Header Ads

  • Breaking News

    Mỹ - Ấn Độ tăng cường hợp tác để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc

    Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi « đáp lễ » tổng thống Mỹ Donald Trump bằng buổi lễ đón tiếp long trọng, hoành tráng tại thành phố quê hương Ahmedabad với chi phí lên đến 14,5 triệu euro chỉ cho ba tiếng xuất hiện của ông Trump. Đối với chủ nhân Nhà Trắng, chuyến công du hai ngày là cơ hội để Mỹ xích lại gần hơn với một đồng minh chiến lược tại châu Á nhằm làm đối trọng với Trung Quốc.

    Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (áo mầu sáng) đón tiếp tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay Sardar Vallabhbhai Patel, ở Ahmedabad, ngày 24/02/2020
    Cả thủ tướng Modi và tổng thống Trump đều nổi tiếng theo khuynh hướng bảo hộ, nhưng biết cách duy trì « mối quan hệ thân thiết » riêng. Ông Modi thực hiện chính sách « Make in India » (Sản xuất tại Ấn Độ), trong khi ngay từ khi tranh cử tổng thống, ông Donald Trump đã quảng bá cho « America First » (Nước Mỹ trên hết). Tuy nhiên, dường như hai nhà lãnh đạo sẵn sàng tạm gác một số bất đồng để tăng cường hợp tác kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, thông qua hợp tác an ninh và thương mại.

    Thực vậy, theo nhận định với RFI của nhà nghiên cứu Aparna Pande, thuộc Viện Hudson tại Washington, « Với Ấn Độ, Hoa Kỳ sẽ có một đồng minh lớn với quân đội hùng hậu và nền kinh tế tiềm tàng ». Ấn Độ « là nước có cùng quy mô dân số, lại nằm sát biên giới với Trung Quốc, có quân đội thực sự và luôn coi Trung Quốc là một đối thủ, từng bại trận trước Trung Quốc, và điều đó khiến lực lượng sĩ quan Ấn Độ luôn đề phòng và coi Trung Quốc như một mối đe dọa cho chính lãnh thổ của họ ».

    Để tăng cường sức mạnh quân sự, Ấn Độ không ngừng mua vũ khí, đặc biệt là hợp đồng khoảng 5 tỉ đô la với Nga. Và dường như để tái cân bằng, Ấn Độ cũng hứa mua 2,6 tỉ đô la trang thiết bị quân sự của Mỹ, trong đó có 24 máy bay trực thăng của nhà sản xuất Lockheed Martin. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể bán cho Ấn Độ hệ thống radar, hệ thống tên lửa phòng không, cũng như nhiều loại vũ khí khác với trị giá lên đến khoảng 1,8 tỉ đô la. Washington tìm cách trở thành một trong những nhà cung cấp vũ khí chính của New Delhi.

    Chính tổng thống Donald Trump từ năm 2017 là người thúc đẩy chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương « rộng mở và tự do, dựa trên luật pháp quốc tế » nhằm bổ sung cho chính sách của Hoa Kỳ ở châu Á, đặc biệt là nhằm khống chế các mối đe dọa từ Trung Quốc, trong đó có các hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông. Để khẳng định là một nhân tố không thể thiếu trong khu vực, New Delhi cũng thông báo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương riêng vào tháng 01/2020, trong đó Ấn Độ trở thành trung tâm.

    Đối với Washington, Ấn Độ không chỉ là một đối tác ngoại giao và quân sự, mà còn là một trong những thị trường lớn trên thế giới. Chinh phục được thị trường Ấn Độ còn là cơ hội cho Mỹ tránh quá phụ thuộc vào Trung Quốc, thậm chí vượt qua Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ.

    Tuy nhiên, giống như tổng thống Trump, thủ tướng Modi thực hiện chính sách bảo hộ. Vì lý do tăng trưởng giảm, tại thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11/2019 ở Thái Lan, Ấn Độ thông báo rời thỏa thuận thương mại RCEP do lo ngại hàng hóa Trung Quốc tràn vào thị trường nước này.

    Cũng vì bảo hộ sản xuất trong nước, chính phủ Ấn Độ tăng thuế một số mặt hàng Mỹ trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thiết bị y tế, thương mại điện tử… khiến quan hệ song phương trở nên căng thẳng hơn từ năm 2019. Dù quy mô không lớn như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhưng chính quyền New Delhi và Washington vẫn chưa giải quyết được những bất đồng trước chuyến công du của tổng thống Trump, cho dù chủ nhân Nhà Trắng trấn an rằng ông « không vội ».

    AFP cho biết, tại New Delhi, ông tỏ ra « lạc quan » « sẽ ký được nhiều hợp đồng thương mại rất quan trọng, trong số những hợp đồng quan trọng nhất chưa từng được ký kết » nhằm giảm bớt rào cản thuế quan liên quan đến đầu tư giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ. Có lẽ hai nguyên thủ sẽ có một số nhân nhượng để tăng cường hợp tác song phương và hình thành một liên minh chặt chẽ hơn để đối phó với sức mạnh và ảnh hưởng của đối thủ chung là Trung Quốc.

    (RFI) 

    Không có nhận xét nào