“Một xã hội lành mạnh không nên chỉ có một tiếng nói” - (Bs Lý Văn Lượng)
Covid-19 và những biến số khó lường |
Trước
giao thừa năm Canh Tý (2020), khi Hà Nội chuẩn bị bắn pháo hoa để tiễn
năm cũ (con heo) và đón năm mới (con chuột) thì trời bỗng nổi sấm chớp
và mưa rào như giữa mùa hè. Một hiện tượng lạ chưa bao giờ thấy! Dù đó
là do biến đổi khí hậu hay Thượng đế báo hiệu điềm gở cho năm mới (như
“một năm vi-rút”), biến cố Đồng Tâm gây đổ máu đã được bồi tiếp bằng
dịch Vũ Hán gây hoảng loạn, như là “khủng hoảng kép” (double crises).
Kể
từ khi dịch bùng phát tại Vũ Hán cách đây hơn hai tháng, thế giới chỉ
biết là Coronavirus, nay gọi là Covid-19. Trung Quốc và thế giới chỉ
biết rất ít về vi-rút mới. Trong khi nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải
đáp, thì vi-rút mới này đã trở thành “yếu tố thay đổi to lớn” làm bộc lộ
“gót chân A-Sin” của Trung Quốc. Covid-19 đã tạo ra một cuộc khủng
hoảng lớn và bước ngoặt mới cho Trung Quốc sau Thiên An Môn, với những
biến số khó lường.
Gót chân Asin
Theo
cập nhật của Worldometer (đến 25/2/2020), có 80.354 ca lây nhiễm và
2.707 ca tử vong. Từ khi bùng phát, vi-rút mới từ Vũ Hán đã lan ra 40
quốc gia và lãnh thổ, gồm con tàu Diamond Princess đậu tại cảng
Yokohama, với 691 ca lây nhiễm. Đến nay, Việt Nam có 16 ca lây nhiễm
trong khi Hàn Quốc có 977 ca. Việt Nam đã công bố tình trạng khẩn cấp về
y tế và dừng các chuyến bay tới/từ Trung Quốc, nhưng vẫn chưa đóng cửa
biên giới.
Trong
khi lãnh đạo WHO kêu gọi các nước chuẩn bị cho đại dịch (pandemic),
trong khi chính quyền Mỹ đề nghị Quốc hội chi 2,5 tỷ USD để chống
Covid-19, trong khi các nước láng giềng với Trung Quốc (như Hàn Quốc)
đang phải vất vả đối phó với nguy cơ dịch bùng phát, thì các quan chức y
tế Việt Nam tự tin đã “kiểm soát được vi-rút Covid-19”, và các quan
chức giáo dục Việt Nam chủ quan quyết định cho học sinh đến trường vào
ngày 2/3.
Phải
chăng sự chủ quan và tự tin hơi sớm vì bệnh thành tích? Với Trung Quốc,
Việt Nam là nước láng giềng liền kề về địa lý, và “cùng chung vận mệnh”
về chính trị. Với Hàn Quốc, Việt Nam cũng có quan hệ gần gũi: có gần
25.000 người Hàn sinh sống ở Việt Nam (là cộng đồng đông nhất), và có
gần 200.000 người Việt sinh sống ở Hàn Quốc (rất đông). Mỗi ngày có 11
chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.
Còn
quá sớm để chủ quan và tự mãn rằng “Việt Nam là nước đầu tiên dập được
dịch Covid-19”. Những kết quả ban đầu của Việt Nam là đáng tự hào vì
trong gần 2 tuần chỉ có 16 người bị lây nhiễm và nay đã hồi phục, trong
khi không có ca nào bị chết. Nhưng đó cũng có thể là “khoảng lặng trước
cơn bão”. Một số bác sỹ ở Vũ Hán đã cảnh báo là một số bệnh nhân đã phục
hồi vẫn có thể bị tái nhiễm, và thời gian ủ bệnh có thể kéo dài lâu hơn
14 ngày.
Theo
James Palmer (Foreign Policy, 12/2/2020), việc tăng đột xuất số ca lây
nhiễm và tử vong chủ yếu là do Trung Quốc thay đổi cách chẩn đoán và
thống kê, trong khi vi-rút này vẫn là một bí ẩn được che đậy làm người
ta nghi ngờ. Neil Ferguson (một chuyên gia về dịch) cho rằng đến nay mới
phát hiện được 10% số ca lây nhiễm và con số tử vong còn khá xa sự
thật. Có 3.000 nhân viên y tế ở Vũ Hán bị lây nhiễm (gấp đôi con số đã
thông báo).
Theo
báo cáo của trường đại học Imperial College London (21/2/2020), “khoảng
2/3 số ca lây nhiễm Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc chưa được phát
hiện trên thế giới”. Năm triệu người đã rời khỏi Vũ Hán trước khi thành
phố bị phong tỏa (ngày 23/1). Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus (Tổng
giám đốc WHO) “cửa sổ cơ hội đang khép lại” với việc kiểm soát Covid-19,
và các nước cần chuẩn bị cho tình huống có đại dịch (pandemic).
Covid-19
là một tai họa bất ngờ cho Trung Quốc, không chỉ thách thức y học hiện
đại mà còn đe dọa “trò chơi vương quyền” của Tập Cận Bình, làm bộc lộ
những tử huyệt như “gót chân A-Sin” của Trung Quốc. Lần này, chắc Trung
Quốc không đủ nguồn lực mà họ đã dựa vào để phục hồi sau khủng hoảng
SARS 17 năm trước. Người Trung Quốc, từ lãnh đạo đến dân thường, từ bác
sỹ đến bệnh nhân, nay đều “bình đẳng” trước Covid-19 và tử thần.
Covid-19
còn mạnh hơn cả một đạo quân lớn với vũ khí hiện đại. Nó không chỉ lây
nhiễm trong nước và trong quân đội Trung Quốc, làm suy yếu sức chiến đấu
của PLA, mà còn lan ra khắp thế giới (đến nay là 37 quốc gia và vùng
lãnh thổ). Nó đe dọa bùng phát tại một số nước khác, với làn sóng “bài
Trung” làm cô lập Trung Quốc, và có thể làm tê liệt các chương trình
mang dấu ấn Tập Cận Bình như “Vành đai Con đường” và “MIC 2025”.
Theo
Richard Haass (Chủ tịch CFA), “Tác động lâu dài nhất đối với Trung Quốc
là về chính trị”… Hệ quả của nó có thể làm tê liệt hệ thống khi Tập
củng cố quyền lực, làm các quan chức địa phương không dám nói thật và
làm thật. “Chương trình chống tham nhũng của Tập thay thế các quan chức
có năng lực bằng các quan chức trung thành”. (How the coronavirus crisis
destroyed the Xi’s myth, Gordon Watts, Asia Times, February 19, 2020).
Nay
Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu để duy trì nền kinh tế.
Khoảng 20% GDP của Trung Quốc là từ xuất khẩu. Mỹ là thị trường lớn nhất
của Trung Quốc. Nếu chiến tranh thương mại tiếp tục gia tăng sẽ biến
khó khăn kinh tế thành khủng hoảng chính trị. Trung Quốc sẽ bị cô lập và
suy thoái bởi hai “đòn kép” (twin blows) là chiến tranh thương mại và
Covid-19. Hệ quả là “bất an về kinh tế sẽ dẫn đến những vấn đề về an
ninh”.
Dịch
Covid-19 bùng phát tuy không phải là vấn đề địa chính trị hay sự kiện
chính trị, nhưng nó có hệ quả địa chính trị và dẫn đến các sự kiện chính
trị. Căng thẳng xã hội có thể làm suy xụp về chính trị (political
implosion). “Covid-19 là giọt nước tràn ly, có thể biến đổi vị thế quốc
tế của Trung Quốc, và làm thay đổi căn bản hệ thống quốc tế”. (The
Geopolitics of the Novel Coronavirus, George Friedman, Geopolitical
Futures, February 4, 2020).
Từ giấc mơ đến ác mộng
Theo
Minxin Pei và Nicholas Kristof, Trung Quốc không học được bài học kinh
nghiệm SARS (2002-2003) để đối phó với Civid-19 tại Vũ Hán (2019-2020).
(The Coronavirus Is a Disease of Chinese Autocracy, Project Syndicate,
January 25, 2020; Coronavirus Spreads and the World Pays for China’s
Dictatorship, New York Times, January 29, 2020).
Vũ
Hán, tâm chấn của Covid-19, có vị trí chiến lược và thu nhập bình quân
cao (20.000 USD), nhưng khi vi-rút bùng phát thì Bắc Kinh không phản ứng
kịp thời. Kết quả là năm triệu người hoảng loạn rời Vũ Hán trước khi bị
phong tỏa. Theo Minxin Pei, “Bắc Kinh không sẵn sàng đối phó với bùng
phát có quy mô lớn như vậy”. Sau dịch SARS, “chưa thấy có sự biến chuyển
thực sự nào về cách thức Trung Quốc xử lý các cuộc khủng hoảng lớn”.
Mixin
Pei nói rằng trong vòng một tháng (từ giữa tháng 12/2019 đến giữa tháng
1/2020) Trung Quốc đã để mất “cơ hội vàng” khi chính quyền thẩm vấn và
kỷ luật tám bác sỹ về tội “tung tin đồn” khi họ cảnh báo về vi-rút lạ.
Sau mấy tuần bất động và lúng túng (đến 20/01/2029) số người lây nhiễm
đã tăng gấp đôi. Covid-19 làm người ta nhớ tới tiểu thuyết “The Eyes of
Darkness” của Dean Koontz (1981), làm xuất hiện các thuyết âm mưu.
Thế
giới “hậu sự thật” mà Yuval Harari cảnh báo, với những tin vịt (fake
news) làm thật giả lẫn lộn (half truth) là mảnh đất tốt cho các thuyết
âm mưu. Nhưng không ai có thể xác nhận những thông tin của tỷ phú lưu
vong Quách Văn Quý (Guo Wengui) có cơ sở hay không, hoặc khẳng định bà
Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) phụ trách phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán có
liên quan đến bùng phát dịch Covid-19 và trở thành “con dê tế thần” hay
không.
Nguyên
nhân chính là “lỗi hệ thống” của chế độ tìm cách bưng bít thông tin để
che dấu sự thật, đẫn đến sự “mù lòa của chuyên chế” (authoritarian
blindness). Khi vi-rút mới được phát hiện tại Vũ Hán (8/12/2019) chính
quyền đã bịt miệng các bác sỹ và nhà báo. Khi bắt đầu có người bị chết
(11/1/2020) chính quyền vẫn phủ nhận vi-rút mới có thể lây từ người sang
người. Tình trạng bất động và lúng túng làm cho vi-rút bùng phát, không
thể kiểm soát.
Khi
tình hình đã bị mất kiểm soát, với hàng chụcngàn người bị lây nhiễm và
tử vong (đến 20/1) chính quyền buộc phải có “hành động quyết liệt”,
nhưng đã quá muộn. Ngày 6/2, bác sỹ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), một
trong tám bác sỹ ở Vũ Hán bị thẩm vấn, đã chết vì Covid-19 như một kẻ
“tử vì đạo”, làm bùng lên một làn sóng phẫn nộ và tuyệt vọng. Tập Cận
Bình và lãnh đạo Bắc Kinh đã bị bất ngờ và lúng túng đối phó với cơn bão
truyền thông.
Khi
các quan chức Trung Quốc đứng trước một vấn đề, “họ thường xem vấn đề
đó thực chất là kỹ thuật hay chính trị”. Nếu là chính trị, “họ sẽ đá vấn
đề đó lên trên, để chờ quyết định, thường là rất chậm trong một thể chế
quá tập trung”. Trong khi Ian Johnson coi “chủ nghĩa hành động”
(actionism) “là nhu cầu chính trị để cho người khác thấy mình có hành
động”, thì Minxin Pei coi hành động quyết liệt của Bắc Kinh là “quân sự
hóa chính quyền”.
Chiến
tranh thương mại của Mỹ đánh vào kinh tế Trung Quốc khi nó đang chu kỳ
suy thoái. Covid-19 bồi tiếp một đòn nữa làm Trung Quốc lao đao. Sau kỳ
nghỉ Tết Nguyên Đán, chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh: Shanghai
composite giảm 7.7%, và Shenzhen Component Index giảm 8.5%. Goldman
Sachs dự báo tăng trưởng GDP giảm 0.4% và S&P dự báo tăng trưởng 5%
(năm 2020), và Financial Times dự báo tăng trưởng 4% (năm 2024).
Trung
Quốc đóng góp tới 1/3 tăng trưởng toàn cầu (còn lớn hơn cả Mỹ, EU và
Nhật cộng lại), nên tác động toàn cầu của Covid-19 bùng phát “còn lớn
hơn nhiều so với dự kiến” và có thể dẫn đến sự kiện “Thiên nga đen”
(black swan). Covid-19 bùng phát làm thay đổi triệt để động lực của kinh
tế Trung Quốc”. (Coronavirus economic impact: Australia could be among
world’s hardest hit nations, Martin Farrer, Guardian, February 7,
2020).
Nhưng
điều làm lãnh đạo Trung Quốc lo nhất là sự bưng bít của chính quyền địa
phương về dịch Covid-19, sẽ xô đẩy người dân Trung Quốc chĩa sự phẫn nộ
và tuyệt vọng của họ vào hệ thống chuyên quyền của Đảng. Vì vậy, Tập
phải “chiến đấu trên hai mặt trận” là chống vi-rút Corona và vi-rút
chính trị. (Coronavirus: what Xi fears most is Chinese turning on the
Communist Party, Wang Xiangwei, South China Morning Post, February 8,
2020).
Giáo
sư Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun) của Đại học Thanh Hoa đã bày tỏ sự
phẫn nộ và tuyệt vọng khi viết bài tiểu luận “Báo động lây lan: Khi phẫn
nộ vượt qua sợ hãi”. Theo ông, “cả hệ thống đã bất lực. Điều còn lại là
tâm trạng vô vọng”. Đó là “tình trạng thoái hóa giai đoạn cuối” và “sự
vô năng của lú lẫn về tổ chức và bất lực của hệ thống”. (Viral Alarm:
When Fury Overcomes Fear, Xu Zhangrun, China File, February 10, 2020).
Để
đối phó, Bắc Kinh đã thay các quan chức đứng đầu Hồ Bắc và Vũ Hán bằng
người thân tín của Tập (13/2/2020), và trấn áp tiếng nói phản biện của
trí thức Trung Quốc, là nạn nhân của Covid-19 và chế độ chuyên quyền.
Hơn 60 học giả các trường đại học lớn trên thế giới vừa ký vào bức thư
ngỏ gửi Tập Cận Bình do giáo sư Andrew Nathan khởi xướng (22/2/2020) để
phản đối việc bắt giam luật sư Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) và nhóm trí
thức.
Covid-19
đã tạo ra thách thức nghiêm trọng đầu tiên trong nước đối với quyền lực
của Tập. Trước sự rạn nứt của Bắc Kinh, Tập đang đứng trước một cuộc
khủng hoảng chính trị tiềm ẩn. Trấn áp xã hội dân sự càng làm bộc lộ sự
bất cập và bất lực của hệ thống khi bị khủng hoảng như SARS hay Corona.
Nói cách khác, Trung Quốc là “người khổng lồ chân đất sét” (Does China
Have Feet of Clay, Joe Nye, Project Syndicate, April 4, 2019).
Phát
biểu tại hội nghị thượng đỉnh về trí tuệ nhân tạo toàn cầu (9/7/2017
tại Trung Quốc), sử gia Yuval Harari cảnh báo: “thuật toán có nguy cơ
tạo ra nền độc tài số…Điều đó có thể kết thúc rất tồi tệ… Họ đặt nền văn
minh nhân loại trước rủi ro, nếu không có giải pháp, chúng ta sẽ gặp
vấn đề rất lớn... Chúng ta không bao giờ được đánh gía thấp sự ngu xuẩn
của con người”. (Humans are a post-truth species, Yuval Harari,
Guardian, August 5, 2018).
Nay
người Trung Quốc nhận thấy rằng họ đang phải trả giá cho hệ thống kiểm
duyệt thông tin của Bắc Kinh, rằng chỉ có minh bạch và tự do ngôn luận
mới cứu được họ. Vì không kiểm soát được vi-rút Corona, Bắc Kinh đang cố
kiểm soát vi-rút chính trị để bảo vệ giới lãnh đạo. Điều đó có nghĩa là
chính danh của Tập Cận Bình đang gặp nguy hiểm. Vậy làm thế nào để Việt
Nam tránh được con đường mòn của Trung Quốc và thoát khỏi nguy cơ?
Biến số khó lường
Khi
nói về Trung Quốc, chúng ta phải nghĩ đến Việt Nam. Khủng hoảng
Covid-19 làm bộc lộ sự bất lực của thể chế chính trị lỗi thời, với những
nút thắt làm tắc nghẽn dòng năng lượng như các khối u ác tính. Ông Trần
Quốc Vượng có lý khi nói (2/12/2019) “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp
đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai
xâm lược mình… Chẳng ai lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta
lật đổ ta thôi”.
Năng
lực xử lý khủng hoảng của Việt Nam vẫn yếu vì thể chế lỗi thời và quản
trị kém. Hiện nay, khách Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam không cần visa
nên rất rủi ro. Sau bùng phát Covid-19 và sau khi WHO tuyên bố tình
trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu, Việt Nam buộc phải hạn chế nhập cảnh,
tuy chưa tuyên bố đóng cửa biên giới với Trung Quốc (như Nga và Triều
Tiên) vì sợ làm mất lòng Trung Quốc và đình trệ xuất khẩu qua biên giới.
Sau
Tết càng rủi ro vì có nhiều lễ hội truyền thống, làm người dân ham vui
chơi và các công ty du lịch ham kinh doanh, nên có thể “trên bảo dưới
không nghe”. Từ sau Tết Nguyên Đán, học sinh được nghỉ học tiếp đến hết
tháng hai. Nếu Bộ Giáo Dục định cho học sinh đi học trở lại vào ngày 2/3
là một quyết định rất rủi ro. Tình trạng Covid-19 lây lan nhanh với
nguy cơ bùng phát ở Hàn Quốc là một cảnh báo cho Việt Nam về rủi ro tiềm
ẩn.
Trong
bối cảnh phải đối phó với sức ép từ hai phía, Chính phủ Việt Nam “tiến
thoái lưỡng nan” (như “catch-22”), nhưng cần quyết đoán để thoát hiểm.
Việc hạn chế hay đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch lây lan, hay mở
cửa vì sức ép của Trung Quốc và cộng đồng doanh nghiệp, là một quyết
định rất khó khăn. Tình trạng khan hiếm khẩu trang là một ví dụ Việt Nam
có thể đối phó thế nào với khủng hoảng Covid-19 và nạn ô nhiễm không
khí.
Việt
Nam buộc phải phong tỏa một số địa điểm (như ở Vĩnh Phúc) và dừng một
số hoạt động (như du lịch và giáo dục). Theo các chuyên gia kinh tế, GDP
của Việt Nam năm 2020 sẽ giảm ít nhất 0,4% (còn 6%), vì phụ thuộc nhiều
vào Trung Quốc. Du lịch chiếm 7% GDP, nên sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất
bởi Covid-19 (dự kiến sẽ mất 6-7 tỷ USD trong 3 tháng tới). Khách Trung
Quốc chiếm 1/3 tổng số khách du lịch, nên sẽ giảm ít nhất là 90%.
Theo
ông Akira Kawamoto (Project Syndicate, 12/2/2020) việc đóng cửa sẽ gây
sốc lớn cho chuỗi cung ứng toàn cầu tại châu Á. Về xuất khẩu, Đài Loan
sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, kế đến là Việt Nam, Malaysia, và Hàn Quốc.
Về du lịch, Thailand, Việt Nam, Singapore sẽ bị thiệt hại lớn nhất.
Nhưng ông cho rằng “chia sẻ thông tin với công chúng có thể hiệu quả
trong việc kiềm chế bùng phát, hơn là cách hạn chế tự do đi lại một cách
khắt khe”.
Có
người lo ngại dịch Covid-19 bùng phát làm “Đồng Tâm có thể bị lãng
quên” và “EVFTA có thể là câu chuyện của hành tinh khác”. Tuy lo ngại đó
phản ánh nguy cơ của Covid-19, nhưng chưa thấy hàm ý và quan hệ nhân
quả của các sự kiện đối với Việt Nam. Ngày 12/2/2020, 401 nghị sĩ EU đã
bỏ phiếu thuận cho EVFTA, với 192 phiếu chống, và 40 phiếu trắng. EVFTA
là cơ hội tốt để Việt Nam giảm phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Lời cuối
Tại
Trung Quốc, Covid-19 đã trở thành yếu tố thay đổi to lớn (a huge game
changer), biến “Giấc mơ Trung Quốc” thành cơn ác mộng Vũ Hán, báo hiệu
“màn chót” đang tới gần một sự suy xụp về kinh tế và chính trị. Tại Việt
Nam, biến cố Đồng Tâm được bồi tiếp bằng dịch Vũ Hán gây kinh hoàng như
“khủng hoảng kép”. Vô hình trung Covid-19 đang giúp Việt Nam một cơ hội
tốt và động lực mới để “thoát Trung”, như “hệ quả không định trước”.
Khi
Peter Navaro viết cuốn sách “Chết dưới tay Trung Quốc”, chắc ông không
biết có ngày Vũ Hán bị Covid-19 biến thành tử địa. Nay người dân Vũ Hán
và các nơi khác ở Trung Quốc đang trở thành nạn nhân của Covid-19. Đó là
điều mà Bắc Kinh tự chuốc lấy khi lãnh đạo của họ không xử lý được, để
dịch mới bùng phát và biến thành khủng hoảng lớn. Với ý nghĩa đó,
Covid-19 có “công lớn” làm cho người dân Trung Quốc đang tỉnh ngộ.
Không
biết khi nào thì Covid-19 sẽ được kiểm soát và lặng lẽ rút lui sau khi
gây tổn thất to lớn. Có thể vi-rút khác sẽ xuất hiện vì loài người đã
tàn phá và đảo lộn tự nhiên. Covid-19 còn làm cho các người ta hiểu rằng
muốn hoạch định kinh tế trong tương lai phải hiểu về dịch học. Trung
Quốc chắc sẽ không còn giống như trước, và khó có thể bịt được miệng
người dân. Đó là bước ngoặt khi “phẫn nộ vượt qua sợ hãi”, khi bác sỹ Lý
Văn Lượng đã nói lên một sự thật đơn giản trước khi chết: “Một xã hội
lành mạnh không nên chỉ có một tiếng nói”.
Nguyễn Quang Dy
Tham khảo:
1. The Wuhan Virus: How to Stay Safe, Laurie Garrett, Foreign Policy, January 25, 2020
2. Coronavirus Is a Disease of Chinese Autocracy, Minxin Pei, Project Syndicate, Jan 28, 2020
3. Coronavirus Spreads and the World Pays for China’s Dictatorship, Nicholas Kristof, New York Times, January 29, 2020
4. Xi’s one-man Rule Hamstrings Coronavirus Response, Katsuji Nakazawa, Nikkei Asian Review, January 30, 2020
5. Coronavirus Outbreak Highlights Cracks in Beijing’s Control, Lenora Chu, Christian Science Monitor, January 31, 2020
6. Weak and Undemocratic Governance is Dangerous for Your Health, Joshua Kurlantzick, Globalist, February 1, 2020
7. Coronavirus will hit global growth, Rana Foroohar, Financial Times, February 3, 2020.
8. Coronavirus Crisis Shows China’s Governance Failure, Li Yuan, NYT, February 4, 2020
9. The Geopolitics of Novel Coronavirus, George Friedman, Geopolitical Futures, Feb 4, 2020
10. Coronavirus economic impact: Australia could be among world’s hardest hit nations, Martin Farrer, Guardian, February 7, 2020).
11. China’s Leader Wages a War on Two Fronts: Viral and Political, Jeremy Page and Lingling Wei, Wall Street Journal, February 7, 2020
12. Coronavirus: what Xi fears most is Chinese turning on the Communist Party, Wang Xiangwei, South China Morning Post, February 8, 2020
13. Where’s Xi? China’s Leader Commands Coronavirus Fight From Safe Heights, Chris Buckley and Steven Lee Myers, New York Times, February 8, 2020
14. The coronavirus outbreak has exposed the deep flaws of Xi’s autocracy, Richard McGregor,
Guardian, February 9, 2020.
15. Coronavirus: China’s Chernobyl moment? Peter Frankopan, London Times, Feb 9, 2020
16. Viral Alarm: When Fury Overcomes Fear, Xu Zhangrun, China File, February 10, 2020
17. As Numbers Soar, Here’s Everything We Dont Know About the Coronavirus, James Palmer, Foreign Policy, February 12, 2020.
18. Economic Consequences of Coronavirus, Akira Kawamoto, Project Syndicate, Feb 12, 2020
19. A virus called Wuhan-400 causes outbreak in a Dean Koontz thriller from 1981, Kate Whitehead, South China Morning Post, February 13, 2020
20. Is Political Change Coming to China? Yuen Yuen Ang, Project Syndicate, Feb 14, 2020
21. Political carnage of China’s coronavirus outbreak is just beginning, Minxin Pei, Nikkei Asian Review, February 19, 2020
22. How the coronavirus crisis destroyed the Xi’s myth, Gordon Watts, Asia Times, Feb 19, 2020
23. China’s Leaders Obsessed With Secrecy, Frank Ching, YaleGlobal, February 20, 2020
24. How the Coronavirus Revealed Authoritarianisms Fatal Flaw, Zeynep Tufekci, Atlantic, February 22, 2020
25. Vietnam is set to lose billions of dollars due to coronavirus, and it's already feeling the impact of the deadly outbreak, Kate Taylor, Business Insider, Februảy 24, 2020,
26. Wall Street Is Finally Waking Up to the Damage Coronavirus Could Do, Neil Irwin, New York Times, February 25, 2020
27. Coronavirus là tai họa cho Trung Quốc năm 2020, Nguyễn Quang Dy, Viet-studies, February 3, 2020
(Viet - Studies)
Không có nhận xét nào