Header Ads

  • Breaking News

    Với EVFTA, EU sẽ tăng cường sự hiện diện như là một động lực và là chất xúc tác cho thay đổi tại Việt Nam

    Hôm qua 10/02 Nghị sĩ Iuliu Winkler viết bài này để kêu gọi các đồng nghiệp trước cuộc bỏ phiếu trong phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu vào ngày mai 12/02 về Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA).

    Lược dịch bài viết của Nghị sĩ Iuliu Winkler, Phó chủ tịch Ủy ban Thương mại của Nghị viện châu Âu (Ủy ban INTA).
    Chúng ta đang đứng trước một quyết định quan trọng trong Phiên họp toàn thể vào ngày 12 tháng 2 sắp tới với cuộc bỏ phiếu về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA).

    Hai hiệp định chiến lược này mang 3 ý nghĩa quan trọng:

    1. Ý nghĩa kinh tế và thương mại mà được nhất trí công nhận là hai bên EU và Việt Nam cùng có lợi với việc dẹp bỏ 99% hàng rào thuế quan, v.v. Hiệp định cũng cắt giảm thủ tục hành chính và làm giảm bớt gánh nặng hành chính, một yếu tố then chốt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Âu. Đây là hiệp định thương mại hiện đại và đầy tham vọng đầu tiên của EU với một quốc gia đang phát triển.

    2. Hai hiệp định này có giá trị quan trọng về địa chính trị, mà được nhất trí công nhận, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến sự biến động và căng thẳng gia tăng trên mặt trận thương mại.

    EVFTA / EVIPA có thể được coi là bước đầu tiên trong quá trình lâu dài để đạt tới mục đích là hiệp định thương mại với khối ASEAN. Mọi hành trình đều bắt đầu bằng một bước đầu tiên trên đường tiến đến mục đích dài hạn của EU. Việc phê chuẩn EVFTA / EVIPA chính là bước quan trọng đầu tiên này.

    3. Hơn nữa, chương Thương mại và Phát triển bền vững (TSD) trong hiệp định EVFTA đã dành được nhiều chú ý. Chương này bao gồm các quy định về nhân quyền, bảo vệ môi trường và quyền người lao động. Giai đoạn đàm phán hiệp định đã kích hoạt những cải cách quan trọng ở Việt Nam. Những cải tiến chính sách, bao gồm phê chuẩn các Công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cũng như xây dựng lộ trình thực hiện cải cách Bộ luật Lao động, đã được công nhận trên toàn cảnh chính trị ở châu Âu.

    Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) đã nổ lực nhằm đạt các tiêu chuẩn cao nhất về quyền lao động, và đã hài lòng khi nghe Văn phòng ILO ở Việt Nam cho rằng những tiến bộ thực sự là không thể bác bỏ.

    -----

    Cùng với các đồng nghiệp trong Ủy ban INTA, tôi đã đến thăm Việt Nam vào mùa thu năm ngoái, và có được những trải nghiệm trực tiếp ở Hà Nội. Chúng tôi đã gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam ở cấp cao nhất, các tổ chức quốc tế như ILO, Phòng Thương mại EU của chúng tôi tại Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự khác nhau. Mặc dù chắc chắn vẫn còn nhiều khiếm khuyết về nhân quyền, bảo vệ môi trường và quyền người lao động cần phải được cải thiện, nhưng một thông điệp quan trọng mà chúng tôi liên tục nhận được trong chuyến thăm của chúng tôi là sự hiện diện của EU tại Việt Nam tạo ra sự khác biệt đáng kể. Với hiệp định này, EU sẽ đáp ứng nhu cầu về động lực, và chất xúc tác cho cải cách và thay đổi tại Việt Nam.

    Sự thách thức là đáng kể, bởi vì EU đang đối phó với một hệ thống chính trị khác hẳn. Do đó sự dấn thân của EU càng quan trọng hơn. Đây là hiệp định thương mại hiện đại và đầy tham vọng đầu tiên của EU với một quốc gia mà EU muốn thể hiện các giá trị và nguyên tắc của châu Âu. Do đó, việc đánh giá kết quả cần phải lưu ý đến các đặc thù của địa phương, trong một khoảng thời gian tương xứng để thay đổi. Cá nhân tôi đã chứng kiến những phát triển ấn tượng ở Việt Nam, sau khi đã đến thăm đất nước này hồi năm 2015.

    Chúng ta chỉ có một vấn đề gây tranh cãi duy nhất: EU có thể tối đa hóa ảnh hưởng của mình đối với nhân quyền ở Việt Nam như thế nào? Tốt hơn là hoãn lại cuộc bỏ phiếu phê chuẩn để dùng làm đòn bẩy? Hoặc hiệu quả hơn là phê chuẩn và bắt đầu thực hiện ngay các cơ chế của hiệp định EVFTA / EVIPA?

    Không còn hoài nghi gì nữa, tôi tin rằng hoãn lại phê chuẩn hiệp định là một quyết định tồi. Chắc chắn sự lựa chọn tốt nhất là tăng cường ngay lập tức sự hiện diện của EU tại Việt Nam và kiểm tra việc thực hiện hiệp định, bao gồm cả sự kiểm tra bởi Ủy ban hỗn hợp giữa Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam, một hợp tác nghị viện chưa từng có, được đề xuất khi phái đoàn Ủy ban INTA tới Hà Nội hồi cuối năm ngoái.

    Việc hoãn thực hiện có nghĩa là hoãn kết quả, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của EU trong các cuộc đàm phán thương mại và về lâu dài sẽ làm giảm uy tín. Các cuộc đàm phán về hiệp định cung cấp cho chúng ta đòn bẩy mà chắc chắn chúng ta đã tận dụng nó. Thậm chí đòn bẩy mạnh mẽ hơn sẽ đến khi hiệp định có hiệu lực và các cam kết ràng buộc pháp lý của nó sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng.

    Trong suốt hai tháng qua, chúng tôi đã chứng kiến một sự đối thoại gia tăng với chính quyền Việt Nam thông qua trao đổi rất nhiều thư từ và gặp gỡ trực tiếp. Những kỳ vọng của Nghị viện châu Âu rất rõ ràng, không thể nhầm lẫn. Các cam kết của các đối tác Việt Nam về bảo vệ môi trường, quyền người lao động và nhân quyền được định lượng và khả thi. Tổng giám đốc Thương mại EU (DG Trade) cũng đã hơn một lần khẳng định cam kết không mệt mỏi của mình trong việc sẽ giám sát việc thực hiện hiệp định, kiểm tra kết quả và nếu cần, dùng áp lực để đạt được kết quả như mong đợi.

    Nếu chúng ta muốn thấy một sự hiện đại hóa nhanh chóng, những cải tiến thực sự và kết quả cụ thể ở Việt Nam, chúng ta phải bỏ phiếu đồng ý với các hiệp định thương mại EU-Việt Nam.

    Hiếu Bá Linh (biên dịch)

    Nguồn: https://winklergyula.ro/en/the-ep-consent-on-the-eu-vietnam-agreements-will-fulfil-the-eus-vocation-as-a-catalyst-of-reform/
     
    (Dân Luận)

    Không có nhận xét nào