Cuối tuần vừa qua, “toang” (một kiểu
tĩnh lược, gần đây được nhiều người Việt sử dụng để diễn đạt sự sụp đổ,
tan hoang) tràn ngập trên mạng xã hội Việt ngữ.
Đồng Phụng Việt |
Trước
“toang”, hai chữ “vào cuộc” tràn ngập trên hệ thống truyền thông chính
thức và mở đường cho hai chữ khác là “ngạo nghễ” xuất hiện, tạo ra một
cuộc tranh cãi kịch liệt.
“Toang”
rộ lên như nấm sau mưa khi tại Việt Nam có người thứ 17 nhiễm COVID-19
(dịch cúm Vũ Hán). Không phải tự nhiên mà người Việt dùng “toang”!
Trước
đó không ít người từng “bán tin, bán nghi” khi “toàn bộ hệ thống chính
trị” đã “vào cuộc”, đã “chiến thắng trong chiến dịch mở màn” nhưng trong
phòng - chống dịch cúm Vũ Hán, thỉnh thoảng lại xuất hiện một vài sự
kiện không những khó hiểu mà còn khó tưởng tượng, kiểu như vừa tìm thấy
bốn công dân Trung Quốc, tuy không có hộ chiếu, không khai báo nhập
cảnh, vẫn có thể đi xuyên qua tất cả các hình thái kiểm soát cả về trật
tự - trị an lẫn phòng – chống dịch bệnh để hiện diện tận… Thừa Thiên –
Huế!
Khi
Trung Quốc vẫn là ổ dịch lớn nhất, nguy hiểm nhất nhưng “toàn bộ hệ
thống chính trị” không kiểm soát được những người thuộc nhóm có nguy cơ
cao vì đến từ những khu vực mà dịch bệnh đang lây lan, để họ tự do xâm
nhập, di chuyển thì “toang” là tất nhiên! Bệnh nhân thứ 17 là điều tất
yếu! Chuyện chỉ trong hai ngày, tính từ khi phát giác người thứ 17 đã có
thêm bốn người nữa dương tính với COVID-19 hoàn toàn hợp quy luật! Làm
gì có chuyện COVID-19 thoái bộ vì “toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc”!
Đừng
nhìn bệnh nhân thứ 17 như tác nhân khiến phòng tuyến chống COVID-19 của
Việt Nam “toang” sau khi vừa “chiến thắng trong chiến dịch mở màn”. Yếu
tố dẫn đến “toang” không phụ thuộc vào một cá nhân mà đã “ngạo nghễ”
nằm ở chỗ kiểm soát nhập cảnh, cư trú không chặt chẽ từ lâu, cho nên mới
để “sổng” những người đồng hành với du khách người Nhật bị nhiễm
COVID-19 trên chuyến bay VN814 ngày 3 tháng 3 từ Siem Reap đến Tân Sơn
Nhất.
May
mắn là chưa có ai đồng hành với du khách Nhật vừa kể (bao gồm cả phi
hành đoàn lẫn hành khác cả Việt Nam lẫn ngoại quốc) bị xác định là nhiễm
COVID-19. Nếu không, phòng tuyến đã “toang” trước khi Việt Nam tổ chức
đợt diễn tập quân sự đầu tiên và lớn nhất để biểu diễn quyết tâm và năng
lực phòng chống dịch bệnh của “toàn bộ hệ thống chính trị”, trước khi
ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng, tuyên bố “chiến thắng trong chiến dịch mở
màn”!
***
Thật
ra “toang” không nằm ở chỗ xuất hiện thêm bệnh nhân thứ 17, 18, 19, 20,
21… và số liệu liên quan đến nhiễm COVID-19 ở Việt Nam có thể trở thành
ba, bốn, thậm chí năm chữ số như thiên hạ. “Toang” nằm ở việc những
người cư trú tại các khu vực được cho là có người nhiễm COVID-19 hối hả
di tản để tránh tình trạng cô lập. “Toang” nằm ở chỗ người ta hối hả vét
sạch những thứ nhu yếu phẩm mà họ cho là cần trữ để bảo đảm yếu tố sống
còn của mình và thân nhân…
“Toang”
còn nằm ở chỗ tên tuổi, địa chỉ của các bệnh nhân, thân nhân của họ,
thông tin, thậm chí ảnh chụp các báo cáo nội bộ tràn lan cả trên hệ
thống truyền thông chính thức lẫn mạng xã hội. Chưa thể kết luận đó có
phải là một phương thức mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt
Nam lựa chọn để giải trừ trách nhiệm của mình hay không nhưng có thể dựa
vào đó để khẳng định bản lĩnh, năng lực của những hệ thống này tại Việt
Nam sẽ gia tăng hỗn loạn và bất ổn.
Tại
sao thông tin về tình trạng sức khỏe của các viên chức lãnh đạo hệ
thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam được xác định là “bí
mật quốc gia” mà thông tin về tình trạng sức khỏe của công dân lại có
thể thản nhiên đem ra phơi bày hết sức thoải mái như thế ? Tại sao các
quốc gia khác xem tình trạng sức khỏe của mọi công dân là “quyền riêng
tư”, phải tôn trọng ở mức tuyệt đối, cho dù COVID-19 có những đặc điểm
mà minh bạch hoạt động của các cá nhân bị lây nhiễm sẽ giúp phòng ngừa
hữu hiệu hơn nhưng tiết lộ tới mức nào luôn luôn được thiên hạ cân nhắc
cẩn thận, đặc biệt là những thông tin liên quan đến danh tính, nơi cư
trú thì giới hữu trách ở Việt Nam lại không thèm bận tâm?
Hậu
quả do “toang” sẽ thảm khốc hơn khi phẩm giá của người nhiễm COVID-19
bị hệ thống chính trị, hệ thống công quyền mang ra chà đạp trước như một
cách “thị phạm” cho đám đông vốn đang bất an xúm vào vùi dập để giải
tỏa các ẩn ức. Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam
tổ chức kiểm soát nhập cảnh, cư trú có hiệu quả, chắc chắn sẽ không để
“sổng” cá nhân nào thuộc diện cần cách ly và tất nhiên sẽ không có những
vụ “luận tội tập thể” đối với những cá nhân “thiếu ý thức bảo vệ cộng
đồng” ở Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), hay bệnh nhân thứ 17,… như đã
thấy và sắp tới, sẽ có bao nhiêu người đủ dũng cảm, tự giác khai báo
rằng chính họ có thể đang mang mầm bệnh?
Với
một hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nhận thức và hành xử như
thế, làm sao có thể giảm thiểu bất an, hỗn loạn nếu xảy ra tình trạng
“toang” trên diện rộng? Làm sao có thể bảo đảm những người bị nhiễm
COVID-19 và những người chẳng may phải sống trong những khu vực bị cô
lập được tôn trọng và được đối xử nhân đạo, được hỗ trợ đúng mức để có
thể vượt qua nghịch cảnh một cách an toàn, không rơi vào thảm cảnh như
những đồng loại ở Vũ Hán, Hồ Bắc?
Đáng
ngại hơn khi tập trung chú ý vào diễn biến của COVID-19, nhiều người
không nhận ra hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đang
chối bỏ nghĩa vụ bảo đảm “cơm no, áo ấm” cho đồng bào của mình. Ba tháng
vừa qua, các viên chức hữu trách lãnh đạo đảng, quốc hội, nhà nước,
chính phủ đã đề ra được bao nhiêu giải pháp thật sự thiết thực để giữa
bối cảnh phức tạp do COVID-19 tạo ra, công dân đã cũng như sẽ giữ được
sản nghiệp, việc làm, thu nhập và không để kinh tế - xã hội “toang”?
Đồng Phụng Việt
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
(RFA)
Không có nhận xét nào