Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Ngọc Huy - Con đường thoát hạn ở Đồng bằng sông Cửu Long (bài 1)

    Tôi nói thẳng luôn là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không thoát hạn được. Người dân ĐBSCL phải học cách sống chung với hạn và mặn.

    Dòng Mekong cách đập Xayaburi (Lào) hơn 297 km trong tình trạng khô nước nghiêm trọng, ngày 28/10/2019.
    Hiện trạng và tương lai

    Tôi chưa đi hết các ngóc ngách của ĐBSCL nhưng cũng đã từng khảo sát, đánh giá về nhiều khía cạnh của ĐBSCL ở hầu hết các tỉnh thành và lặp lại trong vòng 10 năm qua. Việc quan sát diễn biến và tác động của biến đổi khí hậu cho tôi cái nhìn ít lạc quan về tương lai đồng bằng.

    Năm 2016, xâm nhập mặn lần đầu tiên tiến đến Cần Thơ vào ngày 14/3. Tôi nhớ rõ ngày hôm đó vì khi đó tôi đang là người phụ trách kỹ thuật cho dự án quan trắc nước mặn tự động của thành phố Cần Thơ. Đó được coi là một mốc lịch sử quan trọng về sự tiến sâu của xâm nhập mặn. Cả năm 2016, 60-80% diện tích lúa vụ 3 ở các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu bị mất trắng. Nhiều thửa ruộng không thể canh tác lại trong vụ tiếp theo.

    Năm nay thì sao? Xâm nhập mặn diễn ra từ đầu tháng 12 và đạt mốc lịch sử mới từ giữa tháng 1/2020. Như vậy là nó vừa phá mốc lịch sử 2016 khi vừa diễn ra trước 2 tháng. Nhận định của tôi là việc xâm nhập mặn và hạn hán sẽ vô vùng khốc liệt trong 2 tháng tiếp theo ngay cả khi ĐBSCL đón những cơn mưa trái mùa vào tháng 4. Lý do là lượng nước lâu nay dùng để canh tác và sinh hoạt ở ĐBSCL chủ yếu là nước thượng nguồn về theo các nhánh sông. Nước mưa tại đồng bằng sẽ không được giữ lại ở đồng bằng vì không có hồ chứa nên mưa bao nhiêu sẽ chảy hết ra biển bấy nhiêu. Đất đang khô, háo nước nên mưa không đủ ngấm vào đất thì làm gì đủ cho tích trữ.

    Số liệu mà tôi có hiện nay cho thấy khoảng 83.300 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt. 39.000ha lúa vụ 3 đang chết khô và con số này sẽ gia tăng hơn nữa trong vòng một tháng tới đây.

    Tại Tiền Giang, người dân đang phải mua nước với giá 300.000VND một m3 nước ngọt để tưới sầu riêng. Phía Tây Nam Bộ, giá nước ngọt đang là 150.000-200.000VND một m3. Lưu ý đây là nước ngọt chứ không phải nước tinh khiết để uống được liền. Nước này có thể là nước sông và cũng có thể là nước máy. Tại Cà Mau, hàng trăm điểm sạt lở và sụt lún xảy ra trong vòng một tháng qua phá hủy nhà dân và nhiều công trình hạ tầng giao thông. Ở hầu hết các địa phương không còn khả năng khai thác nước ngầm vì mạch nước ngầm đã tụt sâu do khai thác quá mức.

    “Khóc một dòng sông…”

    Nguyên nhân gốc rễ

    Siêu đập thủy điện thượng nguồn

    Trong vòng 7 năm qua, đã có 7 siêu dự án thủy điện chặn dòng chính Mekong được vận hành và đưa vào sử dụng trong đó có 6 dự án dòng chính ở Trung Quốc và 1 dự án dòng chính trên đất Lào. Tháng 7/2019, Thủy điện siêu lớn Xayaburi âm thầm đi vào hoạt động mà không thông báo cho các nước thành viên của Ủy hội Mekong. Ngay thời điểm đó, tôi đã dự báo về một đợt hạn khốc liệt ở ĐBSCL vì nhận thấy lượng mưa về sườn Tây Trường Sơn ít hơn 60% trung bình các năm.

    Ngày 20/2/2020, tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao Mekong – Lan Thương, ngoại trưởng Trung Quốc đã tuyên bố sẽ xả nước giúp các quốc gia láng giềng chống hạn. Đừng mơ và đừng nghe lời hứa hão của Trung Quốc. Mà ngay cả Trung Quốc có xả đập thì nước cũng không về đến hạ lưu ĐBSCL bởi đập thủy điện Xayaburi bên Lào đã chặn lại rồi. Nếu có chút nước nào xuống thì người Thái cũng chờ sẵn để họ lấy nước vào sông Loei trong chiến lược của siêu dự án 75 tỷ USD Kong-Loei-Chi-Mun của họ. Vậy nên tôi dự báo là đến hết tháng 5 chưa chắc đã hết hạn, mặn.

    Hạn và mặn chỉ có thể giảm nếu mùa mưa đến sớm ở miền Trung và với điều kiện mưa nhiều ở Tây Trường Sơn.

    Đóng cống ngăn mặn làm tụt mực nước ngầm (đây là nhận định của cá nhân tôi, chưa có nghiên cứu cụ thể để chứng minh)

    Khi ĐBSCL bắt đầu bị hạn mặn vào đầu tháng 12 thì phản ứng tự nhiên của Việt Nam đó là chặn nước biển vào sông. Việc này là phản ứng bình thường vì nếu không đóng cống sẽ có nguy cơ không gieo cấy được lúa vụ 3 ở hầu hết các tỉnh. Không những thế, mặn có thể xâm nhập sâu và các nhà máy nước sinh hoạt có thể không lấy được nước để cấp nước cho các đô thị.

    Tuy nhiên, việc không cho nước biển vào kết hợp với nước nguồn không về khiến cho mực nước ở các lòng sông hạ thấp kỷ lục. Khi nước ở các lòng sông hạ thấp thì nước ngầm ở các vườn cây ăn trái, ở kênh mương nội đồng sẽ bị tụt theo. Đây là cơ chế bình thường trong tự nhiên khi nước luôn lắng xuống chỗ trũng. Nếu chỗ trũng đầy nước nó sẽ dâng lên chỗ cao dù chỗ cao là nước hay là đất.

    Như vậy có thể thấy, việc đóng cống ngăn mặn có thể bước đầu giữ được lượng nước ngọt ít ỏi từ thượng nguồn về. Nhưng về lâu dài, cụ thể là đến thời điểm này trở đi, việc đóng cống ngăn mặn không giải quyết được vấn đề nữa vì có còn nước ngọt đâu mà giữ. Nếu giữ thì có thể ngăn nó không lên cao quá Cần Thơ ảnh hưởng nước sinh hoạt đô thị và diện tích lúa vụ 3 của các tỉnh ở giữa đồng bằng.

    Sóc Trăng cạn nguồn nước ngọt, Long An xin đặt 16 cửa cống ngăn mặn

    Khai thác nước ngầm quá mức

    Tôi nhiều lần nói về việc này ở nhiều hội nghị khoa học bằng các số liệu thống kê về số lượng các nhà máy cấp nước nông thôn (có đến 90% lấy nước ngầm để cấp nước ở các huyện ven đô tp Cần Thơ (1), và gần như 80% các hộ dân có giếng nước ngầm tại nhà. Ở các tỉnh cuối nguồn tình trạng khai thác nước ngầm dữ dội hơn nữa. Việc lấy nước ngầm để sinh hoạt và tưới tiêu vô cùng nguy hiểm và nghiêm trọng cho hiện tại và tương lai vì nó làm sụt lún đất và nước mặn vào sâu thêm. Nhưng giờ muộn rồi. ĐBSCL đang chìm dần. Tôi đã có nhận định về điều này và trả lời một tạp chí nước ngoài từ năm 2018 (2). Đến năm 2019, Đại học Utreck của Hà Lan, sau đó là tạp chí nổi tiếng Nature đưa ra nghiên cứu chỉ ra rằng ĐBSCL sẽ biến mất trong vòng 100 năm nữa nếu kịch bản khai thác nước ngầm như hiện tại và nước biển tiếp tục dâng do biến đổi khí hậu.

    Chuyên gia cảnh báo ĐBSCL chỉ cao hơn mực nước biển 0,8m

    Tưới tràn

    Hầu hết hệ thống canh tác nông nghiệp ở ĐBSCL đang áp dụng phương pháp tưới tràn. Cách tưới này phù hợp với bối cảnh xưa khi các đập thủy điện thượng nguồn chưa có. Nhưng giờ đây cách này là cách phí phạm nguồn nước nhất.

    Canh tác lúa vụ 3

    Khi nguồn nước có hạn, cơ quan hoạch định chính sách về điều tiết nước cần phải xác định dùng nước ưu tiên cho các ngành và lĩnh vực phù hợp để không bị ‘’chết chùm’’ cùng nhau. Theo tôi, mức độ ưu tiên cho cấp nước cần tính đến số dân số bị tác động đầu tiên và ưu tiên nước sinh hoạt đầu tiên. Sau đó là ưu tiên cho gia súc, gia cầm, sản xuất công nghiệp nhẹ và đến nông nghiệp. Việc trồng lúa vụ 3 đã ngốn một lượng nước khổng lồ của các ngành khác khiến giờ đây lúa cũng không cứu được, cây ăn trái cũng không cứu được và người dân thiếu nước sinh hoạt.

    Ô nhiễm các dòng sông

    Nhiều nhánh sông ở ĐBSCL vẫn còn nước ngọt nhưng đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khu công nghiệp đẩy hết chất thải xuống sông và vì thế nước có còn cũng không dùng được nữa.

    (Còn nữa)

    Nguyễn Ngọc Huy (Chuyên gia Biến đổi khí hậu)

    P/S: Chiều nay tôi giật mình khi thấy tin người dân ĐBSCL cào lớp đất phù sa đi để bán (3). Tôi thấy buồn và lo lắng vô cùng. Đang rất bận nhưng tôi vẫn cố gắng viết nhanh về vấn đề chống hạn ở đồng bằng. Định viết một bài nhưng thông tin nhiều quá nên tôi sẽ viết thành 2 bài. Bài sau sẽ phân tích về giải pháp.

    -------------
    Chú thích:


    (Blog Nguyễn Ngọc Huy)

    Không có nhận xét nào