Header Ads

  • Breaking News

    Virus corona: Sao có chuyện xét nghiệm dương tính sau khi 'đã khỏi'?


    Lo sợ dâng cao về việc virus corona có thể trở thành đại dịch toàn cầu, trong lúc đang ngày càng có nhiều ca nhiễm bệnh mới được báo cáo trên toàn cầu.
    Bản quyền hình ảnh AFP Image caption Nam Hàn cho đến nay là nơi có nhiều trường hợp nhiễm bệnh nhất ở bên ngoài Trung Quốc

    Hầu hết các ca là ở Trung Quốc, nhưng nhiều nước khác cũng đang phải vật lộn đối phó, trong đó có Nam Hàn, Italy và Iran.

    Chính quyền Hàn Quốc 'hơi chủ quan'?

    Tin về các vụ lây nhiễm mới nhất ở Hàn Quốc đang gây xôn xao dư luận tại Việt Nam.

    Có ý kiến trong người Việt sống tại đó và một số người đã làm việc từ Hàn Quốc về Việt Nam năm qua, cho rằng chính quyền Hàn đã "hơi chủ quan".

    Một cựu phiên dịch, hiện đã sống ở Việt Nam, chia sẻ với điều kiện ẩn danh:

    "Hàn Quốc kiểm soát dịch rất kém. Số thông báo người nhiễm tăng là do bị nhiễm trước rồi. Giờ chỉ kiểm tra và công bố thôi. Vừa không kinh nghiệm xử lý dịch vừa vì thể chế mang danh dân chủ và có các đảng đối lập... nên công tác kiểm soát dịch càng khó khăn vì thái độ bất hợp tác và chống đối..."

    Ý kiến này nói "Dịch này tuy thế không quá nguy hiểm vì tỉ lệ tử vong thấp nhưng thiệt hại về kinh tế rất lớn cho Hàn Quốc."

    Có thể, vì có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Hàn Quốc, nên Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, theo nhiều nhà quan sát.

    Dù vậy, có ý kiến đánh giá tốt nỗ lực của chính phủ Việt Nam cho tới nay.

    Viết cho BBC News Tiếng Việt hôm 24/02, TS Phạm Quý Thọ, nhà bình luận từ Hà Nội nói:

    "Năng lực ứng phó của Việt Nam trước dịch Covid-19, như Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, bước đầu là tích cực. Về chính sách ngoại giao về 'Covid-19', Chính phủ Việt Nam ứng xử 'mềm dẻo' với các nước có liên quan."

    Người Việt ở Ba Lan lo lắng

    Tình hình dịch bệnh ở Ý, nơi đến nay đã có năm người tử vong, cũng khiến cộng đồng người Việt ở thủ đô Warsaw của Ba Lan lo lắng.

    Khả năng lây nhiễm từ Ý tới khu chợ Wolka của người Việt ở ngoại ô Warsaw là khá cao.

    "Người Trung Quốc bên Ý thường xuyên qua lại trung tâm buôn bán bên này, vì lý do làm ăn," nhà báo tự do Mạc Việt Hồng từ Warsaw nói với BBC News Tiếng Việt.

    "Người Việt cũng thường qua các xưởng sản xuất do người Trung Quốc làm chủ ở bên Ý để đặt hàng."

    "Thông thường, người Việt đi Ý như đi buôn chuyến, họ sang các nhà máy, xưởng may do người Trung Quốc làm để xem các mẫu hãng mới, rồi đặt hàng về Wolka bán."

    Tin cho hay ban hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Ba Lan trong các ngày 23 và 24/02 đã "kêu gọi cộng đồng doanh nhân Việt Nam, Trung Quốc, Ba Lan, và các nước khác không đi Italy giao dịch, đặt hàng, mua hàng trong thời gian này cho tới khi Dịch Covid-19 được kiểm soát".

    Những người mới từ vùng dịch Covid-19 tới Ba Lan được kêu gọi cách ly tại gia ít nhất 14 ngày, còn những ai có biểu hiện bất thường về sức khỏe được khuyến nghị đi khám bác sỹ ngay,

    Doanh nhân Trần Quốc Quân, một trong các chủ đầu tư của Trung tâm Thương mại Á-Âu (EACC) thuộc khu chợ Wolka tỏ ý quan ngại.

    "Khả năng nếu có ca dương tính thì khu Trung tâm Thương mại vùng Wólka Kosowska bị chính quyền phong tỏa ổ dịch là rất cao," ông Quân nói với BBC News Tiếng Việt.

    Nhà báo Mạc Việt Hồng nhận xét rằng bởi Wolka là khu tập trung gần như toàn người nước ngoài, cho nên "nếu dịch bùng phát ở đây là sẽ 'toang' luôn".

    Sắp tới ra sao?

    Câu hỏi tới là liệu sẽ có đại dịch toàn cầu hay không

    Ngoài ra là các thông tin trái ngược nhau về nguy cơ 'tái nhiễm'.

    Đến 24/02, có tin nói về chuyện quốc tế đang tiến lại gần hơn việc có nên coi đây là một đại dịch.

    Tuy thế, một dịch bệnh sẽ được tuyên bố là đại dịch khi nó cùng lúc đe dọa nhiều vùng khác nhau trên toàn thế giới.

    Cho đến nay vẫn chưa có vaccine phòng chống được loại virus corona mới này.

    Khoảng 77.000 người ở Trung Quốc, khởi nguồn phát bệnh, đã bị mắc virus corona, trong đó gần 2.600 người đã thiệt mạng.

    Hơn 1.200 trường hợp được xác nhận tại 26 quốc gia, với tám ca tử vong, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói.

    Hôm thứ Hai, Afghanistan, Kuwait và Bahrain báo cáo có các trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên, toàn bộ đều là những người vừa từ Iran trở về.

    Một số thông tin nói có bệnh nhân 'âm tính' với virus corona rồi sau lại bị dương tính, nhưng giới khoa học cho rằng đó chỉ là chưa xét nghiệm có lỗi hoặc chưa phát bệnh.

    Trang Beijing News (18/02) trích lời một bác sĩ ở Hồ Bắc nói có các trường hợp bệnh nhân virus corona đã được cho ra viện, nhưng sau "lại có xét nghiệm dương tính".

    Câu chuyện này đã và đang tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận.

    Ngoài ra là các trường hợp bị chẩn đoán là "có virus corona" nhưng sau lại không có, rồi mắc lại.

    Theo James Gallagher, phóng viên y tế và khoa học của BBC News thì có một khả năng là các xét nghiệm chính xác, cho thấy đúng là bệnh nhân không có virus corona vào thời điểm làm xét nghiệm.

    Triệu chứng gây nhầm lẫn

    Trong bài 'Are coronavirus tests flawed?' (Có phải xét nghiệm virus corona có lỗi?), James Gallagher viết:

    "Vì cũng là mùa cúm tại Trung Quốc nên ho, bị sốt đều có thể tạo ra cảm giác nhầm lẫn với bệnh do virus corona gây ra."

    Các xét nghiệm 'RT-PCR tests' trong y tế đang dùng rất phổ biến thường cũng có độ chính xác cao, chuyên để tìm virus HIV và cúm.

    Bác sĩ Nathalie McDermott, Đại học King's College London, nói:

    "Các xét nghiệm này nói chung là chính xác, với tỷ lệ sai số thấp."

    "Nhưng các dấu hiệu ban đầu của virus corona rất giống các loại bệnh đường hô hấp do virus khác gây ra."

    "Và có thể bệnh nhân không hề mắc nhiễm virus corona trong lần xét nghiệm đầu tiên."

    "Một thời gian sau họ mới lây nhiễm và khi đó thì phát hiện ra là dương tính với virus corona."

    Theo bà, đó chính là một khả năng của việc xét nghiệm lần đầu 'không sao' mà lần sau thì lại coi là dương tính.

    Bệnh chưa phát

    Một khả năng nữa là bệnh nhân đã có virus corona trong người nhưng bệnh chỉ ở thời kỳ ban đầu, không đủ để bị phát hiện.

    Dù RT-PCR test đã đọc được dữ liệu di truyền nhiều hơn trước, máy móc cũng cần phải có chất liệu gì cụ thể từ bệnh nhân thì mới tìm ra bệnh.

    Tuy vậy, việc làm cả sáu đợt test vẫn không tìm ra virus thì là chuyện khó tin, theo bà MacDermott.

    Trong trường hợp virus Ebola, người ta cần đợi 72 giờ sau xét nghiệm âm tính để chờ xem virus có hoạt động không mới làm test sau.

    Xét nghiệm thiếu chuẩn xác

    Thêm một khả năng nữa là cách làm xét nghiệm có lỗi.

    Ví dụ mẫu lấy từ cổ họng không chuẩn, không thu hết dịch.

    Chưa kể nếu mẫu vật từ cơ thể bệnh nhân không được bảo quản, xử lý chuẩn xác thì kết quả cũng bị ảnh hưởng.

    Đã có ý kiến nói đến chuyện bác sĩ khi lấy mẫu sinh thiết từ phần cuống họng của bệnh nhân lại nhìn vào chỗ khác.

    Chọn Primer sai

    Cuối cùng là khả năng RT-PCR test chọn sai điểm có mẫu di truyền của virus corona.

    Gọi là 'primer', phần này cho người làm xét nghiệm tìm ra mã di truyền của virus.

    Nếu virus từ primer và virus từ cơ thể bệnh nhân không tương đồng thì bệnh nhân bị cho là dù đã mắc virus vẫn có 'xét nghiệm có kết quả âm tính'.

    BBC News

    Không có nhận xét nào