Header Ads

  • Breaking News

    Công ty Thái dự trù xây đập lớn trên sông Mekong ở Lào


    Một công ty thủy điện Thái Lan có kế hoạch để xây cái có thể là đập lớn thứ 6th trên sông Mekong, một mấu chốt mới nhất trong kế hoạch đầy tham vọng của Lào để trở thành “bình điện của Đông Nam Á.”
     Công ty Thái dự trù xây đập lớn trên sông Mekong ở L


    Công ty Năng lượng và Nước Á Châu Charoen (Charoen Energy and Water Asia (CEWA)) đã đệ trình cho giới thẩm quyền Lào các kết quả nghiên cứu liên quan đến dự án đập Phougnoi trong phiên họp tại thành phố Pakse hôm 11 tháng 2.

    Theo kế hoạch nầy, đập Phougnoi sẽ nằm trong tỉnh Champasak, cách Pakse 10 km (6,2 miles) về phía nam và cách đập Don Sahong mới khánh thành gần đây khoảng 100 km (62 miles) về phía bắc.

    Một viên chức hành chánh của tỉnh Champasak nói với Đài Á Châu Tự do, một cơ sở anh em của BenarNews, hôm Thứ Tư, “Công ty đệ trình kết quả nghiên cứu sơ khởi và lượng định ảnh hưởng môi trường của đập được đề nghị trong phiên họp. Hiện nay, họ chưa làm gì hết vì còn nhiều bước khác phải đi qua, nên việc xây cất sẽ không sớm xảy ra.”

    Ông không biết khi nào chánh phủ Lào sẽ thông báo dự án với Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), một thủ tục cần phải theo cho dự án phát triển mới trên sông Mekong, với tiến trình tham vấn trước kéo dài 6 tháng kể cả việc lượng định ảnh hưởng đối với các quốc gia láng giềng.

    Viên chức nói : “Các nghiên cứu sơ khởi [đệ trình tại phiên họp ngày 11 tháng 2] chú trọng đến ảnh hưởng tại chỗ, nhưng không có nhiều chi tiết. Nếu [nhà phát triển và chánh phủ Lào] tiến hành dự án, họ cần nhiều chi tiết hơn về ảnh hưởng của dự án đối với người dân sống ở hạ lưu đập.”

    Nghiên cứu cho thấy đập Phougnoi sẽ ảnh hưởng trên 200 ha (500 acres), 88 làng và 7 huyện. Nặng nề nhất là làng Khon Ken, với 811 người trong 142 gia đình. Chi phí xây cất và thỏa thuận mua bán điện chưa được công bố.

    Đại diện CEWA cho biết công ty đã hoàn tất phần thiết kế và nghiên cứu sơ khởi về ảnh hưởng môi trường và xã hội của dự án.

    Cư dân nói rằng họ rất lo ngại về ảnh hưởng có thể xảy ra.

    Một người dân của huyện Champasak thắc mắc: “Tại sao chánh phủ Lào xây quá nhiều đập? Chúng ta đã có quá nhiều. Nếu chúng ta xây thêm, hạn hán sẽ nghiêm trọng hơn và mực nước sông Mekong sẽ xuống thấp hơn.”

    Một xả trưởng của huyện Sanasomboun, một vùng bị ảnh hưởng nặng nhất, cho biết không ai trong làng biết gì về dự án.

    Những người có liên hệ thúc giục Lào chia sẻ thêm thông tin

    Trong lúc đó, ở đập Xayaburi ở bắc Lào, bắt đầu hoạt động thương mại trong tháng 10, viên chức chánh phủ và những người có liên hệ đi thăm các cơ sở hôm Thứ Năm và khuyến cáo nhà phát triển đập chia sẻ dữ kiện về hoạt động của nhà máy với các quốc gia Mekong ở hạ lưu.

    Phái đoàn 50 người đi thăm Xayaburi gồm có đại diện NGO, các nhà nghiên cứu, phóng viên và chuyên viên của Văn phòng MRC.

    Theo một phúc trình được đăng tải trên trang mạng của MRC, chuyến viếng thăm gồm có phần trình bày của nhà phát triển đập về thiết kế của nhà máy điện, đi thăm các máng cá, cửa xả nước, và quan sát mực nước ở thượng và hạ lưu đập.

    Anoulak Kittikhoun, Phụ trách Chiến lược và Hợp tác của Văn phòng MRC và là trưởng đoàn, nói: “Chúng tôi muốn chuyến viếng thăm tự nó nói lên tình trạng hạn hán và mực nước thấp trong sông Mekong. Chúng tôi muốn những người có liên hệ nhìn thấy con đập và cách vận hành tận mắt và đặt câu hỏi trực tiếp với nhà phát triển để họ có thể đánh giá khách quan.”

    Các quan khách nói họ cảm ơn sự cởi mở của nhà phát triển, nhưng họ hy vọng rằng công ty sẽ chia sẻ với Văn phòng MRC các dữ kiện điều hành bao gồm lưu lượng, vận chuyển của phù sa và sự di chuyển của cá.

    Nguyễn Nhân Quảng, đại diện NGO Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Quản trị Nguồn Nước Kết hợp (Centre for Promotion of Integrated Water Resources Management), nói: “Dữ kiện quan sát và tin tức về phù sa và sự di chuyển của cá ở thượng và hạ lưu đập cùng với sản lượng điện phải được chia sẻ. Chia sẻ tin tức nầy rõ ràng và kịp lúc có thể giúp cho người dân và giới thẩm quyền liên hệ chuẩn bị tốt hơn.”

    Knut Sierotzki, cố vấn kỹ thuật người Finland (Phần Lan) cho công ty điện Xayaburi cố gắng xoa dịu mối lo ngại về việc trữ nước. Sierotzki nói: “Không có chuyện trữ nước – cái gì chảy sẽ chảy qua đập. Chế độ dòng chảy của sông không thay đổi. Lượng nước chảy đến đập được liên tục xả xuống hạ lưu qua các turbines hay cửa xả nước.”

    Ông cũng nói rằng lưu lượng trong mùa khô [năm nay] cao hơn lưu lượng trong mùa khô 2003-2004 khoảng 50% với lưu lượng chảy qua đập thay đổi từ 800 đến 1.000 m3/sec.

    Nhưng Patchara Jaturakumol của Đại học Kasetsart ở Thái Lan nói những gì Sierotzki cho biết cho thấy lý do tại sao cần phải chia sẻ dữ kiện. Nếu nhà phát triển không công bố dữ kiện, dữ kiện có thể “tự nói lên.”

    Lào đã xây hàng chục đập thủy điện trên sông Mekong và các phụ lưu, hy vọng xuất cảng điện sang các nước khác ở trong vùng. Nhiều đập khác sẽ được xây trong những năm sắp đến.

    Vì chánh phủ Lào xem việc sản xuất điện như một cách để thúc đẩy kinh tế quốc gia, các dự án gây nhiều tranh cãi vì ảnh hưởng môi trường, di dời làng mạc, và các thỏa thuận tài chánh đáng nghi ngờ.

    https://mekong-cuulong.blogspot.com/2020/03/cong-ty-thai-du-tru-xay-ap-lon-tren.html

    Không có nhận xét nào