Hoa Kỳ quyết định mở rộng xét nghiệm Covid-19 đối với những bệnh nhân có triệu chứng cúm nhưng không bị ốm hẳn. Ngày 14/02/2020, chính quyền Mỹ thông báo 5 thành phố của Mỹ sẽ tiến hành loại xét nghiệm này.
Phòng ngừa Covid-19 : Mỹ mở rộng đối tượng xét nghiệ |
Thông tín viên RFI Eric de Salves tường trình từ San Francisco :
« Sốt cao, ho, nhức mỏi và đau đầu… đó là những triệu chứng bệnh cúm rất giống với triệu chứng nhiễm Covid-19. Vì vậy, chính quyền Mỹ đã quyết định mở rộng xét nghiệm để phòng ngừa. Người bệnh có những triệu chứng cúm, nhưng lại có kết quả xét nghiệm âm tính với cúm thông thường, sẽ được xét nghiệm thêm Covid-19.
Các trung tâm kiểm dịch và phòng ngừa bệnh tật đã bắt đầu tiến hành kiểu xét nghiệm này ở 5 thành phố tại Mỹ : Los Angeles, San Francisco, Seatle, Chicago và New York, có nghĩa là tất cả những thành phố có những ca nhiễm Covid-19.
Trong những ngày tới, xét nghiệm Covid-19 sẽ được mở rộng sang nhiều thành phố khác. Hiện tại, Mỹ có 15 trường hợp nhiễm virus corona mới. Tất cả đều bị nhiễm khi đến thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc, trung tâm dịch bệnh. Và hơn 600 người được hồi hương từ Trung Quốc hiện vẫn đang bị cách ly.
Năm nay, Hoa Kỳ thẩm định có 26 triệu người bị cúm, một căn bệnh gây chết người hơn cả Covid-19, với khoảng 14.000 ca tử vong chỉ riêng mùa cúm này ».
Mỹ điều hai máy bay hồi hương công dân trên du thuyền Diamond Princess
Hoa Kỳ chuẩn bị hồi hương 380 công dân nước này là những du khách đang bị kẹt trên du thuyền Diamond Princess, bị giữ cách ly ở cảng Yokohama (Nhật Bản) từ đầu tháng 02/2020 do có người nhiễm Covid-19. Tính đến ngày 15/02, có thêm 67 trường hợp bị nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 285 người, trên tổng số 3.700 người gồm du khách và thủy thủ đoàn.
Trong thư gửi đến các công dân Mỹ trên tầu, Washington cho biết có ý định điều hai máy bay vào Chủ Nhật 16/02 nhưng những người có triệu chứng nhiễm Covid-19 sẽ không được lên máy bay. Những người được hồi hương sẽ phải tiếp tục bị cách ly trong vòng 14 ngày khi về đến Mỹ.
Không bệnh nhân COVID-19 mới nào ở Nhật có mối liên hệ trực tiếp với Trung Quốc
Bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới (COVID-19) người Nhật đầu tiên tử vong và ba bệnh nhân mới được xác nhận lây nhiễm hôm thứ Năm (13/2) không có mối liên hệ trực tiếp nào với Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại tình trạng dịch bệnh
Chính phủ Nhật cho biết hôm thứ Năm rằng một phụ nữ ở tỉnh Kanagawa ở độ tuổi 80 đã tử vong do COVID-19. Con rể của bà cũng bị xét nghiệm dương tính với căn bệnh này. Ngoài ra, một bác sĩ ở tỉnh Wakayama và một người đàn ông ở tỉnh Chiba cũng được xác nhận lây nhiễm virus. Không ai trong số họ du lịch đến Trung Quốc gần đây hoặc tiếp xúc với những người từng ghé qua tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn dịch bệnh.
Những trường hợp này đưa ra những thách thức mới cho các quan chức y tế, những người cho đến nay đã cố gắng ngăn chặn virus bằng cách theo dõi chặt chẽ những người có khả năng mắc bệnh. Nếu nhiều người không có liên hệ trực tiếp với Trung Quốc nhiễm bệnh, thì việc xác định con đường lây nhiễm sẽ trở nên bất khả thi. Thay vì ngăn chặn, việc điều trị cho những người bệnh nặng có thể sẽ trở thành ưu tiên hiện nay.
Thuốc trị COVID-19 có thể bắt đầu được sản xuất trong tháng này
Với sự bùng phát của dịch do virus corona gây ra đang đe dọa đến nền kinh tế toàn cầu, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đã đưa ra một số thông tin tích cực vào tối thứ Sáu (14/2).
Trao đổi với Lou Dobbs từ kênh truyền hình Fox Business, ông Navarro cho biết Nhà Trắng đang tiến về phía trước với một loại thuốc điều trị và kỳ vọng việc thử nghiệm và sản xuất sẽ có thể bắt đầu “sớm nhất vào cuối tháng này, vào giữa tháng Ba”.
Mỹ chỉ trích Huawei ăn cắp bí mật thương mại
Mỹ đã mở rộng vụ kiện chống lại Huawei, chỉ trích gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đối với kế hoạch “kéo dài hàng thập kỷ” nhằm đánh cắp công nghệ từ các công ty Mỹ, theo BBC.
Các công tố viên Mỹ cho biết Huawei đã vi phạm các điều khoản hợp tác với các công ty Mỹ và đánh cắp các bí mật thương mại như mã nguồn và công nghệ robot.
Trong bản cáo trạng được cập nhật, Hoa Kỳ cáo buộc Huawei gian lận và đánh cắp bí mật thương mại, đồng thời cung cấp thêm chi tiết về những nỗ lực của hãng này nhằm trốn tránh các quy tắc của Mỹ khi làm ăn với Iran và Triều Tiên.
Thủ tướng Canada yêu cầu tiến hành điều tra độc lập vụ bắn nhầm máy bay ở Iran
Phát biểu bên lề Hội nghị An ninh Munich sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif hôm thứ Sáu (14/2), thủ tướng Canada Justin Trudeau đã nhấn mạnh với vị ngoại trưởng rằng một cuộc điều tra toàn diện và độc lập đối với vụ bắn hạ một máy bay chở khách Ukraine vào tháng 1 vừa qua phải được tiến hành, theo The New York Times.
“Tôi đã hứa với người dân Canada sẽ tìm ra câu trả lời cho họ và đảm bảo rằng Iran dẫn đầu một cuộc điều tra đầy đủ với cộng đồng quốc tế … và kiên quyết đưa những người chịu trách nhiệm về vấn đề này ra công lý và đó là trọng tâm của tôi”, ông Trudeau trao đổi với các phóng viên.
Iran đã từ chối yêu cầu của ông Trudeau gửi hộp đen ghi âm chuyến bay ra nước ngoài để được giải mã. Thủ tướng Trudeau cho biết ông đã lặp lại yêu cầu đó vào thứ Sáu.
Cảnh sát Thái Lan điều tra đường dây mang thai hộ có liên hệ với người Trung Quốc
Thủ tướng Thái Lan đã ra lệnh điều tra các trường hợp đẻ thuê bất hợp pháp có liên hệ với Trung Quốc sau khi hai người Trung Quốc bị cáo buộc cầm đầu đường dây sa lưới trong một cuộc đột kích trong tuần này, cảnh sát cho biết hôm thứ Sáu, theo AP.
Thiếu tướng cảnh sát Torsak Sukvimol cho biết Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã ra lệnh cảnh sát tìm kiếm những đứa trẻ được sinh ra nhờ hoạt động mang thai hộ và xác định xem các băng đảng buôn người có dính líu gì đến vụ này hay không.
Ông Torsak, phó giám đốc Cục Điều tra Trung ương cho biết thủ tướng lo ngại những đứa trẻ có thể rơi vào tay các băng đảng buôn nội tạng người.
Cảnh sát đã tiến hành các cuộc đột kích hôm thứ Năm tại 10 địa điểm ở Bangkok và hai tỉnh, bắt giữ hai công dân Trung Quốc và sáu người Thái bị nghi ngờ có liên quan đến đường dây này.
Người Trung Quốc xâm nhập khu nghỉ dưỡng của Tổng thống Trump bị kết án 6 tháng tù
Vào ngày 14/2, bà Lu Jing, 56 tuổi, công dân Trung Quốc thứ hai bị bắt vì xâm nhập vào khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Trump năm 2019, đã bị kết án sáu tháng tù với tội danh chống lại việc bị bắt giữ, theo Reuters.
Bồi thẩm đoàn hôm 12/2 đã bỏ tội xâm nhập của bà Lu nhưng kết án bà này về hành vi chống lại sự bắt giữ của cảnh sát, do bà đã giơ tay thành nắm đấm, khoanh tay và la hét khi bị bắt.
Trước đó, vào tháng 3/2019, cô Yujing Zhang, 33 tuổi, quốc tịch Trung Quốc cũng bị bắt vì xâm nhập vào khu nghỉ dưỡng của Tổng thống Trump. Cô Zhang sau đó bị kết án tám tháng tù vì tội nói dối và tội xâm nhập.
Ai Cập xác nhận trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên
Vào ngày 14/2, Ai Cập đã xác nhận trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên ở nước này và cho biết người bị nhiễm virus là người nước ngoài, hiện đã được đưa vào bệnh viện cách ly, theo Reuters.
WHO Ai Cập cho biết trên Twitter rằng người bị nhiễm virus đã không có bất kỳ triệu chứng nào và đang trong tình trạng ổn định, nhưng không cung cấp quốc tịch của người này, hoặc bất kỳ chi tiết nào khác.
Philippines dỡ bỏ lệnh cấm vì COVID-19 đối với du khách Đài Loan
Hôm 14/2, các quan chức chính phủ Philippines cho biết, nước này đã dỡ bỏ lệnh cấm du lịch đối với du khách đến từ Đài Loan, trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19, theo Reuters.
Bộ Ngoại giao Đài Loan hoan nghênh quyết định này, và cho biết Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã liệt kê Đài Loan là một phần thuộc Trung Quốc nên khiến cho cộng đồng quốc tế hiểu lầm, coi hòn đảo có tình hình dịch bệnh giống như Trung Quốc, trong khi hòn đảo hiện chỉ có 18 trường hợp nhiễm virus.
WHO cần phải nhận ra rằng Đài Loan không thuộc Trung Quốc, và sửa đổi, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết.
Maduro cảnh báo sẽ bắt giữ lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro hôm 14/2 nói rằng chính quyền của ông chưa bắt giữ lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó bởi vì tòa án không có lệnh, nhưng Maduro cảnh báo rằng: “Điều này sẽ xảy ra”, theo AP.
Maduro đưa ra lời cảnh báo trong một cuộc họp với báo chí quốc tế ba ngày sau khi Guaidó trở về từ chuyến công du đến Hoa Kỳ và Châu Âu, bất chấp lệnh của tòa án cấm ông rời khỏi Venezuela.
Dân Thái Lan ra tòa để phản đối đập thủy điện hạ lưu sông Mê Kông của Lào
Hôm 14/2, dân làng dọc sông Mê Kông đã yêu cầu một tòa án ở Bangkok hoãn việc mua điện của Thái Lan từ một đập thủy điện ở Lào, mà họ nói đã làm tổn hại sinh kế của họ kể từ khi nó bắt đầu hoạt động vào năm 2019, theo Reuters.
Đập Xayaburi với công suất 1.285 megawatt, được tài trợ bởi các công ty và ngân hàng Thái Lan, là đập thủy điện đầu tiên ở hạ lưu sông Mê Kông ở Lào và bán 90% năng lượng cho Thái Lan.
“Chúng tôi muốn một biện pháp tạm thời để giảm tốc độ mua điện trong thỏa thuận ban đầu. Chúng tôi tin rằng nếu việc mua bị chậm lại, thì việc sản xuất điện sẽ dừng lại”, Rattanamanee Polkla, một luật sư đại diện cho cộng đồng Mekong nói với các phóng viên.
Không có nhận xét nào