Ngày 5-9/3/2018, tàu sân bay USS Carl
Vinson đến thăm Đà Nẵng lần đầu để “nối vòng tay lớn” nên khá ồn ào.
Ngày 5-9/3/2020 tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đến thăm Đà Nẵng lần
thứ hai nên phải kín đáo hơn (low profile) để không làm mất lòng Trung
Quốc. Nhưng chẳng lẽ Bắc Kinh dễ bị Hà Nội và Washington sỏ mũi như vây?
Đây là một nghịch lý.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tại cảng Tiên Sa-Đà Nẵng, 5/3/2020. Ảnh VGP. |
Nghịch lý cần xem lại
Trong
báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về Chiến lược Indo-Pacific (6/2019), Mỹ đã
khẳng định “ưu tiên quan hệ với Viêt Nam, Indonesia, và Malaysia”.
Trong khi đó, Viêt Nam thấy “không có cường quốc nào thích hợp hơn là Mỹ
để hợp tác”, nhằm đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông, vì họ đã bắt
nạt Việt Nam tại bãi Tư Chính trong năm 2019.
Trong
năm 2019, Mỹ đã vận động Việt Nam hàng năm đón tàu sân bay Mỹ như một
phần của kế hoạch nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược,
nhưng không thành. Năm 2019, Trung Quốc đã cho tàu chiến xâm nhập vùng
đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần Bãi Tư Chính để quấy rối trong nhiều
tháng, tạo ra một bước ngoặt mới (tipping point).
Ngày
25/11/2019, Việt Nam công bố Sách trắng Quốc phòng (sau 10 năm), nhấn
mạnh sẽ “xem xét phát triển quan hệ quốc phòng cần thiết và thích hợp
với các nước khác”. Ngày 5-9/3/2020, Việt Nam đón tàu sân bay USS
Theodore Roosevelt là kết quả của chủ trương đó, trước khi ông Rodrigo
Duterte hủy bỏ Hiệp định VFA (Visiting Forces Agreement).
Nhưng
Việt Nam vẫn muốn kín đáo hơn về sự kiện này, và phía Mỹ cũng nhất trí.
Tuy thái độ ứng xử đó trước đây là cần thiết, nhưng từ năm 2020 phải
xem xét lại. Sự kiên bùng phát dịch coronavirus (1/2020) đã tại ra một
bước ngoặt mới làm đảo lộn tình thế, bộc lộ gót chân A-sin của Trung
Quốc, và dẫn đến khủng hoảng kinh tế-chính trị khó lường.
Theo
các nhà phân tích, Washington đã chấp nhận trò chơi của Hà Nội: (1) kín
đáo để không làm Trung Quốc mất lòng, (2) biến sự kiện tàu hải quân Mỹ
đến thăm Đà Nẵng thành “chuyện bình thường” (new normal), (3) Việt Nam
vẫn kiên trì với chính sách “ba không” (không có căn cứ quân sự, không
liên minh quân sự, và không chống nước thứ ba).
Điều
đó có nghĩa tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu tuần dương USS
Bunker Hill của Mỹ đến thăm Đà Nẵng như “đi qua vô hại” (innocent
passage) như tuần tra FONOP của Mỹ. Liệu có phải vì thế mà Trung Quốc
giảm quân sự hóa Biển Đông và không bắt nạt các nước láng giềng như họ
đã làm với người Việt Nam tại Bãi Tư Chính năm 2019?
Nếu
quan hệ đối tác toàn diện (hay chiến lược) Việt-Mỹ là chính đáng và cần
thiết để góp phần duy trì hòa bình và ổn định khu vực, thì Hà Nội và
Washington không nên sợ làm Trung Quốc mất lòng. Nghịch lý cũ này đã trở
thành “thói quen” (new normal), trong khi coronavirus đang lật ngược
thói quen đó, làm bộc lộ “gót chân A-sin” của Trung Quốc.
Mấy
tháng qua, coronavirus đã gây ra thảm họa kinh hoàng cho Trung Quốc tại
tâm chấn Vũ Hán, với những tổn thất hữu hình và vô hình mà không một
“thế lực lực thù địch” nào có thể làm được. Sức mạnh kinh tế và quân sự
của người khổng lồ Trung Quốc đang bị con virus nhỏ bé đến vô hình làm
vô hiệu hóa. Đó là một nghịch lý mới cần xem xét.
Hệ quả không định trước
Khủng
hoảng coronavirus dẫn đến mấy “hệ quả không định trước” làm các nhà
nghiên cứu và hoạch định chính sách giật mình tỉnh ngộ. Bàn cờ địa chính
trị thế giới đang chuyển biến khó lường, vượt qua tầm nhìn của tư duy
chiến lược “thông thường”. Muốn hoạch định chính sách hiệu quả, người ta
cần đổi mới tư duy để hiểu về virus và dịch bệnh.
Về
kinh tế, người ta nhận ra rằng giảm lãi suất không phải là thuốc giải
độc hiệu quả để đối phó với coronavirus. Cách tốt nhất là phát triển
vaccine để giảm thiểu số người bị lây nhiễm. Theo New York Times
(28/2/2020), cơ quan có ảnh hưởng lớn nhất đối với nước Mỹ lúc này không
phải là Fed mà là CDC (Centers for Disease Control and Prevention).
Theo
các chuyên gia, coronavirus làm kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn một ngàn
tỷ USD trong quý một (chủ yếu là Trung Quốc). Tăng trưởng thực sự của
Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 3-3,5 %, và nên kinh tế Trung Quốc khó
tránh được suy thoái. Sức ép do khủng hoảng coronavirus như một cơn ác
mộng đang làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị suy sụp.
Về
chính trị, người Trung Quốc nhận ra rằng họ đang phải trả giá đắt vì
chính quyền bưng bít thông tin và bịt miệng người dân, rằng chỉ có tự do
ngôn luận mới cứu được họ. Trước khi chết, bác sỹ Lý Văn Lượng (Li
Wenliang) đã để lại một câu nói tuy đơn giản nhưng làm hàng triệu người
tỉnh ngộ: “Một xã hội lành mạnh không nên chỉ có một tiếng nói”.
Để
đối phó với chỉ trích đó, Bắc Kinh đã quản thúc giáo sư Hứa Chương
Nhuận (Xu Zhangrun) vì đăng bài “Khi phẫn nộ vượt qua sợ hãi” (Viral
Alarm: When Fury Overcomes Fear) và bắt giam luật sư Hứa Chí Vịnh (Xu
Zhiyong). Đó là những hành động thiếu khôn ngoan, không tháo được ngòi
quả bom nổ chậm mà còn làm cho tình hình tồi tệ hơn.
Trung
Quốc có thể đầu tư hàng tỷ USD để triển khai “hệ thống cho điểm xã hội”
với công nghệ AI và hàng triệu máy ảnh. Nhưng sử gia Yuval Harari từng
cảnh báo rằng “thuật toán có nguy cơ tạo ra nền độc tài số…Văn minh nhân
loại đang đứng trước rủi ro nếu không có giải pháp… Chúng ta không bao
giờ được đánh gía thấp sự ngu xuẩn của con người”.
Người
ta cần hiểu rằng sau khủng hoảng coronavirus, Trung Quốc sẽ không thể
như trước nữa. Quyền lực gần như tuyệt đối của Tập Cận Bình đang bị
thách thức và rạn nứt trước cuộc khủng hoảng chính trị tiềm ẩn. Trung
Quốc sẽ không đủ nguồn lực để phục hồi như sau dịch SARS (2003), làm ảnh
hưởng đến kế hoạch đầy tham vọng của họ ở Biển Đông.
Bàn cờ địa chính trị
Trong
bối cảnh đó, Tổng thống Trump vừa đi thăm Ấn Độ (24-26/2/2020) như một
nước cờ khôn ngoan đúng lúc, để lôi kéo Thủ tướng Modi “cùng nhau bảo vệ
chủ quyền, an ninh của vùng Indo-Pacific tự do rộng mở cho nhiều đời
sau”. Mỹ và Ấn Độ “đều muốn ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc” và
“hai nước cùng chung một tình hữu nghị vĩ đại”.
Trong
chuyến thăm này, Trump muốn cung cấp cho Ấn Độ “những vũ khí tốt nhất
và đáng sợ nhất hành tinh”, nhưng Modi không muốn ra mặt chống Trung
Quốc và trở thành “tiền đồn của tự do”. Nói cách khác, New Delhi không
muốn Ấn Độ “bỏ tất cả trứng vào một rổ”, vì ba nước (Mỹ-Trung-Ấn) gắn
kết với nhau bằng “xung đột, cạnh tranh, và hợp tác”.
Trong
khi đó, Mỹ hoãn họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN (dự kiến tại Las Vegas ngày
14/3) vì lý do coronavirus. Theo Carl Thayer, lý do đó thiếu thuyết
phục, vì đó chính là dịp tốt để lãnh đạo các nước thảo luận cách phối
hợp để đối phó với dịch. Nhưng thời gian và địa điểm có thể làm lãnh đạo
một số nước ASEAN không đến dự (như Philippines và Malaysia).
Đối
với Việt Nam, quyết định hoãn họp Mỹ-ASEAN còn làm mất đi một cơ hội
thuận tiện để lãnh đạo cấp cao Mỹ-Việt gặp nhau, sau khi chuyến thăm Mỹ
của ông Nguyễn Phú Trọng đã không diễn ra cuối năm 2019 như mong đợi.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Đà Nẵng của tàu sân bay USS Theodore
Roosevelt (5-9/3/2020) có ý nghĩa quan trọng.
Theo
Carl Thayer, chuyến thăm lần này của tàu USS Theodore Roosevelt cho
thấy Mỹ vẫn đang thực hiện một trong ba mũi nhọn trong chiến lược của họ
tại khu vực: (1) sự hiện diện thường xuyên của tầu tuần tra hải quân Mỹ
(FONOP), (2) hiện diện thường xuyên của máy bay ném bom Mỹ
(overflights), (3) tự do hoạt động hàng hải (tại Biển Đông).
Chuyến
thăm của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tuy không thay thế được gặp
gỡ cấp cao để hai nước có thể nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược,
nhưng nó khẳng định chiến lược của Mỹ ở khu vực trong bối cảnh
Philippines hủy bỏ Hiệp định VFA với Mỹ. Nó còn tạo ra tiền lệ để Việt
Nam và Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng thường xuyên hơn.
Đến
lúc cần xem xét lại lý do Việt Nam muốn Mỹ kín đáo hơn (low key) về
chuyến thăm này. Một là Trung Quốc bị suy yếu và khủng hoảng sau thảm
họa coronavirus, là thời điểm thuận lợi (chứ không phải bất lợi). Hai là
chuyến thăm Ấn Độ của Trump chứng tỏ Mỹ đang quan tâm và tăng cường cam
kết với khu vực Indo-Pacific (chứ không phải giảm).
Vì
vậy, đây là cơ hội tốt để các nước như Việt Nam thoát Trung. Theo bà
Phạm Chi Lan, có một nghịch lý đáng lo ngại là Việt Nam càng hội nhập
quốc tế, càng ký thêm các FTA thì lại càng phụ thuộc hơn vào Trung Quốc,
chứ không giảm xuống. Việt Nam càng phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế
và chính trị thì càng rủi ro về an ninh và quốc phòng.
Lời cuối
Trung
Quốc là bậc thầy về binh pháp Tôn Tử, nên họ thường vận dụng nguyên lý
“mềm nắn rắn buông” (bullying the weak and fearing the strong) và “Tam
chủng chiến pháp” (Three Warfare doctrine) để gây sức ép (về tâm lý,
pháp lý, truyền thông). Nếu Việt Nam (hay Mỹ) càng nhân nhượng thì Trung
Quốc càng lấn tới, vì thiếu công cụ răn đe hiệu quả.
Trong
binh pháp, nếu muốn răn đe thì không phải chỉ tăng cường binh lực (sức
mạnh cứng) mà còn phải sẵn sàng chiến đấu (sức mạnh mềm). Dưới thời ông
Obama, với chủ trương “lãnh đạo từ phía sau” (leading from behind), nên
Mỹ tránh gây căng thẳng với Trung Quốc. Bắc Kinh đã bắt mạch và nắn gân
được Mỹ, nên ráo riết quân sự hóa Biển Đông.
Theo
ông Gorbachev “Thảm họa Chernobyl là một bước ngoặt lịch sử” đối với
Nga”, và theo các chuyên gia, “thảm họa coronavirus cũng là một bước
ngoặt lịch sử đối với Trung Quốc”. Bắc Kinh phải giữ chính danh bằng cam
kết với dân (Faustian deal), nhưng coronavirus làm bộc lộ tử huyệt của
chế độ chuyên chế và làm sụp đổ lòng tin của người dân.
Khủng
hoảng coronavirus như quả bom hạt nhân nổ chậm từ tâm chấn Vũ Hán lan
ra toàn cầu (đến nay là 103 nước, với 106.191 ca lây nhiễm, và 3.600 tử
vong). Đây là một thảm họa khó lường, với những tổn thất kinh hoàng về
người và của, cả hữu hình lẫn vô hình, tạo ra một bước ngoặt mới cho
Trung Quốc, làm đảo lộn bàn cờ địa chính trị thế giới.
Nếu
Trung Quốc không vượt qua được thảm họa này và suy sụp như “màn chót”
(End Game, David Shambaugh), họ dễ bị phân liệt như thời chiến quốc. Nếu
vượt qua được, Trung Quốc có thể thay đổi theo “Làn sóng Thứ ba” (Third
Wave, Samuel Huntington). Minxin Pei cho rằng Trung Quốc có thể theo mô
hình cải cách lồng ghép (Refolution).
Nguyễn Quang Dy
---------------
Tham khảo
1.
Transition in China?: More Likely than You Think, Minxin Pei, Journal
of Democracy, Johns Hopkins University Press, Volume 27, Number 4,
October 2016
2. Is Political Change Coming to China? Yuen Yuen Ang, Project Syndicate, February 14, 2020
3. Coronavirus Could Break Iranian Society, Graeme Wood, Atlantic, February 27, 2020
4. China's Coronavirus Recession Has Arrived, Salvatore Babones, National Interest, February 27, 2020
5. China: Complicated ties with India, US, Frank Sieren, DW News, February 27, 2020
6. Three ways to stop a coronavirus recession, Matthew Lynn, Spectator, February 28, 2020
7. How the coronavirus is shaking up Asia’s political order, William Pesek, Washington Post, March 3, 2020
8. China’s Coronavirus Crisis Is Just Beginning, Geremie Barmé, NYTimes, March 3, 2020
9. No Masking It: Coronavirus Has Infected China's Economy, Milton Ezrati, National Interest, March 3, 2020
10. Vietnam: Significance of 2nd Visit by U.S. Navy Aircraft Carrier, Carl Thayer, Background Briefing, March 3, 2020
11. Is Covid -19 China’s Chernobyl Moment? Liubomir Topaloff, Diplomat, March 4, 2020
12. Trump’s ASEAN Summit That Never Happened, Greg Rushford, March 5, 2020
13. US aircraft carrier visit and Vietnam's delicate balancing act, Le Hong Hiep, Think China, March 5, 2020
14. USS Theodore Roosevelt’s Vietnam Visit: Low Key, High Touch, Le Hong Hiep, ISEAS Commentary, March 6, 2020
15. Why the Coronavirus Could Threaten the U.S. Economy Even More Than China’s, Austan Goolsbee, New York Times, March 6, 2020
(Viet-studies)
Không có nhận xét nào