Header Ads

  • Breaking News

    Lê Viết Thọ - Virus corona: 'VN không xét nghiệm đại trà, nên số ca nhiễm thấp có thể hiểu được'

    Ý kiến giải thích vì sao tỉ lệ nhiễm Covid-19 ở Việt Nam thấp; trong tình hình hiện nay, cách chống dịch của Việt Nam cần thay đổi gì
    Lê Viết Thọ - Virus corona: 'VN không xét nghiệm đại trà, nên số ca nhiễm thấp có thể hiểu được'   
    Giữa lúc tình hình phòng dịch corona virus đang căng như dây đàn, những thông tin khác nhau về các biện pháp phòng chống dịch đang được các nước áp dụng lại càng gây tranh cãi.

    Có tin rằng ở châu Âu, nhất là Anh đang phòng chống dịch theo hướng tiến đến miễn dịch cộng đồng bằng chủ động cho dịch lây lan.

    Tuy nhiên, mới đây, Bộ trưởng Y tế Anh lại nói 'miễn dịch cộng đồng không phải là mục tiêu hay chính sách của chúng tôi'.

    Và nước Anh cũng đã công bố nhiều biện pháp nghiêm ngặt để phòng ngừa dịch.

    Như một ván bài?

    Miễn dịch cộng đồng là gì? Tại sao ý tưởng này lại bị nhiều nhà khoa học phản đối?

    Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales, Úc) trao đổi với BBC News Tiếng Việt sáng 17/3 rằng, khái niệm miễn dịch cộng đồng ('community immunity' hay 'herd immunity') thường được đề cập trong tình huống can thiệp dịch bệnh bằng vaccine.

    "Ý tưởng là nếu một cộng đồng bị nhiễm virus, thì cách can thiệp đơn giản nhứt là xây dựng một cộng đồng có khả năng miễn dịch để giảm lây lan sang người khác. Cách xây dựng hệ thống miễn dịch mạnh là tiêm chủng vaccine cho một số người trong cộng đồng, và do đó có kháng thể (antibodies) để chống trả virus và bacteria, thì sự lây lan của dịch bệnh sẽ được hạn chế. Nói cách khác, người được tiêm chủng ngừa gián tiếp bảo vệ người chưa/không được tiêm chủng".

    "Điều này cũng có nghĩa là tỉ lệ tiêm chủng càng cao thì nguy cơ lây lan trong cộng đồng càng thấp, và dịch sẽ được dập tắt. Đây là nguyên lý chánh của khái niệm miễn dịch cộng đồng".



    Tuy nhiên, Giáo sư Tuấn cho hay rằng, ý tưởng miễn dịch cộng đồng được nhà chức trách Anh nghĩ đến như một chiến lược để làm giảm dịch Vũ Hán (Covid-19) và lý luận đằng sau chiến lược này không liên quan đến vaccine, mà liên quan đến thực tế sinh học.

    Ông giải thích:

    "Thực tế sinh học là khi một người bị nhiễm virus, và sau khi hồi phục thì cơ thể người đó sẽ có khả năng chống lại virus, không bị nhiễm nữa. Quy luật này được phát hiện từ thế kỉ 18 bên Anh, nhưng có lẽ một hoàng đế Trung Hoa đã phát hiện ra quy luận này trước từ giữa thế kỷ 17 khi ông bị bệnh đậu mùa. Do đó, một số nhà chức trách và khoa học Anh nghĩ rằng nếu để cho một phần dân số nhiễm SARS-cov-2 thì nhóm này sẽ tạo ra một hệ miễn nhiễm đủ mạnh để đẩy lùi dịch".

    "Nhưng có bao nhiêu người 'cần' được nhiễm tùy thuộc vào hệ số lây lan. Với hệ số lây lan hiện nay là 2, họ ước tính rằng khoảng 60% dân số Anh cần được nhiễm SARS-cov-2 để đủ lực miễn dịch".

    "Cách suy nghĩ và chiến lược của nhà chức trách Anh rất... táo bạo. Nhưng suy nghĩ này có vài vấn đề về giả định. Giả định quan trọng nhứt là người bị nhiễm sẽ có hệ miễn dịch tốt hơn chống chọi lại với virus. Nhưng sự thật thì đây là virus mới, nên chưa ai biết mô típ lây nhiễm của chúng, và trong thực tế thì đã có bệnh nhân hồi phục nhưng lại tái nhiễm".

    "Giả định thứ hai là chờ cho đến khi có vaccine mới để xây dựng hệ miễn dịch cho cộng đồng, nhưng phải chờ đến 6 tháng hay 1 năm. Và trong lúc đó thì số ca bệnh sẽ gây áp lực lớn đến hệ thống y tế. Chỉ cần 5% (trong số 60% nhiễm) phải nhập viện thì hệ thống y tế Anh Quốc sẽ lâm vào khủng hoảng. Do đó, chiến lược miễn dịch cộng đồng này giống như một ván bài".

    "Đó chính là lý do mà nhiều nhà khoa học Anh và ngoài Anh phản đối. Rất may là nhà chức trách Anh và chánh phủ Anh đã lắng nghe giới khoa học, nên họ đã đính chánh rằng đây chỉ là một ý tưởng khoa học chớ không phải là chánh sách của họ".

    Nếu áp dụng, VN sẽ có cả trăm ngàn người tử vong?

    Cũng liên quan đến miễn dịch cộng đồng, có chuyên gia ước lượng với truyền thông Việt Nam rằng: 'Nếu chọn cách miễn dịch cộng đồng, Việt Nam sẽ có ít nhất 126.000 người tử vong'.

    Bình luận về ý kiến này, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, "Tôi nghĩ chắc chắn Việt Nam sẽ không áp dụng chiến lược miễn dịch cộng đồng, vì ngay từ đầu, khi dịch bộc phát bên Tàu, đã có chiến lược can thiệp rồi. Do đó, chúng ta bàn về chuyện này ở đây chỉ là lí thuyết có phần giả tưởng thôi".

    "Con số 126.000 tử vong thì tôi không rõ dựa vào cơ sở khoa học nào, vì nguy cơ nhiễm và tử vong tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như mức độ lây lan, cơ cấu dân số theo độ tuổi, khả năng của hệ thống y tế, v.v".

    "Cách tính của tôi cho thấy kết quả rất khác với con số đó. Qua kinh nghiệm ở Vũ Hán, chúng ta biết rằng phân bố của số ca nhiễm dao động lớn giữa các độ tuổi, với người cao tuổi có nguy cơ cao hơn người trẻ tuổi; chúng ta cũng biết rằng nguy cơ tử vong tăng theo độ tuổi".

    "Tôi sử dụng dữ liệu của Vũ Hán và tạo ra hai phân bố như trình bày qua Biểu đồ 1".
     
    Image caption Số ca nhiễm SARS-cov-2 phân bố theo độ tuổi (bên trái, đường màu xanh), và nguy cơ tử vong tính theo xác suất (bên phải, màu đỏ)

    Biểu đồ 1 cho thấy, đa số (72%) những ca bị nhiễm tuổi từ 40 trở lên. Nguy cơ tử vong tăng nhanh theo độ tuổi. Đa số (92%) những ca tử vong tuổi từ 50 trở lên và thường có những bệnh đi kèm như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, ung thư, và viêm phổi mãn tính. Dữ liệu được mô phỏng từ \.

    Theo Giáo sư Tuấn, với phân bố về số ca nhiễm và xác suất tử vong, có thể ước tính hậu quả của chiến lược miễn dịch cộng đồng nếu Việt Nam theo đuổi theo ba tình huống: tình huống thứ nhứt là mức độ lây lan thấp (ví dụ như hệ số lây lan 1.4, theo ước tính của WHO), và tình huống thứ hai là hệ số lây lan cao như 2.0, và tình huống thứ ba là khi hệ số lây lan lên đến 2.5 (số liệu của WHO).

    Mỗi tình huống sẽ có những con số tử vong và số nhiễm khác nhau.

    Cụ thể, Giáo sư Tuấn phân tích:

    "Tình huống thứ nhứt: với dân số có nguy cơ lây nhiễm 95 triệu (dân số ước tính năm 2020 là 97 triệu), Việt Nam sẽ có chừng 27.1 triệu người bị nhiễm để xây dựng miễn dịch quần thể. Chúng ta có thể thấy phân bố số ca nhiễm theo độ tuổi như biểu đồ 2, với đa số trên 40 tuổi. Nguy cơ tử vong tùy thuộc vào độ tuổi, với người cao tuổi có nguy cơ tử vong cao hơn người trẻ tuổi. Giả định rằng hệ thống y tế Việt Nam tốt hơn Tàu và do đó tỉ lệ tử vong chỉ bằng 20% tỉ lệ tử vong quan sát bên Vũ Hán, thì có thể ước tính rằng có đến 102.300 ca tử vong".

    "Tình huống thứ hai: với hệ số lây lan là 2.0, sẽ có 47.5 triệu người bị nhiễm virus mới. Với giả định về cơ cấu dân số, phân bố số ca theo độ tuổi như tình huống 1, cùng tỉ lệ tử vong như tình huống 1, thì số ca tử vong có thể ước tính lên đến 179.300".

    "Tình huống thứ ba: với hệ số lây lan là 2.5, sẽ có 57 triệu người bị nhiễm virus mới. Và, với những giả định trên, có thể ước tính số số ca tử vong là 215.100 người".

    Theo Giáo sư Tuấn, qua mô hình trên, chúng ta có thể thấy nếu chiến lược miễn dịch cộng đồng được triển khai và nếu giả định rằng khả năng y tế của Việt Nam tốt hơn Trung Quốc, số ca tử vong vẫn có thể rất cao: từ 102.300 đến 215.100 ca, tuỳ theo tình huống và hệ số lây lan (Biểu đồ 2). Đó là chưa tính đến số ca phải nhập viện, mà theo ước tính của ông là khoảng 5% số ca bị nhiễm.

    "Với 5% ca nhập viện thì hệ thống y tế của Việt Nam sẽ rất khó mà đáp ứng được. Do đó, tôi nghĩ Việt Nam sẽ không bao giờ - và cũng không nên - theo đuổi chiến lược miễn dịch cộng đồng"- ông Tuấn nói.


    Còn quá sớm để đánh giá hiệu quả chiến lược của VN

    Được hỏi về đánh giá cá nhân của ông về thực tế xử lý dịch COVID-19 của Việt Nam thời gian qua, Giáo sư Tuấn nói rằng, do ông không có mặt ở trong nước, cũng chẳng có trải nghiệm thực tế ở trong nước, nên ông không thể nói gì cụ thể.

    Tuy nhiên, ông cho rằng, "Số ca nhiễm được báo cáo từ Việt Nam thì đúng là có quan điểm cho rằng thấp. Nhưng số ca nhiễm tùy thuộc vào số người được xét nghiệm. Kinh nghiệm bên Hàn Quốc cho thấy xét nghiệm càng nhiều thì số ca nhiễm cũng càng nhiều. Việt Nam không theo đuổi chánh sách xét nghiệm đại trà, nên số ca nhiễm thấp cũng có thể hiểu được".

    So sánh cách chống dịch của Việt Nam và Trung Quốc, Giáo sư Tuấn cho rằng: "Cách chống dịch ở Việt Nam có vẻ giống với Trung Quốc, nhưng không hà khắc như Trung Quốc. Việt Nam cũng cho xây dựng bệnh viện dã chiến, cũng tầm soát ca có nguy cơ cao, và có cách li tại gia. Nhưng Việt Nam không hạn chế làn sóng du khách từ Trung Quốc".

    "Vì số ca nhiễm còn quá ít và chưa có tử vong, nên còn quá sớm để đánh giá chiến lược của Việt Nam thành công cỡ nào", Giáo sư Tuấn nói.

    Phòng chống dịch giai đoạn 2 cần thay đổi gì?

    Trả lời câu hỏi về việc, trước tình hình số ca nhiễm ở Việt Nam đang tăng nhanh, phương án chống dịch của Việt Nam cần thay đổi gì? Giáo sư Tuấn cho rằng, tuy số ca nhiễm ở Việt Nam có tăng trong thời gian gần đây, nhưng nhà chức trách Việt Nam cũng 'tích cực' tầm soát và cách li những người có nguy cơ cao.

    Tuy nhiên, ông cho rằng Việt Nam cân thúc đẩy mạnh hơn các biện pháp như hạn chế du khách vào Việt Nam, hay cho phép vào, nhưng phải áp dụng biện pháp cách li tại gia 2 tuần; ứng dụng công nghệ thông tin, như qua điện thoại di động, để thông báo những địa điểm có dịch đến từng người trong cộng đồng; và quan trọng nhứt là nên xét nghiệm ở qui mô cộng đồng.

    Ông nói: "Nếu tôi là nhà chức trách Việt Nam, tôi sẽ chọn ngẫu nhiên một số địa điểm, lấy mẫu ngẫu nhiên theo độ tuổi, và làm xét nghiệm trên những người đó để tìm kháng thể liên quan đến SARS-Cov-2".

    "Kinh nghiệm từ Đức, Ý, và Hàn Quốc cho thấy, có những ca nhiễm tồn tại trong cộng đồng có liên quan một cách tiềm ẩn chưa được phát hiện, và những ca này có thể chẳng liên quan gì với những người đã bị nhiễm. Qua cách xét nghiệm ngẫu nhiên này, nhà chức trách sẽ dễ phát hiện thêm những ổ nhiễm mới và can thiệp kịp thời".

    Bên cạnh đó, theo Giáo sư Tuấn, chống dịch là quan trọng, nhưng bảo vệ nhân phẩm cho bệnh nhân cũng là yếu tố quan trọng. "'Bảo vệ nhân phẩm' ở đây tôi muốn nói về bảo mật danh tánh cho bệnh nhân, tránh những xỉ vả gián tiếp hay trực tiếp gây ấn tượng bệnh nhân như là thủ phạm gây nhiễm".

    BBC News

    Không có nhận xét nào