Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc, chủ
nhân của Nobel văn học 2012, đã phải kêu lên: “Những ngày tốt đẹp của
nhân loại không còn nhiều nữa”.
Virus chỉ là 1 sứ giả đáng sợ cảnh báo sự vô cảm và đoạn kết của loài người |
Đại dịch Covid -19, một lần nữa đã gửi đi nhiều thông điệp khiến chúng ta thức tỉnh.
PGS.
TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tế Trung ương là
người chỉ huy nhóm nghiên cứu phân lập thành công virus Corona chủng
mới từ rất sớm.
Chị
vẫn thường nói đùa với các đồng nghiệp một điều… rất thật: "Con người
cứ cho mình là loài tinh khôn, thống trị thế giới nhưng thật ra virus nó
thông minh hơn mình nhiều lắm.
Tại
vì nó là loài biết cách né tránh rất nhiều bẫy phát hiện của đối thủ.
Nếu nói về quá trình tiến hóa, virus có sự tiến hóa rất nhanh chóng để
chống lại tất cả mọi nỗ lực tấn công từ con người. Hệ miễn dịch của con
người sinh ra để tiêu diệt nó thì nó đã nhanh chóng lẩn được qua để tấn
công vào các tế bào sống của cơ thể người.
Con
người phải mất hàng nghìn năm để tiến hóa, trong khi đó con virus cúm A
mà chúng tôi nghiên cứu chỉ qua 2 - 3 năm nó đã chuyển thành một loại
khác rồi. Vẫn tên là A do con người đặt ra đấy, nhưng nó đã mang 1 dáng
vẻ rất khác. Con người lại phải vội vội vàng vàng tìm cách đối phó. Mình
cứ mãi mãi đi đối phó với nó thôi".
Con
người tự cho mình là thượng đẳng, là làm chủ được muôn loài, nên muốn
làm gì cũng được. Tàn phá, hủy hoại thiên nhiên, giết chóc lẫn nhau liên
miên từ thiên niên kỷ này sang thiên niên kỷ khác. Nhân tai đã khiến vô
số loài đã tuyệt chủng, đang tuyệt chủng và trớ trêu thay, số phận
giống loài "cao cấp" nhất cũng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề
sinh tử.
Vũ
trụ, tự nhiên luôn có sự cân bằng hoàn hảo. Ai phá vỡ sự cân bằng đó
đều phải trả giá. Những cường quốc số một thế giới, nhà băng đầy tiền,
vũ khí đầy kho, khoa học phát triển như vũ bão, vẫn đang lấm lưng trắng
bụng toàn diện trước đối thủ không nhìn thấy bằng mắt thường – virus.
Nhỏ
hơn vi khuẩn hàng ngàn lần, không có não, không có cả tế bào, virus
chưa đủ điều kiện để trở thành một sinh vật sống theo đúng nghĩa, mà chỉ
là "những sinh vật ở bên lề của sự sống". Tại sao "sinh vật bên lề cuộc
sống" như Virus HIV, sốt xuất huyết, ám ảnh nhân loại bao nhiêu năm mà
các nhà khoa học vẫn bất lực trong việc tìm ra vác xin …? Tại sao giống
loài bé nhỏ ấy bắt loài người vĩnh viễn chạy theo trong cuộc đua không
hồi kết?
Thế
nhưng, virus có phải giống loài đáng sợ nhất? Chắc chắn không phải.
Giống loài đáng sợ nhất chính là con người – sinh vật có thể giết thịt
và tàn phá mọi giống loài khác.
Loài
người thông minh nhất? Chắc chắn không. Vì kẻ thông minh không bao giờ
chấp nhận việc hủy hoại khủng khiếp như thế với nơi mang cho mình sự
sống, hủy hoại cả đồng loại.
Vạn
vật sinh ra trong tự nhiên để nương tựa vào nhau, cộng hưởng nhau,
không thừa không thiếu. Hủy hoại một mắt xích cũng là hủy hoại chính
mình.
Khi
con người manh động phá vỡ trật tự hoàn hảo đó, thì virus giống như một
trong rất nhiều sứ giả của tự nhiên đến chứng minh rằng: Con người cũng
chỉ là một mắt xích bình đẳng trong chuỗi trật tự đó. Và họ cũng sẽ bị
tấn công đến hoảng loạn như đã từng tấn công vạn vật trong thế giới này.
Virus chỉ là 1 sứ giả đáng sợ cảnh báo sự vô cảm và đoạn kết của loài người - Ảnh 3.
Nhìn
sự "phát triển như vũ bão" theo quan niệm thông thường của loài người,
Mạc Ngôn, nhà văn đoạt giải Nobel của Trung Quốc, đã tiên đoán: Những
ngày tháng tốt đẹp của nhân loại không còn nhiều nữa.
Ông
chỉ ra nguyên nhân của hồi "hồi kết" mà chúng ta đang đi tới: Dục vọng
của con người là cái động không đáy, không sao lấp đầy được.
"Vợ
của ông lão đánh cá ban đầu chỉ là muốn có một cái chậu mới, nhưng sau
khi có được cái chậu mới rồi, thì bà ta lại muốn ngôi nhà gỗ, có ngôi
nhà gỗ rồi, lại muốn được làm nhất phẩm phu nhân, sau đó lại muốn được
làm nữ hoàng, sau khi được làm nữ hoàng rồi, bà ta lại muốn được làm nữ
long vương nơi biển cả, muốn con cá vàng có thể thỏa mãn dục vọng hầu hạ
bà ta, đây chính là đã vượt quá giới hạn, giống như thổi bọt xà phòng,
thổi lớn quá mức rồi, tất nhiên sẽ vỡ ra…
Con người đang điên cuồng cướp đoạt mọi thứ từ Trái đất.
Chúng
ta khiến cho Trái đất chịu tổn hại nặng nề, chúng ta đã làm ô nhiễm
sông ngòi, biển cả và không khí, chúng ta chen chúc chung một chỗ, dùng
sắt thép và xi măng xây nên những kiến trúc cổ quái kỳ lạ, gọi những nơi
này bằng cái tên đẹp đẽ là thành phố, chúng ta ở trong thành phố như
vậy phóng túng dục vọng của bản thân mình, chế tạo nên các loại rác khó
mà phân hủy được.
Trái
đất bốc khói khắp nơi, toàn thân run rẩy, biển lớn gào thét, bão cát mù
trời, hạn hán lũ lụt, cũng như các triệu chứng ác liệt khác đều có liên
quan chặt chẽ với phát triển khoa học kỹ thuật dưới sự thúc đẩy bởi dục
vọng tham lam của các nước phát triển.
Đương
nhiên, khi mọi người ở trong sa mạc, thì sẽ hiểu được rằng nước uống và
đồ ăn còn quý hơn cả vàng và kim cương, khi động đất và sóng thần kéo
đến, mọi người sẽ biết được rằng, không kể là biệt thự sang trọng bao
nhiêu, trong bàn tay lớn của đại tự nhiên đều chỉ là một mớ bùn; khi mọi
người giày xéo Trái đất thành nơi không còn thích hợp để cư trú nữa,
đến lúc đó, cái gì là quốc gia, dân tộc, đảng phái chính trị, cổ phiếu,
đều sẽ trở nên chẳng còn ý nghĩa gì…".
Hôm
nay, chúng ta đã nhìn thấy "những điều chẳng còn ý nghĩa gì" từ hậu quả
của đại dịch. Đó là rất nhiều người trong giờ phút cuối cùng của cuộc
đời mình không có được cái ân huệ cuối cùng: Nhìn mặt người thân. Họ cô
độc đi từ giường bệnh đến lò thiêu. Những lúc ấy, chắc chắn họ muốn đánh
đổi những thứ đã lao tâm khổ tứ giành giật trong cuộc đời, để có được
một cái nắm tay sau cuối.
"Họ
cảm nhận được họ sắp ra đi. Bạn có biết cảm giác kịch tính nhất là gì
không? Chứng kiến các bệnh nhân chết trong cô độc, nghe họ khẩn cầu bạn
cho họ được trò chuyện với con cháu" - nữ bác sĩ Francesca Cortellaro ở
Bệnh viện San Carlo Borromeo, Milan kể lại cảm giác đau nhói khi phải
tận mắt cảnh ấy.
Khi
thiên tai địch họa xảy ra, con người thường xót xa coi mình là nạn nhân
của tự nhiên, số phận. Mấy ai nghĩ được sâu xa, hàng ngày chính họ cũng
góp phần để trở thành hung thủ?
Chưa
bao giờ một đại dịch lại có thể phơi bày cùng lúc cả hai bộ mặt: Cao
cả, nhân văn và phi nhân tính của con người một cách rõ ràng đến như
vậy.
Theo
Phật giáo, con người có 4 dạng tâm: Tâm Phật, tâm Người, tâm Thú, tâm
Ma. Trong đại dịch, rất nhiều y bác sĩ, cảnh sát, chiến sĩ, lãnh đạo,
người dân đã khởi và phát lên tâm Phật: Xả thân, yêu thương, bảo vệ,
chăm sóc người bệnh và đồng loại.
Một
y tá ở Vũ Hán, trong bộ đồ bảo hộ kín mít, chỉ kịp cúi gập vĩnh biệt
người mẹ vừa qua đời ở nhà, rồi lại gạt nước mắt đến với những bệnh nhân
nguy kịch.
Nhiều
y bác sĩ đã về hưu, bất chấp hiểm nguy, tình nguyện quay trở lại tuyến
đầu chống dịch, và có người đã biến lần tình nguyện đó thành chuyến đi
cuối cùng, không bao giờ quay trở về nhà nữa.
Có
bộ trưởng y tế tự vào khu cách ly sống cùng người bị cách ly, để cảnh
tỉnh người dân nước mình đừng xua đuổi đồng loại – chỉ vì họ muốn trở về
từ vùng dịch.
Nhiều
nhà hảo tâm chia bớt một phần tài sản, chi tiền nghiên cứu vác xin, cứu
trợ thuốc men, vận chuyển người từ tâm dịch; nhiều người khác đã chia
nhau từng hộp khẩu trang, san sẻ lương thực, "sạc pin tinh thần" cho
nhau đi qua những ngày ngột ngạt…
Nhưng ở chiều ngược lại, chiếc mặt nạ ngày thường cũng rơi xuống, lộ rõ bộ mặt vô cảm và tàn nhẫn của con người.
Đó
là hình ảnh những cuộn giấy vệ sinh phải xích để khỏi bị lấy trộm, ở
một đất nước có tính kỷ luận, nhường nhịn và bình tĩnh nhất thế giới –
Nhật Bản.
Đó
là chuyện một băng đảng cầm vũ khí ở Hong Kong, chặn xe cướp sạch giấy
vệ sinh đang chở đến siêu thị trong cơn khan hàng giữa đại dịch.
Đó
là chuyện một cô gái Hàn Quốc bị đấm trật khớp hàm ở Manhattan - Mỹ chỉ
vì là người châu Á "mà dám không đeo khẩu trang", trong khi một nữ sinh
gốc Việt khác ở California bị kỳ thị và sỉ nhục chỉ vì dám đeo khẩu
trang.
Đó
là những kẻ tìm mọi cách kiếm lời vô luân từ sự sợ hãi và đau khổ của
đồng loại: Găm hàng, tăng giá cắt cổ; gom khẩu trang đã sử dụng về phù
phép kiếm lời.
Đó
là những người nhiễm virus, cố tình gian dối, vô trách nhiệm trong khai
báo tiền sử đi lại, khiến cả đất nước còn nghèo, thêm nhiều lần nữa
phải oằn mình gánh đỡ sức nặng của cuộc chiến vô tiền khoáng hậu.
Đại
dịch nào rồi cũng sẽ hết. Nhưng những mất mát ấy có thể trở nên vô cùng
giá trị nếu chúng ta nhận ra, gìn giữ tâm Phật trong mỗi người và phá
bỏ tham lam, ích kỷ, vô cảm trước đồng loại. Phá bỏ tâm người, tâm thú,
tâm ma.
Thực
tế của đại dịch Covid – 19, thêm một lần nữa, đã chứng minh rất rõ: Mọi
toan tính ích kỷ và vô cảm, vun vén riêng mình của một quốc gia nào đó,
dù có khôn ranh đến mấy, cũng không thoát khỏi sự giáng trả của thời
thế.
Bầu trời không có đường biên giới.
Mặt biển không thể xây tường ngăn cách.
Một cơn bão không chịu cuộn tròn trong một quốc gia.
Và virus không chờ ở bất kỳ cửa khẩu nào để chờ cấp visa mới xâm nhập. Nỗi đau về sinh mạng cũng không có biên giới.
Cho
đến thời điểm này, đã có 149 quốc gia và vùng lãnh thổ phải đối mặt với
Covid – 19. Nếu các quốc gia không hợp tác chặt chẽ với nhau, vì nhau,
thì tất cả đều trọng thương. Chưa bao giờ, một giống loài virus nhỏ bé
lại dễ dàng khiến nhiều cường quốc phải vỡ trận không ít thời điểm như
thế. Thậm chí Thủ tướng một đất nước phát triển như Anh, cũng phải cảnh
báo rằng: Người Anh cần chuẩn bị tinh thần vĩnh biệt nhiều người thân
của mình sớm hơn dự kiến khi đại dịch lan rộng.
Virus chỉ là 1 sứ giả đáng sợ cảnh báo sự vô cảm và đoạn kết của loài người - Ảnh 8.
Khi
Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris với lý
do "bảo vệ nhiều công ăn việc làm ở Mỹ", thì chính hơn 330 triệu người
dân Mỹ phải lãnh đòn đầu tiên: Phải hít thở bầu không khí độc hại hơn.
Hiệp
định Paris năm 2015, Hoa Kỳ cam kết giảm 26-28% lượng khí thải CO2
trong vòng 10 năm. Theo Ủy ban Châu Âu, Mỹ là nước thải nhiều khí CO2
thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Năm 2015, Mỹ thải 5,1 triệu
nghìn tấn khí CO2, nhiều hơn tất cả 28 nước thuộc Liên minh châu Âu. Con
số đó chiếm gần 1/6 tổng lượng khí thải toàn cầu.
Mỹ
không cắt giảm khí thải CO2, chắc chắn trái đất sẽ nóng lên. Băng tan.
Nước biển dâng. Hạn hán. Cháy rừng. Bão tố. Tất cả đang diễn ra như một
trò domino quái ác.
Khi
bị nhiễm bệnh Covid -19, lá phổi của nhiều bệnh nhân bị tàn phá nghiêm
trọng. Năm 2019, lá phổi của thế giới, rừng Amazone đã xảy ra đến 79.000
vụ cháy, điều chưa từng có trong lịch sử. Cuối 2019, đầu 2020, bầu
không khí nước Úc đặc quánh trong khói cháy rừng thảm họa chưa từng có
thời hiện đại. Người Mỹ hay người Phi, người Úc, người Á, người Âu, đều
phải thở bằng phổi. Tổng thống Trump chắc chắn cũng phải thở bằng phổi.
Sự vô cảm và tàn nhẫn của con người chính là những nhát kéo cắt đi một
phần lá phổi của mình.
Một
đất nước vô cảm, thiếu trách nhiệm, cả thế giới ảnh hưởng. Một người vô
cảm, thiếu trách nhiệm, đương nhiên sẽ làm hại nhiều người khác.
Đại
dịch gửi đi một thông điệp: Trong thời đại toàn cầu hóa mọi thứ này,
không còn miền đất hứa nào toàn vẹn cả. Con virus đã khiến cho vị thế
"công dân không phải hạng nhất" của không ít người có xuất thân ở nước
kém phát triển, lộ rõ hơn bao giờ hết. Họ bị kỳ thị và ít nhiều thấy lạc
lõng ở xứ người.
Trong
và sau những thảm họa của cộng đồng đất nước; trong và sau những biến
cố lớn của mỗi người, chúng ta mới chợt ngộ ra rằng: Trên đời này không
có gì quý giá bằng mạng sống, gia đình, bằng quê hương, bằng Tổ quốc.
Sự
hoảng loạn trong xã hội đã chứng minh: Cuối cùng, ai cũng hiểu mạng
sống là số 1. Nhưng ngày thường, chúng ta đã tàn phá sức khỏe thế nào?
Bia rượu, những cuộc thức thâu đêm suốt sáng, những lần sử dụng chất
kích thích…
Có
mấy người trẻ nghĩ đến nghịch lý: Khi có nhiều sức khỏe nhất, thì chúng
ta lại tàn phá nó khủng khiếp nhất? Lúc đang kiếm được nhiều nhất mà
không biết tích trữ, thì khi biến cố xảy ra, sẽ lấy gì chống đỡ?
Chúng
ta đã coi trọng gia đình như thế nào? Ngày thường, chúng ta đã thực sự
làm những gì cho gia đình, hay chỉ mải miết đi nhậu, ăn chơi, công việc,
kiếm tiền là tất cả? Có bao nhiêu ông bố bà mẹ dành thời gian chơi với
con, học với con, tâm sự với con mỗi ngày? Có bao nhiêu đứa con ấn định
về thăm bố mẹ hàng tuần, hàng tháng?
Sự
ngược đời trong đại dịch cũng đã xảy ra: Nhiều gia đình bất ổn bỗng như
thấy hạnh phúc trở lại vì họ được gần nhau nhiều hơn, có nhiều bữa cơm
gia đình hơn và thấu hiểu nhau hơn.
Còn
tổ quốc? Mỗi người đều thấy bất an trong một thời thế quá nhiều thứ đổ
xuống đời. Nhưng những ai hay chỉ trích cộng đồng, đất nước có bao giờ
cúi xuống nhìn lại: Chính mình đã góp được viên gạch lành lặn nào để xây
dựng quê hương, để góp phần thay đổi những khiếm khuyết?
Virus chỉ là 1 sứ giả đáng sợ cảnh báo sự vô cảm và đoạn kết của loài người - Ảnh 10.
Một
tòa tháp xây mất 4-5 năm, nhưng muốn phá thì chỉ cần 5 phút đặt thuốc
nổ. Đất nước làm sao giàu mạnh khi được "xây" bằng những khối thuốc nổ
chỉ trích, chê bai, bực tức?
Đại
dịch Covid – 19 đã làm cho rất nhiều người nhận ra ý nghĩa thực sự của
hai tiếng "Tổ quốc". Dù còn nghèo, dù còn nhiều bất cập tồn tại đang
được giải quyết, nhưng đất mẹ vẫn luôn là vòng tay dài rộng, ấm áp nhất
với những đứa con khắp bốn phương trời. "Chống dịch như chống giặc" và
lịch sử Việt Nam đã cho thấy, mỗi khi có giặc, thì người Việt lại đồng
lòng, bao dung hơn bao giờ hết.
Khi
Covid đến Mỹ, trường nghỉ học, thần đồng Đỗ Nhật Nam khắc khoải muốn về
nhà. Mẹ của Nhật Nam không dám khuyên con di chuyển, nhưng chị lại gửi
cho con một đoạn thơ của một nhà thơ trẻ:
Tạ ơn cuộc sống, con còn đó
Một mảnh quê hương để trở về
Để mai trong lúc bơ vơ nhất
Điện thoại đầu kia có người nghe…
Đại
dịch Covid -19 chưa qua đi, nhưng chắc chắn khiến thế giới thay đổi rất
nhiều, từ cách ứng xử với tự nhiên, phương thức kinh doanh, bảo vệ sức
khỏe, đến chuyển biến nội tâm và xếp lại thang giá trị trong mỗi con
người.
Nếu
chỉ coi virus như một kẻ giết người mà không coi nó như là sứ giả gửi
những lời cảnh báo sâu thẳm, để giúp con người tỉnh ngộ, thì chắc chắn
"những tháng ngày tốt đẹp của nhân loại sẽ không còn nhiều nữa"…
Bùi Ngọc Hải
(Soha)
Không có nhận xét nào