Dịch bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’ do virus
corona chủng mới (COVID-19) đã lan rộng ở Hồ Bắc. Sau khi thay thế Bí
thư Tỉnh ủy Hồ Bắc và Bí thư Thành phố Vũ Hán, chính quyền Hồ Bắc đã báo
cáo số liệu theo tiêu chuẩn chẩn đoán mới được sửa đổi. Theo đó vào
ngày 12/2, số trường hợp nhiễm COVID-19 trong toàn tỉnh tăng mới 14.840
trường hợp. Có lý giải rằng nguyên nhân của tình trạng này là do quan
chức mới không muốn trở thành vật thế thân chịu họa. Dù vậy, việc đẩy số
liệu lên cao này có phải là giải pháp?
Tân Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc Ứng Dũng (trái) và Bí thư Thành phố Vũ Hán Vương Trung Lâm (phải) (Ảnh: Internet) |
Sáng
ngày 13/2, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chính thức tuyên bố bổ
nhiệm ông Ứng Dũng (Thị trưởng Thượng Hải) làm Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc
thay ông Tưởng Siêu Lương (Jiang Chaoliang), còn ông Vương Trung Lâm
(Bí thư thành phố Tế Nam) làm Bí thư thành phố Vũ Hán thay ông Mã Quốc
Cường. Ngay lập tức sau khi có lãnh đạo mới, số ca nhiễm COVID-19 mới
tăng vọt lên 14.000 và số ca tử vong tăng vọt lên tới 254 người, trong
khi ngày hôm trước số trường hợp mắc bệnh mới ở Hồ Bắc chỉ là 1.638.
Giới chức trách lý giải, sở dĩ như vậy là do công tác điều tra các
trường hợp nghi ngờ trước đó và việc điều chỉnh lại kết quả chẩn đoán
bệnh, nghĩa là việc số liệu thay đổi lớn này là vì thay đổi trong tiêu
chí chẩn đoán bệnh.
Quan mới không muốn chịu họa thay quan cũ?
Theo
thông báo, với kế hoạch chẩn đoán và điều trị mới, tỉnh Hồ Bắc sẽ tiến
hành điều tra các trường hợp nghi ngờ trước đó và xem xét lại kết quả
chẩn đoán. Đối với chẩn đoán lâm sàng, chỉ cần bác sĩ kiểm tra bệnh cho
bệnh nhân và phân loại triệu chứng, không nhất thiết phải qua xét nghiệm
dải xét nghiệm axit nucleic để xác định loại bệnh và lập kế hoạch điều
trị. Trong trường hợp viêm phổi do COVID-19, một trường hợp nghi ngờ có
đặc điểm như chẩn đoán hình ảnh viêm phổi đã xem như ca bệnh được chẩn
đoán lâm sàng, nghĩa là chẩn đoán đã được xác nhận.
Sau khi áp dụng chẩn đoán lâm sàng, các trường hợp bị nhiễm và tử vong vì COVID-19 ở Hồ Bắc đã tăng vọt.
Tình
trạng đột biến về số liệu này càng làm dấy lên làn sóng chất vấn về
thực trạng bất cập trong tính toán trước đó của cơ quan chức năng về nạn
nhân của COVID-19. Nhiều người khẳng định hiện tượng cho thấy còn nhiều
nạn nhân của COVID-19 chưa được xác nhận cũng như đưa vào số liệu báo
cáo công luận.
Đối
với thao tác thay đổi dữ liệu này, có suy tính về khả năng quan chức
mới lên thay phải điều chỉnh số liệu vì không muốn lại phải gánh tai họa
thay người tiền nhiệm.
Vì
sau buổi họp báo hôm 10/2, tuyên bố của ông Mã Quốc Cường – cựu Bí thư
thành phố Vũ Hán, đã bị dư luận chỉ trích vẫn dối trá che giấu sự thật.
Ông Mã cho biết tại họp báo rằng cơ quan chức năng đã kiểm tra 99% người
dân Vũ Hán, toàn bộ 1.499 bệnh nhân chẩn đoán mức nghiêm trọng đã được
đưa vào bệnh viện.
Hôm
12/2, ông Trần Nhất Tân (Chen Yixin), phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch
COVID-19 Trung ương và đồng thời là Thư ký trưởng Ban Chính pháp Trung
ương ĐCSTQ chỉ ra rằng tình hình dịch bệnh ở Hồ Bắc và Vũ Hán vẫn rất
nghiêm trọng, khó lường. Vấn đề số liệu đưa vào vào [công bố] không phản
ánh thực tế số lượng người nhiễm bệnh ở Vũ Hán và quy mô lây lan chưa
được ước tính chính xác. Theo tính toán của các bên liên quan, số người
bị nhiễm COVID-19 tiềm ẩn hoặc chưa thể thống kê ở Vũ Hán có thể vẫn còn
lớn hơn nhiều.
Vậy
là ngay sau khi thay quan chức mới thì số liệu được đẩy lên tăng vọt.
Nhà bình luận người Mỹ gốc Hoa là ông Hà Thanh Niên bình luận rằng quan
chức mới lên thay vì không muốn tiếp tục bị họa như người tiền nhiệm nên
yêu cầu công bố số liệu thực tế. Dù vậy, ông cũng cho rằng con số công
bố tăng vọt này vẫn còn bị ‘chiết khấu’ giảm bớt đi nhiều.
Thời
báo New York dẫn lời chuyên gia Rabinowitz tại Trung tâm phòng chống
đại dịch và an ninh y tế toàn cầu thuộc Đại học Washington, ông cho biết
những thay đổi trong phương pháp chẩn đoán có thể khiến việc theo dõi
dịch bệnh càng trở nên khó khăn hơn, làm việc kiểm soát dịch bệnh gian
nan hơn. Khi thông tin bệnh dịch từ Trung Quốc tăng lên hạ xuống bất
thường như vậy càng làm công tác quản lý rủi ro bị hỗn loạn.
Neil
Ferguson, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia Luân
Đôn (Anh) cũng chỉ ra dữ liệu chỉ đại diện cho những trường hợp nhiễm
COVID-19 nghiêm trọng nhất, mức tối thiểu có lẽ chỉ khoảng 10% trường
hợp bệnh được chẩn đoán chính xác. Theo báo cáo của ông Ferguson, trong
số 19 trường hợp bị COVID-19 tại Vũ Hán thì có lẽ chỉ một trường hợp
được cơ quan chức năng ĐCSTQ đưa vào số liệu báo cáo.
Công
luận có chỉ ra thực tế sự lây lan của tình hình dịch bệnh tại Trung
Quốc ngày càng khó xử lý, nguyên nhân chính là do giới quan chức tại các
cấp của ĐCSTQ đều tìm cách che giấu sự thật, việc thay thế quan chức
khác chỉ là giải pháp tình thế mà thôi, không thể thay đổi được từ gốc.
Vấn đề thể chế chính trị tại Trung Quốc
Trước
đó, trong một lần trả lời phỏng vấn của CCTV (Đài Truyền hình Trung
ương Trung Quốc), ông cựu Thị trưởng thành phố Vũ Hán Chu Tiên Vượng đã
cho biết rằng việc thông báo về dịch bệnh phải được cấp trên ủy quyền.
Mới đây, trang web của chính quyền Vũ Hán (Cnhan) đã đăng một bài biện
hộ, theo đó chỉ ra từ tháng 12 ông Chu Tiên Vượng đã thông báo tình hình
liên quan cho Bộ y tế Trung Quốc, ban chuyên gia cũng đã đến Vũ Hán để
điều tra và đưa ra kết luận sơ bộ. Bài viết cho biết Thị trưởng Chu chỉ
làm theo ý kiến của chuyên gia.
Đài
RFI (Tiếng nói nước Pháp) có bình luận rằng việc Chu Tiên Vượng can đảm
như thế là vì đã biết thân phận như ‘cá nằm trên thớt’, không còn đường
thoát, thay vì ngoan ngoãn chịu trận thì thà liều mạng tố cáo ngược lại
trung ương. Với cách này, nếu may có thể được Bắc Kinh miễn tội, còn
nếu chịu tội thì dù sao công luận cũng hiểu được ông chỉ làm theo lệnh
của trung ương. Có nhận định rằng dù động thái của ông Chu Tiên Vượng
khá ranh mãnh, nhưng Bắc Kinh vẫn sẽ tìm được danh mục tội trạng dành
cho Chu.
Thực
tế, sau SARS năm 2003, chính quyền ĐCSTQ đã xây dựng một hệ thống tiên
tiến để báo cáo các vụ dịch lớn, như các bệnh truyền nhiễm. Hệ thống này
có thể báo cáo trực tiếp với chính quyền trung ương mà không cần phải
thông qua các tầng lớp quan chức, bác sĩ chuyên gia hoặc bệnh viện phát
hiện ổ dịch .
Theo
RFI, việc cho rằng chính quyền Hồ Bắc hoặc Trung tâm kiểm soát và phòng
ngừa dịch bệnh của ĐCSTQ ngăn chặn thông tin là hoàn toàn “không phù
hợp thực tế”. Có 3 lý do có thể xảy ra trong việc Bắc Kinh để sau 20
ngày mới hành động đối với dịch bệnh. Một là Bắc Kinh thiếu nhạy cảm với
tình hình dịch bệnh, hoặc cho rằng tình hình không đến mức độ đáng
ngại, cùng lắm thì vài người chết, có gì đáng ngại. Thứ hai, trong thời
điểm đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang nóng bỏng, có thể Bắc Kinh muốn
đợi cho hoàn tất đàm phán. Thứ ba, Bắc Kinh có thể giống như các quan
chức ở Hồ Bắc, hy vọng được đón năm mới vui vẻ, đồng thời tổ chức xong
“lưỡng hội” tốt đẹp.
Trong
một lần trả lời phỏng vấn vào ngày 11/2, ông Vương Tín Hiền (Wang
Xinxian), Viện trưởng Viện Đông Á tại Đại học Chính trị Quốc gia Đài
Loan chuyên về các vấn đề xã hội ở Trung Quốc Đại Lục cho biết, dịch
bệnh đã phơi bày toàn bộ những vấn đề của bộ máy chính trị Trung Quốc
Đại Lục. Có thể Tập Cận Bình đã sớm được thông báo về dịch bệnh
COVID-19, nhưng vào thời điểm Trung Quốc và Mỹ đang ký hiệp định thương
mại giai đoạn đầu, còn ông Tập lại tập trung quyền lực vào mình, vì vậy
khi dịch bệnh vẫn còn trong giai đoạn mơ hồ thì hiển nhiên không nằm
trong quan tâm hàng đầu của Tập Cận Bình. Để dịch bệnh rơi vào thực
trạng như hiện nay, nguyên nhân quan trọng nhất là do vấn đề về thể chế
của ĐCSTQ.
Tuyết Mai
(Trí thức VN)
Không có nhận xét nào