“Làm việc tại trại giam Việt Nam thì ra thế này cũng phải”.
Một
số người đã bình luận như vậy về một viên công an Lê Quốc Tuấn ở thành
phố Hồ Chí Minh, người bị tình nghi bắn chết bốn người tại một sới bạc ở
Củ Chi. Anh này đồng thời cũng là nghi phạm trong một vụ giết người
bằng súng để cướp xe ở gần đó.
Nhiều
người đồng tình cho rằng giới hành nghề “công an” tại Việt Nam bao giờ
cũng nghĩ đến chuyện dùng vũ lực; số khác phản đối cho rằng những kiểu
chụp mũ này vơ đũa cả nắm và thiếu những luận chứng xác thực. Song dù gì
đi chăng nữa, nhận định này gợi ý cho một đề tài nghiên cứu khá thú vị
và cần thiết: Liệu môi trường nghiệp vụ của giới cảnh sát – công an có
làm cho tính khí con người trở nên hung hăng hơn?
Bài
viết ngắn ngủi dưới đây hiển nhiên không nhằm mục tiêu nghiên cứu chi
tiết tác động của môi trường đến tính cách và xu hướng bạo lực của công
an tại Việt Nam. Một nghiên cứu tham vọng như vậy cần nhiều thời gian và
“quyết tâm chính trị”. Mục tiêu chủ yếu, thay vào đó, là nhằm giới
thiệu, tổng hợp những kiến thức sẵn có của thế giới về tác động của môi
trường làm việc đối với tính cách của các cảnh sát viên – công an viên,
từ đó giới thiệu nền tảng cho các nghiên cứu trong tương lai về tình
hình tại Việt Nam.
Kiểu đào tạo “tiền trảm hậu tấu”
Trước
tiên, cần khẳng định rằng việc cảnh sát, công an có xu hướng ưu tiên sử
dụng các biện pháp vũ lực thường xuyên không phải chỉ là một vấn đề tại
Việt Nam.
Ở
Mỹ hồi năm 2014 có một vụ thế này: Anh thanh niên da đen John Crawford,
đang vừa nói chuyện điện thoại với bạn gái vừa xem thử một khẩu súng
hơi (BB gun, loại súng chỉ bắn đạn bi, không quá nguy hiểm), thì bị cảnh
sát bắn chết. Báo chí và các chính trị gia lập tức xoáy vào bàn luận về
khía cạnh xung đột và định kiến sắc tộc vốn đang còn tồn tại trong xã
hội Mỹ. Nhưng một số người khác thì quan tâm tới một khía cạnh khác, ít
người để ý: chương trình đào tạo cảnh sát.
Cây
bút Joshua Holland trên tờ The Nation cho biết, chỉ hai tuần trước khi
bắn hạ Crawford một cách nhanh gọn như đã kể ở trên, viên cảnh sát đã
được đào tạo về phương pháp “tiền trảm hậu tấu” (shooting first and
asking questions later) trong một chương trình xử lý tình huống với
những kẻ đối đầu với cảnh sát bằng súng. Chương trình đào tạo này nói
rằng đó là biện pháp tốt nhất. Họ được dạy luôn phải ghi nhớ rằng những
kẻ tấn công bằng súng luôn rất thích “đếm xác” (body count), vậy nên
cảnh sát cần can thiệp một cách “tốc độ, bất ngờ và tích cực chủ động”.
Trong
buổi tập dượt, những cảnh sát tham gia còn được yêu cầu tưởng tượng như
kẻ tấn công cầm súng đang đe dọa giết chết người thân của chính mình.
Và thật sự như vậy, người cảnh sát được cử đi đối phó với tình huống của
Crawford thực hiện đúng những gì anh ta được dạy: tiếp cận mục tiêu một
cách tốc độ, bất ngờ và tấn công tích cực chủ động. Camera anh ninh cho
thấy Crawford bị giết chỉ vài giây sau khi cảnh sát ập vào cửa tiệm, và
nạn nhân có lẽ không hề biết chuyện gì đang xảy ra trước khi bị bắn hạ.
Những
thông tin này khiến cho giới nghiên cứu buộc phải vào cuộc. Police
Executive Research Forum, một think tank có trụ sở tại Washington D.C.,
sau khi khảo sát 280 sở cảnh sát trên toàn nước Mỹ đã chứng minh những
gì cộng đồng lo ngại về chương trình đào tạo cảnh sát không phải là
thừa.
Trung
bình, một học viên cảnh sát tuần tra được đào tạo khoảng 129 tiếng về
các kỹ năng phòng vệ và kỹ năng tấn công, bao gồm sử dụng súng, baton,
súng điện và kích điện cũng như các loại công cụ xịt hơi cay. Học viên
sau đó dành 24 tiếng để được đào tạo về xử lý tình huống thực tiễn, như
khi nào sử dụng vũ lực hoặc các loại vũ khí chết người, khi nào không
nên sử dụng. Với 48 tiếng còn lại, người này sẽ được dạy về Luật Hiến
pháp Hoa Kỳ, các án lệ liên quan và cẩm nang chính sách sử dụng vũ lực
riêng biệt của từng sở, phòng cảnh sát. Chương trình nghiệp vụ này
thường sẽ kéo dài trong vòng một năm, chưa kể thời gian đào tạo chính
quy trong trường đại học hoặc cao đẳng khác.
Tuy
nhiên, theo Washington Post, trong một năm dài, học viên chỉ được đào
tạo vỏn vẹn tám tiếng cho các kỹ năng liên quan đến can thiệp khủng
hoảng, tiết chế căng thẳng và giảm thiểu khả năng sử dụng vũ lực của đối
tượng. Như vậy, trừ khi có sự cân nhắc chính trị và cân nhắc từ cơ quan
dân sự trong một số trường hợp mà Luật Khoa từng có cơ hội giới thiệu,
xu hướng sử dụng vũ lực một cách tự nhiên và thường xuyên trong giới
cảnh sát là có thật.
Những
thông tin nói trên là nền tảng để bắt đầu nghiên cứu tình hình Việt
Nam. Chương trình đào tạo của Học Viện Cảnh sát Nhân dân Việt Nam bao
gồm những gì? Chương trình nghiệp vụ của từng chuyên ngành nhất định ra
sau? Có bao nhiêu giờ, bao nhiêu tín chỉ dành cho các kỹ năng tiết chế
căng thẳng, can thiệp phi bạo lực trong tình huống khủng hoảng? Đây sẽ
là điểm xuất phát rất tốt để phân tích ảnh hưởng của môi trường làm việc
tới cách suy nghĩ của các công an hay cựu công an viên. Vì sao họ lại
suy nghĩ theo hướng “Tôi sẽ làm thế nào để khống chế đối tượng? Tôi nên
sử dụng súng, baton, roi điện hay các vật dụng phù hợp khác” mà ít khi
nghĩ rằng “Tình huống ở đây là gì? Làm sao tôi có thể tiết giảm căng
thẳng tinh thần của đối tượng để bảo đảm rằng không ai bị thương?”
Hiện
nay thông tin về chương trình đào tạo chính quy lẫn các chương trình
nghiệp vụ ngắn hạn giảng dạy cho công an viên tại Việt Nam không khác
gì… bí mật quốc gia, nên việc phổ biến và thực thi quyền tiếp cận thông
tin đối với những vấn đề này có lẽ sẽ cần phải được giải quyết đầu
tiên.
Biểu tình phản đối cảnh sát giết người ở Mỹ. Ảnh: affinitymagazine.us |
Tác động môi trường đến sức khỏe tâm lý của cảnh sát viên
Một
điểm thú vị khác, nhưng đáng tiếc, của hệ thống các nghiên cứu liên
quan đến xu hướng bạo lực của cảnh sát nói chung là sức khỏe tinh thần
và tâm lý của họ.
Tại
Vương quốc Anh, nghiên cứu của nhóm giáo sư Đại học Glasgow cho biết
môi trường làm việc của cảnh sát nước này có rất nhiều yếu tố gây căng
thẳng, khiến họ dễ mắc các chứng bệnh về tâm lý. Họ đồng thuận với nhau
rằng trong môi trường công việc kiểm soát trật tự, trị an, đối phó tội
phạm nói chung, cảnh sát không chỉ đối mặt với những tác nhân tâm lý
thông thường (như quan hệ với đồng nghiệp, vấn đề thăng tiến, áp lực từ
cấp trên…) mà còn phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm ảnh hưởng
nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng và sự ổn định tâm lý nói chung của
họ. Kết quả của nghiên cứu khẳng định môi trường làm việc này đều làm
tăng khả năng dẫn đến các chứng căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, tê liệt
cảm xúc và thậm chí ý định tự tử. Điều này phần nào lý giải cho các ứng
xử thiếu chuẩn mực và có tính vũ lực, hung hăng của một số cảnh sát
viên.
Không
dừng lại ở đó, một nghiên cứu được liệt vào dạng cổ điển của các nhà
nghiên cứu xã hội học Hà Lan cũng chỉ ra xu hướng gia tăng các vụ bạo
lực của cảnh sát ngoài giờ làm nhiệm vụ. Trong đó, nhóm ba nghiên cứu
viên Nicolien Kop, Martin Euwema và Wilmar Schaufeli chỉ ra nhiều đặc
tính đặc biệt mà những người hành nghề cảnh sát tại nước này hay gặp
phải, và giải thích rất cặn kẽ lý do của các hiện tượng này. Họ đặc biệt
chú ý đến khái niệm “occupational burnout”, một hiện tượng khiến cho
cảnh sát viên kiệt quệ về mặt xúc cảm, và có cái nhìn tiêu cực, nhẫn tâm
hay thậm chí cay độc với những người dân mà họ có nhiệm vụ bảo vệ.
Để
lý giải cho hiện tượng này, nhóm nghiên cứu cho rằng việc tiếp xúc
nhiều với tội phạm và những tiểu tiết phức tạp liên quan đến nhiều loại
hình tội phạm (và cả thủ tục hành chính) khiến cho giới cảnh sát mất dần
khả năng cảm thông và lòng trắc ẩn đối với công dân nói chung. Điều này
khiến cho chuẩn sử dụng vũ lực của người cảnh sát bị hạ xuống, vì họ
chỉ nhìn thấy các công dân, đồng loại của mình như những đối tượng và
vật thể hành chính phi nhân cách. Không chỉ vậy, kiệt quệ về mặt cảm xúc
và sức lực cũng sẽ khiến cho người cảnh sát không còn đủ minh mẫn hay
mong muốn tìm kiếm những phương án giải quyết mâu thuẫn và khủng hoảng
tích cực hơn, vốn đòi hỏi nỗ lực thỏa hiệp và hợp tác; mà thay vào đó là
các biện pháp vũ lực, áp chế, vốn nhanh chóng và mang lại hiệu quả ngắn
hạn nhiều hơn.
Với
thông tin của những nghiên cứu nêu trên, người viết tin rằng các tác
giả Việt Nam sẽ có một cơ sở lý luận sẵn sàng để bắt đầu tìm hiểu về yếu
tố gây nên áp lực công việc đối với ngành công an Việt Nam, hệ quả của
chúng đối với sức khỏe tâm lý của họ và tác động sau cùng lên tâm lý và
xu hướng sử dụng vũ lực của người trong ngành. Từ đó, chúng ta có thể
xây dựng được một bộ quy tắc hay tiêu chuẩn sức khỏe phù hợp nhằm giải
quyết vấn đề nói trên.
Việt Nam: Công an gây án không bị trừng phạt
Một
trong những yếu tố rất đáng nghiên cứu về xu hướng bạo lực và hung hăng
của cảnh sát nói chung, và đặc biệt là đối với giới công an Việt Nam,
là xu hướng “kiêu binh” của một bộ phận không nhỏ những người trong
ngành này. Đây chỉ là quan sát riêng của người viết và chưa được kiểm
chứng, không có cơ sở khoa học mạnh mẽ như những nội dung đã được trình
bày ở trên; song không phải không có lý do mà người viết nhắc đến yếu tố
này ở đây. Nói ngắn gọn, bộ máy thực thi pháp luật Việt Nam thường bỏ
qua những hành vi bạo lực phi pháp của công an, vô hình trung khuyến
khích họ sử dụng bạo lực.
Đã
có rất nhiều cái chết thương tâm xảy ra trong trại tạm giam, tạm giữ,
dưới thẩm quyền kiểm soát hoàn toàn của công an, nhưng trách nhiệm ít
khi được xác định rõ. Rất nhiều lần lý do tử vong được xác định là tự
treo cổ bằng dây nịt, bằng khăn tắm, bị bệnh… dù người nhà đều khẳng
định trên người nạn nhân có dấu hiệu thâm tím, dấu vết giằng co và bị
đánh đập. Không chỉ vậy, trong những vụ việc mà tình tiết tội phạm rõ
mười mươi dẫn đến hệ quả chết người, như vụ 5 công an viên tại Ninh
Thuận đánh một nạn nhân đến chết, họ cũng chỉ bị truy tố dưới tội danh
dùng nhục hình, và thủ phạm bị trừng phạt ở mức cao nhất chỉ ở mức bảy
năm tù, mức kịch khung cho tội danh nghiêm trọng (chứ không phải rất
nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng). Đấy là chưa kể đến hàng ngàn
cáo buộc tra tấn mỗi năm chưa từng khi được xem xét và giải quyết triệt
để. Theo người viết, hoàn toàn có khả năng sự dung túng nhất định của hệ
thống tư pháp đối với hành vi của giới công an viên nói chung đã góp
phần dẫn tới xu hướng bạo lực của họ.
Võ Văn Quản
(Luật Khoa)
Không có nhận xét nào