Header Ads

  • Breaking News

    Phạm Quý Thọ - ‘Trò chơi Vương quyền’ và đường tới Đại hội XIII

    Trò chơi vương quyền (Game of Thrones) là một bộ phim truyền hình giả tưởng của Mỹ về sự tranh giành để kế vị 'Ngai Vàng', miêu tả khá trung thực bối cảnh thời Trung cổ, đã thu hút người xem kỷ lục trên tivi và có một lượng fan hâm mộ quốc tế rộng rãi.

    Tổng bí thư ĐCSVN, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (giữa, hàng đầu) phát biểu trong một cuộc họp của bộ chính trị
    Khát vọng quyền lực thời nào cũng lớn, mà đỉnh cao là 'vương quyền'. Chiếm đoạt, tranh giành, chuyển giao… là những trò chơi với các âm mưu và thủ đoạn khốc liệt trong các thiết chế khác nhau, và luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người vì bản năng nguyên thuỷ.

    Chế độ đảng cộng sản toàn trị mang những đặc điểm khác biệt trong tiến trình phát triển loài người. Được trang bị bởi hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin chế độ này ra đời bởi cách mạng vô sản và thiết lập nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Sau hơn 70 năm tồn tại chế độ này đã sụp đổ vào đầu những năm 1990.

    Đảng cộng sản liệu có thể lãnh đạo kinh tế thị trường sẽ thay đổi như thế nào? Làm sao chế độ có thể bền vững nếu người dân đứng ngoài trò chơi vương quyền?

    Quá trình chuyển đổi theo hai hướng, đều chuyển sang kinh tế thị trường, nhưng khác nhau về chính trị. Đối với các nước Đông Âu và Liên Xô cũ chế độ dân chủ kiểu phương Tây dần thay thế. Trung Quốc, Việt Nam… duy trì chế độ đảng cộng sản lãnh đạo thực thi cải cách và hội nhập kinh tế đã mang lại những thành tích kinh tế.

    Tuy nhiên, do mâu thuẫn về ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và các nguyên tắc thị trường mà sự bất ổn chế độ diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Biểu hiện căng thẳng ở trước các kỳ đại hội đảng cộng sản, và ở Việt Nam, theo các nhà quan sát, lên đỉnh cao ở Đại hội 12.

    Nay, trước thềm Đại hội 13, 'trò chơi vương quyền' sẽ là sự chuyển giao 'tứ trụ' sau thời kỳ bất ổn. Sự quan tâm đến những nhân sự cấp cao cụ thể là nhu cầu của số đông, nhưng liệu sự bền vững của chế độ có được đảm bảo là điều cần lưu ý trong cải cách.

    Đảng cộng sản liệu có thể lãnh đạo kinh tế thị trường sẽ thay đổi như thế nào? Làm sao chế độ có thể bền vững nếu người dân đứng ngoài trò chơi vương quyền? Đó là những câu hỏi được đặt ra và không dễ có câu trả lời tức thì.

    'Cao điểm bất ổn'

    Mỗi sự thay đổi nhân sự cấp cao, đặc biệt ở Bộ Chính trị, giờ đây đều được dư luận quan tâm. Hơn thế, việc kém công khai minh bạch trong chế độ đảng trị, khép kín bởi những quy định riêng, nên thường kích thích 'sự tò mò' của dân chúng.

    Bộ Chính trị Đảng CS VN, ngày 9/1/ 2020 cảnh cáo Uỷ viên BCT, Bí thư Thành uỷ Hà Nội và điều chuyển làm Phó trưởng bộ phận Thường trực chuyên trách Tiểu ban văn kiện Đại hội 13 của Đảng. Ngày 7/2 một uỷ viên BCT, Phó Thủ tướng được phân công thay thế giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội…

    Những suy đoán, mang tính cá nhân, nên việc tranh luận sôi nổi, rằng liệu ông Vương Đình Huệ sẽ giữ vị trí gì, kế nhiệm tổng bí thư hay thủ tướng, trong 'tứ trụ' hay liệu ông Hoàng Trung Hải có bị án kỷ luật nào, kiểu như ông Đinh La Thăng, nguyên Bí thư thành uỷ TP Hồ Chí Minh hay không?... 'Trò chơi vương quyền' đến hồi quyết liệt?

    Quá trình bất ổn diễn ra đồng thời với chuyển đổi sang kinh tế thị trường khi mâu thuẫn về ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và các nguyên tắc thị trường ngày càng gay gắt… Và 'cao điểm' bất ổn được cho là diễn ra vào nhiệm kỳ trước đại hội 12, khi đa phần Uỷ viên Trung ương khoá 11 đã không đồng thuận trước một số quyết định của Bộ Chính trị, như việc bổ sung hai chức danh trưởng Ban Nội chính TƯ và Ban Kinh tế TƯ vào Bộ Chính trị năm 2013 và không kỷ luật nguyên thủ tướng, 'đồng chí X', năm 2014.

    Chế độ đảng cộng sản toàn trị ra đời bởi cách mạng chuyên chính, trong đó cá nhân 'lãnh tụ' có vai trò to lớn. Bởi vậy, thế hệ 'khai quốc công thần' được sùng kính. Họ thường nắm quyền lãnh đạo suốt đời.

    Mặc dù Đại hội 12 đầu năm 2016 diễn ra căng thẳng, nhưng 'nút thắt' đã được gỡ, khi sự đồng thuận, 'cân bằng' cũng đạt được với 180 Uỷ viên BCHTƯ, 19 Ủy viên Bộ Chính trị, và ông Nguyễn Phú Trọng được bầu chọn tiếp tục nhiệm kỳ 2 giữ cương vị Tổng bí thư.

    Củng cố 'vương quyền' chỉ là giải cứu

    Chế độ đảng cộng sản toàn trị ra đời bởi cách mạng chuyên chính, trong đó cá nhân 'lãnh tụ' có vai trò to lớn. Bởi vậy, thế hệ 'khai quốc công thần' được sùng kính. Họ thường nắm quyền lãnh đạo suốt đời.

    Ở Liên Xô cũ, sau Joseph Stalin nắm quyền hơn 31 năm, Leonid Breznev (1906-1982) làm tổng bí thư 18 năm, từ 1994 đến 1982, ở Trung Quốc Mao Trạch Đông (1893 - 1976) giữ chức Chủ tịch Đảng, thực quyền tối cao 33 năm, từ 1943 đến 1976 và ở Việt Nam Lê Duẩn (1907-1986) là lãnh đạo Đảng CS Việt Nam có thời gian tại vị lâu nhất với gần 26 năm…

    Tuy nhiên, khi chuyển đổi sang thị trường chế độ toàn trị gặp phải vấn đề 'nguỵ vương', nhất là việc chuyển giao từ thế hệ 'khai quốc công thần' đến các thế hệ kế tiếp. Đó là năng lực của lãnh đạo kế nhiệm vương quyền. Làm sao có thể chọn được 'vị vua anh minh' để duy trì 'vương triều'? Liệu có cơ chế nào để đảm bảo rằng ông ta sẽ giúp tái hiện những 'nhân vật anh minh' nối tiếp hết thế hệ này sang thế hệ khác?

    Đảng cộng sản cũng thực thi một số quy định như lãnh đạo theo nguyên tắc tập thể, giới hạn về nhiệm kỳ công tác và độ tuổi, lựa chọn dựa vào phẩm chất và năng lực và coi trọng thử thách thực tế qua các vị trí công tác… Tuy nhiên, việc nảy nở các quan hệ phức tạp của xã hội tư bản thân hữu, sự cấu kết giữa các quan chức với doanh nghiệp để chiếm đoạt tài nguyên và tài sản công, những hiện tượng 'thái tử đỏ', 'cả họ làm quan', 'bảo trợ chính trị', 'nhóm lợi ích', trục lợi, tham nhũng … đã phá vỡ các quy định trên.

    Đảng nhận định quá trình này là 'tự diễn biến', 'tự chuyển hoá', và một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống đang đe doạ sự tồn vong của chế độ. Bởi vậy, tăng cường chiến dịch cống tham nhũng và củng cố tổ chức đảng là lựa chọn nhằm tập trung quyền lực cho Bộ chính trị, Ban bí thư và cá nhân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Năm 2017 ông kiêm luôn chức Chủ tịch nước sau khi ông Trần Đại Quang qua đời.

    Vì lý do giới hạn tuổi, nhiệm kỳ công tác và sức khoẻ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có lẽ coi việc chuyển giao 'vương quyền' là một trọng tâm

    Tránh nguy cơ sụp đổ chế độ nên việc củng cố 'vương quyền' là giải cứu. Nhưng những kết quả chống tham nhũng và sắp xếp nhân sự cho thấy Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đang làm chủ 'tình hình'. Ngoài ra, những thành tích kinh tế từ đầu nhiệm kỳ Khoá 12, đang hỗ trợ tính chính danh của đảng, bởi vậy củng cố thêm những nỗ lực của ông.

    Chính trị thay đổi nhân sự lãnh đạo đảng ở ba thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có tân bí thứ thành ủy Vương Đình Huệ (giữa) được điều động tới Hà Nội thay ông Hoàng Trung Hải (trái)
    Chuyển giao 'vương quyền' là trọng tâm

    Vì lý do giới hạn tuổi, nhiệm kỳ công tác và sức khoẻ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có lẽ coi việc chuyển giao 'vương quyền' là một trọng tâm. Ngoài việc điều động, bố trí nhân sự chuẩn bị cho đại hội, nhiều quy định về đề cử, ứng cử, khen thưởng, kỷ luật, nêu gương của lãnh đạo cấp cao… cũng được ban hành. Mới đây, ngày 2/2/2020 Đảng Cộng sản Việt Nam đã công bố Quy định 214, thay thế Quy định 90 năm 2017, của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ cao cấp. Theo các nhà phân tích, Quy định 214 cụ thể hơn đối với nhiều chức danh lãnh đạo cao cấp, đồng thời tiêu chuẩn mới cho chức Tổng Bí thư 'được hạ bớt' trước Đại hội Đảng 13…

    Việc đưa ra các tiêu chuẩn phù hợp với những quy hoạch nhân sự có thể còn thay đổi, nhưng không thể là thách thức. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang ở 'thế thượng phong' trong nguyên tắc lãnh đạo tập thể để đạt đồng thuận theo 'quy hoạch'.

    Khi mục tiêu chung là lý tưởng cộng sản thì bất kì tiêu chuẩn hay quy phạm đạo đức nào cũng là thứ yếu. Và thông thường, vị lãnh đạo tối cao là người duy nhất có quyền xác định mục tiêu cho các thành viên trong tổ chức. Một trong những yêu cầu quan trọng nhất đối với người cán bộ là lòng trung thành tuyệt đối đối với đảng, và lý tưởng.

    Tuy nhiên, trong điều kiện chuyển đổi kinh tế sang thị trường thì tiêu chuẩn lựa chọn người lãnh đạo theo ý thức hệ có thể mâu thuẫn với năng lực điều hành và thích nghi với thực tế đang thay đổi phức tạp. Nói cách khác, mâu thuận giữa đảng trị và kỹ trị làm suy giảm hiệu quả điều hành của bộ máy công quyền.

    Khi quyền lực được tập trung càng cao, thì các đảng viên, cán bộ chỉ là phương tiện phục vụ cho những mục tiêu lý tưởng cao đẹp và các giá trị đạo đức cách mạng, thì những đặc điểm mang tính chất của chế độ toàn trị sẽ xuất hiện.

    Tất cả các yếu tố trên thách thức tính trung thực của cán bộ đảng viên.

    Ngoài ra, vấn đề là liệu có thể có một cơ chế tự giám sát quyền lực khả thi, hữu hiệu, khi không thể kiểm soát được tài sản của họ từ nhiều lỗ hổng luật pháp trong xã hội với những quan hệ thân hữu phức tạp?

    'Vương quyền' cũng cần kiểm soát

    Nên chăng cần đặt việc chống tham nhũng, tập trung quyền lực và củng cố tổ chức đảng trong bối cảnh cải cách thể chế, trong đó quyền lực ở mọi vị trí, kể cả 'vương quyền', cũng cần có cơ chế kiểm soát.

    Khi quyền lực được tập trung càng cao, thì các đảng viên, cán bộ chỉ là phương tiện phục vụ cho những mục tiêu lý tưởng cao đẹp và các giá trị đạo đức cách mạng, thì những đặc điểm mang tính chất của chế độ toàn trị sẽ xuất hiện. Đó chính là hệ thống giải trình và chịu trách nhiệm thiếu dân chủ trong tổ chức, và hơn thế là trước nhân dân.

    Đảng không được dân bầu trực tiếp, nên tính giải trình và chịu trách nhiệm chủ yếu được thực hiện trong tổ chức theo chiều từ cấp dưới lên cấp trên. Nếu một cán bộ đảng viên có 'khuyết điểm', và đảng muốn trừng phạt, thì anh này buộc phải giải trình, và chịu trách nhiệm tuỳ theo mức độ vi phạm. Chiều ngược lại hiếm khi xảy ra hoặc mang tính hình thức. Ngoài ra, sự giải trình và chịu trách nhiệm mang tính đạo đức nhiều hơn là pháp lý. Chính quyền không thể 'xử lý' khi đảng chưa có 'ý kiến'.

    Đặc điểm nêu trên dẫn đến hậu quả là quyền lực ngày càng bị tha hoá, mà biểu hiện rõ nhất là việc lạm dụng bạo lực và quản trị yếu kém của bộ máy tập trung quan liêu, đặc biệt trong điều kiện chuyển đổi sang thị trường đòi hỏi tính công khai, minh bạch, thông tin và kiến thức đầy đủ, kịp thời.

    'Trò chơi vương quyền' tác động đến cuộc sống của đất nước, của mọi người, bởi vậy cần có sự tham gia của họ

    Người ta đang tuyên truyền đề cao quá thái rằng 'chính phủ điện tử', 'trí tuệ nhân tạo', 'internet vạn vật' và nhiều hình thức công nghệ truyền thông hiện đại có thể loại trừ tính quan liêu của bộ máy toàn trị. Tuy nhiên, vấn đề lại chính ở chỗ liệu đảng, chính quyền có khả năng đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của quần chúng cũng như tôn trọng ý kiến của họ về cách quản trị xã hội hay không.

    'Trò chơi vương quyền' tác động đến cuộc sống của đất nước, của mọi người, bởi vậy cần có sự tham gia của họ. Kinh tế thị trường mang lại nhiều quyền hơn cho người dân, trong đó quyền kinh tế. Và càng độc lập hơn với đảng, nhà nước, họ càng đòi hỏi quyền tham gia chính trị.

    Do vậy, tính giải trình và chịu trách nhiệm đối với quần chúng cần phải được thể chế hóa thông qua bầu cử để làm sao các nhà lãnh đạo luôn có cảm giác bị giám sát bởi nhân dân. Nếu lãnh đạo không làm việc đúng đắn thì họ sẽ không được nhân dân bầu nữa.

    PGS. TS. Phạm Quý Thọ
    Học viện Chính sách và Phát triển

    * Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Việt Nam.

    (BBC)

    Không có nhận xét nào