Các sự kiện như đại dịch COVID-19, vụ
sụp đổ thị trường nhà ở tại Mỹ năm 2007-2009 và các cuộc tấn công khủng
bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 thường được gọi là sự kiện “thiên nga đen”.
Thuật ngữ này có nghĩa là không ai có thể đoán trước chúng sẽ xảy ra.
Nhưng,
trên thực tế, những sự kiện này đều liên quan đến những ẩn số đã biết
(known unknowns), hơn là những gì cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Donald
Rumsfeld từng gọi là “ẩn số chưa biết” (unknown unknowns).
Rốt
cuộc, trong mỗi trường hợp, các nhà phân tích am hiểu đều biết được
không chỉ điều đó có thể xảy ra, mà còn cả khả năng nó sẽ xảy ra trên
thực tế nữa. Mặc dù tính chất và thời điểm chính xác của những sự kiện
này không thể dự đoán được với độ chính xác cao, nhưng mức độ nghiêm
trọng của hậu quả là có thể đoán được. Nếu các nhà hoạch định chính sách
đã xem xét các rủi ro và thực hiện các bước phòng ngừa trước, họ có thể
đã ngăn chặn hoặc giảm nhẹ được thiệt hại do thảm họa.
Trong
trường hợp COVID-19, các nhà dịch tễ học và các chuyên gia y tế khác đã
cảnh báo về sự nguy hiểm của một đại dịch virus trong nhiều thập kỷ
qua, bao gồm gần đây nhất là năm ngoái. Nhưng điều đó đã không ngăn được
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng là “không
lường trước được”, rằng đó là “một vấn đề mà không ai từng nghĩ sẽ là
vấn đề”. Tương tự như vậy, sau các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm
2001, Tổng thống George W. Bush đã khẳng định sai rằng, “ít nhất, không
có ai trong chính phủ của chúng tôi, và tôi không nghĩ rằng cả chính phủ
tiền nhiệm, có thể hình dung được việc máy bay đâm vào các tòa nhà với
một quy mô lớn như vậy.”
Trước
những tuyên bố như vậy, người ta thường dễ quy kết những thảm họa này
chỉ là do sự bất tài của chính phủ điều hành. Nhưng lỗi của các lãnh đạo
phía trên khó có thể là một lời giải thích đẩy đủ, nếu ta thấy rằng thị
trường tài chính và công chúng nói chung cũng thường bị bất ngờ. Thị
trường chứng khoán đã đạt mức đỉnh lịch sử ngay trước cuộc khủng hoảng
tài chính 2008, và một lần nữa trước vụ sụp đổ mới nhất bắt đầu vào cuối
tháng Hai năm nay. Trong cả hai trường hợp, có rất nhiều rủi ro có thể
thấy trước mà đáng lẽ ra đã phải làm giảm sự hưng phấn vô lý đó.
Trong
cả hai lần, các nhà đầu tư không chỉ theo dõi các dự báo cơ bản quá lạc
quan. Họ còn gần như không nhìn thấy rủi ro nào. VIX – thước đo mức độ
biến động của thị trường tài chính (đôi khi được gọi là chỉ số sợ hãi) –
ở gần mức thấp kỷ lục trước cả hai năm 2007-2009 và 2020.
Một
số yếu tố giúp giải thích tại sao các sự kiện cực đoan thường khiến
chúng ta bất ngờ. Thứ nhất, ngay cả các chuyên gia kỹ thuật cũng có thể
không nhìn thấy bức tranh lớn nếu họ không phân tích đủ dữ liệu. Đôi khi
họ chỉ nhìn vào các tập dữ liệu gần đây, cho rằng trong một thế giới
thay đổi nhanh chóng, các sự kiện từ 100 năm trước là không liên quan.
Người Mỹ thường có một yếu tố gây hạn chế tầm nhìn khác: tập trung quá
mức vào Hoa Kỳ. Không quan tâm đến phần còn lại của thế giới là một
trong những rủi ro của chủ nghĩa biệt lệ Mỹ.
Ví
dụ, vào năm 2006, các chuyên gia tài chính đã định giá chứng khoán có
thế chấp bảo đảm ở Mỹ chủ yếu dựa vào lịch sử giá nhà ở gần đây của Mỹ,
về cơ bản cho rằng giá nhà đất không bao giờ giảm theo giá trị danh
nghĩa. Nhưng quy tắc đó chỉ đơn thuần phản ánh thực tế rằng chính các
nhà phân tích chưa bao giờ chứng kiến giá nhà đất danh nghĩa giảm
trong đời họ. Giá nhà đất thực sự đã giảm ở Mỹ vào những năm 1930 và ở
Nhật Bản lần gần đây là vào những năm 1990. Nhưng những giai đoạn đó
không trùng khớp với kinh nghiệm sống của các nhà phân tích tài chính ở
Hoa Kỳ.
Nếu
các nhà phân tích đó tham khảo một bộ dữ liệu lớn hơn, các ước tính
thống kê của họ sẽ cho phép xác suất giá nhà đất cuối cùng sẽ giảm và do
đó các chứng khoán có thế chấp bảo đảm cũng sẽ sụp đổ theo. Các nhà
phân tích tài chính chỉ phân tích dữ liệu nước họ và trong một khoảng
thời gian hạn chế thì cũng giống như các nhà triết học người Anh ở thế
kỷ 19 đã kết luận từ quan sát cá nhân rằng tất cả thiên nga đều màu
trắng. Họ chưa bao giờ đến Úc, nơi người ta phát hiện ra những con thiên
nga đen từ một thế kỷ trước, và họ cũng không tham khảo ý kiến các nhà
điểu học.
Hơn
nữa, ngay cả khi các chuyên gia đúng, thì các lãnh đạo chính trị vẫn
thường không nghe lời họ. Ở đây, vấn đề là các hệ thống chính trị có xu
hướng không phản ứng trước các cảnh báo mà ước tính khả năng xảy ra thảm
họa ở mức thấp chỉ khoảng 5% mỗi năm, ngay cả khi thiệt hại nếu bỏ qua
xác suất như vậy là rất lớn. Các chuyên gia cảnh báo về một đại dịch
nghiêm trọng đã đánh giá đúng rủi ro. Tương tự là Bill Gates cũng như
nhiều nhà quan sát sắc sảo khác làm việc trong các lĩnh vực từ sức khỏe
cộng đồng tới kinh doanh điện ảnh. Nhưng chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã
không chuẩn bị cho điều đó.
Tồi
tệ hơn, năm 2018, chính quyền Trump đã giải tán bộ phận thuộc Hội đồng
An ninh Quốc gia do Tổng thống Barack Obama thành lập để đối phó với
nguy cơ dịch bệnh; và chính quyền này cũng thường xuyên cố gắng cắt giảm
ngân sách dành cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh và các
cơ quan y tế công cộng khác. Không có gì đáng ngạc nhiên khi khả năng xử
lý đại dịch của Mỹ – như tỉ lệ xét nghiệm thấp và thiếu hụt trầm trọng
các trang thiết bị y tế quan trọng – đã thua xa các nền kinh tế tiên
tiến khác, không chỉ Singapore và Hàn Quốc.
Nhưng,
ngoài việc làm giảm khả năng ứng phó đại dịch của Mỹ, Nhà Trắng đơn
giản là không có kế hoạch nào, cũng như không nhận ra rằng họ cần một kế
hoạch ngay cả sau khi rõ ràng là sự bùng phát virus ở Trung Quốc sẽ lan
rộng ra toàn cầu. Thay vào đó, chính quyền đã thiếu quyết đoán và đổ
lỗi cho người khác, không chịu tăng cường năng lực xét nghiệm, và do đó
khiến cho số lượng các trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận thấp một cách
giả tạo, có lẽ là nhằm hỗ trợ giá cổ phiếu.
Còn
đối với tuyên bố của Trump rằng “Không ai từng nhìn thấy bất cứ điều gì
như thế trước đây”, người ta chỉ cần nhìn lại bốn năm trước khi dịch
Ebola giết chết 11.000 người. Nhưng họ ở rất xa, tận Tây Phi. Đại dịch
cúm 1918-19 đã giết chết 675.000 người Mỹ (cùng với khoảng 50 triệu
người trên toàn thế giới), nhưng đó là 100 năm trước.
Rõ
ràng, các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta chỉ bị ấn tượng khi một
thảm họa giết chết một số lượng lớn công dân trong chính đất nước họ và
trong ký ức gần đây mà họ còn nhớ. Nếu bạn chưa bao giờ tận mắt nhìn
thấy một con thiên nga đen, chúng chắc chắn không tồn tại.
Thế
giới hiện đang phải trả một mức học phí quá đắt cho các bài học về đại
dịch. Chúng ta chỉ biết hy vọng rằng thiệt hại nhân mạng không quá cao –
và người ta sẽ học được những bài học phù hợp.
Nguồn: Jeffrey Frankel, “Foreseeable Unforeseeables”, Project Syndicate, 27/03/2020.
Biên dịch: Trần Hùng
*
Jeffrey Frankel, giáo sư Trường Quản lý Nhà nước Kennedy thuộc Đại học
Harvard, nguyên là thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống
Bill Clinton. Ông điều hành Chương trình Tài chính Quốc tế và Kinh tế Vĩ
mô tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ, nơi ông là thành
viên của Ủy ban Xác định Chu kỳ Kinh tế, cơ quan chính thức của Hoa Kỳ
chuyên xác định thời điểm suy thoái và phục hồi của nền kinh tế.
(Nghiên cứu Quốc tế)
Không có nhận xét nào