Header Ads

  • Breaking News

    Hiếu Chân - Đằng sau vụ “Đức tố cáo Mỹ độc quyền vaccine ngừa COVID-19


    Hôm Chủ nhật 15-03, trên các mạng truyền thông rộ lên nhiều bài viết cáo buộc chính phủ Mỹ âm mưu thâu tóm một hãng dược phẩm Đức để độc quyền loại vaccine ngừa coronavirus mà hãng này sắp sản xuất hàng loạt, thậm chí cáo buộc Mỹ sẽ dùng loại vaccine này riêng cho người Mỹ trong một âm mưu “lố bịch và đáng xấu hổ”. Có người nói tới một màn đấu đá đầy kịch tính giữa hai ông lớn Đức và Mỹ. Sự thật như thế nào?
     Hiếu Chân - Đằng sau vụ “Đức tố cáo Mỹ độc quyền vaccine ngừa COVID-19
     
    Hôm Chủ nhật 15-03, tờ báo Đức Welt am Sonntag tường thuật chính phủ Mỹ muốn giành độc quyền công ty dược CureVac AG của Đức và chuyển hoạt động nghiên cứu phát triển của công ty này sang Hoa Kỳ. Mỹ sẽ độc quyền thị trường vaccine, sản phẩm vaccine mà công ty CureVac sản xuất ra sẽ “chỉ dùng cho nước Mỹ”, tờ báo viết.

    Thông tin của báo Welt am Sonntag đã gây lo ngại và kích hoạt những phản ứng tiêu cực trong chính giới Đức.

    Cơ sở của bản tin có thể là cuộc gặp gỡ giữa CEO của CureVac là ông Daniel Menichella với Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence hồi đầu tháng Ba. Cuộc gặp được thuật lại trên website của CureVac, trong đó ông Menichella nói ông “rất tin rằng chúng tôi sẽ có thể phát triển một ứng viên vaccine mạnh trong vài tháng”. Không rõ trong cuộc gặp ông Trump có đặt vấn đề “thâu tóm” công ty CureVac và yêu cầu sản phẩm vaccine mà hãng này sản xuất “chỉ được dùng cho nước Mỹ” như bài báo của Welt am Sonntag nói hay không.


    Thực tế là chỉ một tuần sau cuộc họp ở tòa Bạch ốc, ông Menichella đột ngột mất chức CEO của công ty CureVac và hôm nay nhiều quan chức Đức lên tiếng tố cáo chính phủ Mỹ âm mưu lôi kéo một công ty dược phẩm địa phương của họ – đang phát triển vaccine ngừa coronavirus – chuyển cơ sở sang Hoa Kỳ; thậm chí cho rằng chính phủ của ông Trump bỏ ra rất nhiều tiền để thâu tóm công ty này.

    Đức lo lắng và phản đối

    Ông Karl Lauterbach, thành viên Quốc hội Đức đại diện đảng Dân chủ Xã hội, tức giận: “Chính phủ Mỹ đã phạm phải một hành động cực kỳ không thân thiện” và cho rằng một loại vaccine phát triển ở Đức nên được dùng cho dân chúng Đức đang trên tuyến đầu chống virus mà không quốc gia nào được độc quyền.

    Một phát ngôn viên Bộ Y tế Đức nói chính phủ đang thương lượng với CureVac AG để ngăn chặn cái mà các quan chức chính phủ ở đây miêu tả là một nỗ lực của Washington thuyết phục công ty chuyển sang Mỹ.

    Trong một chương trình talk-show trên truyền hình sáng Chủ nhật, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết công ty đã từ chối lời chào mua – và nếu công ty không từ chối thì chính phủ Đức sẽ can thiệp để ngăn chặn. “Nước Đức không phải để bán, và khi liên quan tới các cơ sở hạ tầng quan trọng, tới các lợi ích quốc gia và lợi ích của châu Âu thì chúng tôi sẽ hành động”.




    Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức, ông Horst Seehofer nói ngày mai thứ Hai 16-03, đội đặc nhiệm về chống dịch COVID-19 của chính phủ Đức sẽ họp và thảo luận về cái gọi là cố gắng của Mỹ giành độc quyền các loại vaccine ngừa coronavirus do một công ty Đức phát triển. Cuộc họp sẽ có đại diện của bộ y tế và văn phòng của Thủ tướng Angela Merkel. Khi được yêu cầu bình luận về thông tin chính phủ Mỹ muốn giành độc quyền các loại vaccine do công ty dược CureVac sản xuất, ông Seehofer nói: “Tôi chỉ có thể nói rằng tôi có nghe hôm nay từ một số thành viên chính phủ rằng có chuyện đó và chúng tôi sẽ thảo luận trong buổi họp đội đặc nhiệm ngày mai”.

    Mỹ: “tin đồn không đúng sự thật”

    Trong khi đó, công ty CureVac – người trong cuộc – đưa ra thông báo báo chí phản bác thông tin của các quan chức nêu trên, họ khẳng định công ty vẫn cam kết phát triển một loại vaccine ngừa coronavirus để “giúp và bảo vệ bệnh nhân khắp thế giới.” CureVac nói công ty có quan hệ với nhiều tổ chức và chính phủ khắp thế giới và “từ chối bình luận về các tin đồn, phản đối mọi cáo buộc liên quan tới đề nghị thâu tóm công ty hoặc công nghệ của công ty.”

    Về phần mình, Đại sứ Hoa Kỳ tại Đức kiêm quyền giám đốc tình báo quốc gia, ông Richard Grenell, viết trên Twitter rằng bài báo của Welt am Sonntag là “không đúng sự thật”.

    Có một sự thật là Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mong muốn sớm có một loại vaccine ngừa coronavirus, càng sớm càng tốt và không nên trễ hơn ngày bầu cử tổng thống Mỹ 05-11 sắp tới. Vì nhu cầu này, hồi đầu tháng 03-2020, tòa Bạch ốc đã triệu tập một hội nghị giữa Tổng thống Mỹ với các cơ quan y tế liên bang và các hãng dược phẩm hàng đầu thế giới để bàn về vaccine ngừa coronavirus. CureVac là một trong những hãng dược phẩm có đại diện tham dự hội nghị này.


    Một quan chức Tòa Bạch ốc tiết lộ với báo Wall Street Journal rằng chính phủ Hoa Kỳ “đã nói chuyện với hơn 25 công ty dược phẩm có thể hỗ trợ sản xuất vaccine. Đa số các công ty này đều đã nhận vốn đầu tư từ các nhà đầu tư Mỹ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận với bất kỳ công ty nào có khả năng hỗ trợ. Và mọi giải pháp tìm ra được sẽ được chia sẻ với thế giới”.

    Công nghệ của CureVac có đi trước một bước?

    CureVac là một công ty dược phẩm có trụ sở tại Tübingen, miền Nam nước Đức, và có chi nhánh tại Boston, Massachusettes chứ không hoàn toàn vắng bóng tại Mỹ như ý kiến của các quan chức Đức. Công ty cũng có mối quan hệ đối tác chiến lược với nhiều công ty và tổ chức khác của Mỹ như trường Y khoa Đại học Harvard, Đại học Yale, tập đoàn dược Eli Lily, cũng như với viện nghiên cứu Paul Ehrlich Institute của chính phủ Đức.

    CureVac nhận tài trợ từ Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation và nhiều nhà đầu tư khác để phát triển một loại vaccine ngừa coronavirus. Hồi tháng 01-2020, CureVac đã nhận được 8,3 triệu USD từ tổ chức phi lợi nhuận CEPI của Na Uy để nghiên cứu vaccine ngừa coronavirus sau khi đã nhận được 34 triệu USD năm ngoái từ CEPI để phát triển công nghệ sản xuất vaccine – sử dụng một loại vật liệu di truyền có tên gọi là mRNA. Loại vaccine mRNA được thiết kế để kích thích các tế bào của cơ thể người sản sinh ra các protein hình gai giống với gai của coronavirus nhưng không gây hại mà chỉ kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể, phòng vệ sự xâm nhập của virus.

    Một số chuyên gia y tế cho rằng công nghệ vaccine mới này là công nghệ lý tưởng để ứng phó với các bệnh truyền nhiễm có độ lây lan nhanh vì vaccine có thể được thiết kế và sản xuất nhanh hơn rất nhiều so với công nghệ nuôi cấy truyền thống. Tuy nhiên, công nghệ này chưa được kiểm chứng đầy đủ trong thực tế, bởi vì chưa có loại vaccine “mRNA” nào được cấp phép sử dụng trên cơ thể người.


    Nhưng công nghệ vaccine mRNA không phải là độc quyền của công ty CureVac mà do các nhà khoa học Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu Vaccine (VRC) phát triển dưới sự tài trợ của Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) nhằm tìm kiếm một phương pháp tối ưu đẩy nhanh tiến độ và phát triển vaccine ngừa các bệnh truyền nhiễm. VRC đã hợp tác với rất nhiều cơ sở nghiên cứu và công ty dược phẩm tư nhân để hoàn chỉnh công nghệ này. CureVac là một trong những công ty nghiên cứu công nghệ mRNA trong mối quan hệ đối tác chiến lược với các tổ chức đại học Mỹ nói trên.

    Tại khu vực Boston – nơi CureVac có chi nhánh nghiên cứu, công ty Moderna Inc. đã hoàn chỉnh công nghệ mRNA và đã cho ra đời lô vaccine ngừa coronavirus đầu tiên từ giữa tháng 02-2020, đã chuyển giao cho NIH để thử nghiệm lâm sàng. Theo tin mới nhất của Reuters ngày hôm nay Chủ nhật, lô vaccine mRNA ngừa coronavirus đầu tiên của công ty Moderna sẽ bắt đầu được thử nghiệm trên các tình nguyện viên khu vực thành phố Seattle, bang Washington từ ngày mai, thứ Hai 16-03-2020. Nếu đúng như vậy thì công ty Moderna đã đi trước một bước so với CureVac trong công nghệ vaccine mRNA cũng như trong việc nghiên cứu sản xuất vaccine ngừa coronavirus chủng mới.

    Trong bối cảnh đó, thật khó hiểu là chính phủ Hoa Kỳ lại nhắm “thâu tóm” CureVac trong khi trong tay đã có sẵn công nghệ vaccine mRNA do NIH đầu tư cho các nhà khoa học Mỹ phát triển nhiều năm nay.

    Chính phủ không làm thay thị trường

    Thêm vào đó, theo thông lệ chính phủ Hoa Kỳ hầu như không trực tiếp đứng ra mua bán một doanh nghiệp nào mà đó là công việc của thị trường, của các nhà đầu tư tư nhân. Việc mua bán, sáp nhập, thâu tóm giữa các doanh nghiệp nhiều khi đòi hỏi phải có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ để tránh độc quyền hoặc vì an ninh quốc gia nhưng vẫn là việc của doanh nghiệp, do doanh nghiệp quyết định theo chiến lược kinh doanh của họ mà chính phủ không can thiệp được.

    Đây không phải là công ty châu Âu duy nhất được Hoa Kỳ quan tâm trong thời kỳ bùng phát dịch Vũ Hán. Trước tình hình thiếu hụt bộ dụng cụ xét nghiệm virus (test kit), một đối tác của chính phủ Mỹ là công ty Thermo Fisher Scientific có trụ sở tại Massachusettes đã mua lại công ty về xét nghiệm Qiagen của Hà Lan với giá 11,5 tỷ USD. Qiagen có trụ sở chính tại Đức, đã phát triển một bộ test kit để phát hiện coronavirus cho ra kết quả trong vòng một tiếng đồng hồ. Thermo Fisher nhận hợp đồng cung cấp test kit cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh C.D.C. – một cơ quan chính phủ – nhưng bản thân công ty không phải là cơ quan chính phủ mà là doanh nghiệp tư nhân hoạt động theo cơ chế thị trường.

    Sài Gòn Nhỏ

    Không có nhận xét nào