Với hàng ngàn trẻ Việt không khai
sinh, không quốc tịch ở Cambodia… thì nhận được bất cứ món quà gì cũng
đều mừng vui đón nhận – từ bộ đồng phục, sách đọc, tập vở, gói bánh đơn
sơ, những cục kẹo nhỏ bé…
Do
vậy, bên cạnh chương trình xây trường, mở lớp và hỗ trợ chương trình
dạy chữ quanh năm, Vidan Foundation cũng thường xuyên thăm viếng, tặng
quà cho các cháu khi ngân quỹ cho phép.
Từ
đầu năm 2020 đến nay, hai chuyến phát quà đã được tổ chức ở sáu địa
điểm trường lớp: Kor Ka’Ek, Anlung Raing, Pat Panday, Samaki, Ben-Van và
Peam Pro thuộc ba tỉnh Pursat, Kampong Chhnang và Prey Veng ở Cambodia.
Quà
gồm có: 250 bộ đồng phục, 500 phần quà (tập vở, bút mực, bút chì, bánh
kẹo…), và 100 cuốn sách tập đọc tiếng Việt. Cùng lúc, 3 tấn gạo đã được
phát cho 140 gia đình nghèo ở vùng Kandal.
Phát
quà cho trẻ em Việt ở Cambodia rất an tâm, vì đám nhỏ và cả phụ huynh
chưa bao giờ “khiếu nại” là quà ít… hay mấy tháng rồi mà chưa thấy tới
phiên được nhận quà. Người nhận lúc nào cũng vui.
Anh
chị em ViDan Foundation thì cũng vui lây song chỉ vui được phân nửa…
Bởi vì, ở những làng nổi khác chung quanh Biển Hồ, và vô số xóm lao động
nghèo nàn ở các tỉnh thành khác ở Cambodia: có vô số trẻ Việt vẫn chưa
được đồng hương ở hải ngoại biết đến và giúp đỡ.
Do
hiệp hội không có ngân quỹ dồi dào thường xuyên nên khi nào quỹ của hội
có tiền kha khá thì tổ chức phát quà cho các cháu. Có nhiều thì phát
nhiều nơi, các món quà “lớn hơn, nặng hơn” chút. Tiền không đủ phát đồng
loạt một lượt cho các trường, thì ưu tiên phát cho trường nào chưa được
nhận ở lần trước.
Món
quà lớn nhất, và cũng ý nghĩa nhất, là mái trường mới với người thầy
dạy chữ hằng ngày. Đó là những món quà ý nghĩa từ hàng trăm tấm lòng yêu
trẻ khắp nơi, đã được ViDan Foundation chuyển đến cho hơn 500 đứa trẻ
thuộc các gia đình người Việt “vô tổ quốc” ở Xứ Chùa Tháp từ năm 2013
đến nay.
Các
thầy cô giáo (tiếng Việt, tiếng Khmer) thiện nguyện hợp tác với VDF
chưa có ai tốt nghiệp bất cứ trường Sư Phạm nào, thậm chí có cô giáo (ở
Neak Leoung) vốn đã từng là một học sinh lớp thoát mù chữ ở ba mươi năm
trước đây. Nhưng với tất cả chữ nghĩa, kiến thức có được, và đặc biệt là
tấm lòng yêu trẻ vô bờ bến, những thầy cô này chấp nhận một công việc
hết sức khó khăn.
Với
khoản thù lao hết sức khiêm nhường, $150/tháng (không phải là “lương,”
vì VDF không dám bảo đảm sẽ có đủ đều đặn hằng tháng, dù chưa bị thiếu
tháng nào) các thầy cô vẫn hết lòng dạy dỗ các cháu. Những nhiệt tình và
hy sinh đó là một trong các động lực chính yếu giúp anh chị em VDF có
đủ nghị lực tiếp tục làm người “ăn xin từ thiện.” “Ăn xin lòng thương
trẻ” của những bà con đồng bào có cùng sự quan tâm và tình thương, để cố
gắng dành cho những đứa trẻ bất hạnh một may mắn vô cùng ý nghĩa: được
học chữ để biết đọc, biết viết.
Hàng
ngàn đứa trẻ đáng thương trong những thập niên qua, ở hiện tại, và
tương lai… sẽ không bao giờ có cơ hội, điều kiện để học cao hơn, thậm
chí bậc Trung Học cũng không thể có (vì không có giấy khai sinh hợp lệ)
song phải ráng học cho biết chữ – biết chữ để không bị người bản xứ
khinh dễ là “dzuồn dốt chữ.”
Điểm
rất đáng khích lệ là hầu hết các cháu bé ở đây, và cả cha mẹ các cháu,
dù chữ nghĩa rất hạn chế nhưng tất cả đều nói rất rành tiếng Việt, và
với nhiều tập tục, văn hóa sinh sống chẳng khác gì bà con đồng bào ở
trong nước.
Hoàn
cảnh của hàng ngàn đứa trẻ “vô tổ quốc” đã liên tục xảy ra từ nhiều
thập niên, và sẽ tiếp tục xảy ra cho đến khi có một giải pháp thích hợp,
tốt đẹp cho những gia đình “Vietnamese stateless” trên đất nước Xứ Chùa
Tháp. Hình ảnh những đứa trẻ kém may mắn ngày nay là hoàn cảnh của cha
mẹ chúng ở khoảng hai thập niên trước. Và nếu tình trạng thương tâm này
tiếp tục diễn ra, đó cũng sẽ là hình ảnh của đám con cháu những đứa trẻ
này ở những thập niên tới.
Chúng
ta không có điều kiện để hóa giải ngay vấn nạn này song những sự trợ
giúp khác nhau sẽ là niềm an ủi to lớn dành cho những thân phận Việt Nam
không có một quốc tịch một cuộc sống đáng sống, và một tương lai đáng
để trông chờ.
Xin cảm ơn tất cả quý thân hữu đã cùng nhau chia sẻ với các cháu, và gia đình.
Xin
cảm ơn nhà văn Tưởng Năng Tiến đã luôn nhiệt tình góp sức, và lần nào
cũng tự đài thọ chi phí di chuyển, cũng như đã tiếp tục tình nguyện đóng
góp thêm bằng cách giúp giải quyết những nhu cầu, chi phí bất ngờ trong
chuyến đi mà không cần hiệp hội hoàn trả lại.
Xin cho các cháu niềm tin vào tình người!
Xin cùng nhau tiếp tục góp một bàn tay nhân ái!
Trân trọng và hy vọng.
Nguyễn Công Bằng (VDF)
(VOA)
Không có nhận xét nào