Mặt trái của những dự án Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa |
Nếu
có một nơi nào dọc theo Vành đai và Con đường được hưởng lợi từ sự hào
phòng của Trung Quốc, thì đó chính là Pakistan. Đất nước này được coi là
đồng minh duy nhất của Trung Quốc, một đối tác trên sườn Tây dễ bị tổn
thương của nước này, và cũng là nhân tố giúp Trung Quốc cân bằng lại Ấn
Độ. Trung Quốc đã trao cho các nhà khoa học Pakistan bí quyết và vật
liệu để chế tạo bom nguyên tử. Hai nước từ lâu đã lũ lượt đưa ra những
tuyên bố về một tình hữu nghị còn “cao hơn cả dãy Himalaya”. Vì vậy, mặc
dù việc cấp vốn cho các dự án BRI ở khắp nơi đã chậm lại trong năm qua
(xem biểu đồ), Pakistan dường như vẫn là nơi BRI cắm rễ một cách tự
nhiên.
Giá trị đầu tư và hợp đồng xây dựng của TQ trên toàn cầu.
Tuy
nhiên, tại trung tâm hội chợ triển lãm Karachi, nhân viên từ 120 công
ty Trung Quốc hiện đang có rất ít thành công khi họ đứng cầm các tài
liệu quảng cáo và thiết bị dịch thuật điện tử trong tay, chào mời mọi
thứ từ vòi nước, máy bơm, đến khung cửa sổ. Alex Hou, làm việc cho một
công ty ở tỉnh Chiết Giang chuyên bán phim nhựa PVC cho các nhà máy, cho
biết các quan chức Pakistan lẽ ra nên làm nhiều hơn nữa để quảng bá sự
kiện này. Nhìn rộng hơn, Pakistan là một bài học về cách Trung Quốc lóng
ngóng trong khía cạnh chính trị của chính sách đối ngoại hàng đầu của
mình như thế nào.
Khi
BRI ra đời năm 2013, nó cần một dự án tiêu biểu. Câu trả lời là Hành
lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), dự án mà Thủ tướng Trung Quốc
Lý Khắc Cường gọi là một chương trình kinh tế có tác động biến đổi “giúp
đưa người dân thoát khỏi chủ nghĩa tôn giáo cực đoan”.
Mọi
thứ có vẻ trùng hợp về mặt thời điểm. Năm 2013, một chính phủ dân sự
lên nắm quyền với mong muốn xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn và một
lời hứa khắc phục tình trạng mất điện tai tiếng ở Pakistan. Tổng vốn đầu
tư cho CPEC đã tăng từ 46 tỷ đô la lên hơn 60 tỷ đô la. Các kế hoạch đã
được soạn thảo cho các nhà máy điện, đường cao tốc, đường sắt và việc
phát triển một cảng biển tại Gwadar, một địa điểm trên bờ Biển Ả Rập mà
bộ trưởng kế hoạch Pakistan khoe là sẽ lấy Singapore “làm chuẩn”.
Tuy
nhiên, dù Trung Quốc đang giúp đặt nền tảng cho sự bùng nổ ở Pakistan,
họ lại không thể thiết lập được nền tảng chính trị trong khu vực. Đặc
biệt Ấn Độ rất lạnh lùng. (Họ vẫn chưa tham gia vào BRI.) Trong khi đó,
hành lang này đã gây ra sự phản đối từ những nhân vật diều hâu ở
Washington, DC. Kể từ năm 2017, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã
phát triển một luận điệu chỉ trích: CPEC được thúc đẩy trên hết bởi mục
tiêu chiến lược dài hạn của Trung Quốc nhằm liên kết khu vực viễn tây xa
xôi của nước này với Biển Ả Rập, tạo ra các tuyến năng lượng mới và để
phóng chiếu quyền lực của Trung Quốc vào khu vực Tây Ấn Độ Dương. Kế
hoạch này, theo Mỹ, sẽ khiến Pakistan rơi vào tình trạng nợ nần, ngập
tràn những dự án lãng phí, bị chia rẽ nội bộ và bị chi phối bởi Trung
Quốc.
Chính
phủ Trung Quốc cũng đã hiểu sai chính trị nội bộ của Pakistan, khi
Imran Khan và Đảng Phong trào vì Công lý Pakistan (PTI) của ông giành
được quyền lực nhờ vận động chống tham nhũng, bao gồm cả trong các dự án
CPEC. Chẳng bao lâu sau, một PTI thiếu kinh nghiệm đã phải đối mặt với
một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán toàn diện, một phần là do CPEC
gây ra khi làm nhu cầu trong nước lên cao, giá nội tệ và nhập khẩu tăng.
Năm 2018, bong bóng vỡ, đồng rupee của Pakistan trượt dốc và nền kinh
tế chậm lại. Ông Khan lại phải khăn gói đi xin Trung Quốc giúp đỡ với
các điều kiện kèm theo.
Trong
thực tế, CPEC luôn chỉ là một “hành lang” trên tên gọi, theo lời Andrew
Small thuộc German Marshall Fund Hoa Kỳ, một viện nghiên cứu chính sách
đặt tại Washington. Việc bơm dầu hoặc khí đốt chạy qua các đèo cao làm
tốn quá nhiều chi phí và không bao giờ được xem xét một cách nghiêm túc.
Nhưng cảng Gwadar có giá trị chiến lược trong tương lai đối với Trung
Quốc bất kể vùng nội địa phía sau nó như thế nào. CPEC có thể được hiểu
là một gói đầu tư về đường bộ, đường sắt và nhà máy điện, một số trong
số đó là hữu ích nhưng phần lớn sẽ không bao giờ thành công.
Có
quá nhiều lợi ích ràng buộc khiến Trung Quốc không thể từ bỏ CPEC.
Nhưng tham vọng đã giảm xuống. Chỉ những dự án đã được thỏa thuận mới có
khả năng được tiến hành, đáng chú ý nhất là một tuyến đường sắt trị giá
8 tỷ đô la nối Karachi và Peshawar mà chính phủ không đủ khả năng chi
trả. Tình hữu nghị son sắt sẽ tiếp tục, nhưng dù CPEC hứa hẹn sẽ đưa
tình hữu nghị đó lên một tầm cao mới, nó chỉ đơn giản là đang cho thấy
rõ những hạn chế của mối quan hệ đó.
Trường hợp Đông Nam Á
Đông
Nam Á từ lâu đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế Trung Quốc, không
chỉ vì 30 triệu Hoa Kiều sống ở đó, trong đó có nhiều người có nguồn
vốn và kỹ năng quản lý. Trong ngành điện tử và các lĩnh vực khác, các
nước ASEAN đều bị gắn chặt vào các chuỗi cung ứng tập trung vào Trung
Quốc. Ba phần năm lượng nhập khẩu máy tính cùng một phần ba mạch tích
hợp của Trung Quốc đến từ khu vực này. Trong 12 năm cho đến năm 2017,
đầu tư của Trung Quốc vào Đông Nam Á đã tăng gần 30 lần, đạt gần 40 tỷ
đô la.
Trong
lịch sử, Trung Quốc giao thoa với Đông Nam Á chủ yếu bằng đường biển.
Bây giờ điều đó đang thay đổi. Trong những năm gần đây, trọng tâm công
nghiệp của Trung Quốc đã chuyển từ khu vực duyên hải sang phía tây nam,
tập trung quanh Trùng Khánh và Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam. Ưu tiên
Vành đai của Trung Quốc là cải thiện vận tải xuyên biên giới. Điều này
phù hợp với mong muốn của ASEAN về hội nhập khu vực. Như những nơi khác,
cơ sở hạ tầng mềm vẫn tụt hậu, đặc biệt là ở khu vực biên giới. Do đó,
một tổ chức mới có tên Sáng kiến Kết nối Trùng Khánh đã được thành lập
cùng Singapore, nhằm xây dựng một nền tảng điện tử duy nhất để tăng tốc
độ thông quan.
Tuy
nhiên, sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại Đông Nam Á cũng
có cái giá của nó. Các dự án lớn, như đường sắt cao tốc đang được xây
dựng nối Côn Minh với Singapore, và các công trình thủy điện dọc theo
sông Mê Kông để xuất khẩu điện, đều có tầm quan trọng rất lớn đối với
ban lãnh đạo ở Bắc Kinh. Nhưng tham vọng xây dựng hành lang của Trung
Quốc không phải lúc nào cũng phù hợp với lợi ích của những người dân
sống dọc các hành lang này. Ở nước Lào nhỏ bé, nhiều dân làng đã bị di
dời nhường chỗ cho tuyến đường sắt và những con đập vốn mang lại rất ít
lợi ích cho họ.
Và
mặc dù hiếm khi nói một cách công khai, hầu hết các quốc gia ASEAN từ
lâu đã nhìn người hàng xóm khổng lồ phía bắc của họ với ánh mắt thận
trọng. Ngược lại, Campuchia, dưới tay Hun Sen, đã mở cửa đón chào Trung
Quốc. Đổi lại những món quà của Trung Quốc, Campuchia đã chứng tỏ là một
đồng minh trung thành, làm nản chí những nỗ lực của ASEAN nhằm chống
lại các yêu sách trên biển quá trớn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tác
động từ sự tham gia của Trung Quốc đối với Campuchia là vô cùng lớn và
nguy hiểm. Việc xây đập đe dọa nguồn cá dồi dào một thời của hồ Tonle
Sap, một hồ nước ngọt khổng lồ dựa vào nước lũ của Campuchia, nơi mang
lại sinh kế cho 1 triệu ngư dân. Những khu di tích Angkor Wat cổ kính
giờ đây mang lại cảm giác của một công viên giải trí Trung Quốc. Việc
thuê đất rừng của Trung Quốc giờ đang đe dọa đa dạng sinh học. Tham
nhũng và các dự án phát triển bất động sản của Trung Quốc tại thủ đô
Phnom Penh đều song hành với nhau. Các dự án của Trung Quốc sẽ làm tăng
lượng khí thải carbon của Campuchia lên 1/10. Và nền kinh tế đô la hóa
của Campuchia giúp chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc: trong số mười hãng
hàng không của nước này, hầu hết thuộc sở hữu của Trung Quốc và một số
hãng được coi là công cụ rửa tiền.
Tác
động của điều này đối với Campuchia có thể được nhìn thấy ở thành phố
biển Sihanoukville. Đây từng là một thành phố biển yên bình, được yêu
thích bởi các gia đình Campuchia muốn nghỉ mát và khách du lịch bụi
phương Tây. Rồi người Trung Quốc đến. Năm 2015, chính phủ Hun Sen đã xác
định thành phố này là một trong những dự án BRI hàng đầu ở Campuchia.
Đánh bạc dành cho người nước ngoài (người Campuchia không được phép
chơi) đã được hợp pháp hóa ở Sihanoukville, cả trực tuyến lẫn tại các
sòng bạc mới xây. Các công ty từ Trung Quốc đã được hoan nghênh. Khoảng
80.000 công nhân xây dựng, các nhà đầu tư, nhà điều hành sòng bạc và
khách du lịch Trung Quốc đã kéo đến.
Nhiều
tòa nhà đang được xây vội vã nhưng nhiều tòa hơn vẫn còn chưa hoàn
thành, và vào năm ngoái, một tòa nhà cao tầng bị sập, làm 28 công nhân
thiệt mạng. Hệ thống thoát nước của thành phố không thể đối phó với tình
hình mới. Maggie Eno, người điều hành trường M’Lop Tapang dành cho trẻ
em lang thang cơ nhỡ, chỉ cho chúng tôi thấy mưa lũ theo mùa đã biến
tầng trệt và sân chơi thành biển nước thải như thế nào. Các nhà thổ hoạt
động ngay cạnh các nhà tạm trên các công trường xây dựng. Xã hội đen
sát hại lẫn nhau trong các vụ thanh toán băng đảng, vứt xác nạn nhân ra
khỏi xe ô tô ngay giữa thành phố. Và các bãi biển Sihanoukville xếp lớp
rác thải nhựa từ cuộc xâm lăng của du khách Trung Quốc.
Có
lẽ điều tồi tệ nhất đã qua. Năm ngoái, chính phủ Campuchia cuối cùng đã
phản ứng với sự hỗn loạn này, cấm hầu hết hoạt động cờ bạc. Gần đây,
tại một trong những sòng bạc của thành phố, một quản đốc xây dựng của
Trung Quốc nói rằng anh ta đang cố gắng tận hưởng một lần cuối cùng
trước khi về nước. Bong bóng đã vỡ. Nhưng sẽ còn mất nhiều năm nữa trước
khi thành phố có thể phục hồi.
Biên dịch: Trần Hùng
(Nghiên cứu Quốc tế)
Không có nhận xét nào