Header Ads

  • Breaking News

    Phạm Hồng Sơn - Covid-19: Thư từ Paris


    "Cảm ơn tất cả những người làm việc vì sự sống còn của chúng ta". Lời cảm ơn của một gia đình ở thành phố Châtillon, ngoại ô Paris, ngày 24/03/2020. © RFI / Tiếng Việt

     Phạm Hồng Sơn - Covid-19: Thư từ Paris


    Giống như vụ “Áo Vàng”, lần này bạn lại lo lắng hỏi tôi về tình hình dịch Covid-19 tại Pháp ra sao. Tôi xin trả lời bạn như sau:

    Tất cả các vùng của Pháp, gồm cả lãnh thổ hải ngoại (DOM, TOM), đều đã bị nhiễm dịch, trong đó nặng nhất là vùng Paris và vùng phía Đông, đặc biệt là Grand Est. Đây là những nơi có một đặc điểm khá nổi bật: nhiệt độ thường lạnh hơn các vùng khác.

    Không khí bao trùm là toàn hệ thống chính quyền của Pháp đang rất khẩn trương để ngăn chặn dịch, cứu sống bệnh nhân. Lực lượng quân đội đã được điều động để di chuyển bệnh nhân và dựng thêm các cơ sở cứu chữa. Một số tàu cao tốc TGV đã chuyển thành tàu bệnh viện để di chuyển bệnh nhân. Hôm nay đã bắt đầu có dấu hiệu Pháp sẽ sớm triển khai việc xét nghiệm thăm dò Covid-19 đại trà thay cho việc chỉ tập trung cho các nhóm người đặc biệt (có các triệu chứng liên quan tới hô hấp; người già có triệu chứng; nhân viên y tế có triệu chứng;…). Trận dịch này đã làm lộ ra nhiều khuyết điểm trong hệ thống y tế của Pháp, dù được đánh giá thuộc loại chất lượng hàng đầu thế giới. Theo chính ông Bộ Trưởng Sức Khỏe, Olivier Véran, số giường bệnh dành cho bệnh nhân cần hồi sức cấp cứu tính theo đầu người của Pháp thấp hơn so với Đức tới 04 lần. Chính vì thế, một số quốc gia Châu Âu như Đức, Thụy Sĩ, Luxembourg đã tiếp nhận một số bệnh nhân Pháp.

    Trong những tuần qua, chính phủ Pháp đã tổ chức đưa được 100 000 công dân Pháp trở về từ các nước, hiện còn 30 000 người đang muốn về nước nhưng gần như bị kẹt vì tình hình thế giới đang ngày càng bị “cấm ra khỏi nhà”. Chính quyền vẫn tiếp tục xúc tiến để đưa những người muốn về nước trong thời gian sớm nhất, cho dù biên giới Liên Âu đã đóng từ nhiều tuần qua với thế giới. Không thấy ai xúc xiểm hay kỳ thị những công dân Pháp trở về Pháp trong lúc này.

    Bây giờ là sáng thứ Sáu, 27/03/2020, là ngày “cấm ra khỏi nhà” thứ 11 của toàn nước Pháp. Số người nhiễm dịch và chết vẫn có xu hướng đi lên: ngày thứ Năm có thêm 365 người chết trong vòng 24 h, trong đó có một thiếu nữ 16 tuổi ở ngay vùng Paris, đưa tổng số người chết vì dịch lên 1696; tổng số người nhiễm: 29.155 (thêm 3.922) trong đó 3.375 (tăng thêm 548) người đang phải hồi sức cấp cứu. Đây là những số liệu chủ yếu thống kê từ hệ thống bệnh viện, chưa bao gồm các cơ sở khác như các nhà dưỡng lão (EHPAD). Pháp hiện đứng thứ 07 trên thế giới, đứng thứ 04 ở châu Âu về số người nhiễm trong một quốc gia; đứng thứ 05 thế giới; thứ 03 châu Âu về số người chết.

    Lệnh “cấm ra khỏi nhà” cách đây vài ngày đã được điều chỉnh chặt chẽ hơn. Hiện nay có 07 lý do người dân có thể tự làm “Giấy phép ngoại lệ” (Attestation de Déplacement Dérogatoire) để được ra khỏi nhà, trong đó có nhu cầu đi chợ mua đồ thiết yếu; nhu cầu tập thể dục, dắt thú nuôi đi vệ sinh nhưng chỉ còn được 1 lần trong ngày không quá 1h và không quá bán kính 1Km. Vé phạt cho việc vi phạm lệnh “Cấm ra khỏi nhà” từ 135 euro cho tới 1 500 euro và có thể bị tù. Tính tới hôm qua, cảnh sát đã thực hiện 3,7 triệu cuộc tuần tra và đã lập 225 000 biên bản phạt. Hàng chục thành phố, thị trấn đã ban lệnh “giới nghiêm” từ gần nửa đêm về sáng. Các hướng dẫn qui định về vệ sinh được thông tin, yết thị ở khắp nơi (radio, TV, áp-phích, tờ rơi ở nơi công cộng và gửi tới từng nhà) về rửa tay, cách hắt xì, ho đúng cách, đứng cách xa nhau tối thiểu 1 m, tránh bắt tay, không ôm hôn nhau nữa; cách xử trí khi có dấu hiệu về hô hấp: nếu chỉ có ho, sốt nhẹ thì nên gọi điện tư vấn bác sỹ điều trị; chỉ khi có dấu hiệu nặng hơn thì mới gọi cấp cứu; các trạm cấp cứu (15, 18) đều hướng dẫn tận tình, chu đáo khi được hỏi. Song, đa phần người dân hiện nay đều có tâm lý sợ phải đi cấp cứu vì biết rằng hệ thống y tế đang quá tải. Ông Chủ tịch của Liên Đoàn Bệnh Viện Pháp (FHF), Frédéric Valletoux, vừa thông báo hệ thống bệnh viện của vùng Ile-de-France (bao gồm Paris) sẽ quá tải trong vòng 24h-48h tới. Ở đây cần một chú thích: sự quá tải không có nghĩa bệnh nhân bị dồn chen chúc, chui cả xuống gầm giường, vào một phòng bệnh; mọi thứ vẫn phải tuân thủ theo tiêu chuẩn bình thường, ví dụ phòng đơn (chambre individuelle) là chỉ dành cho 1 bệnh nhân.

    Nhìn trên đường phố, đặc biệt các khu du lịch, nước Pháp coi như nằm im. Cần phải nhắc lại Pháp là nước có số du khách tới thăm đứng đầu thế giới về tỷ lệ dân số. Khoảng 85 triệu du khách/67 triệu dân/năm. Những ngày này, mọi đường phố trung tâm Paris gần như vắng lặng hoàn toàn.

    Tuy nhiên, cuộc sống của người dân rất điềm tĩnh. Chỉ 1-2 ngày đầu của lệnh “cấm ra khỏi nhà” có một vài nơi, một vài siêu thị có hiện tượng xếp hàng dài mua đồ và nhiều người mua rất nhiều. Các siêu thị vẫn mở cửa phục vụ, hàng hóa vẫn dồi dào. Số người ra ngoài đường đeo khẩu trang vẫn là thiểu số. Mọi người trông thấy nhau vẫn nở nụ cười và chào nhau “Bonjour” vui vẻ, tuy phải giữ khoảng cách tối thiểu 01 mét và không còn bắt tay hay “Bisous” (chạm má) như xưa nữa. Từ khi có dịch Covid-19 tới giờ, bản thân tôi chưa bao giờ gặp sự kỳ thị; duy nhất có một lần, trước khi “cấm ra khỏi nhà”, trên tàu điện có một chàng thanh niên có biểu hiện không bình thường, anh ta vừa cười vừa nhìn tôi và nói “Cậu có coronavirus à?”, những người xung quanh đều nhìn cậu ta chằm chằm sau câu nói đó và cậu ta bẽn lẽn, im lặng. Tàu dừng bánh, tôi và mọi người, cùng cậu thanh niên đó đều rời ga một cách bình thản. Khu tôi ở, gia đình tôi có lẽ là dân gốc châu Á duy nhất, nhưng sự giao tiếp giữa gia đình tôi và mọi người (đa phần gốc châu Âu) đều bình thường, thân ái; thậm chí có người còn gọi tôi để xin giúp đỡ khi họ có việc cần.

    Hậu quả về kinh tế của Covid-19 đối với nước Pháp đã quá rõ. Theo một cơ quan phân tích về kinh tế (l’Observatoire français des conjonctures économiques -OFCE), mỗi tháng « cấm ra khỏi nhà » sẽ làm thu nhập quốc nội (PIB) của Pháp mất 2%-3% tương đương khoảng 45-70 tỷ Euro. Có người còn dự đoán, Covid-19 sẽ gây ra khủng hoảng kinh tế như hồi 1929-1930. Tuy nhiên, chính quyền Pháp ngay từ đầu đã dự trù chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và hộ dân theo tinh thần tất cả đều được trợ giúp. Thuế, các khoản đóng góp bảo hiểm, kể cả tiền thuê nhà đều được giãn và lùi thời gian đóng một cách tự động. Gói hỗ trợ bước đầu 45 tỷ Euro cho doanh nghiệp và hộ dân đã được khởi động.

    Đó là vài nét cơ bản hy vọng có thể giúp bạn có cái nhìn khái quát về dịch Covid-19 ở Pháp.

    Sau đây là ba điểm tôi muốn chia sẻ thêm:

    1. Dịch Covid-19 đang căng thẳng, Tổng thống Emmanuel Macron đã gọi tình trạng hiện nay là “chiến tranh” nhưng các phe nhóm đối lập với chính quyền của Emmanuel Macron vẫn tăng cường các hoạt động chỉ trích, truy vấn chính quyền về các chủ đề như tình trạng thiếu khẩu trang, thiếu thiết bị xét nghiệm, quyết định vẫn cho tiến hành bầu cử địa phương vòng 1… Nhóm Cộng Hòa (Les Républicains) tại Hạ Viện đã tuyên bố sẽ thành lập một ủy ban điều tra để đánh giá toàn bộ việc điều hành của chính phủ đối phó với dịch Covid-19. Ngoài các phe nhóm chính trị đối lập, trong xã hội còn có nhiều đoàn thể lên tiếng công kích chính phủ. Hiện có tới 06 đơn kiện chính phủ của Thủ tướng Édouard Philippe và bà cựu Bộ trưởng Sức khỏe Agnès Buzin đã được đệ lên Tòa Công Lý Cho Nền Cộng Hòa (la Cour de Justice de la République). Trong đó đáng kể phải nói đến đơn kiện của nhóm mang tên “C19” do một nhóm 600 bác sỹ khởi động và đã thu thập được hơn 200 000 chữ ký; nhóm này cáo buộc chính phủ đã “nói dối toàn dân” (Mensonge d’État).

    Những hoạt động này là dấu chỉ cho thấy sự vận hành của nền dân chủ Pháp vẫn tốt. Chính quyền không thể vin bất cứ lý do gì, kể cả dịch bệnh, để có thể tự định đoạt mọi công việc quản lý quốc gia và càng không thể có quyền bịt miệng các tiếng nói đối lập, chỉ trích (đúng hay sai). Đây là một hoạt động bình thường của một nền dân chủ năng động nhằm duy trì chức năng đối trọng và kiểm soát kẻ cầm quyền (checks & balances) để hạn chế tối đa các dối trá, rủi ro, sai lầm cho quốc gia/cũng như thúc đẩy kẻ cầm quyền phải có những hành động tốt nhất cho quốc gia. Không có báo chí Pháp hay người dân Pháp nào bình phẩm, qui kết những hoạt động đối lập này là: phá hoại tinh thần đoàn kết.

    2. Dịch Covid-19 cũng cho thấy báo chí Pháp – đệ tứ quyền – vẫn rất năng động và độc lập cho dù báo chí của các nước dân chủ nói chung, kể cả Pháp, đã bị suy yếu từ nhiều năm qua. Điển hình là tờ tuần báo Canard Enchaîné (Vịt Què). Đây là tờ báo trào phúng chính trị có tuổi đời hơn 100 năm. Nhưng chỉ đến hôm thứ Tư vừa qua, 25/03/2020, tờ báo này mới lên mạng Internet lần đầu tiên để bán cho độc giả vì Covid-19 đã làm toàn dân bị “Cấm ra khỏi nhà”. Bình thường, Vịt Què chỉ cho lên mạng trang bìa (La Une), còn lại 07 trang khổ 360mm*560mm độc giả phải tới các tiệm bán sách/báo để mua với giá 1,2 Euro (khoảng 32 000 đồng). Vịt Què từ chối nhận quảng cáo, từ chối nhận tài trợ của tư nhân/nhà nước, và tất cả các biên tập viên không được chơi chứng khoán, không được làm thêm ở nơi khác, không được nhận các giải thưởng của nhà nước. Cạnh tranh trực tiếp hay gián tiếp với Vịt Què là gần 60 tờ tuần báo khác, chưa kể hệ thống nhật báo đồ sộ. Tuy nhiên, mỗi số Vịt Què thường có 400 000 độc giả bỏ tiền và đi mua báo; có số Vịt Què bán hết 1000 000 (một triệu) bản. Lương của các phóng viên làm cho Vịt Què được đánh giá thuộc dạng hậu nhất trong làng báo. Vịt Què là niềm kiêu hãnh của báo giới Pháp như Le Monde đánh giá năm 2016 – sinh nhật 100 năm Vịt Què.

    Hệ thống báo chí tư nhân, đài phát thanh, TV tư nhân, chưa kể mạng xã hội, sôi động, độc lập và năng động như thế mà thỉnh thoảng chính quyền vẫn bị khui ra những vụ nói dối, biển lận công quĩ thì thử hỏi những nước có hệ thống truyền thông hoàn toàn do chính quyền kiểm soát như Việt Nam, tình trạng dối trá, tham nhũng, sai lầm, nguy cơ đang và sẽ ở mức độ nào?

    3. Trong số những người bản xứ tôi quen biết ở đây đã có 03 người mắc Covid-19 và cả ba đều tự động báo cho tôi cùng những bạn bè khác biết. Những người bị mắc đều thể hiện sự bình tĩnh tuân thủ làm theo những khuyến cáo, chỉ dẫn của giới chuyên môn; rất may hiện nay 03 người này chưa có ai phải vào bệnh viện. Những bạn bè biết người bị bệnh đều tỏ ra thân ái, quan tâm, động viên một cách vừa phải không ai tỏ ra hốt hoảng hoặc lo sợ kể cả nhiều người đã từng tiếp xúc với những người bệnh đó. Điều này có lẽ cũng là một sự khác biệt so với Việt Nam hiện nay. Lý do của sự khác biệt này có lẽ sẽ cần phải có những cuộc nghiên cứu lớn ở nhiều giác độ khác nhau như tâm lý, tập quán, chế độ chính trị, văn hóa, tôn giáo Nhưng nhìn một cách sơ bộ, và với những gì tôi chứng kiến, quan sát được từ hơn 2 năm qua, tôi có thể nói rằng xã hội Pháp có tính bao dung lớn hơn rất nhiều so với xã hội Việt Nam. Tính bao dung này thể hiện ở rất nhiều khía cạnh, ví dụ trong cuộc sống thường ngày khi đi chợ hay giao thông, mọi người thường luôn có ý nhường nhau đúng theo luật hoặc từ tốn với nhau khi đi qua cửa, khi mua hàng hiếm khi thấy người có hành vi sấn sổ đi vượt trước người khác hoặc chen ngang vào hàng người chờ đợi; xã hội có rất nhiều màu da, nguồn gốc tứ xứ, sắc phục đa dạng tới mức nếu ở Việt Nam sẽ bị coi là lố lăng, điên rồ, nhưng ở đây chính tôi chứng kiến những nhóm người đa sắc màu, đa phong thái, nguồn gốc như thế sống, học tập và làm việc với nhau rất hòa đồng, thân ái; hoặc dưới góc độ truyền thống Cơ Đốc Giáo, người Pháp không coi lợi ích gia đình/gia tộc của mình là cái lớn nhất, là điều trước tiên như Khổng giáo và văn hóa Á đông. Năm 2019, nước Pháp đã đón nhận thêm 08 triệu người di cư từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có nhiều người ở những nước còn rất chậm về kinh tế và mức độ văn minh, dĩ nhiên có cả các tỵ nạn chính trị. Riêng số liệu này chắc bạn cũng thấy tấm lòng bao dung của nước Pháp khác biệt thế nào so với Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa ở Pháp không có nạn phân biệt đối xử – đây còn là một vấn đề liên tục được báo chí đăng tải và phê phán. Nhưng nếu thiếu chính quyền dân chủ, tôi tin chắc rằng nước Pháp sẽ rất khó có mức độ bao dung như hiện nay vì mọi chế độ độc tài đều lợi dụng và cổ xướng sự chia rẽ, bất đồng trong dân chúng để chúng dễ bề cai trị – đó là thuật chia để trị muôn thuở của mọi chế độ không phải do người dân dựng nên.

    Cách đây vài hôm tôi vô tình thấy trên tờ Tuổi Trẻ có khêu gợi một ý tưởng kiểm soát dịch Covid-19 ở Việt Nam bằng cách kêu gọi, huy động các chị em, phụ nữ trong tổ dân phố đi theo rõi, kiểm tra các gia đình, cá nhân trong khu vực. Tôi có kể lại chi tiết này cho một người Pháp và họ thốt ra: Khiếp (terrible). Ở đây, chắc chắn dân chúng không thể chấp nhận những cách thức vi phạm quyền riêng tư của con người một cách vô luật như thế; và chắc chắn không có ai chấp nhận làm những việc như vậy. Nhưng nhìn xa hơn nữa, cách thức đề nghị của Tuổi Trẻ cũng thể hiện một tập quán lạc hậu nói chung của người dân chúng ta từ bao nhiêu năm qua. Muốn thay đổi được tập quán này chắc chắn phải cần thời gian. Nhưng nếu chế độ độc tài hiện nay vẫn tồn tại, thời gian là vô ích. Bởi chế độ biết rất rõ những tập quán này, và những tập quán tương tự, rất có lợi cho sự cầm quyền độc đoán của họ.

    Tình hình biến chuyển dịch Covid-19 hiện nay vẫn đang có dấu hiệu xấu không chỉ cho Pháp mà cho tất cả các quốc gia dân chủ, hùng mạnh nhất thế giới.

    Song, cũng giống như vụ “Áo Vàng” năm 2018, tôi vẫn tự tin nói rằng dịch Covid-19 lại là một thử thách mới, lớn hơn rất nhiều, đối với nước Pháp, nhưng nước Pháp cũng sẽ vượt qua và lại tiến lên cùng các nước dân chủ khác bởi cơ chế dân chủ-tự do không chỉ là cơ chế hữu hiệu để huy động tài năng, sáng kiến trong nhân quần, không phải là cơ chế chỉ thúc đẩy người dân chạy theo các lối sống ích kỷ, hưởng lạc vật chất, mà còn là chế độ chính trị không bao giờ chấp nhận để cho một sai lầm, dối trá ngang nhiên trường tồn.

    Chúc bạn và gia đình bình an trong đại dịch.

    Chúc cho thế giới của chúng ta sớm vượt qua một thử thách lịch sử.
    PHS (27/03/2020)

    Dân Luận

    Không có nhận xét nào