Header Ads

  • Breaking News

    Dịch Covid-19: Pháp vất vả chiến đấu với con virus khủng khiếp từ Vũ Hán


    Đôi lời : Kể từ hôm nay 16/03/2020 theo yêu cầu của ban giám đốc, trước nguy cơ con virus Vũ Hán đang lan tràn tại Pháp, Thụy My và nhiều đồng nghiệp sẽ làm việc từ xa. Các bạn sẽ không còn nghe giọng đọc của Thụy My trên đài RFI trong một thời gian nữa…chẳng biết đến chừng nào, hy vọng sẽ không lâu lắm. Tuy nhiên bài vở vẫn có mỗi ngày trên RFI và trên blog, chân thành cảm ơn sự theo dõi và ủng hộ của các bạn. Thân thương
      Dịch Covid-19: Pháp vất vả chiến đấu với con virus khủng khiếp từ Vũ Hán


    Mối đe dọa của đại dịch virus từ Vũ Hán bao trùm lên nước Pháp, khiến các báo Paris dù đã đề cập nhiều góc cạnh trong những tuần lễ qua, hôm nay 16/03/2020, tiếp tục là chủ đề lớn, thậm chí chiếm toàn bộ tờ báo – một sự kiện hiếm thấy.


    Le Figaro đăng ảnh một người đeo khẩu trang trước Khải Hoàn Môn, với hàng tít trang nhất « Virus corona, thử thách lớn lao ». Libération dành 10 trang báo, chạy tựa « Virus corona : Tình trạng vô ý thức ». Đám đông vẫn chen chúc trong các chợ, công viên đầy người dạo chơi… Mặc cho tình trạng trầm trọng hiện nay, người Pháp vẫn không tự hạn chế việc đi lại, và khiến dịch bệnh có nguy cơ tăng theo cấp số nhân.


    La Croix nói về « Một ngày Chủ nhật dưới cái bóng của Covid-19 »: cử tri Pháp được kêu gọi tham gia cuộc bầu cử địa phương, trong bối cảnh siết chặt các biện pháp chống dịch bệnh. Le Monde ra từ cuối tuần trước, nhấn mạnh « Trở thành tâm dịch, châu Âu đóng cửa ». Riêng Les Echos dành toàn bộ 32 trang báo cho nạn dịch virus Vũ Hán. Trang nhất của tờ báo là một bóng đen mang khẩu trang, với dòng tựa « Cuộc chạy đua với thời gian ».


    Đại dịch virus corona tại Pháp đang tăng theo cấp số nhân


    Quỹ đạo theo cấp số nhân của đại dịch chưa có dấu hiệu nào dừng lại. Le Figaro dẫn lời giáo sư Jérôme Salomon, tổng giám đốc phụ trách y tế (thuộc bộ Y Tế), cho biết số ca nhiễm tăng gấp đôi mỗi 72 giờ. Có nghĩa là trong ba ngày tới tại Pháp sẽ có 9.000 ca dương tính, 72.000 ca trong 12 ngày nữa, 144.000 ca trong hai tuần tới - trên đây là các số thống kê dự báo những ca khá nặng, trong đó đa số sẽ có khả năng phải nhập viện cho thở oxy.


    Với tốc độ này, từ 300 ca điều trị tích cực hiện nay sẽ tăng lên 5.000 ca trong hai tuần nữa. Không chỉ những người già mới là nạn nhân, phân nửa số bệnh nhân phải thở máy dưới 60 tuổi. Nếu hiện nay đa số bệnh nhân trẻ tuổi thoát hiểm được là nhờ được giúp thở tại khoa hồi sức trong nhiều ngày.


    Cả nước Pháp chỉ có được 5.000 giường hồi sức, 7.000 giường điều trị tích cực, nhưng đa số đều đã bận. Các bác sĩ bệnh viện Mulhouse báo động tỉ lệ phải nhập viện sau khi khám ở khoa cấp cứu là 40%. Cách đó 40 km, khoa hồi sức của bệnh viện Colmar có 45 giường, hiện toàn bộ là bệnh nhân bị virus corona.


    Nguy cơ « vỡ trận » và vấn đề đạo đức


    Les Echos cho biết các công ty sản xuất thiết bị trợ giúp hô hấp đang chạy hết tốc lực : Dräger, Löwenstein (Đức), Getinge (Thụy Điển), GE Healthcare, Metronic (Mỹ) và Mindray (Trung Quốc). Löwenstein phải tuyển thêm người, hiện công ty cố gắng tránh cho công nhân bị lây nhiễm chéo : ba ê-kíp thay ca không hề gặp nhau.


    Bác sĩ Geffroy-Wernet, chủ tịch nghiệp đoàn bác sĩ gây mê hồi sức giải thích cho La Croix, bệnh nhân bị virus corona phải chữa trị rất lâu, khoảng hai, ba tuần, đôi khi cả tháng. Do đút ống để thở máy, phổi của bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng, nên thời gian trợ giúp hô hấp kéo dài hơn thường lệ. Còn bác sĩ Serge Alfandari, chuyên khoa nhiễm của bệnh viện Tourcoing nhắc nhở, dù có số giường hồi sức gấp đôi Ý, Pháp vẫn có nguy cơ lâm vào cùng một tình trạng như nước láng giềng.


    La Croix đặt ra vấn đề đạo đức trong thời kỳ dịch bệnh virus corona, khi đội ngũ y bác sĩ trong thế lưỡng nan như ở Ý - phải chọn lựa bệnh nhân để cứu. Tờ báo Công Giáo nhắc nhở năm 1799 trong chiến dịch Ai Cập, dịch hạch hoành hành, Bonaparte đòi hỏi bác sĩ Desgenettes kết liễu những người lính bị bệnh để khỏi lây cho người khác, nhưng Desgenettes từ chối ngay, nói rằng nghĩa vụ của bác sĩ là cứu người. Năm 2005 khi trung tâm y tế New Orleans bị cô lập vì bão Katrina, cơ sở có 317 giường lão khoa này không có điện, nhiệt độ lên tới 38°C. Những y tá « giúp giải thoát » nhiều người già đã bị khởi tố vì tội sát nhân.


    Pháp đang trong tình trạng chiến tranh


    « Cần ý thức rằng chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh », đó là khuyến cáo của giáo sư William Dab, cựu tổng giám đốc phụ trách y tế trong thời kỳ dịch SARS. Trả lời phỏng vấn báo Le Figaro, ông tỏ ra hết sức lo ngại, và hy vọng việc cách ly sẽ thành công tại Pháp kẻo dịch corona sẽ biến thành thảm họa.


    Giáo sư Dab nhận định tình hình rất trầm trọng, khiến ông chưa bao giờ lo sợ như thế. Đô thị hóa hàng loạt, giao thương quốc tế nhộn nhịp, dân số tăng nhanh : mọi điều kiện đều hội đủ, và bây giờ thì đại dịch đã đến. Nhưng hầu hết vẫn chưa ý thức được, vẫn cho rằng « cũng như cúm thông thường » mà thôi, các nhà hàng vẫn đầy người.


    Vấn đề là con virus đang lây lan ồ ạt thông qua những người đã bị nhiễm, nhưng không có triệu chứng nào, và loài người chưa có được thuốc chữa. Hồi 2003, khi hiểu rằng virus SARS không lây khi chưa phát ra triệu chứng, có thể yên tâm là những rào chắn sẽ hiệu quả. Nhưng lần này thì không, người bị nhiễm nhiều ngày sau mới thấy có dấu hiệu. Cuối tháng Giêng, biết được điều ấy, ông Dab đã cảnh báo, nhưng không được quan tâm.


    Sẽ có 300.000 người chết ?


    Theo giáo sư Dab, cần nói thẳng ra là một kịch bản với 300.000 người chết tại Pháp hoàn toàn có thể xảy ra. Với tốc độ lây nhiễm hiện nay, virus có thể lây cho 30 triệu dân Pháp và với tỉ lệ tử vong 1%, con số trên là hiện thực thậm chí là lạc quan, với điều kiện các bệnh viện chịu đựng nổi – một điều không thể bảo đảm. Chưa kể đến số nạn nhân gián tiếp : những người bị các loại bệnh nặng khác tử vong vì thiếu giường bệnh.


    Ông cho rằng vẫn có thể giúp giảm tải cho bệnh viện, nhưng còn tùy sự hợp tác của người dân. Chính phủ đã nhận lấy trách nhiệm, nay đến lượt từng người một phải nghiêm túc tôn trọng quy định tự cách ly, chứ không phải Nhà nước tiêu hủy được con virus. Nếu chúng ta chấp nhận vài tuần lễ tương đối mất tự do, tỉ lệ lây nhiễm sẽ giảm.


    Cần phải chờ đợi ba tuần lễ nữa mới biết được những biện pháp hiện nay có hiệu quả hay không, trong khi đó dịch bệnh corona vẫn tăng theo cấp số nhân. Quả là thô bạo, nhưng cần nhớ trong đầu là chúng ta đang trong chiến tranh, đang bị một kẻ thù vô hình xâm lược, cần phải tổng động viên.


    « Hãy ở nhà, ở nhà và ở nhà ! »


    Nếu chặn đứng được nạn dịch và dưới 30% dân số bị nhiễm và được miễn dịch, con virus Vũ Hán vẫn có thể quay lại vào mùa thu. Ngược lại, nếu 60-70% dân số bị dương tính trong đợt đầu, có thể trở thành miễn dịch cộng đồng, với cái giá nhân mạng như đã nói ở trên. Đợt dịch thứ hai, nếu có, sẽ ít nghiêm trọng hơn.


    Một kịch bản đáng ngại khác là con virus biến thể, như vậy miễn dịch trong đợt đầu chỉ là một phần mà thôi, và nó gây tử vong gấp 10 lần cúm mùa. Không nên quá trông cậy vào giả thiết khi thời tiết ấm dần tình hình sẽ ổn, kịch bản lạc quan nhất là nạn dịch tạm ngưng tăng một thời gian và thế giới chế ra được vaccin.


    Vũ khí duy nhất của chúng ta hiện nay là hạn chế tiếp xúc. Cần phải ở yên một chỗ, không đi ra ngoài gặp bạn bè, người thân, trừ vợ chồng con cái trong nhà. Giáo sư William Dab kết luận, khẩu hiệu là rất rõ : Hãy ở nhà, ở nhà và ở nhà !


    Libération trong bài xã luận than thở, mặc dù chính phủ đã có những biện pháp nghiêm khắc từ thứ Bảy 14/3 – đóng cửa những cơ sở thương mại không thiết yếu – vẫn có một số lượng đáng ngạc nhiên người Pháp không thận trọng ở nhà mà lại vô tư đổ ra công viên, bờ sông, tranh thủ những dấu hiệu mùa xuân vừa đến. Trong khi đây là một thách thức lịch sử, một nước Pháp bị cách ly, cắn móng tay ngồi nhìn con quái vật từ Vũ Hán tác oai tác quái.


    Sau trận đại chiến này, thế giới sẽ không còn như xưa


    Tương tự, xã luận của Les Echos mang tựa đề ngắn gọn : « Một cuộc chiến ». Hệ thống y tế đang trên tuyến đầu đối phó với đại dịch sẽ không thể chống chọi nổi, nếu không có được tính kỷ luật của cộng đồng.


    Chiến tranh là gì, nếu không phải là sự kết thúc thời kỳ vô tư lự ? Trong thời chiến, không còn những thú vui thường nhật. Cuộc sống bỗng chốc thay đổi hẳn, một vòm trời u ám và lạnh giá bỗng bao trùm lên cả nước, những biên giới lần lượt đóng cửa. Cần phải sống với mối đe dọa vô hình và tai quái ấy. Kẻ thù là người khác, là bạn, là đồng nghiệp, hàng xóm của ta. Không phải là con virus, mà là người chuyển nó sang ta, và địch thủ thường mang khuôn mặt một đứa trẻ ngây thơ. Than ôi, nhiều người không hình dung được mối đe dọa này !


    Chiến tranh là tổng động viên, là sẽ có hàng ngàn, hàng chục ngàn nạn nhân ; nhưng nhân viên y tế là những chiến binh trên tuyến đầu hiểu rõ rằng thiệt hại còn tùy thuộc vào thái độ của từng người. Bệnh nhân tăng theo cấp số nhân, phải triệt để hạn chế các tương tác xã hội. Các bệnh viện vùng Grand Est và Hauts-de-France hiện đã quá tải, cần tránh việc số ca nặng vượt quá năng lực chữa trị.


    Chúng ta chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu của chiến tranh. Đó vừa là một cuộc chạy đua với thời gian, vừa là một cuộc chiến khủng khiếp về sức bền mà người dân Pháp phải chịu đựng, trong khi phương tiện chưa hẳn đã đủ. Liệu có đủ khẩu trang, máy thở, và cả nhân lực ? Và còn phải chống chọi trong bao lâu - ba tháng hay hơn nữa ? Chúng ta đang rơi vào một cõi khác. Sau cuộc


    Thuỵ My Blog

    Không có nhận xét nào