Khu Times Square, trung tâm New York City, hoang vắng vì Covid-19. Ảnh chụp ngày 20/03/2020. |
Xin
giới thiệu một bài nhận định đáng chú ý trên Le Monde, cho thấy bệnh
Covid-19 làm toàn cầu chao đảo trong bối cảnh nước Mỹ rút lui khỏi vị
trí lãnh đạo thế giới, Trung Quốc lấn tới. Nhà báo Alain Frachon, trong
bài bình luận mang tựa đề ‘‘Vấn đề địa chính trị của dịch Covid-19’’,
nhận xét: ''cuộc chiến chống Covid-19 phản ánh bản đồ địa chính trị của
thế giới hiện tại, với việc Trung Quốc đang không ngừng trở nên mạnh
hơn, Hoa Kỳ tiếp tục co cụm lại. Giữa hai đại cường hàng đầu thế giới,
vốn đã trong tình trạng chiến tranh kinh tế, sự xuất hiện của virus
corona là một chủ đề xung đột bổ sung…’’.
Có
thể thấy, sở dĩ đại dịch lan rộng khắp thế giới trước hết bởi vì cả hai
đại cường ‘‘đều đã bỏ lỡ thời gian’’. Về phía Bắc Kinh, đó là việc làm
ngơ trong thời gian đầu dịch, khi những ca đầu tiên xuất hiện, về phía
Hoa Kỳ, là do lãnh đạo Mỹ không hiểu điều gì đang xảy ra. Trung Quốc là
nạn nhân trước hết của một hệ thống chính trị độc đoán, đã bịt miệng
những người đưa ra những thông tin thực sự về dịch bệnh, mà chính quyền
coi là bất lợi. Và một khi dịch bệnh tại Hoa lục tạm lui, Bắc Kinh vừa
‘‘cố sức tuyên truyền để tất cả quên đi trách nhiệm hàng đầu của chế độ
cộng sản Trung Quốc trong thảm kịch đang diễn ra trên quy mô toàn cầu’’,
vừa tỏ ra hăng hái ‘‘có mặt khắp nơi trên mặt trận chống dịch, phân
phối các bài học và thuốc men, lấp đầy vào khoảng trống mà nước Mỹ để
lại, một nước Mỹ mà chính tổng thống Trump đã hạ thấp tầm cỡ’’. Nhà báo
Le Monde nhấn mạnh : '‘Đây là lần đầu tiên trong một cuộc khủng hoảng
quy mô toàn cầu, mà Hoa Kỳ dường như không còn đóng vai trò lãnh đạo
nào’’.
Trong
giai đoạn tiếp theo, lợi dụng sự rút lui của Hoa Kỳ, trong cuộc chiến
chống Covid-19, Bắc Kinh - có người trong tất cả các cơ quan chuyên môn
của Liên Hiệp Quốc - liên tục khẳng định là một ‘‘quốc gia thiết yếu với
thế giới’’, như lời lẽ mà cựu ngoại trưởng Madelaine Albright đã từng
dùng để nói về Hoa Kỳ trước đây. Điều nghịch lý là, đúng vào lúc mà phần
trách nhiệm của Bắc Kinh trong việc để xảy ra đại dịch toàn cầu là
‘‘không hề nhỏ’’, Trung Quốc đã vươn bật lên tỏ ra như một đại cường có
trách nhiệm.
Trump chỉ thừa nhận đại dịch, khi Covid-19 ập vào nước Mỹ
Vai
trò nổi bật, vị thế lấn át của Trung Quốc trên trường quốc tế tương
phản hoàn toàn với sự vắng mặt của nước Mỹ, khác hẳn với thời kỳ dịch
bệnh Ebola, với vai trò tích cực của chính quyền Obama. Nhìn vào cách
hành xử của tổng thống Mỹ có thể thấy rõ những hệ quả khủng khiếp, khi
‘‘một chính trị gia dân tuý lên nắm quyền’’. Tổng thống Donald Trump,
''người hùng của các thành phần dân tuý châu Âu’’, trong một thời gian
dài, đã không muốn tin vào sức tàn phá kinh hoàng của loài virus này.
Fox News, kênh truyền thông chuyên chuyển tải các thông điệp của tổng
thống Trump, khẳng định: nguy cơ Covid-19 chỉ là ‘‘câu chuyện bịa đặt
của các chính trị gia đảng Dân Chủ’’.
Khi
dịch bệnh ập vào nước Mỹ, khi chứng khoán Hoa Kỳ - chỉ số tối cao đo
lường hiệu quả chính sách kinh tế của tổng thống - Trump sụp đổ, ông
Trump ‘‘quay lại với thủ đoạn dùng dê tế thần quen thuộc’’, khi lớn
tiếng gọi virus gây bệnh Covid-19 là ‘‘virus Trung Quốc’’, '‘một diễn
đạt đầy kỳ thị chủng tộc’’. Trong lúc tổng thống đánh võ mồm với chính
quyền Bắc Kinh, và tiếp tục đưa ra những lời tiên tri về thời hạn dịch
bệnh chấm dứt, thì tại Hoa Kỳ, chính những người lãnh đạo địa phương,
các thị trưởng, thống đốc tiểu bang đã lao vào cuộc chiến chống dịch.
Nhà
báo Le Monde khép lại bài bình luận với nhận xét, cho đến nay, bất chấp
bệnh dịch lan tràn và trầm trọng hơn, Hoa Kỳ vẫn không hề có một nỗ lực
nhỏ nào để đóng góp vào việc cuộc chiến phối hợp chống dịch trong các
định chế quốc tế đa phương, mà Washington đã từ từ rút ra trước đó.
Washington cũng không đóng gì vào việc huy động khối G7 để tổ chức một
cuộc chấn hưng kinh tế toàn cầu. Phê phán nước Mỹ, nhà báo Le Monde cũng
chỉ ra sự phụ thuộc của châu Âu vào Trung Quốc, phụ thuộc nặng nề về
nhiều mặt hàng y tế thiết yếu, bị đặt trong thế bị động, muốn há miệng,
nhưng bị mắc quai.
Dịch bệnh toàn cầu, cần phối hợp toàn cầu để đáp trả
Sự
vắng mặt của nước Mỹ, của các định chế quốc tế khiến Covid-19 trở thành
đại dịch kinh hoàng, vượt quá tầm mức nguy hiểm xét về mặt sinh học của
bản thân con virus. Nhận thức ngày càng được nhiều người chia sẻ. Nhật
báo kinh tế Pháp Les Echos trong bài phân tích của nhà báo Eric Boucher,
mang tựa đề '‘Đừng nghe lời những kẻ dân tộc chủ nghĩa, toàn cầu hoá là
một câu trả lời đúng’’, kêu gọi công chúng đừng mù quáng lên án ‘’toàn
cầu hoá’’, cụm từ mà trong những ngày gần đây ‘‘bị gán cho mọi điều xấu
xa trên đời’’. Theo nhà báo Eric Boucher, ‘'chỉ có toàn cầu hoá mới có
thể mang lại một phản ứng có phối hợp ở quy mô quốc tế’’ trước loại
khủng hoảng kiểu này.
Vấn
đề là toàn cầu hoá thế nào, phối hợp ra sao? Theo Eric Boucher, trước
hết là vai trò của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cần được tăng cường để
ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh. WHO đã có nhiều bước tiến sau kinh nghiệm
của 6 cuộc khủng hoảng y tế lớn (SARS, MERS, EBOLA….). WHO đã trở nên có
khả năng phản ứng nhanh hơn. Vấn đề hiện nay là định chế này không có
đủ ‘'quyền lực và phương tiện’’ để đưa ra các lộ trình phản ứng trước
các khủng hoảng y tế. Cụ thể là WHO đã không có khả năng buộc Bắc Kinh
phải thừa nhận và ngăn chặn dịch sớm hơn. Theo một nghiên cứu công bố
trên medRxiv, nếu Trung Quốc có biện pháp ngăn dịch trước 3 tuần, sẽ
giảm đến 95% nguy cơ dịch lan rộng, giảm 85%, nếu làm sớm 2 tuần, giảm
66%, nếu sớm một tuần.
Les
Echos nhấn mạnh là cần coi ''y tế là tài sản chung của nhân loại', và
nhân loại phải hợp sức đối phó với các khủng hoảng tương tự trong tương
lai, với các dịch bệnh có thể còn nguy hiểm hơn gấp bội. Theo nhà báo
Eric Boucher, tại từng quốc gia, ví như tại Pháp, khi dịch bệnh bùng
phát, chính quyền bị lên án đã không huy động đủ dự trữ các phương tiện y
tế cần thiết, như khẩu trang, máy trợ thở… Nhiều người đòi hỏi mỗi quốc
gia phải dự trữ trên quy mô lớn các trang thiết bị, có thể đến mươi năm
mới đem ra sử dụng một lần.
Nhà
báo Eric Boucher lưu ý là đòi hỏi mỗi quốc gia phải tự bảo đảm đủ số
các mặt hàng như vậy, để chuẩn bị đưa ra dùng vào một ngày nào đó chưa
biết, là điều phi lý. Vấn đề chủ yếu hiện nay là tổ chức việc quản lý
chung các trang thiết bị thiết yếu, và khi cần đưa ra sử dụng cho những
nơi có nhu cầu nhất. Và ''chính nhờ toàn cầu hoá mà nhân loại hiện nay
mới có thể hướng đến việc tổ chức các dây chuyền sản xuất, dự trữ và
phân phối các thiết bị cấp cứu, đặc biệt cho những nước nghèo''. Việc
mỗi quốc gia thân ai nấy lo khiến các chi phí trở nên hết sức tốn kém.
Nói
tóm lại, dịch Covid-19 kêu gọi sự trở lại của ‘‘vai trò Nhà nước ở một
quy mô chưa từng có'’, không phải ở tầm quốc gia, ‘‘bởi không quốc gia
nào một mình có thể đảm nhiệm được’'. Khí hậu, y tế, khoa học, một số
ngành công nghiệp sống còn, và bản thân nền kinh tế vĩ mô cũng cần được
‘‘toàn cầu hoá’’, như vậy nhân loại mới có thể đủ sức đối mặt với đại
dịch các loại không thể tránh khỏi sắp đến.
Mỗi tháng phong tỏa, kinh tế Pháp mất 3% GDP
Ảnh
hưởng nặng nề của Covid đến nền kinh tế là chủ đề lớn của Les Echos.
Theo Viện Thống kê và Kinh tế Pháp INSEE, nếu thiệt hại của một tháng
phong toả, để hãm dịch, không được bù lại trong các tháng tiếp theo, thì
tổn thất với nền kinh tế sẽ là 3% GDP. Ảnh hưởng nặng nề nhất là trong
lĩnh vực xây dựng, với khoảng 90% hoạt động bị đình chỉ. Các ngành công
nghiệp nhìn chung chỉ vận hành khoảng một nửa công suất. Tình hình rất
khác biệt, theo từng lĩnh vực. Công nghiệp thực phẩm ít bị thiệt hại
nhất, ngược lại ngành xe hơi đình trệ. Du lịch, vận tải, khách sạn - nhà
hàng hoàn toàn ngưng hoạt động, trong lúc ngành công nghệ viễn thông,
và bảo hiểm vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Về
thương mại, nhìn chung, mất khoảng 1/3 doanh số. Theo INSEE, tổng số
tiêu thụ hàng hoá sụt giảm 35% so với mức trung bình. Tuy nhiên, các
dịch vụ không mang tính thương mại, như giáo dục, y tế chỉ giảm tương
đối ít (14%) trong tuần lễ phong toả đầu tiên. Giáo viên vẫn duy trì các
hoạt động giảng dạy trực tuyến. Các chi phí cho các dịch vụ viễn thông,
điện, thực phẩm, dược phẩm lại có chiều hướng tăng lên trong thời gian
phong toả.
Điều
đặc biệt đáng lo ngại là tinh thần của giới chủ. Chỉ số tin tưởng vào
kinh doanh giảm 10 điểm, trên tổng số 95, mức giảm mạnh nhất kể từ năm
1980, có nghĩa là năm ra đời của chỉ số này. Theo INSEE, cần chú ý là
số liệu nói trên được đưa ra trước tuần lễ phong toả. Thông điệp ngầm
gửi đến chính phủ, qua kết quả nghiên cứu nói trên, là cần giới hạn thời
gian phong toả, như nhận định của kinh tế gia trưởng của Ostrum Asset
Management, ông Philippe Waechter.
Giai đoạn '‘hậu phong tỏa’’: Tìm lối thoát khỏi thảm hoạ
Vấn
đề cấp bách với chính phủ hiện nay là ''hoạch định một chính sách ra
khỏi khủng hoảng y tế, để tránh cho khủng hoảng y tế biến thành khủng
hoảng kinh tế''. Theo giải Nobel về kinh tế Paul Romer, vấn đề mấu chốt
để giúp thoát khỏi cuộc đại khủng hoảng nhãn tiền này là cần phải tiến
hành trắc nghiệm trên phạm vi rất rộng (mỗi người hai tuần một lần), và
giảm số lượng người phải cách ly xuống con số 10% dân cư. Xét riêng về
mặt hiệu quả y tế, hiệu quả của chống dịch, dù chi phí bỏ ra cho xét
nghiệm sẽ rất lớn, nhưng lợi ích của việc này cũng rất lớn, tương đương
với kịch bản 50% dân cư bị cách ly, nhưng không có xét nghiệm. Sự khác
biệt chủ yếu là một nền kinh tế có thể tồn tại được với 10% cư dân bị
phong toả, nhưng không thể, khi 50% dân cư bị phong toả.
Trong
khi đó, ’'Duy trì nền kinh tế trong thời gian phong tỏa’' là hồ sơ
chính của báo Le Figaro hôm nay. Nhật báo này đưa độc giả đến với các nỗ
lực trong hậu trường của bộ trưởng Kinh Tế Bruno Lemaire. Ngày 24/03,
bộ trưởng Kinh Tế Pháp đã nói công khai là tình hình khủng hoảng hiện
nay ‘'giống với cuộc Đại suy thoái kinh tế thế giới, khởi đầu năm
1929''. Từ đó đến nay, ông liên tục nhắc lại nhận định này.
‘‘Đại hồng thủy’’: Trận mưa tiền và vô số đảo lộn khác
Bài
xã luận ‘’Đại hồng thủy’’ của Libération mô tả tình thế tiến thoái
lưỡng nan của các quốc gia hiện nay. Nhật báo Pháp ghi nhận việc các
ngân hàng trung ương ồ ạt đổ hàng trăm, hàng nghìn tỉ đô la vào nền kinh
tế, hòng đẩy lùi nguy cơ suy thoái. Việc các tín điều cố hữu của giới
kinh tế gia bảo thủ bị phá bỏ có thể mang lại kết quả cứu nguy trước
mắt, nhưng về nhìn xa hơn thì sao, ai sẽ là người phải gánh vác các
khoản nợ khổng lồ, sẽ được đáo hạn ? '‘Những con kiến làm việc cần cù''
hay ''bầy ve nhởn nhơ'’. Sau đại khủng hoảng Covid-19, và ''đại hồng
thủy'' mưa tiền, tình hình sẽ ra sao?
Cuộc
khủng hoảng do đại dịch Covid-19, từ Trung Quốc tràn ra thế giới, không
biết sẽ đi đến đâu, nhưng trước mắt đang gây ra vô vàn thay đổi lớn.
Trong khi nhiều quốc gia Đông Á được ca ngợi là chống dịch thành công,
nhưng Libération cũng lưu ý Nhật Bản đang sẵn sàng đối phó với khả năng
dịch bùng phát. Có một thay đổi lớn tại rất nhiều quốc gia : phong toả
buộc rất đông người phải làm việc tại nhà. Tình hình sẽ rất khác so với
cách nay 10 năm, giờ đây làm việc tại nhà là chuyện khả thi với hàng
trăm triệu người, bởi các điều kiện cơ sở hạ tầng viễn thông, tin học
cho phép. Theo chuyên gia về công nghệ số Andrew McAfee, lối sống này sẽ
có những hệ luỵ rất lớn, và đây rất có thể là một bước ngoặt cho sự lên
ngôi của lối làm việc tại nhà, sống xa các vùng trung tâm.
(RFI)
Không có nhận xét nào