“Toang rồi, toang rồi mọi người ạ!”.
Sáng dậy cầm điện thoại đọc tin tức trên facebook, tôi bắt gặp không
dưới 30 cái status tương tự như thế này và hàng chục cái khác nguyền rủa
cô gái vừa bị phát hiện COVID-19 dương tính tối hôm qua.
Ý thức rõ ràng về trách nhiệm cộng đồng sẽ giúp bạn bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trong việc ngừa dịch. (Ảnh minh họa/MIA Studio/Shutterstock) |
Lướt
qua các comment bên dưới thì phần lớn là kiểu tát nước theo mưa theo
chiều hướng tăng dần lên. Từ một cái status “toang rồi” sẽ dễ dàng thấy
rất nhiều comment kiểu: “Hà Nội thất thủ thật rồi!”, “Trận đại dịch/thảm
họa/đào thải chính thức bắt đầu” ra vẻ ta đây là người hiểu biết.
Dưới
một cái status chửi rủa là hàng loạt các comment chửi rủa miệt thị nặng
nề hơn hoặc mỉa mai cay độc. Tâm thức bầy đàn của con người thật đáng
sợ, nó lây lan cũng nhanh không kém những con virus COVID-19.
Cô
gái đó dĩ nhiên là có lỗi vì ý thức kém và sự ích kỷ của mình. Tôi
không bênh vực nhưng cũng sẽ không tiếp tục đào sâu vào chửi rủa cô gái
này. Điều tôi muốn nói là đây là dịp tất cả những người Việt Nam chúng
ta không kể vùng miền, không kể tầng lớp hay quan điểm chính trị, hãy
suy nghĩ nghiêm túc về ý thức cộng đồng và tinh thần trách nhiệm của
chúng ta thay vì khi có chuyện lại quay ra chửi nhưng không ai thấy rằng
mình cũng góp phần trong đó.
Ai
cũng biết rằng điều nguy hiểm nhất của COVID-19 là tốc độ lây lan kinh
khủng của nó. Nhưng trên trang facebook cá nhân của bạn bè, tôi vẫn thấy
nhiều người up ảnh đi ăn đi nhậu, quàng vai bá cổ hát karaoke mặc dù
chỉ vài tiếng trước họ còn chia sẻ những đường link cập nhật tình hình
COVID-19. Tôi biết có những người bạn của tôi mặc dù làm việc ở những
lĩnh vực dễ lây nhiễm nhưng vẫn vô tư tới nhà người khác ăn uống cụng ly
bất chấp an nguy của cả gia đình người bạn. Một số bạn trẻ vẫn chụp
hình check in ở những chỗ đông người trà sữa cà phê cười tươi như hoa.
Một số bạn lợi dụng hàng không giảm giá kịch sàn để mua vé máy bay đi du
hí trong thời gian được nghỉ học. Tôi đã unfriend rất nhiểu người trong
số đó vì họ là những kẻ vô ý thức và ích kỷ.
Từ
Tết tới giờ gia đình tôi chủ trương “nội bất xuất, ngoại bất nhập” hạn
chế tất cả những việc thăm hỏi, gặp gỡ hoặc ra ngoài không cần thiết.
Nhiều công việc của tôi bị đình trệ, thu nhập của hai vợ chồng bị ảnh
hưởng nhưng chúng tôi bảo nhau cố gắng vượt qua giai đoạn này vì chúng
tôi hiểu sức khỏe là quan trọng nhất. Ở nhà còn mẹ già, con nhỏ, không
chỉ có một mình bản thân mình. Nhiều lúc muốn chở nhau đi ăn uống gì đó
nhưng vẫn phải kìm chế lại không đi. Ngay cả ăn sáng cũng tự ở nhà nấu
ăn, không ăn hàng quán bên ngoài. Thậm chí những chuyện giỗ chạp, sinh
nhật, thôi nôi, đầy tháng, đám cưới của bạn bè người thân chúng tôi đều
báo trước là không đến dự và chấp nhận nếu bị hiểu lầm hoặc giận. Nhưng
thỉnh thoảng có việc phải ra đường tôi vẫn bắt gặp những gia đình ăn
uống giỗ chạp sinh nhật cưới hỏi bày bàn tràn ra cả đường đi. Họ vẫn nói
cười rôm rả, cụng ly côm cốp, gắp mời nhau con tôm miếng thịt để thể
hiện tình thân ái.
Tôi
đặt ra một giả thuyết rằng nếu những người đó bị nhiễm COVID-19, sẽ có
bao nhiêu người sẽ mua thuốc về nhà tự uống thay vì đi khám hay chịu tự
nguyện cách ly? Sẽ có bao nhiêu người trong số họ do không chịu được
buồn chán lại tiếp tục gọi điện rủ bạn bè nhậu hoặc cà phê cà pháo? Sẽ
có bao nhiêu người trong số họ vì tình nghĩa hay nể nang hoặc chỉ đơn
giản là ham vui mà tiếp tục đi ăn cưới, ăn giỗ, ăn tân gia, ăn đầy
tháng, thôi nôi, sinh nhật, đi họp mặt hội này hội nọ? Nếu bạn tự cảm
thấy mình nằm trong số những người như thế này làm ơn bớt đi những lời
nguyền rủa cô gái kia vì bạn cũng như thế. Chúa Jesus đã từng nói với
đám đông điên cuồng chuẩn bị ném đá tới chết người đàn bà bị kết tội
ngoại tình rằng: “Nếu các người từ trước tới giờ chưa làm điều gì sai
trái thì hãy ném đá vào người đàn bà này!”
Tôi
muốn những người đọc status này của tôi nghiêm khắc hơn với bản thân
mình chứ không phải chỉ suốt ngày chia sẻ những đường link cập nhật về
dịch COVID-19 hoặc lên tiếng tức giận để chứng tỏ mình là người quan tâm
và hiểu biết nhưng không làm gì để thay đổi thói quen sinh hoạt của
mình. Những điều bạn có thể làm rất đơn giản nhưng chúng thể hiện được ý
chí và bản lĩnh của bạn nhưng quan trọng hơn hết là chúng giúp bạn bảo
vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trong việc chống dịch. Nếu nói về ý
thức xã hội, bạn đang làm tốt trách nhiệm của một công dân tốt. Nếu nói
về tâm linh, bạn đang tạo ra những nghiệp tốt và tích âm đức.
a.
Hạn chế ra đường trừ khi có những việc hết sức cần thiết. Và dĩ nhiên
những việc cần thiết KHÔNG BAO GỒM ăn nhậu, tụ tập, giỗ chạp, sinh nhật.
b. Giữ gìn vệ sinh cho bản thân: hạn chế ăn uống hàng quán, đeo khẩu trang khi ra đường, rửa tay đúng cách ngay khi về nhà.
c. Đi khám ngay nếu có triệu chứng khả nghi. Đừng giấu bệnh.
d. Nếu thực sự cần phải cách ly theo dõi, hãy nghiêm túc thực hiện việc cách ly. Đừng bỏ trốn.
e. Cho con cái nghỉ học ở nhà ngay cả khi có quyết định đi học lại.
f. Đừng vì buồn chán mà hẹn hò rủ rê bạn bè đi ăn chơi nhậu nhẹt. Buồn chán không giết chết bạn, nhưng COVID-19 thì có thể.
g. Người lớn làm ơn đừng ôm hôn nựng nịu các em bé nhất là con của người khác.
h.
Thay vì lên facebook post những status câu like kiểu “toang rồi, thất
thủ rồi” để gây thêm hoang mang, hãy bình tĩnh quan sát và dự trù một
kịch bản cho bản thân và gia đình nếu trường hợp bùng dịch có thể xảy
ra. Đôi khi cần phải im lặng cái mồm để cái đầu có cơ hội hoạt động một
chút.
Sự
vô ý thức và ích kỷ của bạn gây ra hậu quả nghiêm trọng nhiều hơn bạn
nghĩ. Hãy nghĩ tới những người trong gia đình bạn phải chịu nguy hiểm
đến tính mạng vì sự khinh suất và yếu bản lĩnh của bạn. Hãy nghĩ tới bạn
bè hoặc những người tiếp xúc với bạn và gia đình họ. Hãy nghĩ tới việc
những người phụ trách công tác chống dịch hiện tại đang phải tìm cách
xác định, sàng lọc, tiếp cận, cách ly những người đã tiếp xúc với cô gái
nhiễm COVID-19 kia. Đó là một công việc tốn rất nhiều tiền bạc, thời
gian và nhân lực, tốn hao tài nguyên xã hội. Hãy nghĩ tới những người
sống trong xóm hoặc chung cư của bạn, cuộc sống của họ sẽ bị xáo trộn
như thế nào nếu khu của bạn bị cách ly vì bạn. Hãy nghĩ tới đội ngũ y
bác sĩ Việt Nam sẽ phải lao khổ như thế nào nếu dịch bùng phát. Y tế
Việt Nam không thể nào bằng Vũ Hán hay Hàn Quốc mà các bác sĩ ở đó còn
có người nhiễm bệnh, có người kiệt sức mà chết.
Bạn
hiểu tôi muốn nói gì, đúng không? Tôi có bạn bè và học trò làm bác sĩ,
tôi hiểu họ rất cực khổ. Bạn ăn uống bậy bạ ngộ độc thực phẩm, bạn nhậu
nhẹt ẩu đả đâm chém nhau, bạn chạy xe ẩu gây tai nạn, bạn thất tình tự
tử, bạn thiếu ý thức bị bệnh… tất cả họ đều phải gánh cho bạn. Bạn sống
thì không nói, có chuyện gì xảy ra thì cả tổ tông ba đời của bác sĩ chữa
cho bạn sẽ bị lôi ra chửi bới. Tại sao không tìm cách giảm tải cho họ
thay vì chửi bới?
Tôi
hi vọng mọi người nhân dịp này để nâng cao ý thức phòng chống dịch bằng
hành động chứ không phải bằng những status: “Toang rồi, toang rồi”. Nếu
ý thức và cách sinh hoạt của bạn không thay đổi thì có ngày người bị
lôi lên mạng xã hội chửi rủa bằng những ngôn từ nặng nề nhất như cô gái
kia chính là bạn chứ không phải ai khác.
Huỳnh Chí Viễn (Giáo viên, Dịch giả)
(Trí thức VN)
Không có nhận xét nào