Điều gì sẽ xảy ra nếu các kịch bản
tồi tệ nhất về nCoV trở thành hiện thực và dịch bệnh này phát triển
nhanh hơn so với các biện pháp phòng ngừa mà cộng đồng quốc tế và Trung
Quốc đang triển khai? Dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra ở Trung
Quốc có thể sẽ đạt đỉnh vào tháng này. Trong bối cảnh đó, hãy cùng nhau
xem xét các hậu quả địa chính trị và kinh tế của dịch bệnh này.
Hậu quả địa chính trị của dịch nCoV |
Dịch
nCoV bùng phát vào thời điểm đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang
chậm lại, nợ công tăng lên, nhu cầu nội địa suy giảm và cuộc chiến
thương mại với Mỹ vẫn tiếp diễn. Tỷ lệ tăng trưởng GDP 6,1% trong năm
2019 gần chạm mức thấp nhất trong ngưỡng mục tiêu mà Bắc Kinh đặt ra và
giảm mạnh so với con số 6,6% của năm 2018. Hôm 15/1, Trung Quốc và Mỹ đã
ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, bước đầu cho việc kết thúc
cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng thì chỉ vài
ngày sau đó, dịch nCoV đã bắt đầu trở nên nghiêm trọng.
Vũ
Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, là trung tâm của ngành công nghiệp Trung
Quốc. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc phải chứng kiến sự suy giảm,
thành phố này vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 7,8% trong năm 2019. Triển vọng
của Vũ Hán trong năm 2020 cũng rất tươi sáng. Theo chính quyền tỉnh Hồ
Bắc, có tới hơn 300 trong tổng số 500 tập đoàn hàng đầu thế giới đã có
mặt ở Vũ Hán. Số lượng công ty công nghệ cao mới thành lập đã đạt mức kỷ
lục là 900.
Bắc
Kinh đã chứng tỏ họ có thể huy động hàng triệu người cho mục tiêu kiềm
chế nCoV, đồng thời cách ly hàng triệu người khác khỏi gia đình và bạn
bè của họ. Với dân số 58 triệu người, tỉnh Hồ Bắc đã bị cô lập với cả
nước. Hãy so sánh Vũ Hán với bang California hoặc chính xác hơn là với
thung lũng Silicon của Mỹ, và hình dung những thiệt hại mà virus nguy
hiểm này gây ra cho nền kinh tế Trung Quốc nói riêng và nền kinh tế toàn
cầu nói chung nếu không được kiểm soát một cách hiệu quả trong vài tuần
tới.
Trong
kịch bản ít bi đát hơn, khi Bắc Kinh có thể sớm ngăn chặn nCoV, thiệt
hại đối với nền kinh tế Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ
không quá lớn. Chẳng hạn, khi dịch SARS xảy ra vào năm 2003, tỷ lệ tăng
trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc giảm xuống mức đáy 4,3% nhưng sau
đó đã nhanh chóng tăng trở lại và đạt mức tăng trưởng 9,7% vào quý III.
Tương tự, vận tải hành khách trong các tháng 5 và 6/2003 giảm ở mức
tương ứng là 42% và 22% trước khi tăng trở lại vào tháng 9 năm đó.
Tuy
nhiên, dịch viêm đường hô hấp cấp lần này có khả năng gây thiệt hại
nghiêm trọng tới nền kinh tế Trung Quốc và từ đó tác động tới nền kinh
tế toàn cầu. Theo chuyên gia chiến lược toàn cầu Andrew Milligan của
công ty Aberdeen Standard Investments, ngay cả khi Chính quyền Trung
Quốc có thể dập tắt được dịch bệnh này thì họ vẫn sẽ vấp phải một cú sốc
kinh tế ngắn hạn. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đánh giá triển vọng của
thị trường toàn cầu.
Mặc
dù vậy, quan điểm chung của nhiều chuyên gia tài chính là các nhà đầu
tư ngắn hạn có thể chịu tác động tiêu cực của các ảnh hưởng chính trị và
kinh tế từ nCoV. Cơ quan tình báo kinh tế (EIU) ước tính sự bùng phát
dịch bệnh do nCoV gây ra có thể làm giảm từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm
tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc trong năm 2020. Các nạn nhân đầu
tiên của nCoV là các hãng hàng không và công ty lữ hành; do vậy, ngành
du lịch và vận tải sẽ bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, một số lĩnh vực
khác như dược phẩm, thương mại điện tử và ô tô có thể sẽ hưởng lợi. EIU
dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2020 là 5,9%
và nếu dịch viêm đường hô hấp cấp đạt tới mức nguy hiểm như SARS, thì
tăng trưởng GDP của nước này có thể sẽ giảm xuống còn 4,9%.
Cần
phải lưu ý rằng GDP của Trung Quốc chỉ là 1.600 tỷ USD vào năm 2003,
thấp hơn nhiều so với con số 14.300 tỷ USD năm 2019. Năm 2003, Trung
Quốc mới chỉ là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới. Giờ đây, nước này đã trở
thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trung Quốc giữ vai trò không thể
thiếu trên thị trường toàn cầu.
Cùng
với những động cơ nhân đạo thuần túy, Bắc Kinh đang cố gắng ngăn chặn
các hậu quả nguy hiểm nhất của dịch bệnh này để tránh những tác động
tiêu cực đối với nền kinh tế như những gì đã thấy vào năm 2003. Các con
số thống kê cho thấy hậu quả nghiêm trọng có thể có của dịch bệnh này.
Năm 2019, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lợi nhuận của các hãng bán lẻ và
nhà hàng đã vượt ngưỡng 148 tỷ USD, trong khi doanh thu của ngành du
lịch cũng đạt trên 76 tỷ USD.
Tuy
nhiên, hậu quả của dịch bệnh lần này sẽ lớn hơn rất nhiều so với những
thiệt hại về mặt doanh thu. Kể từ năm 2010, Trung Quốc đã bắt đầu nghĩ
tới uy tín quốc tế ở khía cạnh quyền lực mềm, nhất là trong lĩnh vực
giáo dục và thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Trung Quốc đã nỗ
lực hết sức để thay đổi hình ảnh của nước này và mời nhiều nhất có thể
các du học sinh nước ngoài và chuyên gia giỏi đến nước này. Theo Bộ Giáo
dục Trung Quốc, riêng tỉnh Hồ Bắc đã có tới 21.371 du học sinh nước
ngoài.
Giờ
đây mọi thành công của Trung Quốc trong việc thu hút nhân tài từ những
quốc gia khác trong thập kỷ qua có thể sẽ bị nCoV hủy hoại. Các nước
châu Âu và Mỹ Latinh đã bắt đầu quá trình sơ tán công dân của mình ở Vũ
Hán. Nếu nCoV bùng phát trên quy mô lớn sang các tỉnh khác, thì chúng ta
sẽ chứng kiến nhiều chuyến bay từ Trung Quốc tới các nước phương Tây
với quy mô chưa từng thấy.
Dịch
nCoV đang lây lan trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang
diễn ra và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang suy giảm. Để đối phó
với một thách thức lớn như vậy, Trung Quốc cần phải huy động nguồn lực
của cả nước và 1,4 tỷ dân của nước này. Mặc dù vậy, các nguồn lực đó cần
phải tập trung vào việc chống lại dịch bệnh nCoV, nền kinh tế Trung
Quốc có thể bước vào trạng thái “ngủ đông” và thậm chí phải tạm thời
rút khỏi chính trường thế giới. Các hậu quả địa chính trị và kinh tế có
thể rất lớn trong tương lai gần nếu Bắc Kinh quyết định rằng tạm thời ẩn
dật là biện pháp tốt nhất.
Trái
ngược với Trung Quốc, Mỹ là nước hưởng lợi lớn nhất từ cuộc khủng hoảng
hiện nay. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục suy giảm và
vẫn chưa rõ tác động của cuộc khủng hoảng này sẽ lớn đến mức nào. Cán
cân quyền lực có thể tạm thời biến đổi theo hướng có lợi cho Mỹ. Hiện
nay, nhiều nhóm quốc gia có chủ quyền đang cố gắng đấu tranh cho các
chính sách ngoại giao độc lập và các chính sách này thường mâu thuẫn với
quan điểm của Mỹ. Đáng chú ý, Iran, Trung Quốc, Nga và giờ đây là Thổ
Nhĩ Kỳ đều chắc chắn rằng khi họ đứng về một trục, thì tất cả họ sẽ có
thể đối chọi lại nước Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung. Tuy nhiên,
nếu một quốc gia bị loại, đặc biệt là từ trục ba bên Trung
Quốc-Nga-Iran, thì cán cân quyền lực toàn cầu sẽ biến đổi theo hướng có
lợi cho phương Tây.
Đã
xuất hiện những ý kiến cho rằng nCoV do con người tạo ra nhằm gây tổn
hại cho Trung Quốc, và các thuyết âm mưu sẽ tiếp tục gia tăng. Chẳng
hạn, chính trị gia người Nga Vladimir Zhirinovsky đã tuyên bố rằng virus
nguy hiểm này chắc chắn do người Mỹ tạo ra để chống lại Trung Quốc. Các
thuyết âm mưu tương tự như vậy không có gì là mới. Một đại tá Không
quân Trung Quốc cáo buộc Chính phủ Mỹ đã phát tán virus cúm gia cầm H7N9
vào Trung Quốc để tiến hành chiến tranh sinh học. Một phiên bản khác
của thuyết âm mưu này đang được lan truyền trên mạng xã hội – nCoV do
một “chương trình vũ khí sinh học bí mật” của Trung Quốc hay Viện virus
học Vũ Hán tạo ra.
Những
thuyết âm mưu như vậy nghe có vẻ lố bịch nhưng nếu nCoV gây hại chủ yếu
cho Trung Quốc, thì Bắc Kinh có lẽ sẽ không chấp nhận rằng đó là một sự
kiện ngẫu nhiên. Nếu Nga đã phải chịu đựng cảm giác bất an trong nhiều
thập kỷ, thì chúng ta đang chứng kiến sự ra đời của một cường quốc mới
với cảm giác tương tự. Nếu Trung Quốc vượt qua thách thức lần này, thì
họ sẽ phát triển mạnh hơn và vững chắc hơn trước đây.
Trong
khi đó, phần còn lại của thế giới đang đối phó với làn sóng bài Trung
Quốc cũng như các nước Đông Á khác bởi nhiều người trên thế giới không
phân biệt được các quốc gia châu Á. Các phương tiện truyền thông đưa rất
nhiều thông tin về phản ứng quyết liệt (của người dân các nước khác)
đối với người Trung Quốc và người nước ngoài gốc Trung Quốc (người
Canada, Pháp, Mỹ…).
Đặc
biệt, các công dân Pháp gốc châu Á đang phàn nàn về những hành vi ngược
đãi trên các phương tiện giao thông công cộng. Rõ ràng là giờ đây, nếu
nCoV không được ngăn chặn, thì chúng ta sẽ chứng kiến một làn sóng bài
Trung Quốc mạnh mẽ hơn và điều này sẽ thổi bùng ngọn lửa dân tộc chủ
nghĩa và oán giận ở Trung Quốc.
Sẽ
không có ai vô sự khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị chững lại..
Thậm chí, ngay cả khi nCoV được ngăn chặn thành công ở phần còn lại của
thế giới thì nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ bị “hắt hơi” và “sổ mũi” cùng
với Trung Quốc./.
Ridvan Bari Urcosta
Giới thiệu: Minh Anh
*
Ridvan Bari Urcosta, chuyên gia phân tích của tổ chức tư vấn chiến lược
Geopolitical Futures. Bài viết được đăng trên Japan Times.
(Nghiên cứu Quốc tế)
Không có nhận xét nào