Header Ads

  • Breaking News

    Freeman Dyson, nhà khai sáng


    Freeman Dyson đã qua đời ngày 28/2, hưởng thọ 96 tuổi. Ông là một nhà vật lý lượng tử xuất sắc, một Aufklärer, một humanist, và một universal thinker (1). Tiếc rằng cho đến nay đọc giả VN hãy còn biết quá ít về ông, tuy ông có hàng loạt sách về khoa học rất hay và phong phú, đượm tinh thần nhân văn, triết học, nhận thức luận và khai phá (xin xem danh sách trên Wikipedia).
    Dyson 2008. Nguồn: Tania/Contrasto, via Redux/ NYT

    Xin có đôi lời ngắn ngủi về ông.

    Đọc Freeman Dyson giống như "bước vào một căn phòng sáng", hay bước chân lên một miền đất mới đầy hoa thơm cỏ lạ. Vâng, những nhà khoa học có tầm cỡ uyên bác như Dyson quả là hiếm trên cõi đời này, như một người bạn tôi nhận xét. Ông là một người say mê về tri thức, luôn luôn khai phá những cái mới, nhưng cũng không thiếu những ưu tư về tôn giáo, môi trường, tương lai của nhân loại và hành tinh chúng ta. Ông không thuộc một hệ tư tưởng nào cố định. Ông là "maverick genius" - "thiên tài không quy ước", như tên một quyển sách tiểu sử viết về ông. Đôi khi ông bước qua vùng thực tại, quy ước, làm cho người ta cảm thấy ông là một "dị giáo". Dyson không những là nhà khoa học mà còn là nhà văn hoá lớn của thế kỷ 20.

    Freeman Dyson tại Viện nghiên cứu cao cấp
    Princeton năm 1972.
    Nguồn: William E. Sauro/The New York Times

    Dưới đây xin có vài trích dẫn:

    Là con người, chúng ta đang mò mẫm tìm kiếm tri thức và hiểu biết về vũ trụ kỳ lạ mà chúng ta được sinh ra trong đó. Chúng ta có nhiều cách hiểu, trong đó khoa học chỉ là một cách. Các quá trình suy nghĩ của chúng ta chỉ một phần dựa trên logic, và được đan xen chặt chẽ với cảm xúc, mong muốn và các tương tác xã hội. Chúng ta không thể sống như những người thông minh bị cô lập, mà chỉ có thể là những thành viên của một cộng đồng làm việc. […] Tôn giáo là một cụm các công cụ khác, cho chúng ta những gợi ý về một vũ trụ tâm linh vượt qua khỏi vũ trụ vật chất.


    Trong một bài viết có tiêu đề “The Scientist as Rebel” – Nhà khoa học như Kẻ nổi loạn (2) - ông có nhiều nhận xét thú vị:

    Đối với thế hệ các nhà khoa học Nhật Bản đầu tiên vào thế kỷ XIX, khoa học là một cuộc nổi loạn chống lại văn hóa phong kiến truyền thống của họ. Đối với các nhà vật lý vĩ đại của Ấn Độ trong thế kỷ này (20), Raman, Bose và Saha, khoa học là một cuộc nổi loạn kép, lần đầu tiên chống lại sự thống trị của người Anh và lần thứ hai chống lại đạo đức chết người của chủ nghĩa Hindu. Và ở phương Tây cũng vậy, các nhà khoa học vĩ đại từ Galileo đến Einstein đã từng là những kẻ nổi loạn.

    [...]

    Từ những điều này và nhiều ví dụ khác, chúng ta thấy rằng khoa học không bị chi phối bởi các quy tắc của triết học phương Tây hay phương pháp luận phương Tây. Khoa học là một liên minh của những cái đầu tự do trong tất cả các nền văn hóa để nổi loạn chống lại sự chuyên chế địa phương mà mỗi nền văn hóa áp đặt lên con cái của nó. Trong chừng mực tôi là một nhà khoa học, tầm nhìn của tôi về vũ trụ không phải là chủ nghĩa giản lược hay phản giản lược. Tôi không sử dụng các chủ nghĩa phương Tây bất kỳ loại nào. Tôi cảm thấy mình là một lữ khách trong cuộc "Hành trình bao la" của nhà cổ sinh vật học Loren Eiseley, một hành trình dài hơn nhiều so với lịch sử của các quốc gia và các loại triết học, thậm chí còn dài hơn cả lịch sử của loài người chúng ta.

    Một vài năm trước, một cuộc triển lãm nghệ thuật hang động Thời đồ đá cổ đã được đưa đến Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở New York. Đó là một cơ hội tuyệt vời để nhìn thấy tại một nơi các hình chạm khắc bằng đá và xương thường được lưu giữ trong một tá bảo tàng viện riêng biệt ở Pháp. Hầu hết các chạm khắc đã được thực hiện ở Pháp khoảng 14.000 năm trước, trong một thời gian ngắn thăng hoa của sáng tạo nghệ thuật vào cuối kỷ băng hà cuối cùng. Vẻ đẹp và sự tinh tế của các chạm khắc là phi thường. Những người chạm khắc những đồ vật này không thể là những thợ săn bình thường đang giải trí trước đám lửa trong hang động. Họ phải là những nghệ nhân được đào tạo và duy trì bởi một nền văn hóa cao.

    Và điều ngạc nhiên lớn nhất, khi bạn nhìn thấy những đồ vật này lần đầu tiên, là thực tế rằng văn hóa của họ không phải là phương Tây. Chúng hoàn toàn không giống với nghệ thuật nguyên thủy phát sinh 10.000 năm sau ở Mesopotamia và Ai Cập và Crete. Nếu tôi không biết rằng nghệ thuật hang động cổ đã được tìm thấy ở Pháp, tôi sẽ đoán rằng nó đến từ Nhật Bản. Phong cách này ngày nay trông giống Nhật Bản hơn châu Âu. Triển lãm đó đã cho chúng ta thấy một cách sinh động rằng qua các giai đoạn 10.000 năm, sự khác biệt giữa văn hóa phương Tây và phương Đông và châu Phi mất đi hết ý nghĩa. Trong khoảng thời gian 100.000 năm, tất cả chúng ta đều là người châu Phi. Và trong khoảng thời gian 300 triệu năm, tất cả chúng ta đều là động vật lưỡng cư, lạch bạch bước ra khỏi các ao hồ khô cạn để lên các vùng đất xa lạ và thù địch.


    Trong bài “A New Newton" (Một Newton Mới), có đoạn Dyson kể lại một tư liệu quan trọng về Newton mà Sarah Jones Nelson, đồng nghiệp của ông ở Princeton, tìm thấy tại một kho tư liệu của College Magdalen, Oxford. Tư liệu này có ý nghĩa thú vị. Ông viết:

    Dường như vào thời điểm đó Newton đang tìm kiếm một nền tảng chung cho định luật vật lý và định luật đạo đức, xem cả hai loại định luật là biểu hiện của cùng một trí tuệ siêu phàm. [...] Theo Sarah Jones Nelson, bản thảo Magdalen chứa đựng những ý tưởng liên quan đến lý thuyết đạo đức và pháp lý về sự bất tuân dân sự, điều xuất hiện trở lại trong Second Treatise of Government của Locke. Chuyên luận của Locke, được xuất bản năm 1690, là một trong những văn bản kinh điển của luật hiến pháp. Ở đây chúng ta thấy rằng người đàn ông kia đã trở thành, theo cách nói của Keynes, "Hiền nhân và Quân vương của thời đại lý tính ... Sir Isaac thế kỷ thứ mười tám, rất xa với pháp sư nhí sinh ra vào nửa đầu thế kỷ XVII", cũng là một trong những kiến trúc sư của tự do dân sự của chúng ta. Và đối với Newton, cuộc đấu tranh cho tự do chính trị không bao giờ tách rời khỏi cuộc đấu tranh cho một sự hiểu biết đích thực về Thiên Chúa.

    Thế kỷ 17 (từ 16 lận) xuất hiện hai dòng tư duy có tính phương pháp luận ảnh hưởng lớn lên sự phát triển của khoa học – cho đến ngày hôm nay:

    Vào đầu thế kỷ XVII, hai nhà triết học vĩ đại là Francis Bacon ở Anh và René Descartes ở Pháp tuyên bố khoa học hiện đại đã ra đời. Bacon và Descartes có tầm nhìn rất khác nhau về cách khoa học nên được theo đuổi. Theo Bacon, các nhà khoa học nên thử nghiệm một cách tự do và thu thập các dữ liệu về mọi thứ trên thế giới, cho đến thời điểm chín mùi, việc tích lũy các sự kiện sẽ làm rõ nét cách vận hành của tự nhiên. Từ kho lưu trữ các dữ kiện tích lũy, các nhà khoa học sẽ tạo ra các quy luật tự nhiên.

    Theo Descartes, các nhà khoa học nên suy luận quy luật tự nhiên bằng lý tính thuần túy, bắt đầu từ các tiên đề của toán học và kiến thức của chúng ta về sự tồn tại của Thiên Chúa. Các thí nghiệm chỉ cần được thực hiện để xác minh rằng suy luận logic của các quy luật tự nhiên là chính xác. Trong thế kỷ XVII, khoa học ở Anh có xu hướng đi theo con đường Bacon, với Royal Society ở London thu thập dữ liệu về mọi thứ, từ bê hai đầu đến mưa bão của ếch và cá. Khoa học ở Pháp đi theo con đường Cartesian, và bị chi phối bởi lý thuyết các vùng xoáy (vortices) của Descartes. Các vùng xoáy Cartesian được cho là lấp đầy không gian trên Trái đất và trên trời, đẩy các thiên thể dọc theo quỹ đạo của chúng trên bầu trời. Vào thời điểm Newton thực hiện những khám phá của mình, những người hàn lâm của Anh chủ yếu làm khoa học theo kiểu thực nghiệm của Bacon, nhưng hầu hết họ tin vào lý thuyết vùng xoáy của Descartes vì đó là lý thuyết duy nhất có sẵn.

    Bản thân Newton là một người theo chủ nghĩa Descartes, đạt được những hiểu biết sâu sắc về bản chất của sự vật bằng tư duy thuần túy như Descartes dự kiến. Khi viết Principia, ông đã viết nó theo phong cách Cartesian, nêu rõ kết luận của mình dưới dạng các mệnh đề và định lý, và sử dụng các phương pháp hình học thuần túy để chứng minh chúng. Nhưng không giống như Descartes, bản thân ông là một người thí nghiệm và hiểu tầm quan trọng của các thí nghiệm chính xác để kiểm tra các lý thuyết. Vì vậy, ở Principia, ông đã thành công rực rỡ trong việc sử dụng phương pháp Cartesian để phá hủy lý thuyết Cartesian. Trong hai tập đầu tiên, ông đã xây dựng một tòa nhà lớn về toán học, mạch lạc hơn bất cứ thứ gì Descartes đã có thể cung cấp, và sau đó trong tập thứ ba, ông đã thực hiện cuộc đảo chính, chứng minh với một sự phong phú của các dữ kiện quan sát rằng tự nhiên đã khiêu vũ theo giai điệu của ông. Ngay sau khi Principia được xuất bản và lưu hành rộng rãi, các vùng xoáy Cartesian đã chết.

    Trong một Chuyên luận (Essay) có tiêu đề “Technology and Social Justice” (Công nghệ và Công bằng xã hội), Dyson viết:

    Trong những câu chuyện mà tôi đã kể trong chương này, công nghệ đến đầu tiên và đạo đức đến thứ hai. Tôi đã mô tả các quá trình lịch sử trong đó những thay đổi công nghệ diễn ra đầu tiên, và sau đó là sự gia tăng hay suy giảm của công bằng xã hội diễn ra như một hệ quả. Quan điểm về lịch sử này trái ngược với quan điểm được Max Weber đưa ra trong cuốn sách nổi tiếng Đạo đức Tin lành và Tinh thần của chủ nghĩa tư bản. Weber cho rằng Đạo đức Tin lành đến trước, sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản và các công nghệ liên quan đến chủ nghĩa tư bản là diễn ra sau. Quan điểm của Weber đã trở thành quan điểm phổ biến của các nhà sử học hiện đại. Weber nói rằng đạo đức đã thúc đẩy công nghệ. Tôi nói rằng công nghệ thúc đẩy đạo đức.

    Tôi không cố gắng chứng minh Weber là sai. Tầm nhìn lịch sử của ông vẫn còn rất đúng. Đúng là cuộc cách mạng tôn giáo của thế kỷ XVI đã tạo ra một đạo đức của trách nhiệm cá nhân và truy vấn không ngừng nghỉ, một đạo đức khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp tư bản và đổi mới công nghệ. Không phải ngẫu nhiên mà Isaac Newton, kiến trúc sư ưu tú của khoa học hiện đại, cũng là một nhà thần học Tin lành. Ông coi thần học của mình nghiêm túc như khoa học của mình. Không phải ngẫu nhiên mà Vua Henry VIII, người đã mang cuộc cách mạng Tin lành đến Anh, cũng đã ban tặng trường College nơi Newton sống và giảng dạy. Henry và Isaac là những tâm hồn gần gũi nhau, cả hai đều nổi loạn chống lại chính quyền, cả hai đều là kẻ thù của Giáo hoàng, cả hai đều là bạo chúa, cả hai đều là những kẻ siêu ích kỷ, cả hai đều nghi ngờ đến mức hoang tưởng, cả hai đều tin vào đạo đức Tin lành, cả hai đều yêu công nghệ. Henry thích đóng tàu và Isaac thích chế tạo kính viễn vọng. Đúng là đạo đức có thể thúc đẩy công nghệ. Tôi chỉ nói rằng đây không phải là toàn bộ sự thật, rằng công nghệ cũng có thể thúc đẩy đạo đức, rằng chuỗi nhân quả hoạt động theo cả hai hướng. Công nghệ in ấn đã giúp gây nên sự trỗi dậy của đạo đức Tin lành cũng giống như đạo đức Tin lành đã giúp gây nên sự gia tăng của hàng hải và thiên văn học.

    Dyson không phải, ông nói tiếp, là người đầu tiên đưa ra vấn đề này trong ngữ cảnh tác phẩm của Weber. Nhà sử học Richard Tawney, Dyson cho biết, cũng nghiên cứu mối liên hệ hỗ tương giữa tôn giáo và chủ nghĩa tư bản, và đưa ra kết luận tương tự như của ông. Tawney có thái độ tôn trọng cao đối với Weber, và đã đóng góp phần mình vào lời nói đầu cho bản dịch tiếng Anh của Đạo đức Tin lành và Tinh thần của chủ nghĩa tư bản. Và đây là những câu kết luận của Tawney: "Đó là một việc có ích cho nhận thức khi truy tìm, cùng với Weber, ảnh hưởng của các ý tưởng tôn giáo lên sự phát triển kinh tế. Không kém phần quan trọng là việc nắm bắt hiệu quả của sự phát triển kinh tế được thời đại chấp nhận lên quan điểm tôn giáo của thời đại đó." Quan điểm của Tawney là công nghệ ảnh hưởng đến tôn giáo cũng mạnh mẽ như tôn giáo ảnh hưởng đến công nghệ. Dyson viết tiếp:

    Vì quan điểm về lịch sử của tôi gần với Tawney hơn so với Weber, bây giờ tôi đặt câu hỏi: Làm thế nào chúng ta có thể làm cho đạo đức thúc đẩy công nghệ theo cách các hậu quả tai hại được giảm thiểu và những hậu quả tốt được tối đa hóa? Tôi sẽ lập luận rằng chuỗi các mối quan hệ nhân quả, từ đạo đức đến công nghệ và trở lại đạo đức, để ngỏ khả năng làm cho tiến bộ công nghệ và tiến bộ đạo đức đi tay trong tay với nhau. Các công nghệ mới mang đến cho chúng ta những cơ hội thực sự để biến thế giới thành một nơi hạnh phúc hơn.

    Câu cuối cùng của bài Essay dài “Công nghệ và Công bằng xã hội” của Dyson là như sau:

    Đạo đức phải dẫn dắt công nghệ theo hướng công bằng xã hội. Chúng ta hãy giúp thúc đẩy thế giới theo hướng đó hết sức như có thể. Không có gì làm hại khi chúng ta hy vọng.

    Chúng ta cần cả một quyển sách về ông. Thiếu lắm. Tri thức của Dyson là đại dương, có tính khai phóng, và có phong cách. Dyson trích dẫn mẹ ông: “Giáo dục là những gì còn sót lại sau khi bạn quên đi mọi thứ bạn từng học." Cái còn lại đối với ông chính là phong cách - style. Ông đề cập đến các tác giả cổ điển được dạy ở trường, như Tacitus và Horace, nhưng có lẽ đến những nhà tư tưởng ông ngưỡng mộ như Feynman và Stapledon. Ông rất ghét sự cô lập, khao khát không gian rộng lớn:

    Tôi ghét trường College (Winchester, trường công nội trú dành cho thanh niên) vì đã duy trì đặc quyền của giai cấp thống trị. Tôi ghét nó vì nó tách tôi ra khỏi đám đông người Anh bên ngoài những bức tường thiêng liêng. Tôi rời trường năm 1941 với cuộc chiến giữa tình yêu và thù hận chưa được giải quyết. Tôi không phải là một Wykehamist (3) trung thành. Tôi rời Anh và vui mừng nuôi dạy con ở Mỹ, một phần để thoát khỏi cái văn hóa của trường nội trú nơi tôi đã lớn lên. Tôi đã gửi con đến một trường học công lập ở Mỹ và không cần phải suy nghĩ đến việc gửi chúng đến Winchester.

    Điều này cũng đúng chính trong khoa học của ông: Ông hành trình qua cả miền đất khoa học bao la chứ không chịu giới hạn ở bất cứ đâu. Ông có sự khao khát cháy bỏng của tri thức hoàn vũ. Ông là con người của thế giới hoàn vũ.



    Nguyễn Xuân Xanh

    Chú thích :

    (1) Aufklärer : nhà khai sáng (tiếng Đức) ; humanist : nhà nhân bản (tiếng Anh) ; universal thinker : nhà tư tưởng phổ quát (tiếng Anh).

    (2) Trong quyển sách cùng tên, Nxb New York Review Books, 2008, 400 trang.

    (3) Học trò cũ của Winchester College.

    Nguồn: Bài viết trên diễn đàn Edu-Sci của tác giả và bè bạn quan tâm tới khoa học, giáo dục.

    Không có nhận xét nào