Header Ads

  • Breaking News

    Sợ, cứ sợ, nhưng đừng biến mình thành những “người tốt mắc dịch”


    Trong một bài phỏng vấn gần đây được đăng trên tạp chí Soha, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, trưởng Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã thốt lên “nói thật, chúng tôi quá mệt mỏi, chúng tôi quá kiệt sức vì fake news, câu views và những thứ gây sự như thế”.

     Sợ, cứ sợ, nhưng đừng biến mình thành những “người tốt mắc dịch”

    “Kiệt sức vì fake news” cũng được đưa vào tựa đề của bài viết. Đây là bài phỏng vấn dài mà tất cả chúng ta đều nên đọc để thấu hiểu hơn công việc của những người luôn gánh chịu nhiều rủi ro nhất, không chỉ trong những trận đại dịch mà cả trong công việc hàng ngày của họ.

    Tin vịt có làm chết người không?

    Bạn có thể sẽ thắc mắc, fake news/ tin vịt thì liên quan gì đến chuyện điều trị bệnh mà phải khiến các y bác sĩ kiệt sức?

    Vì những thứ tin vô căn cứ đó “gây phân tán nguồn lực một cách quá lãng phí và không cần thiết”.

    Bác sĩ Cấp kể ví dụ, “thay vì chúng tôi tập trung nhân viên y tế để chăm sóc, điều trị cho hai bệnh nhân thực sự thì hôm cuối tuần vừa rồi chúng tôi phải phân công y bác sĩ đi giải thích cho ba chục người kéo đến vì lo lắng. Vậy là rõ ràng bệnh nhân cần chăm sóc thực sự sẽ không được chăm sóc một cách tương xứng.”

    Đó là tình hình tại Việt Nam, nơi mà số ca mắc bệnh cúm corona Vũ Hán đến nay vẫn còn trong vòng kiểm soát. Tuy quá tải, mệt mỏi, căng thẳng, nhưng họ vẫn còn sức, còn người để phân công đi giải thích cho bệnh nhân về những tin vịt.

    Tại tâm dịch Vũ Hán, các y bác sĩ tại đây đã không còn nước mắt để khóc.

    Trong một bài trả lời phỏng vấn tạp chí Tài Tân (Caixin) được đăng lại trên The Straits Times, giám đốc Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Trung Nam Đại học Vũ Hán, bác sĩ Bành Chí Dũng (Peng Zhiyong) cho biết ông cùng các đồng nghiệp phải liên tục làm việc từ 10-12 tiếng một ngày trong bộ đồ bảo hộ y tế, không nghỉ ngơi, không ăn uống, không cả việc đi vệ sinh. Thiếu người thay ca, thiếu cả dụng cụ bảo hộ để thay thế, họ buộc phải căng mình trong suốt một tháng qua để chống dịch. Không ai về nhà, chỉ nghỉ ở khách sạn gần bệnh viện, hoặc thậm chí ngủ lại luôn trong bệnh viện.

    Theo lời bác sĩ Bành, tuy là một trong những nơi sớm thực hiện việc cách ly bệnh nhân nghi nhiễm virus corona 2019, tại bệnh viện của ông cũng đã có đến 40 nhân viên y tế bị lây nhiễm. Ở những nơi khác, tình hình tồi tệ hơn nhiều.

    Tại Bệnh viện số 7 Vũ Hán, hai phần ba nhân viên y tế của Khoa Cấp cứu đã nhiễm bệnh. Các bác sĩ tại đây không có đồ bảo hộ để mặc, phải “tay không chống giặc”. Họ vẫn tiếp tục làm việc cứu chữa cho bệnh nhân, dù biết chắc rằng mình sẽ bị nhiễm.

    Bệnh viện, nơi thời gian đích thực là mạng sống, lẽ ra “miễn dịch” với tin vịt.

    Vào lúc bình thường, thời gian để họ cứu người và cứu mình đã thiếu. Trong những đợt bùng phát dịch bệnh, sợi dây thời gian đó còn bị kéo căng đến mức chỉ một nhiễu động nhỏ cũng đủ khiến hàng dài sinh mạng bị đứt gánh.

    Tại đó, không ai có thời gian cho các loại “tin tuyệt mật từ bà cô của đứa bạn bên nhà hàng xóm của ông anh rể chỗ chị bạn thân ở cùng chung cư với ông đồng nghiệp của tay người yêu cũ”.

    Nhưng chỉ có ở những nơi mà thời gian quý giá như vậy, người ta mới cảm nhận đầy đủ tác hại của những thứ tin “sốt dẻo”, “kinh hoàng”, “khủng khiếp” từ trên trời rớt xuống.

    Trong trường hợp nhẹ nhất, những thông tin vô căn cứ này cũng phải khiến y bác sĩ mất thời gian trả lời giải thích (cho hết người này đến người khác). Trong khi thời gian quý giá đó có thể được dùng để theo dõi, chăm sóc, chữa trị, cứu lấy sinh mạng của nhiều người bệnh.

    Việc chúng ta hăm hở chộp lấy những tin vịt, trong rất nhiều trường hợp, đã gián tiếp tước đi quyền được sống của người khác.

    Và nếu là người tích cực chia sẻ, phát tán, hay thậm chí góp phần đẻ ra gà vịt chạy đầy đồng, trách nhiệm của bạn còn nặng hơn.

    Ảo tưởng vĩ đại

    Tất nhiên bạn hoàn toàn có thể phản bác, “chia sẻ thông tin là việc tốt phải làm”.

    Một năm trước, trong một bài viết giới thiệu về tin vịt/ fake news, người viết đã khẳng định, sự phát triển của công nghệ, của internet, và giờ đây là mạng xã hội, tặng cho nhiều người một thứ “ảo tưởng vĩ đại”: làm người tốt quá dễ dàng.

    Chỉ vài động tác copy, hay thậm chí chỉ cần vài giây nhấn nút share, tức thì chúng ta đã hoàn thành nghĩa vụ làm người tốt.

    Tin tức đó từ đâu mà ra, đúng hay sai, hạ hồi phân giải.

    Sẽ có ai đó sẽ kiểm chứng.

    Ai đó, không phải mình.

    Nó thể hiện qua một trào lưu “chia sẻ có trách nhiệm” mà như từng đề cập trong bài viết gần đây, rằng khi chia sẻ tin tức, nhiều người đã ý thức hơn về nguồn tin, cẩn thận treo dòng chữ “tin chưa kiểm chứng” ở đầu hoặc cuối nội dung.

    Chỉ với vài chữ đó, họ gật gù rằng mình đã làm hết trách nhiệm.

    Giống như các công ty trách nhiệm hữu hạn, những người này cũng làm “công dân trách nhiệm hữu hạn”: tôi chỉ chia sẻ, còn chuyện gì xảy ra với nó không phải thứ tôi có thể lo.

    Dĩ nhiên, không ai hay tổ chức nào có thể có trách nhiệm vô hạn.

    Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta đặt cái giới hạn trách nhiệm đó ở đâu cho chính mình?

    Hãy thử xem cách rất nhiều người cố gắng đẩy xa cái giới hạn hơn một chút, những người tìm cách làm Sherlock Holmes trên mạng.

    Nhân vật thám tử lừng danh này có một câu nói được lan truyền rộng rãi: một khi đã loại bỏ hết những khả năng không thể xảy ra (impossibilities), bất kể thứ gì còn sót lại, cho dù vô lý (improbable) đến đâu, phải là sự thật (truth).

    Có thể thấy rất nhiều người thực hành nguyên tắc này, khi họ nhanh chóng kết luận được “sự thật” từ những thứ có vẻ rất vô lý.

    Nguyên tắc của Sherlock (hay thực chất là của tác giả Arthur Conan Doyle) không hề sai. Nhưng logic của nó nằm ở toàn bộ câu, và điểm cốt yếu là ở phần đầu, không phải phần đuôi.

    Loại bỏ tất cả những khả năng không thể xảy ra.

    Một mẩu tin “kinh hoàng” đang được lan truyền chóng mặt vài ngày vừa qua là một ví dụ điển hình của kiểu Sherlock không tới nơi tới chốn như vậy.

    Tập làm thám tử

    Tin về “lượng sulfur dioxide (SO₂) cao ước tính phải đốt chừng 14.000 xác tại Trung Quốc” xuất phát từ một bài đăng của một tài khoản người dùng trên Twitter.

    Bài viết báo động rằng (1) lượng SO₂ ở Vũ Hán tăng vọt, (2) SO₂ đến từ việc đốt chất hữu cơ và cuối cùng là (3) ước tính phải đốt tới 14.000 xác chết mới tạo ra lượng SO₂ đó.

    Một kiểu tam đoạn luận đanh thép. Ngoại trừ vấn đề nhỏ: ba đoạn này đoạn nào cũng mềm nhũn.

    Như trong bản tin kiểm chứng của trang Kiểm tin đã đăng, SO₂ nói riêng và các loại khí ô nhiễm nói chung đã luôn tồn tại nhiều năm qua ở các thành phố công nghiệp của Trung Quốc.

    Vũ Hán, một thành phố tập trung nhiều nhà máy công nghiệp, hàng chục năm qua đã luôn phải đối mặt với vấn đề này.

    SO₂ còn là sản phẩm đặc trưng của hoạt động đốt than tại các nhà máy nhiệt điện. Tuy vài tuần qua Vũ Hán đã ngưng hầu hết các hoạt động giao thông sản xuất, do ảnh hưởng từ kỳ nghỉ Tết và tất nhiên, đợt dịch bệnh bùng phát, nhưng hoạt động của các nhà máy phát điện thì không thể ngưng.

    Bản tin này khi lan tỏa từ Twitter qua các trang Facebook của người dùng Việt Nam đã được kèm theo hình ảnh chụp các bài báo từ hai trang của Anh, Daily Star và Express để tăng độ tin cậy.

    Hai trang này xưa nay đều được xem là các tờ “tabloid”, hay “báo lá cải, giật gân”.

    Nội dung các bài viết trên hai trang đều gần giống nhau, đăng tải clip được cho là của người dân Vũ Hán quay lại cảnh bầu trời khói bụi xám xịt và cảnh thiêu đốt ngoài trời, từ đó suy luận rằng nó phải đến từ việc đốt xác chết của những người nhiễm virus nCov 2019.

    Những người Việt Nam ít đọc tin tức nước ngoài có lẽ không mấy quan tâm một tờ báo có phải là “tabloid” hay không.

    Nhưng phải có lý do để họ được/ bị gắn cái nhãn “lá cải” đó lên mình.

    Những tờ lá cải đều không làm hết trách nhiệm kiểm chứng toàn bộ thông tin. Họ cũng không trình bày hết tất cả các khả năng, mà chỉ đưa ra khả năng “hấp dẫn”, “câu khách”, “kích thích” và “đang hot trend” nhất để thu hút lượng người đọc.


    Một bức ảnh thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) mù khói/sương lan truyền trên mạng với lời đồn nguyên nhân do đốt xác bệnh nhân nhiệm coronavirus. Ảnh: Chưa rõ nguồn.

    Các nhà báo ở Đài Loan, những người từng sống ở Vũ Hán và theo sát tình hình dịch bệnh tại đây, khi xem các đoạn clip này đều có cùng kết luận đơn giản và “rất thiếu drama”: người dân tại đây đang phải tự đốt rác.

    Khi toàn bộ thành phố bị phong tỏa tới tận từng khu phố, từng chung cư, không ai dám ra đường vì sợ nhiễm bệnh, hoạt động thu gom rác tại đây cũng đình trệ, nhất là tại những khu vực đã phát hiện dịch và bị cách ly.

    Không ai dám mon men tới những khu vực đó để lấy rác, người dân buộc phải quay trở về với giải pháp nguyên thủy: tự đốt rác ngoài trời.

    Khi càng nhiều khu vực bị phong tỏa, càng nhiều rác bị thiêu lộ thiên, toàn thành phố tất nhiên sẽ càng đầy khói ám (cộng thêm với lượng SO₂ vẫn tiếp tục thải ra từ các nhà máy phát điện).

    Người Việt Nam sống tại các thành phố lớn có thể tự kiểm nghiệm điều này trong những ngày nghỉ Tết vừa qua. Có những khu phố chỉ sau một hai ngày không được thu gom, rác lập tức đã chất đống. Nếu để hàng tuần như những khu vực bị cô lập ở Vũ Hán, dĩ nhiên sẽ không ai chịu đựng nổi.

    Vài tháng trước khi dịch bệnh lần này bùng phát, vào tháng 7/2019, xử lý rác thải cũng đã trở thành một tiêu điểm xung đột ở Vũ Hán. Hàng ngàn người đã biểu tình phản đối việc xây dựng một nhà máy đốt rác lớn tại đây. Chính quyền thành phố trước áp lực của dân phải tuyên bố trì hoãn dự án. Lượng rác thải của thành phố 10 triệu dân bình thường đã là vấn đề, nay trong hoàn cảnh bất thường của dịch bệnh, dễ hiểu vì sao lại vượt tầm kiểm soát.

    Kết luận này sẽ khó làm vừa lòng những ai luôn nghi ngờ chính quyền Trung Quốc che giấu bưng bít số liệu thực tế về dịch bệnh (một nghi ngờ tất nhiên là chính đáng, xét theo hồ sơ bệnh án khét tiếng của những “thằng bé chăn cừu” này).

    Tờ Đại Kỷ Nguyên (Epoch Times) vào ngày 4/2/2020 đăng một bài phỏng vấn, trong đó phóng viên của báo đóng giả lãnh đạo cấp cao gọi điện hỏi thông tin từ người được cho là quản lý một trong các lò thiêu xác ở Vũ Hán.

    Theo nội dung của cuộc phỏng vấn này, người quản lý tiết lộ tất cả các lò tại thành phố đều đang phải hoạt động hết công suất, và những nhân viên tại đây cũng trong tình trạng quá tải tăng ca liên tục.

    Dựa vào đó, tờ báo kết luận rằng con số người chết trên thực tế do nhiễm virus corona Vũ Hán phải cao gấp nhiều lần con số được công bố chính thức.

    Nhiều người đọc ở Việt Nam thông qua các nguồn tin dẫn lại cũng nhanh nhạy gật gù với kết luận trên.

    Họ dễ khiến Sherlock phải nghẹn ngào.

    Ngay cả khi thông tin từ cuộc gọi điện phỏng vấn đó là thật và chính xác (một điều chưa ai xác nhận), dựa vào đâu có thể kết luận rằng tất cả những trường hợp được thiêu xác đó đều là nạn nhân của dịch cúm?

    Trong một thành phố 10 triệu dân, đông ngang ngửa với thành phố Hồ Chí Minh, không lẽ chỉ vì xuất hiện con virus corona mới, mà Thần chết đột nhiên tha cho tất cả những người bình thường có nguy cơ tim mạch, đột quỵ, ung thư các loại, chết vì tai nạn … chỉ tập trung nắm đầu những ai mang con virus?!

    Ngay cả số người chết vì dịch cúm cũng là một khái niệm gây tranh cãi và có lẽ sẽ không bao giờ có con số chính xác.

    Những trường hợp xác nhận nhiễm bệnh được nhập viện nhưng không cứu được: có thể thống kê.

    Những trường hợp nhiễm bệnh nhưng do quá tải không được nhập viện, chết tại nhà: chưa thống kê được.

    Những trường hợp không nhiễm nhưng có bệnh lý khác, do bệnh viện quá tải không được điều trị và chết: rất khó thống kê.

    Những cái chết khác, không liên quan đến bệnh, nhưng là hệ quả gián tiếp của đại dịch lây lan, thành phố bị phong tỏa, căng thẳng dồn nén: có lẽ không bao giờ thống kê được.

    Đây chỉ mới là những phân tích đơn giản (của một người hoàn toàn không phải là chuyên gia) cho một bản tin câu khách vô căn cứ. Mỗi ngày có hàng ngàn những “con gà con vịt” như vậy chạy tán loạn trên mạng lẫn ngoài đời thực.

    Xác suất rất cao rằng trong những người bạn quen biết, có người thường xuyên rải thức ăn nuôi sống các loại “gà vịt” đó, hay thậm chí chính họ mắn đẻ ra các “con vịt con gà” kiểu này.

    Hoặc, người đó chính là bạn.

    “Tôi không chịu trách nhiệm”

    Nếu thấy bài tập thám tử ở trên là quá sức mình, vì chưa đủ khả năng ngoại ngữ, chưa am hiểu công nghệ, chưa quen với việc lọc các nguồn tin, hay đơn giản là không có thời gian để tìm hiểu, bạn không cần quá lo lắng.

    Nếu thật sự không muốn trở thành kẻ tiếp tay cho tin vịt, bạn chỉ cần làm một trong các điều đơn giản sau.

    1. Thấy một bài viết trên mạng xã hội, hãy hỏi người đăng bài: nếu tin này không có thật, anh/ chị sẽ chịu trách nhiệm gì?

    Nếu câu trả lời là kiểu “biết đâu nó đúng”, “lỡ sai thì xóa thôi, sao phải xoắn” hay “dở hơi à, sao tao phải chịu trách nhiệm”, hoặc chỉ đơn giản là im im không thèm lên tiếng, bạn đã có kết luận về mức độ đáng tin của nội dung đó, và phần nào đó là nhân cách của người đăng.

    2. Nếu ngại không dám hỏi người đăng, hoặc hỏi không thấy trả lời mà vẫn sốt ruột muốn chia sẻ (vì thiên hạ chia sẻ hà rầm, và vì bạn không thể không làm người tốt), hay thậm chí chính bạn là người góp phần tạo ra tin không kiểm chứng, đây là thứ tối thiểu bạn có thể làm:

    Ghi rõ ngay đầu bài viết dòng chữ:

    “TÔI KHÔNG CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ ĐỘ CHÍNH XÁC CỦA TIN NÀY”.

    Hoặc, để bớt nghiêm trọng hơn, bạn có thể ghi đơn giản:

    “ĐĂNG CHƠI THẾ THÔI, AI NGU THÌ TIN”.


    3. Bạn có thể gửi riêng thông tin đó nhờ người khác kiểm chứng.

    Nguồn để nhờ vả đó có thể là bất kỳ tờ báo chính thống nào, hoặc những trang vừa được lập ra với mục đích kiểm chứng như tờ Kiểm tin như trên đã dẫn nguồn.

    Đó cũng có thể là những cá nhân có uy tín, kiến thức và trách nhiệm đối với thông tin họ công bố.

    Câu hỏi về “trách nhiệm” là thứ quỳ tím đơn giản nhất để kiểm tra độ “pH trung thực” của một nội dung.

    Nếu một người không dám chịu trách nhiệm cho một thứ mình nói ra, ta có thể tin vào điều họ nói không?

    Đó là câu hỏi sai.

    Thứ mà người tạo ra nó không dám chịu trách nhiệm là thứ không xứng đáng để mất thời gian xem xét. Một khi không đáng xét đến, tất nhiên không còn tồn tại khái niệm đáng tin hay không.

    Chúng ta chỉ có thể có trách nhiệm kiểm chứng những thứ mà người tạo ra nó có trách nhiệm bảo chứng.

    Trách nhiệm cũng là thứ phân biệt rõ ràng “uy tín” (reputation) của một tờ báo.

    Những tờ báo được xem là có uy tín khi họ sẵn sàng chịu trách nhiệm về độ xác thực của thông tin mình đưa ra. Ngược lại, những tờ lá cải thì tìm mọi cách chối đẩy trách nhiệm đó.

    Trách nhiệm lớn của một tờ báo nhỏ

    Sẽ có nhiều bài riêng để nói về cách làm báo của Luật Khoa, nhưng ở đây người viết sẽ đề cập giản lược đến yêu cầu tối thiểu mà những người làm báo ở Luật Khoa muốn hướng tới.

    Sự thật.

    Tất cả những bài viết trên Luật Khoa, dù của tác giả nào, dài hay ngắn, hay hoặc dở, trái hay phải, bênh nội hay bênh ngoại, đều phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu: phản ánh sự thật và hợp logic.

    Để xác nhận logic thì tùy thuộc vào hiểu biết của mỗi người về cách thế giới thực vận hành, riêng để xác nhận sự thật thì đơn giản hơn nhiều: nguồn tin.

    Mọi bài viết, ngay cả những bài bình luận, nếu có trích dẫn thông tin, buộc phải trình bày nguồn tin đến từ đâu.

    Nguồn tin này được thể hiện bằng cách nhúng đường link dẫn đến bản tin gốc ngay trong các nội dung của bài viết (như bạn có thể để ý trong bài này đã có hàng chục đường link như vậy). Nguồn tin còn có thể được thể hiện bằng việc liệt kê tài liệu tham khảo ở trong hoặc cuối bài viết.

    Việc đính kèm link trong những bài viết trên báo điện tử là yêu cầu quy chuẩn (standard practice) đã có từ rất lâu trên các trang báo nước ngoài.

    Vì một lý do nào đó, cho đến nay những báo điện tử của Việt Nam, kể cả các tờ báo lớn, vẫn rất ít khi thực hiện động tác này. Ngay cả khi có dẫn link, tuyệt đại đa số đều chỉ giới thiệu bài viết của chính họ. Điều này có lẽ một phần là do áp lực cạnh tranh giữa các báo, không muốn chia sẻ lượng người xem (traffic) đến các trang khác.

    Cho dù vì lý do gì, việc không đính kèm đường link trực tiếp trong bài viết khiến đa số người đọc gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm chứng thông tin được đưa ra.

    Trong tương lai, điều này sẽ phải thay đổi.

    Thay đổi này không phải đến từ chính quyền, mà đến từ chính những người đọc.

    Một khi bạn đọc càng ngày càng có yêu cầu cao, tự động chất vấn “nguồn tin này từ đâu ra”, tạo thói quen tìm hiểu và phân tích thông tin của các nguồn khác nhau, các tờ báo sẽ càng phải nhanh thay đổi để đáp ứng yêu cầu đó.

    Nếu ít khi, hoặc thậm chí chưa bao giờ click vào những đường link trong các bài viết trên Luật Khoa, bạn có thể tập thay đổi thói quen đó ngay từ bây giờ.

    Thời gian để những tác giả tìm hiểu các nguồn tin, tự kiểm chứng và đưa nó vào bài viết gấp nhiều lần thời gian thật sự bỏ ra để viết bài (đấy chỉ là kinh nghiệm cá nhân của người viết; những tác giả khác, cẩn trọng hơn, có thể còn mất nhiều thời gian hơn nữa).

    Việc đưa link vào các bài viết ngoài việc chứng minh nguồn tin, còn nhằm mục đích để người đọc có thể giúp kiểm chứng nội dung bài viết.

    Các tác giả và đội ngũ biên tập của Luật Khoa có cẩn trọng đến đâu vẫn sẽ luôn luôn có sai sót. Mỗi một độc giả vì vậy cũng giống như một thám tử, với chiếc kính lúp soi tìm tất cả những lỗi có thể giúp cải thiện tờ báo.

    Đọc báo cùng Luật Khoa vì vậy cũng chính là làm báo cùng Luật Khoa.

    Người tốt không cần phải “mắc dịch“

    Nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking mắc chứng bệnh teo cơ xơ cứng một bên (ALS) khi chỉ vừa ở độ tuổi hai mươi. Kể từ đó, ông trải qua năm thập kỷ sống trên chiếc xe lăn, với cơ thể ở trạng thái hoàn toàn bại liệt, không thể nói chuyện, ăn uống, thậm chí là nuốt thức ăn.

    Nhìn vào ông, không mấy người hình dung đến hai chữ “tự do”.

    Nhưng Hawking nghĩ khác.

    Vào năm 2010, khi xuất hiện trong phần mở đầu của loạt phim tài liệu “Khám phá vũ trụ cùng Stephen Hawking” (Into the Universe with Stephen Hawking), ông đã nói như sau:

    “Mặc dù tôi không thể di chuyển và phải nói chuyện qua một chiếc máy vi tính, trong tâm trí mình, tôi hoàn toàn tự do.”

    Nhiều người Việt Nam hay Trung Quốc có khát vọng tự do thường tự ví von mình đang bị cầm tù, nếu không phải là trong chốn lao tù của chính quyền cộng sản thì cũng là tù nhân trong nhà tù khổng lồ của chế độ.

    Họ không có lựa chọn nào để được tự do.

    Sự thật là, mỗi người luôn luôn có lựa chọn để tự do.

    Bạn có thể bị cầm tù về thể xác, vì bệnh hoạn hay do những kẻ độc tài áp bức, nhưng trong tâm trí, không ai có thể cấm cản bạn được hưởng tự do.

    Chế độ cộng sản độc tài tuy bóp nghẹt tự do của con người, nhưng nó không thể là lý do để chúng ta than trách rằng mình không có tự do, không có quyền lựa chọn.

    Mỗi người đều có quyền tự do lựa chọn làm gì với cuộc đời của mình.

    Người viết từng khẳng định, ngày nào vẫn còn cấm cản tự do thông tin, ngày đó chính quyền vẫn còn “mắc dịch”.

    Đó là sự thật.

    Điều ngược lại cũng là sự thật.

    Ngày nào bạn còn chối bỏ quyền tự do lựa chọn của mình, chối bỏ trách nhiệm đối với những sự lựa chọn đó, ngày đó bạn vẫn còn là những kẻ mắc dịch.

    Và nếu bạn chối bỏ luôn trách nhiệm đối với sự thật, cho dù có gắn cái mác người tốt thế nào lên người – chống độc tài, chống cái ác, chống bất công – bạn vẫn sẽ mãi mãi là những “người tốt mắc dịch”.

    Hơn ai hết, chính bạn hiểu rõ, làm người tốt không cần phải mắc dịch.


    Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi về địa chỉ bbt@luatkhoa.org.

    Theo Luật Khoa

    Không có nhận xét nào