Header Ads

  • Breaking News

    Mỹ xóa bỏ ưu đãi của WTO với nhiều nước đang phát triển sẽ ảnh hưởng VN như thế nào?

    Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) hôm 11/2/2020 thông báo thu hẹp danh sách các nước đang phát triển và kém phát triển, đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ xóa bỏ ưu đãi của WTO với nhiều nước, trong đó có Việt Nam. 
    Tổ chức Thương mại Thế giới WTO chào mừng Việt Nam gia nhập hồi năm 2007. (Ảnh minh họa)
     RFA hôm 12/2, có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, để tìm hiểu liệu quyết định này sẽ ảnh hưởng đến VN như thế nào?

    RFA: Thưa Tiến sĩ, vào ngày 11-2, USTR đã thu hẹp danh sách các nước đang phát triển và kém phát triển, trong đó có Việt Nam, để giảm ngưỡng kích hoạt các cuộc điều tra, liệu các nước này có gây tổn hại cho Mỹ vì trợ cấp xuất khẩu không công bằng hay không. Theo ông, việc này sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào?

    TS. Lê Đăng Doanh: Tôi rất lấy làm tiếc về quyết định này của phía Mỹ. Như vậy, phía Mỹ sẽ không còn dành các ưu đãi về thuế quan cho những quan hệ thương mại giữa phía Việt Nam và Hoa Kỳ. Và tôi hy vọng rằng, phía Việt Nam sẽ có những nỗ lực để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trên cơ sở hai bên cùng có lợi và tôi trọng lẫn nhau.

    RFA: USTR cho biết sửa đổi phương pháp xét tiêu chí nước đang phát triển là để điều tra thuế chống bán phá giá. Thưa ông lâu nay một số mặt hàng của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ từng bị Mỹ điều tra chống bán phá giá từ đó bị tác động mạnh như thuế biểu tăng; rồi cũng có trường hợp được bỏ thuế vì phía Mỹ không tìm ra bằng chứng được trợ giá từ chính phủ… Những vụ việc đó mang lại cho Việt Nam bài học gì?

    TS. Lê Đăng Doanh: Những vụ việc đó cho thấy Việt Nam cần phải kiểm soát rất kỹ càng, bởi vì trong tình hình cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, có nguy cơ một số công ty của Trung Quốc sẽ chuyển công đoạn lắp ráp sang phía Việt Nam. Thay vì họ có nhãn mác là ‘Made in China’ là sản xuất tại Trung Quốc, thì họ lại sẽ gắn nhãn mác là ‘Made in Vietnam’ và tránh được thuế quan. Đây là điều tôi rất mong phía chính phủ Việt Nam, sẽ tránh được, sẽ chứng minh được là phía Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ, cởi mở, chân thành với phía Hoa Kỳ, để không có những gian lận thương mại đó.

    RFA:Thưa Tiến sĩ có thể nói thêm là ngoài phía Mỹ thì Việt Nam cần phải làm gì để tránh việc bị điều tra chống bán phá giá từ các nước khác ạ?

    TS. Lê Đăng Doanh: Hiện nay tôi không nhớ rõ là có nước nào nữa không, nhưng việc điều tra chống bán phá giá có lẽ cũng là điều thường xuyên diễn ra trong quan hệ thương mại hiện nay. Vấn đề quan trọng của Việt Nam là sẽ phải tiếp tục đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ thương mại, để tránh phụ thuộc vào một cường quốc nào đó duy nhất. Và đấy là nỗ lực của Việt Nam để bảo đảm sự độc lập và đi đến sự thịnh vượng của nền kinh tế của Việt Nam, mà không phải trả giá về chủ quyền.

    RFA: Việt Nam đến nay cũng mong muốn Hoa Kỳ công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường để tránh những bất cập trong thương mại song phương; thế nhưng Hoa Kỳ vẫn chưa chính thức công nhận. Vậy Việt Nam cần làm gì tiếp để có thể đạt mục tiêu này?

    TS. Lê Đăng Doanh: Về mặt này thì đúng là hiện nay đang có khác biệt giữa Việt Nam và phía Mỹ về quan niệm về kinh tế thị trường. Việt Nam thì vẫn giữ việc kiểm soát giá một số mặt hàng như định giá về xăng dầu, giá điện và giá các mặt hàng về kết cấu hạ tầng. Và Việt Nam cũng sẽ tiếp tục các chính sách của mình hỗ trợ các mặt hàng như việc hỗ trợ về mặt kỹ thuật đối với các mặt hàng sản xuất mà Việt Nam có thế mạnh. Tôi nghĩ việc này hai bên cần phải tiếp tục trao đổi với nhau để có thể xích gần lại.

    Hôm nay thì Nghị Viện Châu Âu đã có thông qua Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam, tôi nghĩ đó là một bước tiến, cũng là một gợi ý, để cho thấy quá trình hội nhập của Việt Nam ngày càng được cộng đồng quốc tế thừa nhận.

    RFA: Như Tiến sĩ vừa nói, Châu Âu vừa phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA với VN, cũng như VN là một thành viên của WTO và tham gia những thỏa thuận mậu dịch tự do lớn; thế nhưng có nhận định việc tận dụng những thỏa thuận đó về phía Việt Nam vẫn còn giới hạn. Theo ông nguyên nhân vì đâu? Sắp tới đây VN cần có những cải thiện gì?

    TS. Lê Đăng Doanh: Đúng là Việt Nam cho đến nay đã ký kết 16 Hiệp định Thương mại Tự do, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng chưa tốt, bởi vì các doanh nghiệp của Việt Nam còn quá nhỏ và chưa liên kết lại được với nhau.

    Tôi nghĩ các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đẩy mạnh quá trình liên kết với nhau thành các doanh nghiệp đủ tầm cỡ, hiện đại. Và các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải mạnh dạng tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế, tức là tham gia vào chuỗi giá trị, trở thành một thành viên trong một công đoạn sản xuất của các tập đoàn nước ngoài. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đạt được các tiến bộ nhanh hơn, mạnh mẽ hơn về mặt công nghệ, cũng như mặt quản trị và về mặt tiếp cận thị trường.

    RFA: Tình hình dịch bệnh do COVID-19 gây nên đang tác động mạnh đến nhiều ngành kinh tế của VN; một trong những nguyên nhân có thể thấy là việc quá tập trung vào thị trường TQ. Nguyên tắc không ‘bỏ trứng vào chung 1 giỏ’ từng được nói đến nhiều; thế nhưng sao VN vẫn chưa thực hiện được?

    TS. Lê Đăng Doanh: Việt Nam thì đã có những nỗ lực, nhưng các thị trường khác đề ra các yêu cầu cao, và các doanh nghiệp Việt Nam thì chưa đáp ứng được, vì vậy cho nên Việt Nam vẫn tranh thủ cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc, và nhập khẩu từ Trung

    Quốc, bởi các nguyên vật liệu từ Trung Quốc được trợ giá nên giá rẻ hơn rất nhiều so với giá của các đối tác khác thí dụ như sợi, các nguyên liệu dệt may, da giầy… Đó là những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu rất nhiều từ Trung Quốc.

    RFA: Thưa ông, nhiều người cũng cho rằng, động thái vừa nói của Hoa Kỳ phản ánh sự thất vọng của chính quyền Mỹ khi các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ được hưởng các lợi ích thương mại ưu đãi của WTO, vì Trung Quốc và Ấn Độ được coi là một quốc gia đang phát triển. Vậy theo ông, Việt Nam đã bị ‘vạ lây’ hay thật sự giữa Mỹ và Việt Nam đã có sự không công bằng trong thỏa thuận của WTO?

    TS. Lê Đăng Doanh: Việc Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) quyết định như vậy là việc của phía Hoa Kỳ, tôi nghĩ Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục mối quan hệ trao đổi để có thể cải thiện được sự hiểu biết lẫn nhau, thông cảm lẫn nhau, và có thể đi đến những quyết định có lợi hơn cho phía Việt Nam. Tôi nghĩ phía Hoa Kỳ sẽ hợp tác với phía Việt Nam để đẩy mạnh mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, vì ông Ngoại Trưởng Hoa Kỳ đã có tuyên bố rằng, Hoa Kỳ rất quan tâm đến một nước Việt Nam độc lập và hùng cường.

    RFA: Xin cám ơn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã trả lời RFA hôm nay.

    TS. Lê Đăng Doanh: Xin cám ơn.
     
    (RFA) 

    Không có nhận xét nào