Tại một phòng thí nghiệm của cơ quan y tế vùng Baden-Wuerttemberg, Đức. Ảnh chụp ngày 29/01/2020 |
Chỉ
một tháng sau khi Trung Quốc báo động về virus corona mới (2019-nCoV),
các phòng thí nghiệm, nghiên cứu, cơ quan y tế của nhiều nước trên thế
giới đã lao vào cuộc chạy đua với thời gian để bào chế vac-xin. Ngày
31/01/2020, cơ quan nghiên cứu dịch tễ nổi tiếng thế giới, Viện Pasteur
Pháp, thẩm định sẽ bào chế được vac-xin trong 20 tháng nữa, trong khi
đó, Trung Quốc hay Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID)
cho biết sẽ có được vac-xin ứng viên để thử nghiệm trên người trong 3
tháng tới. Thậm chí, ngày 30/01 vừa qua, công ty dược phẩm Mỹ Inovio,
hợp tác với tập đoàn Trung Quốc Beijing Advaccine Biotechnology, thông
báo đã tiến hành thử nghiệm tiền lâm sàng.
Tuy
nhiên, bên cạnh những tuyên bố mang tính tuyên truyền, việc bào chế ra
được một vac-xin hữu hiệu và sau đó tiến hành sản xuất hàng loạt, khá
phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian, nhiều tháng trời.
Sau đây là một vài câu hỏi mà website ici.radio-canada.ca đặt ra với giới chuyên gia :
1- Phải chăng đã có vac-xin hiện đang được sản xuất hàng loạt ?
Không.
Nhưng các công việc đã được bắt đầu để đạt được mục tiêu này. Theo giải
thích của bác sĩ Raymond Tellier, chuyên gia vi sinh thuộc Trung tâm Y
Tế đại học McGill, Canada, thoạt tiên, khi tìm cách sản xuất một loại
vac-xin kháng một loại virus cụ thể, người ta không nhất thiết phải biết
trước cách thức hoặc phương pháp bào chế để có thể đạt được kết quả
tốt. Hiện nay, các chuyên gia đang nghiên cứu nhiều hướng, đặc biệt là
dựa vào những kinh nghiệm mà họ đã có được trong đợt dịch viêm phổi cấp
tính SRAS năm 2003.
2- Ai sản xuất vac-xin ?
Chính
phủ (thông qua các định chế công) tài trợ cho các phòng thí nghiệm công
và tư tiến hành nghiên cứu. Các công ty dược phẩm cũng đầu tư vào việc
bào chế vac-xin. Một phòng thí nghiệm của đại học Saskatchevawn (phía
tây Canada), trước đây đã bào chế thành công các loại vac-xin kháng được
các virus corona liên quan đến gia súc được chăn nuôi. Hiện nay, phòng
thí nghiệm này đang cố bào chế một loại vac-xin mới và đã được phép của
Cơ quan Y tế Công Canada để tiến hành các thử nghiệm.
3- Có sự phối hợp trên thế giới trong việc bào chế vac-xin hay không ?
Theo
bác sĩ Tellier, không hề có một tổ chức quốc tế nào có thẩm quyền để
phối hợp các hoạt động bào chế vac-xin của các nước, các tập đoàn dược
phẩm…
4- Cần bao nhiều thời gian để bào chế được một vac-xin ?
Tối
thiểu nhiều tháng, thậm chí một năm hoặc hơn. Sau khi tiến hành thử
nghiệm trên súc vật và người, phải đợi có giấy phép và lúc đó mới có thể
sản xuất hàng loạt. Bác sĩ Tellier nhấn mạnh : Đương nhiên, nếu phải
đối mặt với đại dịch, người ta có thể rút ngắn các giai đoạn. Nhưng như
vậy, thì nguy cơ hiệu ứng phụ của vac-xin sẽ cao.
5- Việc sản xuất vac-xin thường phải trải qua những giai đoạn nào ?
Chuyên
gia Pierre Talbot, thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (INRS),
giải thích : Trước tiên, người ta thử nghiệm vac-xin ứng viên trên súc
vật. Sau đó là các thử nghiệm lâm sàng trên người. Nếu một vac-xin được
đánh giá là an toàn, tạo ra khả năng miễn dịch và bảo vệ, theo đúng như
tiêu chuẩn đã đề ra thì sản phẩm này sẽ được phép sản xuất hàng loạt để
tiêm phòng chủng cho người dân. Cụ thể, giai đoạn 1 nhằm đánh giá mức độ
độc hại. Giai đoạn hai đánh giá hiệu quả. Trong giai đoạn cuối, vac-xin
được thử nghiệm trên diện rộng, có nghĩa là tiêm thử cho hàng trăm thậm
chí hàng ngàn bệnh nhân.
Giai
đoạn cuối này cho phép các chuyên gia hiểu được hơn hiệu quả và những
lợi thế của thuốc, cũng như các phản ứng tiêu cực mà thuốc có thể gây
ra.
6- Liệu virus corona có thể biến mất trước khi người ta làm ra được vac-xin ?
Chuyên
gia Talbot khẳng định : Hoàn toàn có thể. Virus SRAS đã biến mất sau 8
tháng. Do virus corona mới rất giống virus SRAS, thậm chí còn kém tai ác
hơn, tôi nghĩ là trong vài tuần hoặc lâu nhất là trong vài tháng nữa,
dịch bệnh virus corona mới có thể được ngăn chặn do các biện pháp được
triển khai tại Trung Quốc và tại các nước có người bị lây nhiễm.
(RFI)
Không có nhận xét nào