Header Ads

  • Breaking News

    GS. Phạm Quý Thọ - Việt Nam: Chính phủ có ‘tự diễn biến’?

    Năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa tổ chức đánh dấu 90 năm ngày thành lập. Nhìn lại, lịch sử lãnh đạo của Đảng có thể khái quát thành hai thời kỳ khác biệt về tính chất: giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Một quá khứ chống xâm lăng hào hùng và một hiện tại ‘đổi mới’ nhiều trăn trở khi đất nước còn nghèo và tụt hậu.

    Hình minh họa. Các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng chụp hình nhân lễ bế mạc Đại hội Đảng 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016
    Sau hơn 30 năm ‘đổi mới’, thực tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường ‘định hướng XHCN’ đang đặt ra nhiệm vụ cải cách thể chế chính trị. Một trong những vấn đề cần ‘đột phá’ là cụ thể hoá mối quan hệ giữa Đảng và Chính phủ được quy định trong ‘Cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ’ vốn đã ra đời trước đổi mới, nay đã lạc hậu.

    ‘Tự diễn biến, tự chuyển hoá’ được Đảng nhận định đang đe doạ sự tồn vong của chế độ. Những gì diễn ra trên chính trường, về hiện tượng, ủng hộ suy luận rằng quá trình này có nguy cơ cao hơn từ phía các quan chức chính phủ. Liệu đây có là lý do Đảng tập trung quyền lực.

    Tuy nhiên, bản chất của sự việc không phải vậy.

    Phải làm rõ bản chất quá trình ‘tự diễn biến, tự chuyển hoá’ của lãnh đạo đảng viên mới hy vọng cải cách thể chế đúng hướng.

    Khởi đầu cải cách mạnh mẽ

    Trong những năm đầu tiến hành chính sách ‘đổi mới’, Đảng không trực tiếp điều hành kinh tế là một trong những giải pháp cải cách cần thiết.

    Chế độ tập trung quan liêu bao cấp lúc đó đẩy nền kinh tế trên bờ vực sụp đổ, khiến Đảng, một mặt, buộc phải xoá bỏ chế độ phân phối theo hiện vật, tem phiếu…

    Mặt khác, dần bỏ ràng buộc về chính sách và bộ máy để giải phóng các nguồn lực, đặc biệt là đất đai và lao động nông nghiệp…

    Khi Đảng không trực tiếp điều hành thì các ban của Đảng song trùng với bộ máy điều hành như Ban Nông nghiệp, Ban Công nghiệp… cũng được giải thể…

    Một loạt các cải cách không chỉ vực dậy nền kinh tế, mà còn giúp tăng trưởng GDP cao trên 7% trong suốt những năm 1990.

    Khi Đảng không trực tiếp điều hành thì vai trò của Chính phủ trở nên mạnh mẽ hơn.

    Trong giai đoạn này cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được nổi bật là người lãnh đạo quyết đoán với những giải pháp táo bạo, thực tế và có tầm nhìn.

    Đường dây 500 kw Bắc – Nam là một dấu ấn điều hành.

    Người kế nhiệm cố Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp tục chính sách đổi mới vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Ông được cho là vị lãnh đạo ôn hoà, biết lắng nghe ý kiến tham mưu.

    Tuy nhiên, Đảng cần một tính cách mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ. Đây là một trong những lý do khiến ông nghỉ hưu trước một năm khi nhiệm kỳ kết thúc.

    Sai lầm là do tập thể lãnh đạo

    Sai lầm chính sách là do nguyên tắc lãnh đạo tập thể của Đảng, nên không thể kỷ luật cá nhân.

    Điều đó xảy ra đối với nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người điều hành chính phủ hai nhiệm kỳ, Đại hội 10 và 11, từ năm 2006 đến đầu năm 2016.

    Ông được quy hoạch từ khá trẻ, vào Bộ Chính trị năm 49 tuổi. Với tính cách tự tin, mạnh mẽ và được cho là người kế nhiệm cần thiết.

    Các nhà quan sát đã từng bình luận rằng ông luôn thể hiện ‘quyết liệt’ trong phát biểu cũng như hành động, tạo ấn tượng về người lãnh đạo đổi mới đối trọng với bảo thủ.

    Trong nhiệm kỳ của ông chính sách tăng trưởng nóng vội dựa vào các tập đoàn kinh tế nhà nước là một sai lầm, được che đậy bởi ý thức hệ XHCN giáo điều, đi ngược lại nguyên tắc thị trường.

    Những hậu quả để lại là rất nghiêm trọng, không chỉ về kinh tế, tăng trưởng GDP giảm sút, mà còn là sự bất ổn thể chế.

    Như đã biết, tại Hội nghị Trung Ương 6 Khoá 11 năm 2014, Bộ chính trị, Ban bí thư đã nhận khuyết điểm ‘trước Ban chấp hành trung ương và nhân dân’ về chính sách sai lầm, quản lý yếu kém. ‘Đồng chí X’, cách gọi tránh nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được cho là trực tiếp điều hành phải chịu trách nhiệm. Bộ chính trị nhất trí và trình ra Ban chấp hành trung ương, nhưng đã không nhận được đồng thuận.

    Hơn thế, ông Dũng không những không bị kỷ luật, mà còn tiếp tục được ‘tín nhiệm cao’ cho đến Đại hội 12 của Đảng.

    David Brown, nhà bình luận chính trị quốc tế về vấn đề VN đã cho rằng "ông Dũng không phải là người nguy hiểm nhất vì ông đã xây dựng quyền lực của ông dựa trên chủ nghĩa tư bản thân hữu, nhưng vì ông thiếu sự tôn trọng các tổ chức của đảng…”.

    Đây là một ‘rạn nứt’ thể chế, cụ thể là quan hệ giữa đảng lãnh đạo và chính phủ điều hành.

    Đảng cảnh giác nguy cơ

    ‘Biến cố’ trên là nghiêm trọng. Đảng nhận định nguyên nhân là ‘tự diễn biến, tự chuyển hoá’ của cán bộ đảng. Hơn thế, có nguy cơ cao từ phía chính phủ.

    Trong nhiệm kỳ Đại hội 12, ‘Chính phủ kiến tạo’ là mô hình điều hành khác trước. Dựa trên chủ nghĩa thực dụng các chính sách kinh tế được thực thi. Khuyến khích khởi nghiệp và tự do kinh doanh, tạo sức ép lên bộ máy hành chính bộ ngành và địa phương, gỡ bỏ rào cản pháp luật… là những đặc điểm nổi bật.

    Trong bối cảnh trong nước quốc tế phức tạp, chứa đựng rủi ro mà nền kinh tế ba năm liền 2017-2019 đạt kết quả tăng GDP cao, trên 7%, là một thực tế ủng hộ ‘sáng kiến’ Chính phủ kiến tạo.

    Lo ngại rủi ro ‘tự diễn biến’, Đảng dành sự quan tâm đặc biệt đến Chính phủ. Liên tục trong ba năm của nhiệm kỳ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tham dự và chỉ đạo các Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước.

    Trong đó, cuối năm 2018, ông đã phát biểu rằng, tăng trưởng “… là thử thách! … Nếu sang năm GDP tụt xuống là các đồng chí phải chịu trách nhiệm, chí ít phải bằng, còn không thì phải hơn năm nay. Nếu không đạt, gần sát Đại hội có khi người ta không bầu nữa đâu...".

    Sự lưy ý về trách nhiệm người đứng đầu các cấp chính quyền cho thấy những lo ngại về rủi ro này.

    ‘Bề nổi của tảng băng trôi’

    ‘Tự diễn biến, tự chuyển hoá’ chỉ là bề nổi của tảng băng trôi, còn phần chìm của nó, nguyên nhân thực sự của bất ổn thể chế cần được hiểu đó là cải cách hệ thống chính trị, vốn đã bị níu kéo bởi ý thức hệ XHCN giáo điều, đã không theo kịp thực tế chuyển đổi sang thị trường.

    Chính phủ - cơ quan điều hành kinh tế, là một bộ phận hữu cơ do Đảng phân nhiệm, có ‘nguy cơ’ cao hơn về ‘tự diễn biến’ mà thôi. Các quan chức bộ máy chính quyền, được nắm giữ ưu thế so sánh so với cán bộ chuyên trách đảng, có đặc quyền trực tiếp phân bố các nguồn lực xã hội, tài sản công. Khi thiếu cơ chế giám sát quyền lực độc lập, hiệu quả, thì quyền lực bị tha hoá và sự chiếm đoạt diễn ra.

    Như vậy, thực tế đây là lỗi hệ thống, trong đó ‘một bộ phận không nhỏ’ lãnh đạo đảng viên, đã ‘tự diễn biến’, số còn lại đang và sẽ vẫn có nguy cơ cao, nếu không có cải cách thể chế đột phá trong quá trình chuyển đổi sang thị trường.
    Đặc trưng quan trọng

    Tình trạng tham nhũng đã trở nên nghiêm trọng trong xã hội ta hiện nay. Đặc trưng quan trọng, vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của tình hình này là sự lan rộng của ‘chủ nghĩa tư bản thân hữu’.

    Đó là hệ thống trong đó các chủ doanh nghiệp, thực chất là nhà tư bản, thu đặc lợi nhờ các chính trị gia đặc quyền.

    ‘Chủ nghĩa tư bản thân hữu’ là đặc trưng của các chế độ độc đảng cộng sản như Trung Quốc, và cũng đang diễn ra trong một số quốc gia hậu Xô Viết, trong đó có cả chế độ độc tài trong thực tế, nhưng được cải trang dưới hình thức một nền dân chủ.
    ‘Nhân dân làm chủ’

    ‘Nhân dân làm chủ’, một vế còn thiếu của cơ chế ‘Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý…’ cần phải là đột phá trong cải cách thể chế.

    Chuyển đổi càng sâu rộng sang thị trường đòi hỏi một thể chế dân chủ, hơn thế phải là dân chủ thực chất.

    Đảng tập trung quyền lực, như ‘công việc nội bộ’, để chống tham nhũng, như ‘ta đánh ta’. Nếu không dựa vào dân bằng cơ chế thích hợp, cụ thể và hiệu quả, thì quyền lực sẽ có nguy cơ lớn như Lord Acton đã cảnh báo.

    Nguy cơ một chế độ chuyên chế có thể được nguỵ trang dưới vỏ bọc nào, vẫn đang hiện hữu. Và một mô hình phát triển như vậy nhiều khả năng kết thúc thất bại.

    Trong công trình nghiên cứu nổi tiếng về thể chế “Tại sao các quốc gia thất bại”, đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam, của Daron Acemoglu và James Robinson có nhận định rằng, các xã hội có giới chóp bu độc quyền nắm giữ quyền và cơ hội tiếp cận của cải sẽ không thể tạo ra thịnh vượng lâu dài.

    Phải chăng đó là lời tiên tri.

    GS. Phạm Quý Thọ

    * Giáo Sư Phạm Quý Thọ là nguyên Trưởng khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Việt Nam. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

    (RFA)

    Không có nhận xét nào