Header Ads

  • Breaking News

    Anh đánh lớn, tung gần 400 tỷ đô vào trận chiến chống virus corona


    Chiều 17/03, chính phủ Anh tung ra 330 tỷ bảng (398 tỷ USD) vào trận chiến chống dịch Covid-19, đánh dấu một bước ngoặt như nhà báo Nguyễn Giang viết:

     Anh đánh lớn, tung gần 400 tỷ đô vào trận chiến chống virus corona


    Lúc Boris Johnson nổ phát súng bằng hàng trăm tỷ bắn con virus quái ác, tôi vừa xong ca làm việc tại nhà ngày đầu, nào thử các kiểu hệ thống họp từ xa, nào xem nội dung tin bài từ xa.

    Vâng, thế giới đang tự dừng lại cách làm việc cũ, đi nhiều, đốt nhiều, ăn nhiều, yêu nhiều, thải nhiều, bỗng chốc nhìn – nghe – nói đều ở dạng remote hết. Cũng cần quen dần.

    Đang định xem TV khi thấy thông báo trên iPhone về bước đi quyết liệt của Boris Johnson sau buổi họp báo quá tệ tuần trước, thì nhà có khách.

    Kể ra chút để các bạn thấy dân Anh cũng lo chống dịch, chạy dịch chứ không thờ ơ như một số “ông trạng trên mạng” ở Việt Nam mô tả “từ xa” đâu.

    Một cô đồng nghiệp của vợ tôi, cùng làm tại trường tiểu học, đến để hỏi thăm. Hai cô nói chuyện với nhau về việc bỏ họp toàn trường – school assembly, vào tuần tới, trước kỳ nghỉ Phục Sinh tháng 4. Từ mấy hôm, trường St Anselm's Primary đã chuẩn bị bước II, là nghỉ học. Cho đến nay, họ chỉ báo cho nhân viên là “phòng ngừa lây lan” - học sinh ho, sốt thì cho về nhà, giảm hoặc huỷ các chuyến dã ngoại, tham quan trong nước Anh etc. Tuần qua, trường chuẩn bị bước I: các loại sách vở, giáo án online để chuẩn bị cho học sinh học từ nhà, chờ quyết định đó từ chính quyền địa phương.

    Thực ra, Anh Quốc chậm đóng trường học là có lý do của họ: để học sinh ở nhà thì cha mẹ, một số đông làm trong ngành y tế, sẽ nghỉ phép trông con, gây thiếu quân ở tuyến đầu chống dịch. Mặt khác, một số không nhỏ trong hơn 4 triệu học sinh nhỏ tuổi sẽ được gửi ông bà ở độ tuổi rủi ro dễ mắc virus.

    Chưa kể, sống ở Kent tôi biết nhiều nhân viên y tế ngay tại hai bệnh viện gần nhà là người nước ngoài, Đông Âu, Nam Âu, Philippines, CH Nam Phi...Nếu con họ phải nghỉ học, họ sẽ tìm cách đem con về nước nghỉ dài luôn, gây khủng hoảng nhân sự cho y tế Anh.

    Tóm lại là trường sẽ đóng nhưng chưa phải bây giờ.

    Tôi không tham gia câu chuyện, chỉ nghe loáng thoáng rồi vào phòng, xem đoạn video SkyNews phỏng vấn bác sĩ Jonathan Nguyen Van-Tam, người Mỹ gốc Việt hiện là quan chức cao cấp số hai của Y tế Anh Quốc.


    Giải thích rõ hơn trước và làm từng bước

    Có vẻ như chính phủ Anh đang làm một đợt 'offensive' về PR trên truyền thông hỗ trợ cho Boris Johnson bị tiếng là hay "chém lung tung".

    Ông Jonathan Nguyen Van-Tam, sinh ở Boston, Massachussetts, giáo sư dịch tễ học ĐH Nottingham, từ 2017 giữ chức rất to là England's Deputy Chief Medical Officer, giải thích vì sao chính phủ Anh và ngành y tế làm từng bước việc kìm chân Covid-19 nhưng cảnh báo “các biện pháp sẽ tăng dần, và kéo dài ít nhất bốn tháng”.



    Ngay từ đầu đại dịch Covid-19, và làm việc liên quan nhiều đến mảng planning ở BBC, tôi hiểu rằng Anh Quốc quan sát rất kỹ hành trình của con virus Vũ Hán.

    Nói thẳng ra, ban đầu họ nghĩ virus này chỉ hoành hành ở Trung Quốc. GS John Oxford, trường Queen Mary nổi tiếng ở London thừa nhận sau này trên trang Sunday Times rằng “chúng tôi nghĩ virus này đánh vào người Trung Quốc chứ không gây hại cho “gene châu Âu”. Căn cứ vào diễn biến của dịch SARS phần nhiều tác oai tác quái ở Quảng Đông và Hong Kong, họ có cơ sở để tin như vậy.

    Tôi để ý không thấy các báo khác, gồm cả trang web đài nhà là BBC News đăng câu của ông John Oxford, không rõ có phải sợ bị cho là 'phân biệt chủng tộc' nên chỉ ghi lại ở đây để các bạn biết.

    Tóm lại là ngay từ đầu, Anh theo dõi rất sát, và rất cẩn thận, đón công dân của họ, hoặc công dân Trung Quốc học ở Anh về thăm thân quay lại, bằng chuyên cơ, đáp xuống căn cứ quân sự, cách ly ngay ở biệt khu The Wirral phía Bắc, chứ không đem về London.

    Nhưng sau này, khi London – đô thị 10 triệu dân, nay là vùng lây nhiễm cao nhất nước – không thể ngăn cản triệu lượt người qua lại thì Anh Quốc chuyển sang một hướng chống dịch mới. Đó là không ngăn chặn nữa, mà làm chậm và giãn độ lây lan của dịch.

    Tôi quan sát thấy chính phủ Anh có phạm sai lầm về chính sách thông tin tuần trước, khi cuộc họp báo quá thẳng thừng của Boris Johnson - “các bạn sẽ có thân nhân ra đi sớm hơn dự kiến” và các quan chức y tế tìm cách giải thích khái niệm “miễn dịch cộng đồng” rất khoa học nên thô thiển gây choáng cho khá nhiều người. Cùng lúc, đúng là trong dân chúng có khá nhiều thanh thiếu niên, và cụ già chủ quan “khinh địch”.

    Tinh thần Blitz spirit giúp họ sống qua các đợt dội bom của Đức Quốc xã hồi Thế Chiến II được vài báo lá cải thổi lên. Đó cũng là chuyện có thật nhưng không đại diện cho đa số người có gia đình, phải lo cha mẹ già, trẻ con, và mọi diễn biến về virus đều có thể gây xáo trộn lớn cho cuộc sống họ phải tính đến.

    Chính phủ Anh có chủ quan ban đầu hay không thì tôi không rõ, nhưng chắc chắn là chỉ sau 1-2 tuần đầu tháng 3 và sau cuộc họp báo đầu tiên, họ họ đã điều chỉnh lại. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock nói “herd immunity” là khái niệm khoa học nhưng không phải là chủ trương của nhà nước để “dân lây nhiễm hàng loạt”.

    Một lệnh vừa được ban ra để tất cả các bệnh viện ở England lùi các cuộc phẫu thuật không thiết yếu từ 15/04 nhằm giải phóng 30 nghìn giường bệnh cho người mắc virus corona nếu con số phải nhập viện tăng lên.

    Boris đã tỏ vẻ đồng cảm hơn trong cuộc họp báo chiều thứ Hai.

    Lúc đó, tôi đã rời sở đi bộ ra ga tàu, qua Leicester Square, rẽ về phía Charing Cross, thấy đường phố trước 18 giờ, bình thường ra là trước giờ ăn chơi buổi tối của dân London, mà phố thật vắng. Quán Bella Italia chơ vơ một anh chàng người Ý đứng mời khách, không đeo khẩu trang gì cả. Các quán bên thì như chẳng buồn kéo bàn ra, đóng luôn.

    Có vẻ người dân đã tự lo trước khi Boris tuyên bố tăng cường các biện pháp siết chặt giao lưu đám đông, không cấm nhưng khuyến nghị giảm đi lại, không vào pub, đi nhà hát, xem phim...


    Tuy thế, phải thừa nhận rằng chính phủ Anh có tính toán kỹ về các bước đi của họ, phối hợp cả bốn lĩnh vực: kinh tế, xã hội, y tế và an ninh để chống dịch Covid-19.

    Trong trận đánh chống Covid-19 này, như quần hùng đọ chiêu đánh tà giáo trong truyện chưởng, mỗi nước ra đòn một kiểu.

    Này nhé, Ý thì ca hát cho vui đời, Tây Ban Nha đánh đàn, Trung Quốc thì lùng,bắt, nhốt, Việt Nam hô hào “toàn dân ra trận”, còn Anh thì dùng đồng tiền.

    Kinh tế, khoa học, y tế, xã hội hỗ trợ nhau

    Cách làm của Anh tưởng thờ ơ nhưng thực ra khá bài bản, bình tĩnh và từng bước một, trải ra để quan sát, điều chỉnh, và quan trọng là để công chúng không hoảng loạn, thậm chí trong cơn lo virus còn vui “được tiền”.

    Trước khi FED ở Mỹ làm cú cắt lãi suất vào ngày Chủ Nhật 15/03, sớm không cần thiết, gây choáng, khiến thị trường lao đao, thì Anh đã cắt lãi suất hôm 11/03.

    Ngay lập tức vào sáng 12/03, tôi nhận được tin nhắn của ngân hàng thông báo tiền trả hàng tháng cho tín dụng mua nhà (mortgage) giảm đi một con số vui vẻ.

    Hàng triệu gia đình khác ở Anh cũng vui như tôi nhờ được vuốt ve bởi “chiến tranh tâm lý” mà chính phủ và Bank of England tung ra.

    Chưa hết, hôm 17/03 này, tân Bộ trưởng Tài chính, một anh chàng banker trẻ tuổi người Anh gốc Ấn là Rishi Sunak công bố̃ gói cứu trợ 330 tỷ và một loạt biện pháp giúp doanh nghiệp nhỏ, người thu nhập dưới trung bình.

    Khoản tiền gần 400 tỷ USD, bằng 15% GDP của Anh gồm nhiều khoản cho vay để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ có thanh khoản, không suy sụp vì mất khách, và vì nợ ngân hàng.

    Dư luận Anh đặc biệt chú ý đến lệnh “hoãn trả tín dụng địa ốc”, còn gọi là “mortgage holiday”. Bạn biết là ở Anh ít ai mua nhà mà không vay ngân hàng, và tiền vay gốc, cùng lãi suất lên tới hàng trăm nghìn bảng cho một căn nhà ở ngoại ô London. Hàng tháng, tiền mortgage có thể chiếm tới ½ hoặc 1/3 thu nhập sau thuế của hộ gia đình.

    Cú 'giãn nợ' cho tín dụng địa ốc này quả không tệ, theo như bình luận của một đồng nghiệp tôi bên BBC Finance.

    Đồng tiền chi đúng lúc còn giúp bình ổn thị trường lao động và̉ đảm bảo an ninh xã hội.

    Nói ngắn gọn thì trong vòng ba tháng chống virus, nếu chẳng may bạn bị công ty sa thải, tạm nghỉ việc không lương, thì căn nhà không bị ngân hàng tịch thu vì thiếu nợ.

    Xin nhắc Anh là nước có chế độ phúc lợi hơn cả xã hội chủ nghĩa, nhưng kinh tế là theo chủ nghĩa tư bản, chính phủ không thể bắt các công ty không sa thải người mà chỉ có thể giúp họ sau khi đã mất việc. Bạn thất nghiệp thì có trợ cấp của chính quyền để sống nhưng căn nhà nếu không trả đủ hạn lãi suất ngân hàng thì bị mất tờ 'deed' như sổ đỏ ở Việt Nam ngay.

    Mortgage holiday cho phép bạn không phải trả trong ba tháng nếu thuộc diện khó khăn mà trả sau, phần trăm thấp, khoản nợ này.

    Quyết định can thiệp “độc tài tư bản chủ nghĩa vì dân” của chính phủ Anh, hãm phanh bàn tay lông lá của thị trường sẽ giúp hàng triệu gia đình khỏi lo trở thành vô gia cư.

    Và trên thực tế, bước đi sáng suốt này cũng giúp các hội đồng địa phương không bị khủng hoảng nhà council housing. Vì như tôi đã nói, dân ở Anh “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu không quá mức”, trời lạnh nên ai cũng phải có nhà, mất nhà thì council phải thuê khách sạn, nhà trọ cho bạn ở. Tiền do chính phủ chi từ quỹ khác, quỹ an sinh xã hội. Nếu hàng triệu người mất việc phải xin trợ cấp nhà cửa thì khủng hoảng virus sẽ lan nhanh sang thành khủng hoảng xã hội.

    Tôi hiểu là Boris đã kéo đại bác ra bắn virus.

    Trở lại câu chuyện chính là cách Anh Quốc phòng chống virus corona, tôi thấy bài trả lời phỏng vấn của GS Jonathan Nguyen Van-Tam đã làm dư luận Anh yên lòng.

    Bình luận của các báo Anh đều khá tích cực khi ông Van-Tam giải thích rõ bốn bước đi của Anh.

    Khi bị nhà báo của SkyNews chất vấn “Anh Quốc có quá chậm, có sai lầm hay không? WHO nói thế này, nước kia chê Anh thế nọ” vị giáo sư Mỹ gốc Việt cười mỉm theo cách tôi thấy là rất Việt Nam, dù ông nói tiếng Anh giọng sang trọng, ở đây gọi là posh.

    Ông nói với vẻ điềm tĩnh của nhà khoa học nhưng hiểu các tác động xã hội của vấn đề: “Các nước có cách của họ, còn ở Anh, chúng ta chỉ đi theo kiến thức khoa học của chính chúng ta (we are led by our own science).

    Luôn tính đến công nghệ


    Kể thêm một chút để các bạn ở Anh không cần quá lo cho chúng tôi. Sau khi đài BBC công bố, qua email của tổng giám đốc BBC News lúc 10 giờ đêm 16/03, nói tổng hành dinh New Broadcasting House ở London đã có một ca virus corona, chừng 6.000 người bước vào giai đoạn dọn desk để đến đêm sẽ có đội xịt thuộc khử trùng.

    Ngày hôm sau, các team leaders họp qua Skype, Zoom, phone để bàn cách giãn quân, giảm người vào tòa nhà theo yêu cầu của chính phủ. Tôi không thấy ai cố đi dò hỏi đồng nghiệp hay nhân viên kỹ thuật, phục vụ bị "mắc virus" là ai. Tuyệt nhiên không ai hỏi và ban giám đốc cũng chỉ nói "người đó đã ở nhà từ hai tuần qua và đang bình phục tốt".

    Công việc làm từ nhà sẽ có ban kỹ thuật hỗ trợ, ngày đầu bị quá tải thì những ngày sau sẽ đỡ, bạn cứ kiên nhẫn chờ. Ở tập đoàn 22 nghìn nhân viên, gồm chừng 5000 nhà báo, BBC cũng mở luôn thêm chừng 10 nghìn tài khoản kết nối từ xa, thừa đủ số người phải 'working from home'.

    Kể ra không phải để khoe BBC hay – như nhiều công ty public khác, tập đoàn này còn đầy vấn đề cần chỉnh sửa, thậm chí cần cải tổ rất nhiều – nhưng để các bạn hiểu như mọi nền kinh tế hiện đại, Anh Quốc luôn nhìn các vấn đề từ góc độ khoa học, kỹ thuật và công nghệ trước hết và trên hết.

    Từ đó, họ sẽ tìm giải pháp và luôn cố gắng có cách tiếp cận nhân văn hơn là hùng hục, để đạt mục tiêu chung.

    Thế giới con người mùa virus

    Nhân đây cũng phải nói rằng cuộc chiến chống virus corona làm lộ ra nhiều điều đáng quý, như phong trào thiện nguyện giúp người già, người cô đơn trong trường hợp bị cách ly, lockdown, nhưng cũng làm nổ ra các cuộc tranh cãi gay gắt, đôi khi đầy tính kỳ thị, thô bạo.

    Tôi đã viết hồi cuối tháng 1, khi virus Vũ Hán hoành hành ở Trung Quốc thì có nạn phân biệt chủng tộc trong một số giới ít học ở Âu Mỹ nhắm vào người gốc Á.

    Nay, khi mỗi nước có cách riêng chống virus, tùy vào khả năng, nguồn lực, nhận thức của họ, thì ở Việt Nam lại có làn sóng kỳ thị Anh Quốc, đổ cho các chuyến bay từ Anh “mang virus corona tới”, làm kế hoạch đang đẹp bị vỡ tung. Tới đây riêng Hà Nội sẽ phải đón hàng nghìn người từ vùng dịch châu Á về, thì biết trách ai?

    Cần nói rõ người Anh không tạo ra, không làm nảy sinh ra virus corona, và ngay cả người dân Trung Quốc cũng chẳng muốn bị dính virus. Các chính phủ, gồm cả chính phủ Việt Nam, đều hết sức cố gắng chống trả Covid-19, vì “cuộc khủng hoảng này chẳng của riêng ai” nên những ý kiến đổ lỗi xét cho cùng chỉ đến từ thái độ nhỏ nhen, mang tư duy bộ lạc (tribal mindset), nặng cảm tính và thiếu sự điềm đạm cần thiết.

    Hiện chưa thể nói 'big, bold plan' (kế hoạch lớn, táo bạo) của Boris Johnson sẽ có hiệu quả đến mức nào. Tất cả còn đầy những biến số. Trong những tuần và tháng tới, chắc chắn sinh hoạt của 66 triệu người dân ở Anh trong đó có tôi sẽ phải thay đổi để thích ứng.

    Sau nỗi lo mua sắm tích trữ, thuốc men, các tips bổ phổi bổ thận, chắc hẳn cười, chia sẻ tiếu lâm mùa virus, kể cả nhiều tiếu lâm khá đen tối, là mechanism hiệu quả để vượt qua những ngày bất an.

    Ở Anh hiện đang lưu truyền tiếu lâm về thủ tướng Boris Johnson.

    “Đến thăm hiệp hội các nhà chế tạo dụng cụ y tế, Boris hô hào họ sản xuất nhiều hơn máy thở cho bệnh nhân suy phổi vì virus corona.

    Khi được hỏi chính phủ làm gì để trợ giúp, Boris nói, “Chính phủ sẽ mở Operation Last Grasp – Chiến dịch Hơi thở Cuối cùng.”

    Xin lỗi các bạn, tôi đùa.

    Chuyện trên không phải là tiếu lâm, mà thật 100%. Ông Boris đã bị một số báo mắng về cách làm 'thằng hề' (clown) không phải chỗ.

    Nước Anh là thế đấy các bạn ạ.

    BBC News

    Không có nhận xét nào