Vụ Đồng Tâm nói với chúng ta điều gì? |
4h
sáng ngày 9/1/2020 gần 3000 chiến sĩ cảnh sát cơ động bất ngờ tấn công
vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, bắt đi hơn 20 người
để điều tra, truy tố về tội chống người thi hành công vụ, tội giết
người.
Chỉ
trong vài ngày, có đến 3 kịch bản về vụ Đồng Tâm được công an đưa ra,
lúc thì nói bộ đội và công an đang xây tường rào khu đất quốc phòng thì
bị nhóm “khủng bố” ở Đồng Tâm tấn công nên phải đánh trả làm ông Lê Đình
Kình bị chết, phía công an có 3 người “hi sinh”, khi thì nói công an
điều tra ra ý đồ của nhóm khủng bố định đốt cháy cây xăng, tiến công
UBND xã nên đã tấn công trước, bắt giữ các đối tượng liên quan để đưa ra
tòa xét xử. Những kịch bản khác nhau của công an làm dậy sóng dư luận,
nhiều nhân sĩ trí thức gửi thư đến Quốc hội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước
đề nghị điều tra làm rõ vụ việc. Tuy nhiên, Chủ tịch nước đã nhanh chóng
tặng huân chương Chiến công hạng nhất cho 3 cảnh sát thiệt mạng tựa như
một lời biểu dương chiến công của lực lượng công an.
Chuyện
gì đã qua thì cứ để cho qua, người chết thì không thể sống lại được,
anh em chúng tôi đến thăm Đồng Tâm, động viên người còn sống và tìm hiểu
câu chuyện Đồng Tâm, tại sao dẫn đến kết cục bi thảm đến thế? Cuối cùng
thì vụ Đồng Tâm nói lên điều gì?
Chuyện
Đồng Tâm vẫn là chuyện đất đai, như chuyện đã xẩy ra ở Dương Nội, Văn
Giang và các nơi khác. Ông Lê Đình Kình là đảng viên cộng sản chân
chính, 84 tuổi đời, 58 năm tuổi đảng, đã kinh qua các chức vụ Trưởng CA
xã, Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã. Ông có đủ trong tay tư liệu về đất
đai ở xã Đồng Tâm qua các thời kỳ. Vào năm 80 nhà nước thu hồi đất giao
cho quân đội để làm sân bay, diện tích này gọi là đất quốc phòng. Khi đó
ông Kình đại diện địa phương đã giao đất cho quân đội. Bên cạnh đất
quốc phòng là đất đồng Sênh, nhân dân vẫn canh tác bình thường. Đến thập
niên đầu tiên của thế kỷ 21 thì chính quyền Hà Nội nói đất đồng Sênh
cũng là đất quốc phòng, phải thu hồi giao cho công ty Viettel. Ông Kình
không đồng ý, đề nghị nếu nhà nước thu hồi thì phải có quyết định thu
hồi đất, phải đền bù theo quy định của Luật đất đai, nếu không thì nhân
dân Đồng Tâm quyết tâm giữ đất, kể cả phải hi sinh tính mạng.
Vấn
đề đã trở thành cuộc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa chính quyền Hà
Nội và nhân dân Đồng Tâm. Ông Kình đề nghị đối thoại nhưng chính quyền
không đối thoại, chi yêu cầu ông phải giao đất. Như chúng ta đã biết, Hà
Nội cử 38 cảnh sát cơ động đến Đồng Tâm và bị dân Đồng Tâm bắt giữ làm
con tin. Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung đã phải đến gặp dân, đề
nghị dân thả con tin và đồng ý giao cho thanh tra thành phố xem xét
nguồn gốc đất, giải quyết theo luật. Sau một thời gian kiểm tra, Thanh
tra Hà Nội kết luận đất đồng Sênh là đất quốc phòng. Ông Lê Đình Kình
không đồng ý với kết luận thanh tra, vụ việc đưa lên Thanh tra Chính
phủ. Đến lượt Thanh tra Chính phủ vẫn kết luận đồng Sênh là đất quốc
phòng, tất nhiên ông Lê Đình Kình không thể đồng tình với Thanh tra
Chính phủ. Khúc mắc này được đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đánh
giá: Chỗ yếu nhất của chính quyền là không đưa ra được bản đồ đất đai
của các thời kỳ.
Như
đã nói ở phần trên, ông Lê Đình Kình nằm giữ toàn bộ tài liệu liên quan
đến đất đồng Sênh, ông đề nghị đối thoại nhưng chính quyền Hà Nội không
đối thoại, lý do đơn giản nếu đối thoại mà ông Lê Đình Kình đưa ra bản
đồ các thời kỳ và văn bản liên quan chứng minh đất đồng Sênh thuộc về
quyền quản lý, sử dụng của dân thì chính quyền sẽ ăn nói ra sao? Tất
nhiên, nếu nói về mặt luật thì không cần văn bản nào, chỉ căn cứ vào Bộ
Luật dân sự quy định khi chiếm hữu ngay tình, liên tục trong 30 năm,
không bị ai tranh chấp, quyền sử dụng đất thuộc về người đang sử dụng
chúng ta có thể kết luận ngay rằng quyền sử dụng đất phải thuộc về các
hộ dân Đồng Tâm.
Không
chiến thắng được bằng lý lẽ, băng quy định của pháp luật, chính quyền
chọn cách thắng bằng vũ lực. Một lực lượng đông đảo cảnh sát cơ động đến
bao vây Đồng Tâm, rình rập và tuyên bố sẽ cưỡng chế lấy đất. Trước hành
động uy hiếp của cảnh sát cơ động, ông Lê Đình Kinh cho họp Tổ đồng
thuận bàn cách đấu tranh. Trên các trang mạng xuất hiện những bài viết
kêu gọi sự ủng hộ của các cấp chính quyền Trung ương, các nhân sĩ, trí
thức, các nhà hoạt động dân sự đối với nhân dân Đồng Tâm. Cho đến lúc
này Tổ đồng thuận do ông Lê Đình Kình làm tổ trưởng vẫn khẳng định việc
đơn vị quân đội lấy đất là vụ tham nhũng của nhóm lợi ích chứ không phải
là của chính quyền Trung ương, trước sau ông vẫn tin tưởng vào lãnh đạo
cấp cao của đảng, mọi chuyện ở Đồng Tâm sẽ được giải quyết đúng pháp
luật, đúng quy định của tổ chức đảng mà ông hiện là đảng viên trung
kiên.
2. Đấu tranh pháp lý hay “bạo lực” để giữ đất?
Trong
cuộc đấu tranh giữ đất, ông Lê Đình Kình đề ra nguyên tắc đấu tranh
bằng pháp luật, không dùng “bạo lực”, tuy nhiên, trước áp lực ngày càng
tăng của cảnh sát cơ động, ông phân vân không biết có nên dùng “bạo lực”
hay không?
Đến
đây cần làm rõ khái niệm “bạo lực” trong đấu tranh giữ đất của một bộ
phận nhân dân. Vụ Đoàn Văn Vươn giữ đất ở Hải Phòng là điển hình cho
hình thức đấu tranh “bạo lực”. Ông Vươn tập trung một số đống củi trên
đường vào nhà mình, tưới dầu và cho một số bình ga rỗng vào đống củi.
Khi công an tới, ông dùng đạn hoa cải bắn từ khoảng cách xa (không gây
chết người, chỉ làm bị thương), đồng thời đốt đống củi gây nổ, tung bình
ga rỗng lên không, hi vọng đội quân cưỡng chế sợ mà rút lui. Cách đấu
tranh “bạo lực” như vậy không cản được đội quân cưỡng chế, ông Vươn bị
bắt ra xử trước Tòa án về tội “chống người thi hành công vụ”.
Cách
đấu tranh “bạo lực” của ông Vươn tạo cảm hứng cho những cuộc đấu tranh
khác. Tại Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội các hộ dân đã học tập tinh
thần Đoàn Văn Vươn, tổ chức chống cưỡng chế bằng lực lượng tự phát. Sau
vài lần cưỡng chế không thành, cuối cùng thì lực lượng cưỡng chế cũng
dập tắt phản kháng của dân, người lãnh đạo tinh thần của dân là chị Cấn
Thị Thêu bị bắt ra tòa chịu án. Vụ Văn Giang, Hưng Yên thì phức tạp hơn
với hai lần cưỡng chế lấy đất. Ngày 9/1/2009 đang đêm lực lượng cưỡng
chế bất ngờ ra quân, thu hồi đất, dân không phản ứng kịp. Năm 2012 cuộc
cưỡng chế lần thứ hai ở Văn Giang thì có báo trước. Đêm trước cuộc cưỡng
chế nhân dân Văn Giang tập trung nhiều đống củi lớn, cho các bình ga
vào và dự tính cho nổ nếu đang đêm lực lượng cưỡng chế dùng bài “đánh
úp” như lần trước. Cả đêm đó dân Văn Giang thức trắng trên cánh đồng,
“Bộ tham mưu” bàn bạc suốt đêm đến gần sáng mới quyết định: Rút tất cả
các bình ga ra khổi các đống củi, không đấu tranh bằng “bạo lực” mà chỉ
bằng đơn từ đúng pháp luật. Cuộc cưỡng chế bằng lực lượng cảnh sát cơ
động của Bộ Công an hoàn thành, thu hồi đất giao cho công ty Việt Hưng.
Sau
cuộc cưỡng chế, công ty còn vài lần đưa lực lượng “bảo vệ” của công ty
ra “cướp” thêm đất nhưng bị nhân dân ngăn cản, có xô xát, có xẩy ra chết
người nhưng về cơ bản là không “cướp đất” thêm được nữa. Công an Hưng
Yên bắt đến 19 người, hỏi “Ai xúi giục kích động các ông chống người thi
hành công vụ?”. Trả lời: Không ai xui tôi cả, đất của tôi thì tôi phải
giữ! Một số người bị kết án tù nhưng “bộ tham mưu” vẫn bảo toàn, cuộc
đấu tranh pháp lý vẫn tiếp tục. Đến tháng 11/2012 tại cuộc đối thoại với
dân, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Đặng Hùng Võ thừa nhận
vụ thu hồi đất ở Văn Giang là sai về mặt luật. Có thể tạm kết luận, dân
đấu tranh “bạo lực” không có mục đích gây chết người đối với lực lượng
cưỡng chế, chủ yêu chỉ ngăn cản cưỡng chế, nêu có người chết thì là
chuyện ngoài ý muốn.
Trở
lại chuyện Đồng Tâm, ông Lê Đình Kình trăn trở việc có dùng “bạo lực”
đấu tranh hay không nên mời đại diện “bộ tham mưu” Văn Giang đến trao
đổi. Ngày 6/1/2020 đoàn đại biểu Văn Giang đến Đồng Tâm, cân nhắc và
bàn: Hoàn cảnh của Đồng Tâm khác với Văn Giang, không thể dùng cách đấu
tranh “bạo lực” ở Đồng Tâm được. Câu hỏi đặt ra là: Liệu có thể công an
“đánh úp” vào thôn Hoành, bắt ông Kình đi hay không? Nhiều ý kiến muốn
ông Kình tạm tránh đi một thời gian, nhưng rồi ông vẫn về ở lại Đồng
Tâm, ông không thể bỏ dân trong lúc này. Các ý kiến dự liệu của nhân dân
không ai nghĩ đến việc công an tấn công và bắn chết ông Lê Đình Kình.
Trong cuộc trao đổi, bên Đồng Tâm cho biết, đất dồng Sênh đã bị bán cho
Trung Quốc lâu rồi. Trước đây có lần người Trung Quốc đã đến đo đạc đất
đồng Sênh. Điều đó củng cố quyết tâm giữ đất của dân Đồng Tâm, dứt khoát
không thể bán đất cho Trung Quốc được, đất này của người Việt Nam.
Nhưng nếu đất đã rao bán cho Trung Quốc rồi thì nhất định chính quyền sẽ
chiếm lấy đất, bằng bất kể lý do gì, bất kể thủ đoạn nào, dân Đồng Tâm
và ông Lê Đình Kình đối mặt với sức mạnh của cả hệ thống chứ không phải
chỉ nhóm lợi ích ở Hà Nội.
3. Hành xử của chính quyền trong vụ Đồng Tâm nói lên điều gì?
Đầu
tiên, dễ nhận biết nhất, kể từ nay mọi chính sách của chính quyền phải
được thực hiện quyết liệt, dứt khoát, tất cả những ý kiến khác đều bị
xóa bỏ, không cần phải giải thích; theo như lời triết gia người Pháp
Jean-Paul Sartre đã nói, chính quyền đã tự “thực dân hóa”, hành xử hoàn
toàn như một đội quân chiếm đóng chứ không phải là chính quyền của dân,
do dân, vì dân.
Thứ
hai, trong cương lĩnh của Đảng vào năm 1930 tuyên bố mục tiêu của cách
mạng vô sản ở Việt Nam là “người cầy có ruộng”, đến nay chính thức bị
xóa bỏ. Chúng ta biết rằng, để vận động nhân dân các nước nông nghiệp,
Đảng Cộng sản đề ra cương lĩnh “người cầy có ruộng” thu hút lực lượng
nông dân. Theo lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, cách mạng vô sản do giai
cấp công nhân lãnh đạo, xây dựng liên minh công nông đấu tranh xóa bỏ
các giai cấp bóc lột, tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa. Như vậy, trong
giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, nông dân vẫn tồn tại với tư cách
một giai cấp, đương nhiên phải được bảo đảm quyền lợi bằng chính sách
“người cầy có ruộng”, cho đến khi hoàn thành xây dựng chủ nghĩa cộng sản
thì giai cấp nông dân mới tự tiêu vong. Chính quyền đã ban bố Luật đất
đai, tuyên bố toàn bộ đất đai thuộc sở hữu nhà nước nhưng chưa cắt đứt
hẳn quyền lợi hợp pháp của giai cấp nông dân bởi vẫn duy trì chính sách
đền bù. Đến nay chính sách đền bù bị xóa bỏ, chỉ cần tuyên bố đơn giản:
đất quốc phòng, đất vì lợi ích an ninh quốc gia và thu hồi, ai không
châp hành thì đó là… thế lực thù địch, phải giải quyết bằng phương pháp
mâu thuẫn địch-ta chứ không phải bằng phương pháp mâu thuẫn trong nội bộ
nhân dân.
Các lão nông, đảng viên trung kiên của Đảng Cộng sản Việt Nam khác hãy nhớ lấy điều đó.
Cựu chiến binh QĐND Việt Nam
(Dân Luận)
Không có nhận xét nào