Mấy hôm nay đi đâu cũng nghe về coronaVirus (nCoV). Ở nhà. Ở trường học con cái. Ở công sở. Ở chỗ gặp gỡ bạn bè. Ở các bữa ăn với gia đình. Trên truyền hình. Trên mạng xã hội v.v... Có lẽ không nơi nào tránh khỏi thông tin và bình luận về nCoV này trong những ngày qua.
Hình minh hoa |
Theo viện nghiên cứu tại Đại học John Hopkins vào hôm nay 9 tháng 2, thì nạn dịch nCoV hiện có 34.549 người trên thế giới bị mắc bệnh, ít nhất 813 người đã bị chết, trong đó chỉ có 2 người ở ngoài Trung Quốc, một tại Phi và một tại Hồng Kông. 2.707 trường hợp được chữa trị. Người dân thuộc 28 quốc gia trên thế giới đã được phát hiện là bị nhiễm nCoV, mà phần lớn là những người đã đến Trung Hoa đại lục.
Trong 28 quốc gia nêu trên thì Singapore chiếm 40 trường hợp, kế đến là Thái Lan 32, Hồng Kông 26, Nam Hàn 25, Nhật 25, Úc 15, … và Việt Nam 13. Tại Nhật, có 64 trường hợp được phát hiện trên du thuyền Diamond Princess, và tất cả các trường hợp này đang được chính phủ Nhật cách ly hoàn toàn tại Yokohama.
Mỗi ngày số người bị phát hiện nhiễm bệnh ngày càng gia tăng. Số người bị phát hiện nhiễm, hay chết, hôm qua thì hôm nay đã khác, đã gia tăng đáng kể. Bây giờ các chuyên gia y tế hàng đầu đang cần cả số liệu lẫn thời gian để xác định tỷ lệ tử vong. Hiện nay thì tỷ lệ tử vong khoảng 2 phần trăm (so với SARS năm 2002-2003 là 10 phần trăm). Yếu tố quan trọng khác trong khủng hoảng này là tỷ lệ vi trùng lan truyền. nCoV có phát triển nhanh chóng và lan ttuyền rộng rãi như SARS không thì hiện nay khoa học vẫn chưa đánh gía chính xác.
Một số biện pháp phòng ngừa, và cách ly, đang áp dụng hiện nay là cần thiết để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh dịch này. Chẳng hạn, các chuyến bay đến và đi từ Wuhan cũng như từ Trung Hoa đại lục, những người mới đến phi trường/cảng có triệu chứng của nCoV, và tại Trung Quốc, cách ly những bệng nhân với các nhân viên y tế, v.v… là cần thiết.
Chẳng hạn, đối với Úc, Cơ quan Chính yếu Bảo vệ Y tế của Úc châu (Australian Health Protection Principal Committee/AHPPC) đã họp hành hàng ngày để đưa ra các lời đề nghị đối phó với nạn dịch này. Trong đó đề nghị mọi công dân Úc không đến Trung Quốc nữa. Thủ tướng Úc áp dụng biện pháp giới hạn di chuyển đối với những ai đến Úc từ Trung Hoa đại lục sau ngày 1 tháng Hai vừa qua. Những ai không phải là công dân Úc đến từ Trung Hoa đại lục thì sẽ không được vào Úc 14 ngày sau khi họ đã rời hay chuyển tiếp tại Trung Quốc đại lục. Những ai có sự tiếp xúc gần với những người đã nhiễm bệnh thì phải tự cách ly chính mình trong suốt 14 ngày sau khi gặp người nhiễm bệnh đó. Còn các công dân Úc được rước ra khỏi Vũ Hán thì hiện đang được tạm cư tại Christmas Island, và sau 14 ngày chuẩn bệnh và nếu không có triệu chứng, thì có thể được cho về nhà.
Nhưng cũng chưa đủ.
Theo Tom Inglesby, Giám đốc Trung tâm An ninh Y tế của John Hopkins, thì các việc kế tiếp cần làm là: một, sự phản ứng mạnh mẽ và kiên trì từ các chính quyền và cộng đồng quốc tế; hai, phát triển vắc-xin là cấp thiết nhất hiện nay để làm giảm khả năng lan rộng và những tác hại của nó một cách đáng kể. Nhưng làm ra được vắc-xin thường mất nhiều thời gian, nhiều khi mất cả năm. Như thế thì việc ngăn ngừa sẽ trở nên vất vả và khó khăn từ đây đến đó. Nhưng nếu được sự yểm trợ và khuyến khích tối đa từ chính phủ, cộng đồng quốc tế, các nhà từ thiện v.v… để có sự phối hợp giữa các ứng viên vắc-xin muốn nghiêm chỉnh đạt được kết quả thì rất có thể có được kết quả nhanh hơn.
Khi đã có được vắc-xin thì vấn đề làm sao sản xuất nó hàng loạt, để nó được đến mấy chục ngàn người đang bị nhiễm, cũng như những ai muốn chích ngừa, trên toàn cầu. Đó là một tiến trình dài và rắc rối. Vấn đề sản xuất, phân phối hàng loạt tại nhiều nơi trên thế giới là hơi bất thường vì phần lớn làm tại một chỗ. Có thể vì nhu cầu cấp bách hiện nay mà WHO cần điều hợp khéo léo để việc này xảy ra một cách tốt đẹp hiệu quả nhất.
Sẽ mất nhiều thời gian để đối phó và ngăn chặn hoàn toàn nCoV này và nạn dịch lan tràn của nó. Nếu chính quyền Vũ Hán nói riêng, và Trung Quốc nói chung, coi trọng các tiếng nói chuyên môn độc lập nhưng không chính thống, như trường hợp bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người công khai lên tiếng báo động về sự lây lan của dịch bệnh corona, thì hệ quả đâu đến nỗi như bây giờ. Người dân Hồng Kông và nhiều nơi khác hoảng hốt cao độ, không chỉ vì sợ, mà chính vì không tin tưởng, không còn niềm tin vào cách quản lý thông tin và đưa thông tin trung thực của Bắc Kinh đến người dân. Người dân không còn tin tưởng khả năng của chính quyền có thể bảo vệ mạng sống của họ và ngăn chặn con virus này. Sự sợ hãi của họ là chính đáng, vì đây không phải là lần đầu.
Theo thống kê năm 2006 thì 53 phần trăm người dân khắp nơi còn tin tưởng rằng Trung Quốc hành xử phần nào đó trách nhiệm, nhưng đến năm 2019 thì tỷ lệ này tụt xuống chỉ còn 28 phần trăm. Ngoài ra, theo bản khảo sát mới nhất của Lowy Poll thì 45 phần trăm người được khảo sát cho biết họ không thật sự tín nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ làm điều đúng đắng đối với các vấn đề quốc tế, trong khi đó 23 phần trăm cho biết hoàn toàn không tín nhiệm ông Tập.
Nạn dịch nCoV ở tầm quốc tế hiện nay cần niềm tin vào nơi xuất phát con dịch, tức Vũ Hán nói riêng và Bắc Kinh nói chung, có khả năng ngăn ngừa kiểm soát và dập tắt nCoV càng sớm càng tốt. Nhưng với cái đà ngày càng gia tăng nCoV hiện nay và cung cách kiểm soát bưng bít của chế độ cộng sản, thật là khó để lạc quan tin rằng an toàn và mạng sống của người dân Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung là ưu tiên của Bắc Kinh. Vì thế cho nên mọi quốc gia phải tìm mọi cách đối phó tốt nhất trong khả năng mình lúc này cho đến khi vắc-xin được ra đời và có thể dùng cho mọi người.
Phạm Phú Khải
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào