Trung Quốc hôm 19/03 lần đầu tiên
tuyên bố không có ca nhiễm mới sau ba tháng bùng phát dịch Covid-19,
Việt Nam có gần 80 ca, và nhiều nơi khác từ Mỹ đến châu Âu đang dốc sức
chống dịch. Các nhà quan sát nhận định rằng tuy các nước Âu – Mỹ với hệ
thống xã hội phân tán mỏng, các biện pháp “dập dịch” không mạnh tay và
“quyết liệt” như của Bắc Kinh hay Hà Nội, nhưng họ tin rằng sẽ có hiệu
quả và được người dân ủng hộ nhờ hệ thống thông tin công khai, minh
bạch.
Nhân viên y tế ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 17/03/2020. |
“Khi
các chính phủ ở Ý, Hoa Kỳ và các nơi khác vật lộn với đại dịch, Trung
Quốc đã ca ngợi thành công của mình nhờ huy động nỗ lực từ một bộ máy
rộng lớn, xuyên suốt từ trên xuống trong khi không dung thứ cho bất kỳ
một tiếng nói bất đồng nào,” trang New York Times nhận định hôm 19/03.
Từ Hà Nội, ông Đỗ Nam Trung, một người quan sát tình hình đối phó dịch Covid-19, nói với VOA Tiếng Việt:
“Tôi
đánh giá cao việc chống chế dịch của các quốc gia dân chủ hơn là của
các nước độc tài. Ví dụ tại Trung Quốc, chính vì Trung Quốc bưng bít
thông tin, không công khai và minh bạch nên virus Vũ Hán mới bung bét ra
như thế, mất kiểm soát khiến cả thế giới bị ảnh hưởng.”
Dịch
Covd-19 bắt đầu bùng phát tại Vũ Hán từ cuối tháng 12 năm ngoái. Virus
hiện lan sang 157 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 218.000 người
nhiễm bệnh và hơn 8.000 người chết. WHO hồi tuần trước công bố Covid-19
là đại dịch, kêu gọi các nước có biện pháp quyết liệt để đối phó.
Ông
Newt Gingrich, cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ nói trên đài Fox News hôm
13/03 rằng người Mỹ không nhận biết được chế độ độc tài ở Trung Quốc
nghiêm trọng đến mức nào và cũng lưu ý rằng những ai lên tiếng phản đối
việc chính quyền xử lý Covid-19 sẽ bị “mất tích.”
“Toàn
bộ đại dịch này tồi tệ hơn đáng kể là vì Trung Quốc, và vì vậy, giờ đây
họ theo kiểu độc tài điển hình, sẽ cố gắng tiếp tục nói dối để chống
chế cho những lời nói dối của họ,” ông Gingrich nói.
Trước
đó, trên tờ Wire, tác giả Alex Glastein có bài bình luận cho rằng Trung
Quốc, Iran, Bắc Triều Tiên và các chế độ độc tài khác đã che giấu thông
tin và làm trầm trọng thêm sự lây lan của căn bệnh này.
“Ngay
cả khi các chế độ độc tài đưa ra những con số có vẻ rất tốt về sức
khỏe, dữ liệu này vẫn cần được xem xét một cách kỹ lưỡng. Bởi vì các nhà
cai trị độc đoán không cho phép một tổ chức báo chí độc lập hoặc cơ
quan giám sát tự do, nên gần như chúng ta không thể xác minh số liệu
thống kê kinh tế xã hội có nguồn gốc từ các chế độ này,” ông Glastein
viết.
Trung
Quốc gần đây công bố đã phát hiện bệnh nhân đầu tiên của dịch bệnh
Covid-19 từ ngày 17/11. Tuy nhiên, những người lên tiếng cảnh báo sớm
cho cộng đồng như nhóm bác sĩ Lý Văn Lượng đều bị bắt giam. Mãi đến giữa
tháng 01/2020 Trung Quốc mới phát đi thông tin một dịch bệnh đang lan
rộng tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và khu vực này bị cách ly không
lâu sau đó.
Tờ
Le Figaro nhận định rằng khác với các chế độ độc tài, các nền dân chủ
đối phó với dịch bệnh một cách “bình tĩnh, minh bạch và hợp lý.”
“Nhờ
có sự minh bạch mà thông tin được phổ biến nhanh chóng và nhờ vậy bảo
đảm hiệu quả cho các biện pháp phòng chống,” tờ báo Pháp viết. Chẳng hạn
như tại Pháp, từ khi dịch corona bùng phát mạnh, mỗi ngày, bộ trưởng Y
Tế hoặc tổng cục trưởng Tổng cục Y Tế, thông báo tình hình dịch bệnh
được cập nhật và trả lời mọi câu hỏi của báo chí.
Một
số học giả Mỹ và phương Tây cho rằng “Bắc Kinh luôn muốn độc quyền sự
thật, độc quyền lịch sử”, và nay sẵn sàng phủ nhận là đã che giấu dịch
bệnh từ đầu nên dẫn đến thảm họa.”
“Mỗi
quốc gia có cách xử lý tình huống COVID-19 của riêng mình. Chúng tôi
không nói đây là ví dụ của Trung Quốc và bạn nên làm theo, chúng tôi
hoàn toàn tôn trọng rằng bạn có hành động của riêng mình,” ông Wu Dong,
giáo sư khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Đại học Y Liên minh Bắc Kinh nói với
đài Bloomberg News hôm 17/03.
“Sự
khác biệt giữa hai cách tiếp cận của Việt Nam - Trung Quốc - Singapore -
Nhật – Hàn Quốc với Âu Mỹ có lý do văn hóa, đặc biệt là văn hóa chính
trị, trong đó nổi bật nhất là quan niệm về tự do cá nhân,” Blogger Anh
Pham ở Hoa Kỳ nhận định trên trang Facebook cá nhân.
Ông Đỗ Nam Trung nêu nhận định với VOA:
“Chính
vì bị bưng bít thông tin nên chúng ta không biết Trung Quốc có bao
nhiêu người bị lây nhiễm, bao nhiêu người bị cách ly và bao nhiêu người
chết. Con số hoàn toàn rất mập mờ.
“Trong
khi ở các nước dân chủ thì người ta công khai việc này và vì quyền của
người dân được tôn trọng nên tất cả thông tin đều minh bạch và chúng ta
có thể nắm bắt được.”
Yanzhong
Huang, một thành viên cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Council on
Foreign Relations, ở New York, nói: “Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy
rằng, một quốc gia có thể ngăn chặn sự lây lan của virus trong một
khoảng thời gian tương đối ngắn mà không cần dựa vào các biện pháp ngăn
chặn hà khắc, ngăn chặn bằng mọi giá.”
Trong
một cuộc họp báo với báo chí nước ngoài tuần này, Thứ trưởng Bộ Y tế
Kim Gang-lip nói rằng, trong khi các biện pháp quyết liệt như phong tỏa
các khu vực bị ảnh hưởng, đã chứng minh “hiệu quả khiêm tốn”, chúng phải
chịu đựng “sự cưỡng chế và không linh hoạt”.
Các
chuyên gia cũng đặt câu hỏi rằng liệu các chiến thuật hà khắc của Bắc
Kinh có thể được thực hiện ngay cả tại các các nước dân chủ tự do hay
không. Italy, hiện là tâm dịch tại châu Âu với 35 ngàn ca nhiễm và gần 3
ngàn ca tử vong, đã tuyên bố cách ly trên toàn quốc từ đầu tuần trước.
Tiến
sĩ Bruce Aylward, một cố vấn cấp cao của người đứng đầu WHO, nói với
BBC rằng các biện pháp phòng dịch không chỉ đơn thuần ở việc họ là chế
độ dân chủ hay chế độ độc tài.
Tiến
sĩ Aylward, người đứng đầu nhóm đến tìm hiểu thực tế ở Hồ Bắc, nói rằng
thế giới vẫn chưa học được bài học kinh nghiệm thực tiễn của Trung Quốc
vì các biện pháp áp dụng ở nước này có thể không có hiệu quả ở những
nước khác.
“Tất
cả những gì chúng tôi học được từ Trung Quốc là về tốc độ. Ít nhất bạn
có thể kiểm soát mầm bệnh lây qua đường hô nếu kịp xác định những trường
hợp tiếp xúc gần gũi và cách ly tất cả.”
Nhận định về các biện pháp “dập dịch” của Việt Nam, ông Đỗ Nam Trung nói với VOA:
“Tôi
đánh giá rằng Việt Nam cũng có cố gắng, nhưng sự cố gắng này chưa đạt
được sự mong muốn của người dân vì nhiều nơi phòng dịch không được tốt
lắm.
“Thật
sự những con số báo cáo của Việt Nam đưa ra tôi cũng không tin tưởng.
Tại sao bệnh nhân ca số 21 là Đảng viên, dù đi rất nhiều, nhưng không
lây nhiễm cho ai? Trong khi ca số 17 và ca 34 cũng lây nhiễm rất nhiều.
Tôi có quyền nghi ngờ về điều này, nghi ngờ tính minh bạch và cách phòng
dịch của chính quyền Việt Nam. Có nhiều điều mập mờ khiến cho người dân
không tin tưởng.”
Lãnh
đạo Việt Nam đưa ra nhiều khẩu lệnh như “chống dịch như chống giặc”,
“toàn hệ thống chính trị đồng loạt ra quân, quyết liệt dập dịch" có hiệu
quả.
“Tổ
chức xã hội, cộng đồng của họ rất thông thoáng, lỏng lẻo. Họ không có
sổ hộ khẩu, không có tổ trưởng dân phố; không có ủy ban cấp phường;
không có “toàn hệ thống chính trị đồng loạt ra quân, quyết tâm dập dịch”
như ở Việt Nam. Do đó việc theo dõi, giám sát, cưỡng chế các cá nhân
quy phục mệnh lệnh từ chính quyền ban ra, không có hiệu lực nghiêm như
Việt Nam,” Tiến sĩ Mạc Văn Trang viết trên Facebook.
Ông
nhận định thêm: “Chính quyền các nước châu Âu thường phản ứng chậm
trước các tình huống thiên tại, địch họa, vì các đảng phái, đoàn thể
không có chức năng ra lệnh cho dân được. Mệnh lệnh của chính quyền đúng
pháp luật mới có hiệu lực… Ở Việt Nam lệnh của Đảng, Chính quyền, lập
tức “toàn hệ thống chính trị đồng loạt ra quân, hành động quyết liệt
ngay”, “chống dịch như chống giặc”!”
Ông Anh Phạm thì viết: “Trung ương quyết định hạn chế hoặc hy sinh ngay quyền tự do của cá nhân vì sự tồn vong của tập thể.”
Ông
Anh Phạm nêu nhận định: “Với Việt Nam, mình đồng ý với cách tiếp cận mà
Tây gọi là giãn cách xã hội (social distancing)…Đóng cửa trường học,
cấm mọi hoạt động tập thể, tập trung, đông người - là những cách cần làm
và Việt Nam đã làm. Có điều đặc điểm văn hóa Việt Nam cả người dân và
người không phải dân là đều hay làm qua quýt, chứ cách tiếp cận đó là
đúng.”
(VOA)
Không có nhận xét nào