Mấy ngày qua xuất hiện một số ý kiến ủng quyết định ngày 23/3/2020 của Thủ tướng về việc dừng xuất khẩu gạo, và phản đối kiến nghị ngày 24/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc tiếp tục thực hiện xuất khẩu gạo.
Hà Phan - Phan Bình : Dừng hay không dừng xuất khẩu gạo? |
Hôm nay, bên cạnh mấy ý kiến phân tích rằng dừng xuất khẩu gạo là không hợp lý hoặc không cần thiết, còn có cả ý kiến phê phán về việc tư vấn bất nhất của Bộ Công thương.
Chúng tôi không rõ trên thực tế việc Thủ tướng quyết định dừng xuất khẩu gạo có xuất phát từ đề nghị của Bộ Công thương hay không (mặc dù báo chí đã đăng tin như vậy). Nhưng, kể cả trong trường hợp ấy, thì người đáng phê phán nhất chính là bản thân Thủ tướng. Vì sao?
Ra quyết định vào ngày 23/3/2020, mà có hiệu lực dừng xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 24/3/2020 (tức là sau chưa đầy 1 ngày). Thử hỏi, ai có thể trở tay kịp?
Ra một quyết định như vậy, mà không quan tâm đến những người phải chịu thiệt hại bởi quyết định. Không hiểu Thông báo số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 có đề cập đến biện pháp cụ thể nào không, nhưng trên báo chí thì không thấy biện pháp nào được đưa ra để bù đắp thiệt hại. Thiệt hại không chỉ là những doanh nghiệp xuất khẩu gạo, mà cả hàng triệu nông dân lam lũ. Ai sẽ đứng ra trả khoản tiền bồi thường cho phía nước ngoài do phá vỡ hợp đồng xuất khẩu? Ai sẽ đứng ra trả những khoản nợ mà nông dân đã vay để sản xuất vụ lúa vừa qua? Và ai sẽ nuôi những người nông dân bán thóc không đủ tiền trả nợ?
Nếu cùng với quyết định dừng xuất khẩu gạo, Thủ tướng đồng thời quyết định Chính phủ đứng ra mua số gạo dự định xuất khẩu, hoặc chi một khoản kinh phí tương ứng, để bù đắp thiệt hại cho những người chịu thiệt hại, thì đi một lẽ. Đằng này, Thủ tướng không nghĩ rằng Chính phủ phải có trách nhiệm như vậy. Đó là hạn chế của bản thân Thủ tướng, không thể đổ tội cho Bộ trưởng Bộ Công thương! Đó cũng là một ví dụ điển hình về hạn chế của chế độ độc tài, khi ra quyết định thì nặng về thể hiện quyền lực, hơn là cân nhắc toàn diện về ảnh hưởng tới muôn dân. Nhân danh vì an ninh lương thực, nhưng có lẽ quan tâm nhiều hơn tới an ninh chính trị. Nhân danh quyền lợi muôn dân, nhưng lại phớt lờ quyền lợi hàng triệu nông dân nghèo khổ.
Đối với Trung Quốc, nếu không mua gạo của Việt Nam thì họ sẽ mua gạo của nước khác. Việt Nam không cản trở nổi Trung Quốc mua gạo, mà chỉ đánh mất thị trường và mất tín nhiệm trong quan hệ thương mại quốc tế. Nhưng đối với nông dân Việt Nam, nếu Chính phủ quyết định dừng xuất khẩu gạo, mà không có đền bù thiệt hại, thì họ không có lối thoát.
Nhân tiện, xin viết thêm một điều. Cho đến nay, Chính phủ đã rất thành công trong việc ngăn chặn dịch. Nhưng khi đăng bài ca ngợi về thành công của Chính phủ, thì nên lưu ý rằng: Chính phủ mới thể hiện vai trò lãnh đạo về mặt hành chính, y tế, an ninh và quân đội; còn về mặt kinh tế, tài chính thì hình như chưa đưa ra biện pháp nào, ngoài biện pháp dừng xuất khẩu gạo.
Bauxite Việt Nam
***
Tôi không bàn đến việc dừng hay tiếp tục xuất khẩu gạo vì không phải chuyên môn, chưa đủ số liệu và nhiều thông tin trái ngược chưa thể kiểm chứng. Nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên và lo sợ cách điều hành, tham mưu "giật cục" của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Kiểu "sáng đúng, chiều sai đến mai lại đúng" không chỉ khiến dư luận đặt dấu hỏi về năng lực của người đứng đầu Bộ quan trọng nhất của nền kinh tế nước nhà mà văn bản xin tạm dừng lệnh dừng chiều qua của ông ta còn khiến người ta nghi ngờ về những quyết sách của lãnh đạo cấp cao!
Trong cuộc họp CP hôm 23/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đề xuất việc tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, mục đích của việc tạm dừng xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước.
Đề xuất này là một trong những lý do chính để Chính phủ ra lệnh dừng xuất khẩu gạo. Cấp dưới đang chuẩn bị thực thi ngay ngày hôm sau nhưng rồi cũng chính Bộ trưởng Tuấn Anh ký tiếp một văn bản đề nghị tạm dừng lệnh dừng này " Sau khi tiếp nhận phản ánh của một số DN"!
Người ta đang tự hỏi khi tham mưu cho Thủ tướng kí chỉ thị dừng xuất khẩu thì ông BT căn cứ vào đâu, dựa vào những số liệu nào và tiếp nhận phản ánh của ai? Và đó cũng là câu hỏi cho văn bản xin tạm dừng lệnh dừng.
Nếu có thì tại sao lại thay đổi 180 độ trong vòng 24 tiếng đồng hồ và số liệu ấy có có đáng tin cậy? Tại sao lại không có những chứng cứ, dữ liệu thuyết phục kèm theo để thuyết phục dự luận và cấp trên? Còn không thì cực kì nguy hiểm vì kiểu điều hành cảm tính này.
Nguy hiểm hơn nữa khi một số người ca ngợi ông BT sáng suốt khi " sửa sai" quyết định họ cho là vội vàng của Thủ tướng mà cố tình quên rằng quyết định ấy cũng xuất phát từ ông Tuấn Anh. Họ còn lập lờ đánh lận con đen khi viết rằng Bộ Tài chính và Bộ Công thương đá nhau mà cố tình ém nhẹm mọi thứ đều do Bộ Công thương nay dừng mai xin thôi chứ Bộ Tài chính chỉ quản lý phần Hải quan theo lệnh Chính phủ!
Là "tư lệnh" Bộ quan trọng nhất của kinh tế VN, dân chúng có quyền lo sợ với cách điều hành, tham mưu và tư vấn để ra những quyết sách ảnh hưởng đến hàng chục triệu nông dân, hàng ngàn DN và tác động mạnh đến xã hội của BT Tuấn Anh. Ai sẽ tin tưởng làm ăn, kinh doanh, sản xuất với ông BT nay thế này mai thế khác mà những cú xoay ấy có khi khiến người ta táng gia bại sản, hàng vạn gia đình lao đao?
Trung Quốc đẩy mạnh thu mua gạo và nếu có dừng mặt hàng này chỉ là bề nổi, cái mà nhiều chuyên gia lo ngại nhất là họ chuyển sang mua lúa nếu gạo bị cấm xuất mà quên ngừng xuất lúa!
Tôi không muốn tin những suy diễn ai đó lobby bỏ lệnh dừng xuất khẩu gạo vì không thể chấp nhận trong lúc nước sôi lửa bỏng này lại thò ra bàn tay lợi ích nhóm. Tôi chỉ muốn làm rõ tại sao một BT lại hấp tấp, vội vàng như thế trong lúc nhân dân cần niềm tin vào lãnh đạo cao cấp như thế này?
FB Hà Phan
Đây là tranh cãi vừa bùng lên hai ngày qua, sự việc càng xôn xao khi Thủ tướng chỉ đạo dừng xuất khẩu gạo ngày 23/3, các cơ quan ra văn bản hỏa tốc thực thi ngay ngày hôm sau 24/3 thì chiều cùng ngày Bộ Công thương xin dừng lệnh tạm dừng!
Trong cuộc họp với Chính phủ ngày 23/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đề xuất về việc tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5-2020. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, mục đích của việc tạm dừng xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước.
Rồi cũng chính ông, sau khi lệnh tạm dừng được ban hành thì chiều 24/3 lại kiến nghị Thủ tướng cho phép hoãn áp dụng dừng xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 24/3, như đề nghị của Bộ này trước đó.
Lý do được Bộ Công thương đưa ra là “sau khi tiếp nhận phản ánh của một số doanh nghiệp” kinh doanh, xuất khẩu gạo và “để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký, cũng như hàng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp”.
Trong tình hình cấp bách hiện nay, việc thay đổi chính sách và quyết định nên được xem là bình thường nếu phục vụ cho lợi ích chung. Nhưng việc đó cần căn cứ trên những số liệu, dữ liệu cụ thể, chuẩn xác và tham khảo từ nhiều nguồn.
Nếu như đảm bảo được an ninh lương thực, lúa gạo đã dự trữ đủ cho tình huống xấu nhất của dịch bệnh, hạn mặn kéo dài thì việc cho xuất để đảm bảo lợi ích cho bà con, đỡ thiệt hại cho doanh nghiệp cần được ủng hộ và thực hiện ngay.
Còn ngược lại cũng phải xem xét thấu đáo dựa trên những mục đích lâu dài, lợi ích sống còn của đất nước và gần trăm triệu dân để có quyết sách đúng đắn với tầm nhìn xa hơn. Bài học khẩu trang và nhất là than đá xuất thoải mái hiện vật vã nhập lại giá cao vẫn còn đấy.
Không mấy ai phản đối xuất gạo nếu lợi ích chung nhiều hơn thiệt hại đơn lẻ, cũng chẳng ai muốn bà con nông dân thất bát vì được mùa mất giá hay lúa gạo khó tìm đường ra. Nhưng cân nhắc giữa cái chung và được mất của số đông, tôi tin Chính phủ sẽ không để người dân của mình, nhất là nông dân 'một nắng hai sương', quanh năm vất vả phải chịu đắng nuốt cay.
Dư luận đang tự hỏi khi tham mưu cho Thủ tướng kí chỉ thị dừng xuất khẩu thì Bộ Công thương căn cứ vào đâu, dựa vào những số liệu nào và tiếp nhận phản ánh của ai? Và đó cũng là câu hỏi cho văn bản xin tạm dừng lệnh dừng.
Nếu có thì tại sao lại thay đổi 180 độ trong vòng 24 tiếng đồng hồ và số liệu, dẫn chứng ấy có có đáng tin cậy? Nếu có đầy đủ những trả lời, lập luận và lý lẽ thì dừng xuất khẩu hay tiếp tục xuất sẽ dễ được dư luận, ủng hộ và bớt nghi ngại những quyết sách.
Họ cũng sẽ thôi hoang mang vì những câu chuyện “sáng đúng, chiều mai đến mai lại đúng” của những nơi cần quyết đoán với cơ sở vững chắc chứ không làm gì từ cảm tính.
Phan Bình
Không có nhận xét nào