Friday, January 10.

Header Ads

banner_Vietnam-4
  • Breaking News

    Ls Đỗ Thái Nhiên – Người Vũ Hán: "Một cổ đôi tròng"


    Chừng nào một người, một tập thể người bị rơi vào hoàn cảnh cùng một lúc phải gánh vác hai đại họa, người Việt Nam gọi người kia, tập thể kia đang lâm vào khổ nạn “Một cổ đôi tròng”. Câu chuyện người Vũ Hán và tình huống “một cổ đôi tròng” xin được trình bày như sau:
    image1
     Người Vũ Hán: "Một cổ đôi tròng"

    Cô Helen Chen, một du học sinh ở Úc và cũng là công dân của đất Vũ Hán, từ Úc trở về Trung Quốc để sum họp với gia đình nhân dịp Tết Canh Tý. Bất ngờ, Vũ Hán bị virus corona tấn công, thành phố này tức tưởi từ trần. Bên cạnh đau khổ do virus corona gây ra, người Vũ Hán còn bị loại virus thứ hai hành hạ, đó là “virus kỳ thị chủng tộc”. Ngày 26/01/2020, trên Facebook của mình, Helen Chen đã đưa ra lời tâm tình rằng:

    “Tôi là một trong hàng triệu người ở Vũ Hán, hiện đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhưng thật đau lòng biết bao khi nhìn thấy những bình luận nói rằng chúng tôi xứng đáng bị như thế.

    Đúng, có một số người thực sự kinh khủng và vô văn hóa, họ ăn bất cứ con gì biết đi và hoàn toàn coi thường các qui định về sức khỏe và an toàn. Nhưng số đông lại không như thế, những người còn lại như chúng tôi chỉ là những công dân bình thường và sống một cuộc sống cũng hết sức bình thường. Chúng tôi cũng vô cùng phẫn nộ và căm ghét những kẻ buôn bán động vật quý như bạn, hoặc thậm chí còn hơn bạn.”

    Ở một đoạn khác, Helen Chen viết:

    “Đến giờ, hầu hết tủ lạnh trong các gia đình ở đây vẫn còn đầy đủ thực phẩm được tích trữ để đón Tết, nhưng trong một tuần hoặc thậm chí chỉ vài ngày nữa, chúng tôi hết thức ăn thì sẽ ra sao? Bố mẹ tôi vừa trở về từ siêu thị và ở đó nhiều kệ hàng đã trống không. Giao thông công cộng bị ngừng hoàn toàn, từ hôm nay trở đi, các phương tiện không liên quan đến việc ngăn chặn virus corona cũng sẽ không được đi trên đường, không ai được phép rời khỏi Vũ Hán. Vì vậy, tôi muốn hỏi bạn, tất cả chúng tôi đều đáng bị như vậy hay sao?...

    Và tôi rất tiếc vì giờ đây virus đã lan sang các nước khác. Tôi thực sự xin lỗi vì điều đó, nhưng không phải tất cả người Trung Quốc đều là người xấu. Không phải tất cả chúng tôi đều ích kỷ, hám lợi và là những con người đáng ghê tởm. Tôi nghĩ rằng thật không công bằng khi chỉ vì hành vi tồi tệ của một số người mà bạn cho rằng tất cả chúng tôi đều đáng phải chịu đựng bệnh dịch này.”

    Câu chuyện của Helen Chen rất cảm động và rất thật. Làm thế nào để chúng ta có thể giải tiêu nạn kỳ thị kia. Muốn vậy chúng ta phải phân tích hai loại nguyên nhân trong hiện vụ.

    Nguyên nhân chính:

    Xuất phát từ tiền đề vật chất của chủ nghĩa duy vật, đảng cộng sản Trung Quốc đã tạo mọi điều kiện làm cho quyền lợi vật chất được đề cao trên toàn bộ sinh hoạt xã hội. Từ đó, nhân tính bị xem nhẹ, và cũng từ đó, vật tính chiến thắng nhân tính. Cuộc chiến thắng của “vật” đối với “nhân” sản sinh ra hai hậu quả:

    Hậu quả nhằm vào nội tình Trung Quốc:

    Văn hóa nhân văn bị lãng quên. Nhà tư tưởng Khổng Phu Tử bị CS Trung Quốc biến thành một ông lão đi làm công tác tình báo. Phần lớn quần chúng Hoa lục trở nên mê muội, ồn ào, gian dối, độc ác, huênh hoang, bẩn thỉu... Người Hoa ở Hoa lục “xuống cấp” bao nhiêu thì người Hoa Hồng Kông, Hoa Đài Loan văn minh và nhân bản bấy nhiêu.

    Hậu quả nhằm vào xã hội quốc tế:

    Chính phủ Trung Quốc hiên ngang xuất hiện trên diễn đàn quốc tế như một nhà cầm quyền thảo khấu. Trung Quốc cưỡng đoạt biển đảo của Việt Nam. Trung Quốc công khai mưu tính chiếm gần như toàn bộ biển Đông với yêu sách “đường lưỡi bò” hoàn toàn vô căn cứ và phi lý. Trung Quốc hung hăng xé bỏ phán quyết của Tòa án quốc tế The Hague ngày 12/7/2016. Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của cộng đồng thế giới. Trung Quốc thao túng tiền tệ tạo ra vấn nạn thương mãi không công bằng. Trung Quốc vận dụng thế lực mềm để đẩy các quốc gia nghèo rơi vào bẫy nợ. Trung Quốc phạm tội diệt chủng Tân Cương, Tây tạng...

    Nguyên nhân phụ:

    Hai hậu quả kể trên đã làm cho thế giới có cái nhìn về người Trung Quốc Hoa lục theo kiểu mà Helen Chen gọi là “phân biệt chủng tộc”. Nói cách khác nguyên nhân phụ, trong trường hợp này, hiển nhiên là hậu quả của nguyên nhân chính. Vì vậy, chỉ cần triệt tiêu nguyên nhân chính, nguyên nhân phụ tự nó sẽ biến mất, tệ nạn người Trung Quốc Hoa lục bị kỳ thị cũng biến mất như một hệ quả tất nhiên.

    Hãy suy nghĩ về một tỷ dụ luận: hai người say rượu tiến đến ẩu đả kịch liệt. Mâu thuẫn không nằm giữa hai người say. Mâu thuẫn nằm ở sự việc cả hai người đều bị men rượu tấn công và bị khống chế bởi men rượu. Giải tiêu men rượu. Lập tức cuộc ẩu đả chấm dứt.

    Tương tự như vậy, sự việc người Trung quốc bị kỳ thị, mâu thuẫn không là mâu thuẫn giữa người Trung Quốc và xã hội quốc tế. Mâu thuẫn thực sự là mâu thuẫn nhân tính và vật tính trong tim óc giới lãnh đạo Bắc Kinh, với sự nhấn mạnh vật đã thắng nhân.

    Không hề có mâu thuẫn giữa người với người. Chỉ có mâu thuẫn giữa nhân và vật tiềm ẩn ở mỗi người. Chừng nào có vật thắng nhân, chừng đó có va chạm giữa người với người. Chừng nào có men nhập, chừng đó có người say nói chuyện với nhau bằng tay chân.

    Trong tiếng Việt mỗi khi đề cập tới một người với sự chú ý đặc biệt, người Việt Nam thường dùng chữ NHÂN VẬT. Học và tu như thế nào để Nhân bao giờ cũng chế ngự được Vật, cũng sai khiến được vật, có như vậy, đời sống mới thực sự thái bình. Đây là một đề tài tư tưởng mà mỗi chúng ta cần suy nghĩ./.

    ĐỖ THÁI NHIÊN

    Không có nhận xét nào