Hoa Kỳ sẽ bắt đầu coi năm cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc hoạt động tại Hoa Kỳ như các đại sứ quán nước ngoài.
Trung Quốc nằm trong những nước có nhiều hoạt động đe dọa đến tự do báo chí, theo tổ chức Phóng viên không biên giới |
Chính
quyền Tổng thống Donald Trump cho biết hôm 18/2 rằng, sẽ bắt đầu coi
năm cơ quan truyền thông lớn của nhà nước Trung Quốc đang hoạt động tại
Hoa Kỳ như các đại sứ quán nước ngoài. Theo đó, sẽ yêu cầu các cơ quan
này phải đăng ký nhân viên và tài sản với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Quan hệ Mỹ Trung
Quyết
định này sẽ áp dụng với Tân Hoa Xã, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu
Trung Quốc CCTV, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc, Trung Quốc Nhật báo
và Cơ quan phát triển Hai Tian Hoa Kỳ, Reuters dẫn lời các quan chức
giấu tên cho biết.
Trung
Quốc Nhật báo (China Daily) là nhật báo tiếng Anh của chính quyền Trung
Quốc, còn Cơ quan phát triển Hai Tian Hoa Kỳ phân phối Nhân dân Nhật
báo (People Daily), cơ quan báo chí chính thức của Trung ương Đảng Cộng
sản Trung Quốc.
Năm
cơ quan này khi hoạt động tại Hoa Kỳ sẽ phải thông báo tên người quản
lý nhân sự, các quyết định tuyển dụng và sa thải và đăng ký tài sản mà
họ thuê hoặc mua tại Hoa Kỳ với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Trước khi thuê hoặc mua mới tài sản tại Hoa Kỳ, các cơ quan này cũng phài có sự chấp thuận của Hoa Kỳ.
Hai
quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao nước Hoa Kỳ nói với Reuters rằng,
quyết định này được đưa ra vì Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát hệ
thống truyền thông của họ, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tăng
cường việc sử dụng các phương tiện truyền thông để tuyên truyền cho các
chính sách của Bắc Kinh.
Theo
đó, trong suốt thời gian nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã tăng cường kiểm
soát với cả nội dung và chính sách biên tập, và các phương tiện truyền
thông nhà nước Trung Quốc trên thực tế cũng là những vũ khí tuyên truyền
của Đảng Cộng sản nước này.
Một bộ phận của cỗ máy tuyên truyền
tTheo
New York Times, chính phủ Hoa Kỳ đã áp dụng Luật Đăng ký là đại diện
của nước ngoài với một số cơ quan truyền thông, mà theo đó, yêu cầu bất
kỳ ai vận động thay mặt chính phủ nước ngoài phải thường xuyên nộp báo
cáo về hoạt động của họ cho Bộ Tư pháp.
Và
để đáp trả sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016, chính quyền
Hoa Kỳ đã buộc các bộ phận của bộ máy tuyên truyền chính thức của Trung
Quốc phải đăng ký, trong đó, CGTN, kênh tiếng Anh của Đài truyền hình
trung ương Trung Quốc, phải đăng ký vào đầu năm ngoái; còn Trung Quốc
Nhật báo đã được đăng ký từ năm 1983.
Với
quy định mới này, các cơ quan truyền thông được xem là bộ phận của các
cơ quan ngoại giao Trung Quốc, hoạt động theo Luật về các cơ quan đại
diện nước ngoài, ban hành năm 1982.
Tờ
Guardian dẫn lời một quan chức dấu tên nói rằng, "Không nghi ngờ gì nữa
rằng, năm cơ quan này là một bộ phận của bộ máy tuyên truyền nhà nước
[Trung Quốc] và họ nhận lệnh trực tiếp từ giới chóp bu lãnh đạo.''
"Tất
cả chúng ta đều biết rằng các cơ quan này do nhà nước kiểm soát, nhưng
sự kiểm soát đó trở nên chặt chẽ hơn theo thời gian, và trở nên khắc
nghiệt hơn rất nhiều", ông nói.
Quan
chức này lưu ý rằng Trung Quốc có thể có hành động trả đũa nhưng nói
rằng, các nhà báo Trung Quốc ở Hoa Kỳ được hoạt động trong môi trường
báo chí tự do nơi đây. Trong khi đó, các nhà báo phương Tây khi đến
Trung Quốc đưa tin, viết bài, họ phải chịu rất nhiều hạn chế nghiêm
trọng trong tác nghiệp.
Cuộc chiến truyền thông của Trung Quốc
Chính
quyền Donald Trump gần đây gia tăng áp lực lên Trung Quốc với một loạt
các lĩnh vực, từ áp thuế trong cuộc thương chiến, đến chỉ trích mạnh mẽ
hệ thống trại cải tạo của Bắc Kinh ở Tân Cương.
Trong
chiến lược đặt ra các ưu tiên an ninh quốc gia vào tháng 12/2017, chính
quyền Trump cảnh báo rằng, các đối thủ của Hoa Kỳ sẽ ngày càng sử dụng
các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông để cố làm
mất uy tín của nền dân chủ.
Ngay
tại Hoa Kỳ, Trung Quốc đã thuê người bản xứ sản xuất các ấn phẩm,
chương trình truyền hình bằng tiếng Anh theo hướng chuyên nghiệp, tránh
các chủ đề nhạy cảm một cách khéo léo.
Một
nghiên cứu gần đây của Freedom House - một viện nghiên cứu của Mỹ -
phát hiện ra rằng Trung Quốc đã tìm cách đẩy mạnh thông điệp của họ,
nhấn mạnh mối đe dọa khủng bố từ người Duy Ngô Nhĩ và lặp đi lặp lại
những khẳng định rằng những người biểu tình ủng hộ dân chủ lớn ở Hong
Kong vũ trang bằng vũ khí.
Nghiên
cứu cho biết, Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đã tăng chi tiêu tại Hoa
Kỳ, từ con số 500 ngàn đô la trong nửa đầu năm 2009 lên hơn 5 triệu đô
la trong nửa cuối năm 2019.
Còn
tại các nước đang phát triển, Trung Quốc đã mở rộng nhanh chóng sự hiện
diện của truyền thông nước này bằng cách cung cấp các chương trình
truyền hình, nhằm tăng cường ảnh hưởng của họ.
Chẳng
hạn, ở Nam và Trung Á, nghiên cứu "Chính sách đối ngoại Con đường Tơ
lụa" do AidData phối hợp với Viện Chính sách Xã hội châu Á và Trung tâm
Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) thực hiện, công bố tháng 12/2019
cho thấy, Bắc Kinh đã tìm cách gây ảnh hưởng bằng truyền thông qua hai
con đường, mở rộng các hoạt động phát sóng quốc tế và xây dựng quan hệ
tốt với các nhà báo và cơ quan truyền thông nước ngoài.
Theo
đó, mục tiêu chính của nỗ lực này thoạt đầu để xây dựng hình ảnh Trung
Quốc là một đối tác đáng tin cậy, nhưng sau đó lại được sử dụng để kêu
gọi ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về Tây Tạng và Đài Loan.
"Trung
Quốc đã chi 9 tỉ Mỹ kim trong năm 2009 để xây dựng mạng lưới xuất bản
và phát sóng quốc tế, với phần lớn số tiền dành cho Đài phát thanh Quốc
tế Trung Quốc (CRI)", báo cáo của nghiên cứu này cho hay.
(BBC)
Không có nhận xét nào