Header Ads

  • Breaking News

    Kéo cờ rút khỏi EU, người ở Anh buồn hay là vui?

    Bác hàng xóm nhà tôi đã hoàn tất giấy tờ để đăng ký định cư tại Anh, sau 24 hay 25 năm gì đó - bác không nhớ rõ.
    Bản quyền hình ảnh KENZO TRIBOUILLARD Image caption Tiếng kèn Scotland đưa lá cờ Anh Quốc - Union Jack, ra khỏi trụ sở EU ở Brussels hôm 30/01. Vào 23 giờ đêm 31/01/2020, Anh chính thức tách ra hẳn hỏi cơ chế chính trị châu Âu, sau 47 năm 'hôn nhân'

    Tôi cũng tự hào giúp bác, một người sinh ra ở Zimbabwe, lên mạng, vào trang của Home Office (Bộ Nội vụ Anh) để đăng ký quyền định cư cho công dân EU.

    Chỉ riêng chuyện này đã cho thấy người ở Anh thời nay đa dạng ra sao.

    Bác Bram sinh ra ở châu Phi nhưng là người gốc xứ Friesland (vùng giáp Đức và Hà Lan), tổ tiên sang lập nghiệp ở Lục Địa Đen từ thế kỷ 18.

    Nay được gọi là dân Afrikaaner, họ gìn giữ ngôn ngữ (tiếng Dutch - Hà Lan cổ), và đạo Tin Lành hàng trăm năm nguyên vẹn giữa cái nóng của châu Phi.

    Đến khi bị người bản địa vùng lên tống cổ thực dân da trắng thì gia đình Bram về CH Nam Phi.

    Tiếp theo sau một cuộc cách mạng nữa, của Nelson Mandela xóa bỏ Apartheid thì họ nhận giấy tờ Hà Lan về để châu Âu sinh sống.

    Bác Bram sang Kent, vợ là người Anh rồi ở lại, lâu quá không nhớ là cần phải có giấy tờ gì thì mới được định cư vĩnh viễn.

    Câu chuyện xác định lại danh tính, địa chỉ cho mấy triệu dân EU tại Anh chỉ trở thành vấn đề sau Trưng cầu dân ý Brexit mùa hè 2016.

    Cuối năm đó, vài tháng sau trưng cầu dân ý, bà Emma, vợ bác Bram hoảng hốt chạy sang nhà tôi, hỏi vì sao chồng bà "có thể bị trục xuất khỏi Anh".

    Bản thân bà bỏ phiếu ủng hộ Brexit, và cứ nghĩ rằng "dân nhập cư cần mời khỏi Anh" là những nhóm khác cơ, từ Trung Đông, Bắc Phi vào đây, chứ không phải chồng bà.

    Cuối cùng thì bác Bram cũng nhận được giấy định cư ở Anh nhưng bác bảo tôi là "Thề không bao giờ xin nhập tịch Anh", vì rất ghét chính phủ này, gây phiền toái vớ vẩn.

    Đó cũng là một thái độ khác phổ biến: người ta yêu thích cuộc sống ở một nước mà không nhất thiết phải sùng bái chính quyền.

    Nói về Brexit, cũng phải kể là người nhập cư từ Ba Lan sang Anh khác đông, và có cả những người ủng hộ đảng Brexit của ông Nigel Farage.

    Bạn tôi, anh Henryk, từ Tomaszow Mazowiecki, Ba Lan sang London trước tôi, và tính ra ở Anh đã 25 năm.

    Đã nhập tịch Anh, Henryk khoe với tôi trong một lần mấy gia đình tụ tập làm barbeque trong vườn, rằng anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit.

    Vợ anh, Edyta, thì lại bỏ phiếu chống Brexit, và cả hai vẫn giữ hộ chiếu Ba Lan.

    Nhấc ly bia London Pride, Henryk nói anh "rất ghét Brussels, một thủ đô thiên tả, chỉ móc túi dân để chi tiêu cho tầng lớp tư bản đỏ, công chức lười nhác, không do ai bầu lên".

    Nói về quê hương cũ, Henryk tin rằng Ba Lan năm 1989 vứt bỏ mô hình Liên Xô để có tự do nên không thể lại bị trói buộc bởi Brussels, một dự án anh tin là do Berlin điều khiển.

    Edyta thì có cái nhìn thiết thực hơn, "Brussels hay Warsaw, London cãi nhau về chính trị vĩ mô gì cũng kệ".

    Hiện làm kế toán cho một công ty vận tải, chuyên kết nối châu Âu lục địa với các đảo Anh, cô lo ngại chuyện thiết thân là Brexit dễ làm tăng giá vận tải vì hàng rào biên giới.


    Doanh thu công ty xuống thì nhân viên dễ mất việc.

    Còn về cuộc sống, cô không quan tâm phái này phái nọ, và sống ở đâu cũng tốt nếu có việc làm, trẻ con đi học trường tốt.

    Sống ở Anh một thời gian bạn sẽ thấy vấn đề dân tộc, sắc tộc, văn hóa gốc trong những nhóm người xung quanh khá phức tạp, chứ không đơn giản.

    Các đồng nghiệp của tôi ở BBC, không ít là người gốc Đức, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, đều chia sẻ về Brexit, với các ý kiến khác nhau.

    Nhưng về cơ bản, giống như bác Bram và anh bạn Henryk, họ đều là người 'thế hệ 1' đến Anh, giống như tôi.

    Còn đặc biệt hơn phải kể đến nhóm người Irish, gốc hoặc từ Cộng hòa Ireland, hoặc từ Bắc Ireland thuộc Anh.

    Ông Brendan là một người như vậy.

    Gia đình ông sống ở Anh đã ba đời, nhưng vẫn giữ hộ chiếu Irish.

    Người Irish được ưu tiên đặc biệt là hệ thống công quyền của Anh (UK) có trách nhiệm phải lo giải quyết giấy tờ cho họ, từ hộ chiếu đến bằng lái xe.

    Sau Brexit, người CH Ireland vẫn hưởng đặc quyền sang sống vĩnh viễn ở Anh, nhưng dân Anh lại không có quyền sang Cộng hòa Ireland thuộc EU, để định cư tương tự.

    Đôi khi gặp nhau, chúng tôi uống trà, ăn bánh Scottish shortbread.

    Nhưng ngày lễ, uống chút brandy vào là ông Brendan chửi chính phủ London tới bến.

    Có vẻ tinh thần bài Anh tạo ra sự khác biệt Irishness mà ông gìn giữ dù với tôi, ông là người Anh chính gốc, chỉ có chút di sản Irish mà thôi.

    Lịch sử Anh chiếm đóng đảo Ireland để lại nhiều đau thương cho người Irish.

    Bù lại, Anh nay làm tất cả để "chuộc tội", nhưng chừng nào tượng Oliver Cromwell vẫn sừng sững trước trụ sở Nghị viện ở Điện Westminster, thì "hòa giải" hoàn toàn còn rất khó.

    Xin nhắc lại Cromwell, nhà lãnh đạo quân sự thời 'the Wars of the Three Kingdoms' đã gây ra thảm sát Drogheda khi đem quân Anh (English) đánh sang Ireland năm 1649.

    Trẻ con Ireland vẫn học về vụ đó cũng như về khởi nghĩa chống Anh để lập ra Free Irish State sau Thế Chiến I.

    Chủ nghĩa dân tộc Ireland đã giành độc lập cho họ, và nay, chủ nghĩa dân tộc Anh (English nationalism) đưa Anh ra khỏi EU.

    Trăm năm còn lại một giờ?

    Brexit xét cho cùng là một vấn đề lịch sử.

    Chyngyz Torekulovich Aytmatovcó cuốn 'Một ngày dài hơn thế kỷ' (1980) dự báo chuyển đổi lớn lao ở lục địa Âu - Á khi Liên Xô sụp đổ.

    Vài tuần vào một năm mới 2020 mà thế giới đã bao nhiêu chuyện mà không sách báo này bao quát hết được.

    Brexit tuy thế, phải coi là chuyện Một Ngày gói lại Nghìn Năm quan hệ Anh - châu Âu.

    Anh vào EU năm 1973, rồi quyết định ra năm 2016, và chính thức ra đêm nay, 31/01/2020.

    Sẽ không có tiếng chuông hân hoan chào đón 'Giờ Độc Lập' vì Chuông Big Ben đang sửa.

    Cuộc hôn nhân 47 năm kể cũng dài, nhưng so với lịch sử châu Âu và Anh thì quá ngắn.

    Tôi chỉ là người nhập cư sang Anh đã gần 30 tuổi, sau 11 năm sống ở châu Âu, nên chẳng dám nói là có được kết luận gì sâu sắc về Brexit.

    Nhưng qua câu chuyện ba gia đình tôi quen ở ngoại ô London ở trên, bạn thấy người châu Âu đã sống với nhau, gây chiến với nhau, yêu, ghét nhau qua nhiều thế kỷ.

    Một năm tôi sang châu Âu ít cũng 2-3 lần, nhiều là 5-6 lần thì thấy các nước châu Âu đều có khác biệt trong văn hóa độc đáo của họ.

    Thế nhưng điểm chung của họ vẫn nhiều hơn, sâu đậm hơn những gì gắn kết ASEAN chẳng hạn.

    Brexit hay không thì dân Âu sẽ vẫn còn sống cạnh nhau, cùng nhau hàng trăm, hàng nghìn năm nữa.

    Xét cho cùng quy luật muôn đời là hợp và tan, EU to đến mấy cũng phải thay đổi và còn thay đổi.

    Trong quá trình đó, yếu tố Anh sẽ vẫn có tác động trực tiếp, theo tôi, là thông qua cuộc sống của hàng triệu con người từ hai bên ở lẫn vào nhau.

    Ừ thì Anh ly hôn EU, nhưng vợ hay chồng cũ, gọi là 'ex' cũng chẳng "biến khỏi cuộc đời của bạn ngay đâu nhé", vì đàn con đông vẫn chia nhà, chia phòng.

    Chừng 1,2 triệu công dân Anh đang sống ở EU và 3,6 triệu dân EU, gồm cả người gốc Việt, đang sống và làm việc tại Anh.

    Về tác động gián tiếp thì khó nói lắm.

    Anh -EU gần nhau nên phải giao lưu kinh tế, chính trị, an ninh, quân sự trong nhiều năm, dù muốn hay không.

    Tất nhiên, đây là quan hệ khác, với những hệ quả chưa rõ ràng, khác khi còn chung một nhà.

    Những biến số đó khiến cho mới tương giao Anh - EU sau khi sang trang đêm nay trở nên khó dự đoán hơn rất nhiều.

    Nhưng khó biết, khó đoán, khó nói cũng là những gì đang diễn ra tại Hoa Kỳ, Trung Quốc, Việt Nam những ngày này, phải không các bạn?

    BBC News

    Không có nhận xét nào