Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Quốc Tấn Trung - Vì sao chúng ta nên dùng tên “virus Vũ Hán”?

    Khi mà các chế độ độc tài muốn sửa đổi lịch sử bằng cách thay đổi tên gọi của một loại dịch bệnh, nghĩa vụ của các ngòi bút là dùng chúng nhiều nhất có thể. Bắc Kinh rõ ràng không muốn những từ khóa “virus Vũ Hán” hay “coronavirus từ Trung Quốc” xuất hiện trên các hệ thống tìm kiếm. Vậy còn gì tiện lợi hơn là thay đổi cả tên bệnh dịch?

    Một người dân tại Vũ Hán, Trung Quốc.
    Khi mà các chế độ độc tài muốn sửa đổi lịch sử bằng cách thay đổi tên gọi của một loại dịch bệnh, nghĩa vụ của các ngòi bút là dùng chúng nhiều nhất có thể.

    Không gọi “virus Vũ Hán” để tránh kỳ thị?

    Thứ hiện nay được gọi là COVID-19, hay đôi khi là coronavirus, là một dịch bệnh bùng phát đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Vậy nên không có gì lạ khi Trung Quốc là nước đầu tiên phản đối việc sử dụng thuật ngữ “virus Vũ Hán”.

    Khi mà các chế độ độc tài muốn sửa đổi lịch sử bằng cách thay đổi tên gọi của một loại dịch bệnh, nghĩa vụ của các ngòi bút là dùng chúng nhiều nhất có thể.

    Không gọi “virus Vũ Hán” để tránh kỳ thị?

    Thứ hiện nay được gọi là COVID-19, hay đôi khi là coronavirus, là một dịch bệnh bùng phát đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Vậy nên không có gì lạ khi Trung Quốc là nước đầu tiên phản đối việc sử dụng thuật ngữ “virus Vũ Hán”.

    Hồi đầu tháng Ba, khi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo dùng từ “virus Vũ Hán” trong một buổi họp báo, chính quyền Bắc Kinh đùng đùng nổi giận. Họ gọi đây là một “hành vi đê hèn” (despicable practice). Cáo buộc chính phủ Hoa Kỳ đi ngược lại khoa học và những khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phía Trung Quốc cho rằng cách gọi này sẽ khiến thế giới có cái nhìn “kỳ thị” với 12 triệu cư dân Vũ Hán và hơn một tỷ người Trung Quốc.

    WHO rất năng nổ trong chiến dịch phản đối cách gọi nói trên. Một hướng dẫn đặt tên dịch bệnh của tổ chức này hồi năm 2015 ghi nhận rằng cần hạn chế gây ra những tác động tiêu cực không cần thiết lên thương mại, dịch vụ, phúc lợi của một địa phương hay một loại động vật nào đó. Hướng dẫn này cũng nhắc nhở cách đặt tên cần tránh xúc phạm đến bất kỳ sắc tộc, quốc gia, nghề nghiệp hay vùng địa lý nào. Ở mặt nào đó, có thể thừa nhận rằng đây là cách tiếp cận nhân văn. Không ai, hay không cộng đồng nào muốn tên mình gắn liền với một dịch bệnh chết người.

    Không chỉ vậy, cách gọi cũng có thể được sử dụng để chống lại các cộng động thiểu số châu Á ở phương Tây, theo Giáo sư Marietta Vazquezthuộc Khoa Nhi và bệnh truyền nhiễm của trường Đại học Yale. Luật Khoa cũng đã từng phân tích về hiện tượng nói trên.

    Song liệu cách gọi “virus Vũ Hán” có thật sự nhằm đẩy mạnh phong trào bài ngoại và phân biệt chủng tộc? Hay nó nhằm đáp trả các toan tính chính trị khác?

    Nhân ái hay kiểm duyệt ngầm?

    Thông thường mà nói, việc tên gọi của một loại dịch bệnh được lấy theo nguồn gốc xuất phát của nó không phải là mới, và nó cũng không bao hàm ẩn ý gì đặc biệt cả. Chúng thường được báo chí và người dân bình thường sử dụng khi nói đến một loại bệnh nào đó, bởi ngôn ngữ khoa học quá phức tạp và không mang lại lợi ích gì.

    Bạn không tin ư?

    Dù chủng cúm hoành hành thế giới 1918 – 1919 là chủng influenza, cho đến nay người ta vẫn còn gọi chúng là cúm Tây Ban Nha (Spainish flu), vì dịch bùng phát lần đầu tiên tại vùng đất này. Đây cũng là nơi dịch bệnh hoành hành mạnh mẽ nhất. Cũng có người sẽ nói rằng dịch bệnh này đã diễn ra cách đây 100 năm, và tại thời điểm đó nhân quyền và các giá trị nhân văn chưa được xem trọng như ngày nay.

    Tốt thôi.

    Vậy hãy nói về dịch cúm Ebola kinh khủng từng đe dọa đến an ninh toàn cầu hồi năm 2014 mới đây. Dịch này có tỷ lệ giết chết nạn nhân nguy hiểm đến mức Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC) cũng phải can thiệp và ra nghị quyết chung để đảm bảo an toàn cho thế giới. Hầu hết báo chí thế giới và địa phương đều dùng tên gọi Ebola trên đầu các trang báo như một lẽ thường tình. Trong các văn bản chính thức của Liên Hiệp Quốc, và kể cả nghị quyết UNSC vừa nhắc trên, từ “Ebola” xuất hiện như một danh từ chỉ bệnh đương nhiên.

    Tất cả đều có vẻ rất hợp tình hợp lý cho đến khi bạn biết rằng Ebola là tên của một con sông nhánh thuộc hạ lưu sông Congo, Cộng hòa Dân chủ Congo ở châu Phi. Vậy chẳng lẽ nhân phẩm và nhân quyền của cư dân đang sinh sống tại vùng sông này lại không đáng để kể đến?

    Mỉa mai hơn nữa, chính trong trang đầu tìm kiếm của Google khi bạn search thuật ngữ “Ebola”, website của WHO hiện lên ở trang đầu, khẳng định rõ Ebola là cách gọi tắt của “virus Ebola Tây Phi” (West African Ebola Virus). Không chỉ dùng tên con sông Ebola, WHO mang hẳn cả châu lục châu Phi để gắn với chứng bệnh quái gở chết người ấy.

    Vẫn chưa đủ thuyết phục? Vậy bạn nghĩ thế nào về tên gọi của chủng virus hô hấp MERs. Tên gọi này nghe có vẻ thật khoa học và công bằng, cho đến khi chúng ta tìm hiểu kỹ hơn và biết rằng: MERs là viết tắt của Middle East Respiratory Syndrome – Triệu chứng Hô hấp Trung Đông. Hiển nhiên, cách gọi này vẫn đang chễm chệ trên trang chủ của WHO liên quan đến chứng bệnh.

    Nếu bạn vẫn còn băn khoăn, có lẽ bài viết cũng nên giới thiệu hẳn cả dịch cúm lợn Châu Phi (African Swine Fever – ASF), nơi mà tên cả một châu lục và một loài gia súc bị gắn liền với nhau (dù thật sự thì bệnh này chỉ lây truyền và gây thiệt hại trên gia súc). Tên gọi “cúm lợn Châu Phi” hiện được hầu hết các cơ quan y tế quốc gia sử dụng phổ biến, và chắc chắn cả WHO.

    Với tất cả những ví dụ nói trên, chúng ta hãy nghĩ xem các tên gọi được nêu trên có thật sự khiến cho người ta lo sợ người Congo và các sản phẩm thủy sản của dòng Ebola? Có khiến chúng ta xa lánh người Trung Đông? Có khiến chung ta xa lánh gà, heo, gia súc, gia cầm nói chung?… Hay tên gọi mang chỉ dấu địa lý đơn giản chỉ gợi mở cho người dân thông tin về nguồn gốc và nơi bắt đầu của chứng bệnh?

    Vì sao đột nhiên, với một chủng cúm đến từ Trung Quốc, thông lệ này lại phải thay đổi? Vì sao chúng ta phải cẩn thận và nhạy cảm đến vậy chỉ để không làm mích lòng một kẻ “bắt nạt” như chính quyền Bắc Kinh?

    Sự cẩn thận thái quá và đột ngột đó, dù có thiện ý đi chăng nữa, cũng đang tiếp tay cho chính quyền Trung Quốc trong một nỗ lực lảng tránh trách nhiệm của mình.

    Bắc Kinh đang cố gắng vẽ lại lịch sử dịch bệnh

    Trong một bài viết đình đám của Foreign Policy có tiêu đề “Sự kém cỏi của Trung Quốc đang đe dọa thế giới như thế nào?” của tác giả Laurie Garrett – nhà báo lừng danh đoạt giải Pulitzer vào năm 1996 – cô thực hiện một cuộc điều tra và phân tích rõ vì sao chính phủ Trung Quốc có trách nhiệm lớn nhất trong việc khiến cho dịch bệnh bùng phát không thể kiểm soát trên toàn thế giới, thể hiện đúng bản chất của vấn đề.

    Đó là vào giữa tháng Hai, khi mà WHO chính thức “ra mắt” tên gọi mới COVID-19.

    Bắc Kinh rõ ràng không muốn những từ khóa “virus Vũ Hán” hay “coronavirus từ Trung Quốc” xuất hiện trên các hệ thống tìm kiếm. Vậy còn gì tiện lợi hơn là thay đổi cả tên bệnh dịch?

    Thành công trong việc vận động loại bỏ các thành tố mang tính Trung Quốc ra khỏi tên gọi của dịch bệnh, chiến dịch “đổ thừa” của Bắc Kinh cũng bắt đầu.

    Nửa cuối tháng Hai, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc nói rằng dù dịch “COVID-19” bùng phát tại Trung Quốc, không có căn cứ để nói chúng xuất phát từ Trung Quốc. Thế ra lỗi phải là của một ai đó khác. Hiển nhiên, lập luận này là hoàn toàn vô lý vì chưa từng có ca nhiễm bệnh nào liên quan đến loại virus này được ghi nhận trước đó bên ngoài Trung Quốc.

    Đầu tháng Ba, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tự hào rằng mình là tuyến đầu chống dịch bệnh corona. Họ ca ngợi sự minh bạch và nỗ lực chống dịch của Trung Quốc đã giúp cho thế giới có được thời gian cần thiết để chuẩn bị cho dịch bệnh. Hài hước thay, việc kiểm duyệt và giấu giếm thông tin của bệnh dịch tại Vũ Hán là lý do chủ yếu khiến cho năm triệu dân thành phố Vũ Hán có thể tỏa về quê hoặc ra nước ngoài trong dịp Tết Nguyên đán, khiến cho tốc độ lan truyền bệnh trên thế giới rơi vào tình trạng mất kiểm soát.

    Cũng trong thời gian này, Bắc Kinh đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền yêu cầu thế giới phải “cảm ơn” họ vì đã dẫn đầu các biện pháp chống dịch. Họ ba hoa rằng chỉ có mình mới có thể thực hiện những biện pháp mạnh tay để kiểm soát tình trạng dịch, còn các nền dân chủ cấp tiến không thể, rằng chính quyền Trung Quốc đã “lãnh đạo thế giới” chống dịch thành công.

    Giữa tháng Ba, trong công cuộc “phi Hoa hóa” virus Vũ Hán, sách vở ca ngợi công lao trời biển của Chủ tịch Tập Cận Bình đã định ngày xuất bản.

    Riêng quan chức Trung Quốc bắt đầu chính thức lên tiếng cáo buộc Hoa Kỳ phát tán virus dịch bệnh vào quốc gia này với ý đồ xấu. Cụ thể, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên) cho rằng quân đội Hoa Kỳ đã mang chủng virus này vào Trung Quốc. Thuyết âm mưu này còn chi tiết đến mức đổ lỗi cho 300 vận động viên người Mỹ tham gia vào Thế vận hội Quân đội lần thứ bảy tổ chức tại Vũ Hán hồi tháng 10 năm 2019.

    Nhờ vào sự khuyến khích của nhà nước, người Trung Quốc đang dần tin rằng chính Hoa Kỳ mang virus vào quốc gia này. Nếu chúng ta không có những hành động đúng đắn, sớm muộn niềm tin này cũng sẽ lan tỏa đi nhiều nơi trên thế giới nhờ vào những đồng nhân dân tệ.

    ***

    Nếu dùng một tên gọi khác, chúng ta đang khuất phục trước chiến dịch truyền thông “phi Hoa hóa” dịch bệnh quái ác này.

    Nếu dùng một tên gọi khác và chịu thua trước chiến dịch truyền thông của Bắc Kinh, chúng ta ăn nói sao trước bác sĩ Lý Văn Lượng, người phát hiện và điều trị những ca đầu tiên? Người phải viết cam kết và xin lỗi công an Trung Quốc, phủ nhận những thông tin của mình đưa ra trong một đoạn chat cá nhân? Người mà bản thân ông (cùng hàng loạt y tá, bác sĩ khác) đã đánh đổi mạng sống của mình để chiến đấu với chính dịch bệnh này?

    Nếu dùng một tên gọi khác và chịu thua trước chiến dịch truyền thông của Bắc Kinh, chúng ta ăn nói sao trước những người chỉ trích chính quyền Bắc Kinh về cách tiếp cận và xử lý dịch bệnh đã đột ngột “biến mất”?

    Nếu dùng một tên gọi khác và chịu thua trước chiến dịch truyền thông của Bắc Kinh, chúng ta ăn nói sao với các cộng đồng khắp thế giới đang gồng mình chống dịch?

    Với sự kiểm duyệt và ngăn chặn thông tin từ phía chính quyền ngay tại thời điểm loại virus bắt đầu lây lan từ người sang người, chính quyền Trung Quốc khiến cho dịch bệnh đi đến chỗ vượt xa khỏi biên giới nước họ và gây ra hàng loạt tình cảnh đau thương ở nước ngoài.

    Tên gọi “virus Vũ Hán”, trong tình cảnh này, không hàm chứa sự kỳ thị của bất kỳ ai dành cho bất kỳ công dân Trung Quốc hay Vũ Hán nào cả. Thay vào đó, nó là một phản ứng chính trị cấp thiết, nhắc nhở chúng ta về những gì Bắc Kinh đã làm và đang cố gắng làm để tô hồng những điều tệ hại mà họ gây ra cả.

    Nguyễn Quốc Tấn Trung

    (Luật Khoa)

    Không có nhận xét nào