhưng
cho dù có tống giam, hay thậm chí là bắn họ, nhân dân Thủ Thiêm cũng đã
mất tất cả, oan khiên không ai bù đắp. Nhân dân lúc nào cũng là người
chịu thiệt thòi nhất trong những chính sách điên rồ và vĩ cuồng của
chúng. Máu dân đã đổ, gia cang tan nát, vết thương đau xé trên thịt da
và trong trái tim họ, sẽ vĩnh viễn không ai có thể bù đắp và làm lành
được.
Tóm
lại, các “vô sản lưu manh” thành Hồ đã không từ bất cứ mưu mô, thủ đoạn
gì. Từ “phe nhóm chính trị” để loại bỏ đối thủ, đến ra sức “bóp méo”
văn bản pháp quy, đủ trò dối trá, nhằm cướp đất giao cho các công ty BĐS
để chia nhau hàng trăm ngàn tỷ siêu lợi nhuận. Tiền mà “nhóm lợi ích”
này kiếm được còn dễ hơn mafia buôn ma túy, thuốc phiện.
Từ
sự việc “điều chỉnh” quy hoạch Thủ Thiêm, đẩy hàng ngàn hộ dân bị thu
hồi đất oan ức, đền bù với giá rẻ mạt, siêu lợi nhuận lọt vào tay bọn
cướp đất, hàng trăm dân oan mất đất, mất nhà, dìu dắt nhau ra Trụ sở
Tiếp dân của đảng và nhà nước ở Hà Nội khiếu kiện, kêu oan…, đến việc
“nhóm lợi ích” vun vén cho gia đình, vợ con, nhân tình, gia tộc… sống
trong những biệt thự hàng trăm tỷ, chất đầy vàng son nhung lụa.
Người
dân đã bị chúng dồn đến đường cùng, phải làm “thân trâu ngựa” cho chúng
cưỡi, nhưng bọn chúng vẫn chưa chịu buông “lưỡi dao đồ tể” xuống. Thay
vào đó, những tên “vô sản lưu manh” còn ăn cướp những thành quả lao động
của nhân dân, làm công trạng cho chúng.
Dưới thời “vô sản lưu manh” cai trị, trong hệ thống công chức nhà nước, dân nghèo hoàn toàn không có “cửa”.
Hãy
nghe ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của
Quốc hội, nói với báo Tuổi trẻ: “Bây giờ người ta nói rất nhiều tình
trạng nhất ‘hậu duệ’, nhì ‘quan hệ’, ba ‘tiền tệ’, thứ tư mới ‘trí tuệ’.
Thậm chí bây giờ cái trí tuệ nó còn tụt xuống hàng thứ năm, thứ sáu
rồi, sau yếu tố ‘đồ đệ’ rồi còn cả người thân của đệ… Như vậy công bằng
xã hội còn đâu, con em những người khác làm gì còn cơ hội?“.
Lối
hành xử du côn, dối trá, mị dân, cùng những giọt nước mắt giả tạo… rơi
ra từ hốc mắt hung bạo của loài mãnh thú, đã phá hủy nền tảng đạo đức
căn bản vốn đang tồn tại mong manh giữa xã hội này.
Câu
hỏi căm phẫn được đặt ra, thể chế chính trị đã sinh ra bọn “vô sản lưu
manh”, côn đồ, hay bọn lưu manh, du thủ du thực đã nhảy lên ngồi ghế
lãnh đạo, tạo nên một thể chế côn đồ?
Thu Hà
(Tiếng Dân)
Không có nhận xét nào