Header Ads

  • Breaking News

    Không có ca nhiễm mới: Vì sao bác sĩ tuyến đầu ở Hà Nam lao lực qua đời?

    Dịch bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’ vẫn đang bùng phát ở Trung Quốc, rất nhiều nhân viên y tế tuyến đầu cũng đã nhiễm bệnh và không qua khỏi. Mới đây, một bác sĩ ở huyện Bảo Phong, tỉnh Hà Nam đã chết sau 39 ngày làm việc liên tục. Đáng chú ý là các kênh truyền thông chính thức lại đưa “tin tốt” là huyện Bảo Phong suốt 24 ngày qua không có thêm ca nhiễm mới hay nghi ngờ nhiễm bệnh nào. Có không ít người đã phải đặt câu hỏi, vì sao bác sĩ ở Bảo Phong lại lao lực mà qua đời?
    Vì sao bác sĩ tuyến đầu ở Hà Nam lao lực qua đời?
    CCTV đưa tin, khoảng 4 giờ sáng ngày 28/2, ông Viên Dương Dương, Phó trưởng nhóm chuyên gia điều trị y tế cho bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’ tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc huyện Bảo Phong, bị ngưng tim đột ngột và đã qua đời dù được đội ngũ y tế tận tình cứu chữa.

    Nhân viên y tế tại bệnh viện cho biết, ông Viên Dương Dương trước đó đã phải làm việc 39 ngày liên tục, ở nhà còn có 2 con nhỏ, và các vấn đề liên quan đến hậu sự của ông hiện vẫn đang trong quá trình giải quyết.

    Cùng ngày, Thepaper.cn đưa tin, bác sĩ Chung Tiến Hạnh, Phó Giám đốc một bệnh viện ở Hạ Châu tỉnh Quảng Tây, sau 33 ngày liên tục làm việc ở tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’, đã qua đời vì lao lực vào ngày 28/2. Bác sĩ Chung Tiến Hạnh mới 32 tuổi, đã kết hôn và có một cô con gái 6 tuổi.


    Về vấn đề các bác sĩ phải làm việc liên tiếp và qua đời vì lao lực, ông Ngô Tộ Lai, một học giả tại Mỹ đã bình luận trên Twitter: “Số lượng bệnh nhân chẩn đoán nhiễm bệnh và điều trị hẳn phải rất lớn. Mà đây chỉ là một huyện Bảo Phong của tỉnh Hà Nam.”

    Một số cư dân mạng cũng đặt câu hỏi: “Hà Nam chỉ có hơn 1.200 bệnh nhân chẩn đoán nhiễm virus. Tại sao khối lượng công việc của các bác sĩ lại nhiều như vậy?” “Tại sao bác sĩ phải làm việc liên tục thời gian dài như vậy?”

    Điều đáng nói là, Nhân dân Nhật báo hôm 29/2 lại đưa tin, huyện Bảo Phong tỉnh Hà Nam là một trong những khu vực có nhiều “tin tốt”. Bài báo cho biết, vào ngày 28/2, Bộ Chỉ huy Phòng ngừa Dịch bệnh huyện Bảo Phong, tỉnh Hà Nam công bố: “Tính đến hôm nay, trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh duy nhất của huyện đã hồi phục và được xuất viện. Điều này có nghĩa là, trên cơ sở không có ca chẩn đoán nhiễm bệnh mới nào trong suốt 24 ngày liên tiếp, huyện Bảo Phong đã làm được ‘ba xóa sổ’, tức là trường hợp chẩn đoán nhiễm bệnh đã được chữa khỏi, tất cả các trường hợp nghi ngờ nhiễm mới đều không còn, và tất cả những tiếp xúc mật thiết (bao gồm cả nhân viên y tế) đều đã được loại trừ.”

    Vậy mà, Phó trưởng nhóm chuyên gia điều trị y tế cho bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’ tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc huyện Bảo Phong, ông Viên Dương Dương lại phải lao lực quá sức suốt 39 ngày liên tiếp và qua đời. Điều này hoàn toàn trái với những gì mà truyền thông Trung Quốc tuyên truyền. Thêm nữa, sau khi ông Viên Dương Dương qua đời 2 ngày, tin tức về cái chết của ông mới được công bố.

    Tại Trung Quốc, hiện rất nhiều nhân viên y tế tuyến đầu đã bị nhiễm dịch bệnh và không ít người đã qua đời. Mới đây, hôm 1/3, Bệnh viện Trung ương Vũ Hán thông báo, ông Giang Học Khánh, Trưởng khoa phẫu thuật tuyến giáp và vú tại bệnh viện, đã qua đời ở tuổi 55 do nhiễm COVID-19 vào sáng sớm ngày 1/3 tại Bệnh viện Phổi Vũ Hán. Trước đó, bác sĩ Lý Văn Lượng – “người thổi còi” cho dịch bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’, cũng công tác tại bệnh viện này.

    Bạn học của ông Giang Học Khánh đã đăng lên Weibo rằng, bác sĩ Giang chẩn đoán nhiễm ‘viêm phổi Vũ Hán’ vào khoảng ngày 17/1 và đã nhập viện cùng ngày hôm đó.

    Minh Ngọc

    Không có nhận xét nào