Header Ads

  • Breaking News

    Sóng ngầm sau cái chết của bác sĩ TQ Lý Văn Lượng

    Đường phố Trung Quốc vắng vẻ và yên tĩnh vì dịch virus corona, nhưng trên mạng, sự giận dữ và đau buồn cho Lý Văn Lượng đang sục sôi.

    Lễ tưởng niệm bác sĩ Lý Văn Lượng tại Hong Kong ngày 7/2. Ảnh: AFP.
    Sau khi bác sĩ Lý, 34 tuổi, qua đời ngày 7/2, người dùng mạng xã hội Trung Quốc đưa ra những lời chỉ trích gay gắt nhất với việc kiểm duyệt thông tin ở chính phủ trong gần một thập kỷ. Sự thương tiếc bác sĩ Lý và nỗi tức giận của công chúng đã áp đảo hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc.

    Trong vài tuần qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh những câu chuyện tích cực về khả năng phục hồi của đất nước trước dịch viêm phổi và Lý là một trường hợp của "chủ nghĩa anh hùng", có vai trò tương tự như Tưởng Ngạn Vĩnh, bác sĩ quân đội về hưu từng vạch trần việc che đậy thông tin dịch SARS. Có thể Lý sẽ được tôn vinh là người chống lại "nạn quan liêu" mà truyền thông nhà nước đã công kích trong suốt cả tuần.

    Tuy nhiên, việc anh không qua khỏi trong cuộc chiến với virus corona đã khiến cơ hội này bị "ném qua cửa sổ", nhà bình luận James Griffiths của CNN viết. Công chúng coi anh như một biểu tượng nhắc nhở về việc chính quyền ban đầu đã che đậy thông tin về đợt bùng phát dịch.

    Khi Lý cảnh báo về virus trong nhóm chat trực tuyến ngày 30/12/2019, cảnh sát Vũ Hán đã triệu tập và yêu cầu anh ký biên bản nói rằng mình tung tin đồn vô căn cứ và bất hợp pháp. Đến ngày 20/1, Trung Quốc mới thừa nhận virus lây từ người sang người và các chính quyền địa phương mới bắt đầu áp dụng biện pháp quyết liệt để chống dịch.

    "Vô số người trẻ sẽ trưởng thành hơn chỉ sau một ngày. Họ nhận ra thế giới không đẹp đẽ như chúng ta tưởng", một người viết trên mạng vào đêm cái chết của bác sĩ Lý được công bố. "Các bạn có tức giận không? Nếu bất kỳ ai trong chúng ta ở đây đủ may mắn để có thể lên tiếng cho công chúng trong tương lai, hãy chắc chắn rằng bạn nhớ đến sự tức giận tối nay".

    Từ khóa "chính quyền Vũ Hán nợ bác sĩ Lý lời xin lỗi" và "tự do ngôn luận" trở thành chủ đề thảo luận nổi bật nhất trên Weibo trong vài giờ trước khi bị xóa - bằng chứng cho thấy đôi khi sự phẫn nộ của người dùng mạng có thể lấn át "bức tường" kiểm duyệt thông tin của Trung Quốc.

    Bộ máy kiểm duyệt Trung Quốc, thường được gọi là Vạn Lý Trường Thành trên mạng, chưa từng bị áp đảo như vậy kể từ năm 2011, khi công chúng giận dữ về tai nạn đường sắt cao tốc ở Ôn Châu khiến 40 người chết. Vụ tai nạn Ôn Châu đã thúc đẩy chính quyền ra chính sách mới để kiểm soát Internet chặt chẽ hơn.

    "Cái chết của Lý Văn Lượng đã trở thành một bước ngoặt bùng nổ cảm xúc", Wang Yu, một thanh niên ở Vũ Hán, nói.

    Ở đặc khu Hong Kong, một lễ tưởng niệm ban đêm đã được tổ chức ở trung tâm thành phố để bày tỏ lòng thương tiếc bác sĩ Lý. Ở Trung Quốc đại lục, người dùng mạng xã hội trên khắp cả nước gửi điện hoa tới Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, nơi Lý từng làm việc và trút hơi thở cuối cùng. Khi đêm xuống, người dân Vũ Hán đồng loạt tắt đèn, huýt sáo từ cửa sổ lúc 21h để tưởng niệm Lý.

    "Cậu ấy là một người bình thường, nhưng giờ đây đã trở thành biểu tượng", Zhang Lifan, một sử gia độc lập ở Bắc Kinh, nói. "Nếu không vì dịch viêm phổi khiến mọi người phải ở trong nhà, nhiều khả năng họ đã ra đường tuần hành. Các quan chức đang rất lo ngại".

    Cái chết của bác sĩ đặt ra thử thách mới cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người vốn phải đối mặt với nhiều thách thức như cuộc chiến thương mại với Mỹ, vấn đề Đài Loan và Hong Kong trước khi dịch viêm phổi do chủng virus corona mới (nCoV) bùng phát. Dịch đã khiến 724 người tử vong và hơn 34.000 ca nhiễm.


    Nhiều người dùng mạng xã hội ca ngợi bác sĩ Lý là "liệt sĩ" và "anh hùng". Không chỉ người dân bình thường, các quan chức chính phủ, người nổi tiếng và lãnh đạo doanh nghiệp cũng bày tỏ sự đau buồn trước sự ra đi của anh.

    Truyền thông nhà nước Trung Quốc đang cố gắng khai thác câu chuyện của Lý theo hướng tính cực. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc không mô tả anh là người cảnh báo sớm về virus, mà thay vào đó là bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Thực tế, Lý là một bác sĩ nhãn khoa bị lây virus từ một bệnh nhân điều trị tăng nhãn áp.

    Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc tìm cách kết nối câu chuyện của bác sĩ Lý với phát ngôn của ông Tập về cuộc chiến chống dịch. "Đánh bại loại virus 'ác quỷ' này là niềm an ủi tốt nhất cho người quá cố", một bài bình luận của CCTV có đoạn viết, lặp lại cách ông Tập từng mô tả dịch bệnh.

    Để xoa dịu công chúng, chính quyền Trung Quốc ngày 7/2 mở cuộc điều tra về cái chết của bác sĩ Lý. Ký giả Chris Buckley và Paul Mozur của NYTimes nhận xét "hiếm khi đảng Cộng sản Trung Quốc phản ứng nhanh như vậy trước sự phẫn nộ của công chúng". Ủy ban Y tế Quốc gia và chính quyền Vũ Hán cũng gửi lời chia buồn tới gia đình bác sĩ Lý.

    NYTimes đã trò chuyện với bác sĩ Lý một tuần trước khi anh qua đời. "Nếu các quan chức tiết lộ thông tin về dịch bệnh sớm hơn thì tình trạng giờ sẽ tốt hơn rất nhiều. Cần phải cởi mở và minh bạch hơn", anh nói. "Tôi rất buồn khi thấy rất nhiều người mất người thân.

    Phương Vũ (Theo NYTimes/CNN)

    (VnExpress)

    Không có nhận xét nào