Hôm 27/02/2020, bộ Y Tế Việt Nam
thông báo, số người bị nghi nhiễm virus corona mới (SARS-CoV-2) tăng vọt
từ 31 hôm trước, lên thành 92 người . Cùng lúc với việc nâng số người
phải cách ly theo dõi nghiêm ngặt, chính phủ Việt Nam tuyên bố sẵn sàng
đối phó với ''bước ngoặt lây lan'' dịch Covid-19 ra toàn cầu.
Phun thuốc khử trừ virus cho xe hơi trên đường phố ở tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam, ngày 07/02/2020 |
''Siết
chặt phòng tuyến'' trước dịch Covid-19, ''chủ quan là tự sát'', sẵn
sàng đối phó với ''các ca nhiễm mới''… là các hàng tựa nổi bật trên báo
chí trong nước hôm nay. Ngày 25/02, dường như nhiều người đã thở phào
nhẹ nhõm sau khi chính quyền Việt Nam thông báo toàn bộ 16 trường hợp
nhiễm virus corona mới đã khỏi bệnh, hôm 25/02. Tuy nhiên, nguy cơ dịch
Covid-19 lan rộng ra ngoài Trung Quốc đang ngày càng rõ rệt, đặt Việt
Nam vào một tình thế mới.
Báo
chí chính thức trong nước hôm nay đăng tải rộng rãi thông tin về 92
trường hợp bị cách ly nghiêm ngặt. Bộ Y Tế Việt Nam không cho biết số
người bị cách ly nói trên là ở tại các khu vực nào. Cho đến nay, ngày
11/02 được ghi nhận số ca bị nghi nhiễm cao nhất, với 97 trường hợp. Vào
lúc đó, Việt Nam có 15 người mắc bệnh.
Hoài nghi về số lượng dương tính với virus quá thấp
Theo
bộ Y Tế Việt Nam, tính đến ngày 26/02/2020, tổng số người ''có tiếp xúc
gần hoặc đi về từ vùng dịch'' đang được cách ly để theo dõi sức khỏe là
5.474. Tổng số ''mẫu đã xét nghiệm'' 1.381 (mẫu dương tính: 16, mẫu âm
tính: 1.365). Về số lượng ca được coi là chính thức nhiễm virus, không
ít người hoài nghi về số lượng rất thấp nói trên, trong bối cảnh tại
Việt Nam, có rất đông người Trung Quốc làm việc, sinh sống, và số người
Việt Nam từ Trung Quốc trở về lọt lưới hàng rào kiểm dịch có thể là
không ít.
Chính
quyền Việt Nam cũng thông báo tăng cường chuẩn bị các cơ sở xét nghiệm
virus corona mới. Cho đến nay, đã có 6 cơ sở được chính thức công nhận,
trong đó có ba cơ sở được Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) công nhận đạt
chuẩn quốc tế. Bộ Y Tế Việt Nam hôm 25/02 cho biết hơn 20 cơ sở khác
cũng sẵn sàng đi vào hoạt động.
Trẻ em đến trường có an toàn hơn ở nhà ?
Có
được một chính sách đối phó với dịch bệnh phù hợp với mỗi địa phương là
một thách thức hàng đầu với Việt Nam. Hôm nay, trong một cuộc họp với
ngành y tế Hà Nội, tân bí thư thành ủy Vương Đình Huệ thừa nhận nguy cơ
dịch xảy ra là rất lớn, và có thể phải tính đến ''phương án cách ly cả
khu phố''.
Tình
hình đặc biệt căng thẳng tại thành phố Hồ Chí Minh. Về mặt chính thức,
thủ phủ kinh tế của Việt Nam vẫn trong tình trạng dịch. Hiện tại, lo
ngại hàng đầu của chính quyền thành phố là nguy cơ lây nhiễm với trẻ em.
Chính quyền thành phố đã đưa ra nhiều kiến nghị kéo dài thời gian nghỉ
học cho đến giữa tháng 3 hoặc cuối tháng 3/2020. Tuy nhiên, về vấn đề
này, có nhiều quan điểm ngược lại. Viện trưởng viện Pasteur thành phố Hồ
Chí Minh, ông Phan Trọng Lân, cho rằng chính việc đến trường sẽ giúp
cho các em được ''an toàn hơn'', vì hiện tại, theo các số liệu chính
thức, gần như không có tình trạng trẻ em bị lây nhiễm tại học đường,
thêm vào đó, số người nhiễm virus dưới 10 tuổi chỉ chiếm 1% trong tổng
số.
Trong
khi đó, bí thư Thành ủy Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân cảnh báo là không nên
lạc quan thái quá về năng lực điều trị của hệ thống y tế với Covid-19,
''đem thành tích để chữa hết bệnh cho một vài người so với chuyện phải
chữa bệnh cho cả ngàn người'' là điều không nên, bởi cần rất nhiều người
để chăm sóc, chữa trị người mắc bệnh dịch Covid-19. Theo lãnh đạo thành
phố, địa phương này sẽ quá tải khi phải chăm sóc 1.000 bệnh nhân nhiễm
virus corona mới.
Tâm trạng hoang mang
Để
tâm trạng hoang mang lấn át có thể ảnh hưởng nặng nề đến khả năng đối
phó với dịch. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện
Nhiệt đới Trung ương, lưu ý đến việc nhiều người mua sắm khẩu trang quá
nhiều, trong lúc phần lớn khẩu trang này rất có thể sẽ không được sử
dụng. Báo chí trong nước ghi nhận tình trạng ''khẩu trang, nước rửa tay
khô cháy hàng, tăng giá phi mã trong thời gian vừa qua, khiến nhiều
người khốn đốn có lẽ là một trong những hậu quả dễ nhận thấy nhất của sự
hoảng loạn quá mức này''.
Vào
thời điểm dịch Covid-19 mới xuất hiện, ngày 31/01/2020, thủ tướng Việt
Nam Nguyễn Xuân Phúc ra Chỉ thị 06CT-TTg, khuyến cáo người dân đeo khẩu
trang tại các ''nơi công cộng''. Cụm từ ''nơi công cộng'' không được xác
định cụ thể rất có thể đã góp phần thổi bùng lên phong trào sử dụng
khẩu trang tràn lan tại Việt Nam. Ngày 05/02, lãnh đạo bộ Y Tế đã có
thông báo điều chỉnh lại cách hiểu sai lạc này, tuy nhiên, nội dung nói
trên trong Chỉ thị của thủ tướng hiện vẫn chưa được sửa đổi.
(RFI)
Không có nhận xét nào